Những câu chuyện nổi bật của làng mốt thế giới 2017

Những câu chuyện nổi bật của làng mốt thế giới 2017
(PLO) -Hàng loạt nhà thiết kế từ chức, "ông hoàng váy bó" Azzedine Alaia qua đời... là các mảnh ghép tạo nên bức tranh thời trang thế giới năm qua.

Show diễn đỉnh cao

Không phải Chanel với màn phóng tên lửa gây sốt, Versace, Saint Laurent và Off-White mới là ba nhà mốt có show diễn ấn tượng nhất năm. Cả ba đều có chung một cái đích: tưởng niệm và tôn vinh tình yêu với những huyền thoại.

Show Xuân Hè 2018 của Versace được tổ chức hồi tháng 9 có chủ đề tưởng nhớ người sáng lập ra nhà mốt - Gianni Versace - sau 20 năm qua đời. Ngoài giới thiệu bộ sưu tập lấy cảm hứng từ các thiết kế kinh điển của Gianni Versace, Donatella Versace còn mời các siêu mẫu nổi tiếng thập niên 1990 - Naomi Campbell, Cindy Crawford, Claudia Schiffer, Carla Bruni và Helena Christensen - tham gia. Harper's Bazaar đánh giá cảnh Donatella cầm tay các siêu mẫu trình diễn kết màn là một trong những khoảnh khắc khó quên trong năm. 

Sau nhiều năm cống hiến, kế thừa và nối tiếp sự thành công di sản mà người anh trai quá cố để lại, Donatella Versace nhận được giải thưởng "Biểu tượng thời trang 2017" do Hiệp hội Thời trang Anh trao tặng. 

Với Saint Laurent, giám đốc sáng tạo Anthony Vaccarello dành sự ngưỡng mộ tới mối tình của Yves Saint Laurent và Pierre Berge. Ngày 8/9, Pierre Berge - cựu giám đốc điều hành của Saint Laurent - qua đời tại quê nhà ở Saint-Remy-de-Provence, miền Nam nước Pháp. Ba tuần sau, Anthony Vaccarello ra mắt bộ sưu tập Xuân Hè 2018 ngay dưới chân tháp Eiffel. Lời thì thầm của Pierre Bergé mô tả tình yêu với người bạn đời Yves Saint Laurent - "Có lẽ đây là tình yêu điên dại, tình yêu giữa hai con người điên loạn" - được in trên tấm thiệp đặt trên hàng ghế ngồi trong show. Giữa quảng trường rợn ngợp với hàng nghìn bóng đèn lấp lánh trên tòa tháp Eiffel, lông đà điểu phấp phới trên váy áo và những đôi bốt cường điệu một cách kịch tính, Anthony Vaccarello nói: "Tôi muốn kể lại câu chuyện của Saint Laurent và Paris - không gì sâu sắc hơn thế".

7-1506657601-1200x0-8611-1513852131.jpg
3-1506657603-1200x0-4970-1513852131.jpg
6-1506657604-1200x0-3641-1513852131.jpg
1-1506657602-1200x0-3350-1513852131.jpg

Để kỷ niệm 20 năm ngày mất của công nương Diana, nhà thiết kế Virgil Abloh đem tới bộ sưu tập tái hiện phong cách thời trang của bà. Gu mặc của công nương Anh đã truyền cảm hứng bất tận cho làng mốt. Những bộ cánh bà mặc lúc sinh thời được tái hiện sắc nét. Tất cả đậm hơi thở của thời trang những năm 1980 với kiểu áo váy độn vai, cầu vai chờm ra phía ngoài, sơ mi bẻ cổ cao mặc kèm chân váy maxi ấn tượng, những bộ váy suit cổ điển... nhưng được làm mới về chất liệu. Bộ sưu tập chủ yếu gồm các thiết kế dáng cơ bản được cắt cúp hiện đại, mạnh mẽ nhưng vẫn giữ được vẻ thanh lịch, quý phái như phong cách của công nương Anh.

Cuộc chia ly tiếc nuối

Năm 2017 cũng là một năm biến động lớn về mặt nhân sự đứng đầu của các nhà mốt kỳ cựu. Cuộc chia tay được mô tả là đầy lưu luyến của Riccardo Tisci và Givenchy hôm 2/2 gây ra một cơn địa chấn trong làng thời trang Pháp. Sau 12 năm gắn bó, giám đốc sáng tạo của Givenchy, người từng xây dựng phong cách cho đế chế nhà Kardashian rời bỏ vị trí, đi tìm một giấc mơ khác. Báo giới quốc tế thay nhau đi tìm nguyên nhân của sự chia ly này. 

Theo New York Times, Givenchy chẳng còn gì cho Riccardo Tisci chinh phục. Khi nhà thiết kế tài năng đã đạt được cái mà anh mong muốn - giúp Givenchy trở thành đế chế hùng mạnh, sự ra đi để tìm kiếm một khởi đầu mới, một thách thức mới là điều tất yếu. Trong những năm tháng gắn bó với nhà mốt 64 tuổi đời, anh đem Gothic trộn với chất Pháp cổ điển và cảm xúc phong phú của bản thân, tạo nên một tấm áo mới cho Givenchy. New York Times bình luận dưới bàn tay của Tisci, cây thánh giá hay đầu lâu và cả những chiếc áo trắng bỗng trở thành kiệt tác.

Đầu tháng 11, giám đốc sáng tạo của Burberry - Christopher Bailey - bất ngờ thông báo từ chức sau 17 năm gắn bó. Christopher Bailey gia nhập Burberry từ năm 2001, nhưng đến tận năm 2009 ông mới đảm nhận vai trò giám đốc sáng tạo. Dưới thời của Bailey, Burberry được cải thiện về kinh doanh, áp dụng phương thức "See now, Buy now", tiên phong trong việc sử dụng công nghệ livestream trực tiếp show diễn năm 2009, trình chiếu các mẫu thiết kế trên Snapchat. 

Christopher Bailey vẫn giữ vị trí chủ tịch và giám đốc sáng tạo đến ngày 31/3/2018. Bộ sưu tập Xuân Hè 2018 ra mắt vào năm sau sẽ là những tác phẩm cuối cùng nhà thiết kế sinh năm 1971 dành cho nhà mốt nổi tiếng nước Anh.

Bên cạnh hai cái tên gây chú ý trên, hàng loạt nhà thiết kế tài năng khác cũng từ bỏ ngai vàng cũ để đi tìm chân trời mới. Clare Waight Keller chia tay nhà mốt Pháp Chloe sau sáu năm hợp tác để ngồi vào vị trí của Riccardo Tisci, chèo lái Givenchy. Bouchra Jarrar cũng gây sốc khi thông báo rời Lanvin chỉ sau 15 tháng tiếp quản từ người tiền nhiệm lâu năm Alber Elbaz. Jenna Lyons rời nhà mốt J.Crews hồi tháng 4 sau 26 năm gắn bó mật thiết. 

Shayne Oliver rời bỏ Hood by Air để đầu quân cho Helmut Lang. Là một thương hiệu trẻ do Shayne Oliver và Leilah Weinraub thành lập từ năm 2006, Hood by Air gây tiếng vang lớn tại tuần lễ thời trang New York bởi các thiết kế hoang dại, đột phá. Năm 2015, Hood by Air là thương hiệu được nhắc đến nhiều nhất trong làng mốt nước Mỹ. Show diễn của nhà mốt trở thành sự kiện bán cháy vé tại tuần thời trang của nước này. Sự ra đi của Shayne Oliver khiến thương hiệu phải tuyên bố dừng phát triển.

Giữa tháng 12, nhà thiết kế Jonathan Saunders từ chức giám đốc sáng tạo của thương hiệu Diane von Furstenberg sau 18 tháng làm việc. Phoebe Philo, người đứng đầu nhà mốt Pháp Celine, cũng được cho là sắp sửa ra đi khi đã có 10 năm cống hiến.

Raf Simons - 'vua' thiết kế 2017 

Những câu chuyện nổi bật của làng mốt thế giới 2017 ảnh 7

2017 là năm của Raf Simons khi ông ẵm loạt giải thưởng quan trọng. Chưa đầy một năm dẫn dắt Calvin Klein, ông làm nên lịch sử khi giành cú đúp "Nhà thiết kế thời trang nam của năm" và "Nhà thiết kế thời trang nữ của năm" tại CFDA 2017 - giải thưởng thường niên uy tín bậc nhất nhằm tôn vinh những nhân vật có cống hiến cho nền công nghiệp thời trang Mỹ. Đầu tháng 12, giám đốc sáng tạo của Calvin Klein tiếp tục được vinh danh là "Nhà thiết kế của năm" tại lễ trao giải British Fashion Awards của Hiệp hội Thời trang Anh, đánh dấu một năm gặt hái nhiều thành tựu nghệ thuật của nhà thiết kế người Bỉ.

Azzedine Alaia qua đời

Những câu chuyện nổi bật của làng mốt thế giới 2017 ảnh 8

Ngày 18/11, Azzedine Alaia - một trong những huyền thoại của làng thiết kế - qua đời ở tuổi 77. Sự ra đi của ông khiến ngành công nghiệp tiếc thương. Azzedine được mệnh danh là "ông vua đầm bó", từng giúp các tên tuổi như Naomi Campbell, Linda Evangelista và Cindy Crawford nổi tiếng trên thị trường quốc tế. Bộ sưu tập cuối cùng của Azzedine Alaia được giới thiệu hồi tháng 7, sau sáu năm gián đoạn. Naomi Campbell được chọn là gương mặt mở màn cho show diễn này.

Con gái siêu mẫu Cindy Crawford bắt đầu sự nghiệp người mẫu

Những câu chuyện nổi bật của làng mốt thế giới 2017 ảnh 9

2017 là năm đánh dấu Kaia Gerber  lần đầu lên sàn catwalk ở tuổi 16 trong show diễn của Calvin Klein ở New York Fashion Week. Sau đó, cô bé được mời diễn cho hàng loạt nhà mốt lớn như Saint Laurent, Versace, Miu Miu, Chanel, Valentino, Marc Jacobs, Prada, Moschino, Burberry... tại New York, London, Milan và Paris. Kaia được các tạp chí thời trang lớn đánh giá là thừa hưởng gen siêu mẫu từ mẹ.

Nhiều ý kiến trái chiều xảy ra khi Kaia càn quét show của các ông lớn khi còn trẻ. Bên cạnh sự ngưỡng mộ, một số ý kiến cho rằng Kaia Gerber chẳng có tài năng gì ngoài việc làm con của một siêu mẫu huyền thoại. Cindy Crawford cho biết cô từng nghĩ đến chuyện trì hoãn việc Kaia làm mẫu thêm một hay hai năm nữa. Song cô nghĩ rằng độ tuổi 16 là vừa đủ để Kaia bắt đầu với thời trang, nó là sự khởi đầu chung của phần lớn người mẫu trẻ. "Điều tuyệt vời nhất cho Kaia là ở thế giới mà con bé vừa bước vào, tôi là người am tường. Ngoài tôi ra, ai có thể thị phạm cho con tôi tốt hơn?".

Adwoah Aboah - người mẫu của năm

Những câu chuyện nổi bật của làng mốt thế giới 2017 ảnh 10

Vượt qua các gương mặt tiềm năng như Bella Hadid, Gigi Hadid, Winnie Harlow và Kaia Gerber, chân dài Adwoah Aboah bất ngờ giành giải "Người mẫu của năm 2017". Chân dài Anh sinh năm 1992 được đánh giá là tạo ra nhiều đột phá trong năm qua khi giành được nhiều hợp đồng quảng cáo, diễn catwalk từ các hãng lớn như Calvin Klein, Fendi, DKNY, Alexander Wang, Versus, Kenzo, Erdem... Adwoah cũng được mời chụp cho các tạp chí lớn như Vogue Mỹ, Italy và i-D. Hành trình bước vào làng mốt của Adwoa Aboah không bằng phẳng như Kaia Gerber hay Kendall Jenner. Cô có một quá khứ đầy khó khăn khi chìm trong nghiện ngập thuốc lắc và cần sa.

Hàng hoạt vụ quấy rối tình dục trong làng mẫu bị phanh phui

Tháng 10 vừa qua, người mẫu kiêm nhà hoạt động xã hội Cameron Russell đã mời những người đồng nghiệp kể về ký ức kinh hoàng của mình bằng cách ẩn danh trên Instagram. Người mẫu Edie Campbell công khai viết tâm thư cho tạp chí WWD nói về tình trạng lạm dụng tình dục lan rộng trong giới người mẫu. Người mẫu Caryn Franklin thậm chí thảo luận với trang Refinery29 về tình trạng đồng lõa của người trong ngành, tiếp tay cho tệ nạn này tiếp diễn. Hai cái tên được nhắc đến nhiều nhất là nhiếp ảnh gia Bruce Weber và Terry Richardson - những người được cho là có dính líu đến các cáo buộc trên. Hành động này muộn nhưng đã báo động cho những người đứng đầu ngành công nghiệp thời trang cùng lên tiếng bảo vệ sự an toàn cho các người mẫu cũng như nhà thiết kế trẻ.

Làng mốt 2017 hướng đến phát triển thời trang bền vững

Những câu chuyện nổi bật của làng mốt thế giới 2017 ảnh 11

Năm 2017 đánh dấu những động thái tích cực mang tính hệ thống của các thương hiệu thời trang lớn trong việc phát triển thời trang bền vững, chống lại tình trạng ô nhiễm môi trường toàn cầu. Ba nhà mốt lớn là Gucci, Michael Kors và Jimmy Choo tuyên bố sẽ không còn sử dụng chất liệu lông thú thật trong thiết kế. Tập đoàn Kering cũng cam kết đầu tư nhiều hơn vào bộ phận phát triển bền vững. Nhiều thương hiệu khác cam kết giảm lượng chất thải xả ra. Đây có thể chỉ là những bước đi đầu tiên, nhưng chúng đã đi đúng hướng.

Nữ hoàng thảm đỏ Rihanna 

Những câu chuyện nổi bật của làng mốt thế giới 2017 ảnh 12

Tại bữa tiệc thời trang lớn nhất năm Met Gala, Rihanna được mệnh danh là "Nữ hoàng thảm đỏ", ghi điểm với những chuyên gia đứng đầu ngành công nghiệp may mặc cũng như các biên tập viên thời trang. Nữ ca sĩ là một trong số ít khách mời mặc đúng chủ đề chương trình là "phong cách avant-garde (nổi loạn, tiên phong, phá vỡ mọi chuẩn mực) của Rei Kawakuba". Bà Rei Kawakuba là nhà sáng lập của hãng Comme des Garcons. Rihanna chọn một thiết kế của chính Rei Kawakuba trong bộ sưu tập Thu Đông 2016. Riri gây tiếng vang không chỉ nhờ cách ăn vận sắc sảo mà còn thành công trong kinh doanh thời trang khi bắt tay với Puma và Manolo Blahnik. Cô được lựa chọn là host của Met Gala năm sau.

Nghệ sĩ da màu tiếp tục xuất hiện trên lịch thời trang

Những câu chuyện nổi bật của làng mốt thế giới 2017 ảnh 13

Sau 45 năm, Pirelli Calendar - lịch thời trang được xuất bản giới hạn dành cho các khách hàng VIP và sao Hollywood - tiếp tục mời dàn người mẫu, nghệ sĩ da màu chụp ảnh tôn vinh. Các gương mặt xuất hiện trong bộ hình gồm Duckie Thot, Naomi Campbell, Diddy, Whoopi Goldberg, Thando Hopa, Lupita Nyong'o.... Bộ hình được thực hiện theo chủ đề "Alice in Wonderland".

Đọc thêm

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”
(PLVN) - “Lật mặt 7: Một điều ước” của Lý Hải dù chưa ra rạp song đã nhận sự quan tâm khi quy tụ dàn diễn viên bậc nhất trong cả series, lên đến 50 người. Trong phần phim mới, có nhiều “bóng hồng” xinh đẹp, tài năng cùng góp mặt.

Nam tài tử đời đầu của màn ảnh Việt

Ông ghi dấu bằng vẻ ngoài đẹp trai, tài năng diễn xuất. (Nguồn: Cô Hai Kim Cương)
(PLVN) - Trước những năm 1975, La Thoại Tân cùng với Trần Quang, Lê Quỳnh, Hùng Cường, được mệnh danh là những nam diễn viên điện ảnh tài năng, phong độ nhất của mảnh đất Sài Gòn phồn hoa. Mười sáu năm sau khi La Thoại Tân mất (13/3/2008), người hâm mộ vẫn chưa bao giờ quên chàng nghệ sĩ lịch lãm, với những vai diễn để đời.

Gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu

Sinh viên hào hứng với chương trình Sân khấu học đường. (Nguồn: NVH Sinh viên TP Hồ Chí Minh)
(PLVN) - Nhiều năm qua, không ít nhóm nghệ sĩ tâm huyết đã cố gắng đưa các vở diễn có giá trị nhân văn đến học đường biểu diễn cho các em học sinh. Những nỗ lực này nhằm giúp lan tỏa tinh thần yêu sân khấu đến với thế hệ trẻ, gìn giữ một bộ môn nghệ thuật di sản, đồng thời gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu.

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà"

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà" (ảnh trong phim).
(PLVN) - Trong “Người một nhà”, nghệ sĩ Vân Dung vào vai người mẹ vừa lạ vừa dị. Người mẹ này đã bỏ hai anh em Tuệ để chạy theo cuộc sống riêng và đó cũng là một phần lý do tạo nên tính cách, hoàn cảnh và những xung đột trong cuộc sống của họ.