Điều chưa kể về “người đặc biệt” Lê Thụy Hải

Điều chưa kể về “người đặc biệt”  Lê Thụy Hải
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Khi nhận được tin anh Lê Thụy Hải qua đời, không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người hâm mộ bóng đá vô cùng xúc động. Xin nhắc tới những kỷ niệm về anh để biết đến một cầu thủ đam mê, máu lửa, cháy hết mình trên sân cỏ, một người thầy hết mực thương yêu học trò và tận tâm với nền bóng đá nước nhà. 

Tôi biết anh từ khi còn cầu thủ đội Tổng cục Đường sắt, Lê Thụy Hải đam mê bóng đá khi còn nhỏ, một cầu thủ được đào tạo bài bản tại Trường huấn luyện kỹ thuật thể dục thể thao Trung ương (nay là Trung tâm huấn luyện TTQG Hà Nội - Nhổn) chơi với lớp đàn anh tài năng như ông Lê Thế Thọ, Trần Duy Long. Khi còn là cầu thủ, mỗi lúc Lê Thụy Hải ra sân với vị trí là một tiền vệ tài hoa, thi đấu hết mình, quyết liệt. Có huấn luyện viên thời bấy giờ nói Lê Thụy Hải là “linh hồn” của đội Tổng cục Đường sắt. 

Sau ngày đất nước thống nhất, đội Tổng cục Đường sắt là đội bóng đá đầu tiên của miền Bắc vào thi đấu giao hữu với các đội bóng miền Nam. Trận đấu đầu tiên là đội Cảng Sài Gòn ngày 7/11/1976. Chúng tôi - quân giải phóng được cử đi làm bảo vệ trận đấu đó. Sân Thống Nhất không còn chỗ, có người ngồi cả xuống đường piste. Nhưng khán giả rất trật tự, dưới sân cầu thủ đá bóng, trên khán đài khán giả vừa xem, vừa hát vang bài: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Tiếng vỗ tay, tiếng reo hò như vỡ tung sân, mỗi khi có pha bóng hay. 

Trận đó cả Lê Thụy Hải và Mai Đức Chung đều ghi bàn. Những người am hiểu bóng đá ở miền Nam lúc đó không ngờ đội Tổng cục Đường sắt thắng đội Cảng Sài Gòn 2-0 ngọt ngào đến thế. Trận đó Lê Thụy Hải tạo nên nhiều ấn tượng đặc biệt và cái biệt danh Lê Thụy Hải “người đặc biệt” có từ khi đó.

Năm 1986, anh Hải chuyển sang làm huấn luyện viên, đào tạo cho nhiều đội bóng như Hải Phòng, Ninh Bình, Đà Nẵng, Becamex Bình Dương. Khi anh về làm huấn luyện viên Becamex Bình Dương, tôi hỏi anh: “Anh có mạo hiểm không?” thì anh nói: “Nhiều người bạn nói tôi mạo hiểm. Họ nói mạo hiểm là đúng. Anh em có thương tôi mới nói vậy. Becamex Bình Dương thi đấu thiếu kinh nghiệm, nhất là kỹ thuật, chiến thuật còn nhiều việc phải làm. Cái khó cho tôi phong cách sống người miền Bắc phải thay đổi để phù hợp với người miền Nam. Anh tin chính từ cái khó mới có thành công”. 

Đúng anh nói là làm được, Lê Thụy Hải đưa Becamex Bình Dương vô địch quốc gia 3 năm 2007, 2008 và 2014. Sau lần vô địch quốc gia đầu tiên, chúng tôi gặp nhau, “vô địch ai cũng vui, nhưng huấn luyện viên và cầu thủ đều lao tâm, khổ tứ”, anh nói. Cái đặc biệt của Lê Thụy Hải là đọc trận đấu rất nhanh, nhiều trận đấu mới khởi tranh chưa đầy chục phút, anh đã thay người. Có lần Hải Phòng đấu với SLNA trên sân Vinh, trọng tài cho trận đấu bắt đầu được mấy phút, anh Hải cho thay tiền vệ ngay để xoay chuyển tình thế. 

Lê Thụy Hải cũng được biết đến là một huấn luyện viên hay tranh cãi với trọng tài gay gắt, mỗi khi trọng tài bắt chưa thật chuẩn, cũng từng bị trọng tài rút thẻ vàng nhiều lần. Anh được biết đến với tình thương yêu cầu thủ, những học trò của mình. Vui cùng vui với cầu thủ, buồn với buồn của cầu thủ. Đã hơn hai năm nay, cựu cầu thủ, cựu huấn luyện viên không tham gia bóng đá vì bạo bệnh. Bóng đá Việt Nam đã mất một người từng xem bóng đá là máu thịt, mất một chuyên gia dạn dày kinh nghiệm, khán giả mất một con người ra sân là máu lửa, sống thật, nói thật. Nhớ anh!

Đọc thêm

Vinh danh đội tuyển Cầu mây nữ Việt Nam

Vinh danh đội tuyển Cầu mây nữ Việt Nam
(PLVN) -  Chương trình Vinh quang thể thao Việt Nam tổ chức vào lúc 7h30 ngày 24/3/2024 tại khu vực vườn hoa Đền Bà Kiệu và xung quanh hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). Đây là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống ngành Thể dục thể thao (27/03/1946-27/03/2024) và ngày Bác Hồ viết bài “Thể dục và sức khỏe” kêu gọi đồng bào tập thể dục.