Dịch Covid-19 đến 7h00 ngày 5/4: Hơn 64.000 người chết trên toàn cầu, báo hiệu một tuần căng thẳng

Vận chuyển bệnh nhân bên ngoài một bệnh viện ở New York, Mỹ. Ảnh: Reuters, ngày 4/4/2020.
Vận chuyển bệnh nhân bên ngoài một bệnh viện ở New York, Mỹ. Ảnh: Reuters, ngày 4/4/2020.
(PLVN) - Thống kê của Đại học Johns Hopkins hôm nay cho biết, 1.196.553 người đã nhiễm SARS-CoV-2, trong đó 64.549 người chết, tại 205 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 102.485 ca nhiễm và 5.762 ca tử vong so với hôm trước. 

246.108 người đã hồi phục, chủ yếu tại Trung Quốc.

Mỹ thông báo 305.820 ca nhiễm, tăng 27.867 ca so với hôm trước, tiếp tục là vùng dịch lớn nhất thế giới. Nước này ghi nhận thêm 1.139 người tử vong hôm qua, nâng tổng số người chết vì SARS-CoV-2 lên 8.291.

New York đã công bố 630 trường hợp tử vong mới trong một ngày, kỷ lục tồi tệ nhất trong 24 giờ. Đây  là bang chịu ảnh hưởng nặng nhất với 113.704 ca nhiễm, tăng 10.841, trong đó 3.565 người chết. Thị trưởng New York kêu gọi huy động chung nhân viên y tế, tin rằng ông cần sự giúp đỡ của 45.000 chuyên gia bổ sung.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đang xem xét chuyển mục đích của hai tàu bệnh viện USNS Comfort tại New York và USNS Mercy tại Los Angeles, mỗi tàu có 1000 giường, sang điều trị bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2, dù hai tàu này không phù hợp để điều trị bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm. 

Tây Ban Nha ghi nhận thêm 809 người chết và 7.026 ca nhiễm mới, nâng tổng số nhiễm và tử vong lên lần lượt là 11.744 và 124.736. Nước này trở thành vùng dịch lớn nhất châu Âu và lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Số người đã hồi phục tại Tây Ban Nha là 34.219, tăng 3.706.  

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez quyết định kéo dài "lệnh báo động toàn quốc" đến nửa đêm 25/4 để ngăn SARS-CoV-2, bất chấp những thiệt hại lớn về kinh tế.

Một bệnh viện dã chiến ở Tây Ban Nha. Ảnh: SCMP/AP
 Một bệnh viện dã chiến ở Tây Ban Nha. Ảnh: SCMP/AP

Italy xác nhận thêm 4.805 ca nhiễm mới, tăng nhẹ so với hôm trước, song số người chết sau 24 giờ tiếp tục giảm, xuống mức 681. Số bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch tại Italy lần đầu giảm, từ 4.068 xuống 3.994. Giới chức y tế nhận định đây là dấu mốc quan trọng cho phép các bệnh viện "lấy hơi" sau thời gian dài dồn sức đối phó với Covid-19.

Tuy nhiên, các quan chức Italy kêu gọi dân chúng tiếp tục tuân thủ lệnh phong tỏa do tình hình trong nước chưa trở lại bình thường. 

Đức là vùng dịch lớn thứ ba châu Âu với 85.778 người dương tính với SARS-CoV-2 và 1.158 người chết, tăng lần lượt 6.082 và 141 so với hôm trước. 

Giới chức Đức quyết định kéo dài lệnh đóng cửa trường học, đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh không thiết yếu cùng hoạt động vui chơi giải trí ít nhất đến ngày 20/4. Dân Đức không được ra khỏi nhà trừ trường hợp cần thiết, bị cấm tập trung quá hai người và được yêu cầu luôn giữ khoảng cách 1,5 m với người khác. Các địa phương có quyền phạt tiền người vi phạm các biện pháp phòng chống dịch.

Anh ghi nhận thêm 708 người chết vì SARS-CoV-2, mức tăng cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số ca tử vong lên 4.313. Trong số nạn nhân có một đứa trẻ 5 tuổi, được coi là nạn nhân nhỏ tuổi nhất ở nước này.

Anh đã làm xét nghiệm cho 183.190 người, phát hiện thêm 3.735 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số người nhiễm lên 41.903. Giám đốc y tế của Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) Stephen Powis cảnh báo số người chết tại Anh sẽ tiếp tục tăng trong "một vài tuần nữa".

Hôm nay, Nữ hoàng Anh Elizabeth II sẽ có bài phát biểu trước cả nước về tình hình đại dịch.

Pháp công bố thêm 441 người chết vì SARS-CoV-2, nâng tổng số ca tử vong lên 7.560, bao gồm những người qua đời tại bệnh viện và các viện dưỡng lão trên khắp cả nước. Số ca nhiễm mới tại Pháp là 7.788, tổng số người nhiễm là 89.953, vượt Trung Quốc với hơn 81.000 ca (tính đến 4/4). 15.438 người tại Pháp đã được xuất viện, hàng nghìn người điều trị tại nhà đã hồi phục.

Iran thông báo thêm 158 người chết, nâng tổng số lên 3.452, vượt Trung Quốc. Phát ngôn viên Bộ Y tế Iran Kianoush Jahanpour cho biết 55.743 người nhiễm SARS-CoV-2 ở nước này, trong đó 17.935 người đã hồi phục và 4.103 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch.

Đông Nam Á tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm mới. Số người nhiễm SARS-CoV-2 tại Malaysia là 3.483, tăng 150 ca và cao nhất khu vực, trong đó 57 người chết. Philippines xác nhận 3.018 ca nhiễm, cao thứ hai khu vực, trong đó 144 người chết.

Indonesia là quốc gia có số ca tử vong cao nhất khu vực với 191 ca, tăng 10 ca so với hôm trước, số ca nhiễm là 2.092, tăng 106 ca. Singapore tiếp tục chịu ảnh hưởng từ đợt bùng phát thứ hai với 75 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 1.189, trong đó 6 người chết. Thái Lan thêm 89 ca nhiễm và một người chết vì SARS-CoV-2, nâng tổng số người nhiễm và chết lên lần lượt là 2.067 và 20.

Ít nhất 3,9 tỷ người, tương đương một nửa dân số thế giới, buộc phải ở nhà để chống lại sự lây lan của Covid-19 tại hơn 90 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ, theo số liệu của AFP. 

Một thử nghiệm lâm sàng bao gồm truyền huyết tương từ những người đã hồi phục đến "bệnh nhân đang ở giai đoạn cấp tính của bệnh" sẽ bắt đầu vào ngày 7/4 tại Pháp.

Các quốc gia đã kêu gọi hoặc bắt buộc người dân đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, thực hiện giãn cách xã hội.

Đọc thêm

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

(PLVN) - Thanh tra Sở Y tế tỉnh Gia Lai mới ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Văn Phán (SN 1961), bác sỹ Chuyên khoa I, đồng thời đình chỉ 2 tháng hoạt động của phòng khám chuyên khoa Ngoại (thuộc phòng khám đa khoa Tây Nguyên) vì chẩn đoán sai bệnh rồi chỉ định phẫu thuật dương vật của bệnh nhân. 

Cần nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh dại

Giải cứu các chú chó và kêu gọi các nhà hàng thịt chó chuyển mô hình kinh doanh ở Thái Nguyên. (Ảnh: HSI )
(PLVN) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Đây là biện pháp kịp thời trong việc phòng, chống bệnh dại cũng như hành động quyết liệt hơn nữa nhằm chấm dứt nạn buôn bán và giết mổ chó, mèo để lấy thịt hàng năm trên toàn quốc.

1.000 người nghèo Yên Bái được khám, chữa bệnh miễn phí

1.000 người dân Yên Bái được thăm khám và cấp thuốc miễn phí. Ảnh: Vụ Sức khỏe Bà mẹ - trẻ em
(PLVN) - Trong 4 ngày vừa qua (20-23/3), Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - Bộ Y tế và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình khám, chữa, sàng lọc bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 1000 người, hỗ trợ bệnh nhân nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tiến hành đào tạo chuyển giao kỹ thuật cấp cứu sản khoa cho Bệnh viện Sản nhi Yên Bái và Trung tâm Y tế huyện Yên Bình.