Xóa cơn “đói chữ” ở tuổi xế chiều

Những học sinh tuổi xế chiều, mỗi tuần đều dành ra 3 buổi để xóa mù chữ
Những học sinh tuổi xế chiều, mỗi tuần đều dành ra 3 buổi để xóa mù chữ
(PLO) - Ở vào độ tuổi đã lên chức mẹ, chức bà nhưng nhiều người dân nghèo ở tổ 2, P. Hương Hồ, TX. Hương Trà (Thừa Thiên Huế) vẫn đi học để xóa mù chữ.
Những bàn tay khô cứng, chai sần vì suốt bấy nhiêu năm cầm cuốc, cầm rựa nay dần trở nên mềm dẻo khi cầm bút. Tiếng đọc lúc đầu còn ngọng nghịu, chưa tròn vần, rõ chữ thì giờ đã trôi chảy. Đến bây giờ, khi ngồi e a đọc thơ, đọc văn và viết chữ cùng với thầy giáo, nhiều người vẫn không tin rằng họ có thể đọc thông, viết thạo.
Con đi học đại học, mẹ đi học vỡ lòng
Phải khó khăn lắm chúng tôi mới tìm đến được lớp học xóa mù chữ ở tổ 2 bởi nó nằm sâu tít trong hẻm xa. Đối với ai xa lạ chưa biết về lớp học này thì sẽ rất ngạc nhiên khi nghe những tiếng đọc ê a từ lớp học vọng lại. Bởi những giọng đọc khác nhau, không được trong trẻo, thanh khiết như trẻ nhỏ mà là lúc trầm, lúc bổng, ngọng nghịu. 
Thế nhưng, phía sau những giọng đọc lơ lớ chưa chuẩn ấy là một nghị lực rất đáng khen ngợi. Cứ đều đặn mỗi tuần 3 buổi, đúng giờ đi học là họ - những “học sinh lớn” lại tất bật đến lớp để được nghe thầy giáo giảng bài. 
Theo tìm hiểu, lớp học này là ngôi nhà của chị Tho, Chi hội trưởng Phụ nữ tổ 2. Hiểu được niềm khát khao cháy bỏng muốn biết chữ của chị em phụ nữ trong khu vực nên cứ đến buổi học là chị Tho lại thu dọn mọi đồ đạc trong nhà, nhường địa điểm cho lớp học được diễn ra thuận lợi. Chị Tho bộc bạch: “Thấy chị em ai cũng hồ hởi muốn biết chữ nên tôi cũng muốn tạo điều kiện cho chị em. Nhà để trống không làm gì thì trưng dụng vào mấy việc như ri cũng hay”.
Nghe thuật lại, đa phần “học sinh” trong lớp, khi chưa lên bờ họ là những cư dân vạn đò, quanh năm lênh đênh theo con nước. Sinh ra lúc thời cuộc còn khó khăn, cuộc sống còn khổ cực nên việc đi học, kiếm chữ đối với họ tựa như một điều gì đó rất xa xỉ. Với sự quan tâm của chính quyền địa phương và trên hết đó là sự nỗ lực, ham học hỏi nên khi có chính sách xóa mù chữ, họ đã gạt qua mọi sự ngại ngùng để đến lớp học.
Họ đến với lớp học này mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau. Người lớn tuổi nhất trong lớp là 56, nhỏ nhất cũng quá ngưỡng 32. Già, trẻ khác nhau nhưng ở họ đều có một khát khao là muốn biết chữ. Để mọi người tiếp thu nhanh, một bộ sách giáo khoa đã được biên soạn riêng cho lớp học đặc biệt này. 
“Dạy những người này không giống như những em học sinh nhỏ, học lớn tuổi nên cách tiếp thu của họ khác, chậm hơn nên phải có phương pháp dạy riêng. Bên Trung tâm Giáo dục thường xuyên của thị xã phải biên soạn một cuốn sách để dạy riêng cho lớp này” - thầy Trai, người giảng dạy cho lớp học tâm sự.
Trong giờ giảng hôm ấy, cả lớp đang được thầy Trai cho luyện đọc câu ca dao: “Cây đa rụng lá đầy đình/ Bao nhiêu lá rụng thương mình bấy nhiêu”. Những tiếng đánh vần vang lên khi thầy giáo vừa dứt lời, đôi lúc tôi lại chợt nghe những tiếng ho, tiếng húng hắng xen lẫn trong những tiếng đánh vần. Đánh vần, đọc xong thầy hỏi ý nghĩa của câu ca dao, cả lớp thảo luận sôi nổi, mỗi người một ý kiến nên lớp học rộn rã hẳn lên. 
Chị Đỗ Thị Trang, 32 tuổi, là học viên nhỏ nhất lớp, sau một hồi suy nghĩ đã mạnh dạn đứng dậy phát biểu: “Thưa thầy, câu ca dao ý nói về tình cảm thắm thiết, mặn nồng của vợ chồng”. Câu trả lời vừa dứt thì những tiếng vỗ tay vang lên, thầy giáo cũng lấy làm hài lòng với sự nhanh ý và tiến bộ của học viên. Rồi lần lượt những câu hỏi khác được thầy giáo đưa ra, mọi người thảo luận và tranh nhau phát biểu.
Nghe nói, lớp mở từ đầu tháng 9/2014 nhưng nay nhiều chị đã biết viết, biết đọc những từ đơn giản. Trong lớp có những chị đã có con học đến bậc đại học nhưng họ vẫn đến lớp để xóa mù chữ. Nhiều người trêu đùa: “Con biết một trăm thì mẹ cũng biết một chứ, chịu thua răng được. Con đi học đại học, mẹ đi học lớp 1 như rứa mới lạ”, sự giải thích hài hước làm cho lớp học có một tràng cười thoải mái. 
Lớp học do thầy Trai đứng lớp, một tuần 3 buổi
 Lớp học do thầy Trai đứng lớp, một tuần 3 buổi
Ham học như “học trò U60”
Kể sâu hơn về lớp học, chị Nguyễn Thị Xuân (40 tuổi) cho biết, ban đầu hầu như mọi người đều ngại không đến lớp học. Họ xấu hổ. Có người con vừa vào lớp 1, nếu bản thân cũng cắp sách đi ê a thì hai mẹ con học cùng một lớp. Chẳng may học kém hơn con cái sẽ rất buồn.
Thế nhưng, cách suy nghĩ như vậy cũng chẳng kéo dài lâu, hay nói như lớp trưởng Huỳnh Thị Luyện (56 tuổi): “Ngày xưa ở trên đò cực khổ, ăn còn chưa có thì ai mơ chi học hành. Dân lao động như chúng tôi mấy ai biết chữ. Đi làm giấy tờ thì chỉ biết lăn tay. Thấy dòng chữ gì muốn biết đều hỏi quanh. Thế nên chừ có lớp thì phải đi học cho biết…”.
Đêm khuya dần, lớp học cũng đến giờ ra về, nhưng trên khuôn mặt của những “học trò U60” vẫn vui tươi, chưa ai có dấu hiệu mệt mỏi. Lớp tan, vội thu dọn bàn ghế, tất thảy họ rẽ về mỗi hướng nhưng trên đường, tôi vẫn nghe thoáng trong gió tiếng đánh vần của các bà, các chị câu ca dao mới học “Bao nhiêu lá rụng thương mình bấy nhiêu...”.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.