Vợ liệt sĩ Trường Sa với ước mơ có một công việc để nuôi con

Mỗi lần con gái hỏi bố, chị Dung lại lấy di vật của chồng và nói, đó là tất cả những gì bố con để lại.
Mỗi lần con gái hỏi bố, chị Dung lại lấy di vật của chồng và nói, đó là tất cả những gì bố con để lại.
(PLO) - Hai năm đã trôi qua kể từ ngày Trung úy Phan Văn Hạnh hy sinh tại đảo Tốc Tan C (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), chị Nguyễn Thị Dung (vợ liệt sĩ Hạnh) và cô con gái 6 tuổi chưa nguôi ngoai được nỗi đau đớn, thương nhớ...
Chia tay... "hoàng hôn"
Lần theo địa chỉ, chúng tôi đến nhà chị Nguyễn Thị Dung, vợ của liệt sĩ, Trung úy Phan Văn Hạnh ở tổ 1, ấp 2 xã Phú Thạnh, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai. Căn nhà cấp 4 xuống cấp trong hẻm sâu là tổ ấm của chị Dung và con gái. 
Chị đón chúng tôi trong niềm xúc động vỡ òa: “Anh Hạnh hy sinh thấm thoát đã hai năm rồi, lòng em không thể nguôi ngoai được. Căn nhà này anh ấy xây lúc còn sống luôn đầy ắp tiếng cười, còn giờ trở nên lạnh lẽo quá”. 
Vợ chồng chị Dung cùng quê Yên Thành, Nghệ An vào Đồng Nai lập nghiệp. Năm 2007 họ làm đám cưới, một năm sau sinh con gái đầu lòng. Sau khi học xong lớp Trung cấp Máy tàu tại Trường Trung cấp Kỹ thuật Hải quân quận 2 TP.Hồ Chí Minh, Hạnh được điều về làm nhân viên thiết bị bờ Trạm 94, Căn cứ bảo đảm Hậu cần kỹ thuật 696 – Vùng 2 Hải quân và được phong hàm Trung úy. 
Chuyến làm nhiệm vụ đầu tiên trên biển của Hạnh là theo tàu trực Tết năm 2013 tại vùng biển nhà giàn DK1. Ngày 27/3/2013, Hạnh về thăm vợ con được 20 ngày rồi nhận nhiệm vụ mới. 
“Trước yêu cầu nhiệm vụ tăng cường lực lượng cho tuyến đảo chìm, anh ấy được điều động ra Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân nhận nhiệm vụ, rồi đi đảo Tốc Tan C. Hôm chia tay vợ con, anh còn xoa đầu con gái bảo: “Bố đi rồi sẽ về. Con ở nhà chăm cây mít cho nhanh lớn nhé”. 
"Ai ngờ đó là lần chia tay cuối”, chị Dung xúc động, nước mắt lưng tròng nhìn cây mít rồi bảo: “Ngày anh Hạnh còn sống, hai bố con ăn mít, con gái lấy hạt trồng. Anh Hạnh bảo sau chuyến đi biển dài ngày về sẽ được ăn mít của con gái. Cây mít đã cao hơn một mét, mà anh ấy thì không còn nữa”.
8 giờ sáng 17/1/2014, Trung úy Phan Văn Hạnh và đồng đội nhận nhiệm vụ tuần tra bảo vệ quanh đảo Tốc Tan C trên xuồng máy. Khi ra khỏi rạn san hô ngầm, xuồng của anh chạy quanh đảo kiểm tra đường biên thì bất ngờ gặp phải luồng sóng lừng cuồn cuộn từ đại dương. 
Mặc dù đã cố gắng điều khiển chiếc xuồng nhưng gió quá lớn, luồng xoáy chảy mạnh làm xuồng lật úp. Hạnh bị cạnh xuồng đè dìm xuống biển, không thoát ra được. Hai đồng đội đi cùng đỡ anh lên. Anh mở mắt nhìn lần cuối rồi khép lại, trút hơi thở cuối cùng.
Nhận được tin Hạnh và đồng đội gặp nạn, chỉ  huy đảo đã điều một tổ cán bộ, chiến sĩ ra cứu hộ song không còn kịp nữa. Cơn sóng lừng cuồng phong và gió lốc đã nhấn nhìm anh xuống đáy rạn san hô. Ôm đồng đội trong tay, các chiến sĩ đảo Tốc Tan chết lặng. Nước mắt người lính Tốc Tan hòa vào sóng biển. Ngay sau đó, đồng đội đã đưa thi thể anh vào đảo Tốc Tan C rồi chuyển theo tàu về cảng Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân. 
Chị Dung lặng người nhìn lên di ảnh chồng: “Em chẳng bao giờ quên buổi đau buồn ấy trên cầu cảng đón thi hài chồng từ biển về. Anh biết không, nỗi đau mất chồng quá lớn, em như người điên. Em gào thét. Bao khó khăn phía trước em bấm bụng vượt qua”, chị Dung chia sẻ.
Sao quên được buổi sáng ngày đưa thi thể liệt sĩ Phan Văn Hạnh từ đảo về đất mẹ Đồng Nai. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Căn cứ 696 tập trung trên cầu cảng. Tất cả lặng lẽ xót thương người lính trẻ. Vợ anh Hạnh - chị Nguyễn Thị Dung khóc ngất trên cầu cảng. Đứa con gái 5 tuổi cứ ngơ ngác nhìn tàu. Cháu chưa nhận biết được đó là lần cuối cùng gặp mặt bố.
Trung úy Hạnh bên vợ con lúc còn sống. (Ảnh tác giả chụp lại từ ảnh của gia đình).
 Trung úy Hạnh bên vợ con lúc còn sống. (Ảnh tác giả chụp lại từ ảnh của gia đình).  
Ước mong bình dị
Trong niềm đau chưa thể nguôi ngoai, chị Dung vào buồng bê ra giữa nhà chiếc va li cũ. Trong đó là di vật của chồng chị được chuyển về từ đảo Tốc Tan C sau ngày anh Hạnh hy sinh. Một chiếc mũ cây - bi, bộ quần áo thao tác, cái bấm móng tay, tấm bằng tốt nghiệp, đôi giày đen, bức ảnh của vợ và con chụp trước ngày ra đảo. 
Chị Dung nhìn lên bàn thờ, giấu giọt nước mắt: “Sau ngày anh Hạnh hy sinh, mẹ con em khắc khoải. Hình ảnh anh Hạnh cứ hiện về trong tâm trí em. Hai mẹ con trong căn nhà trống vắng càng thấy cô đơn. Lúc sống, anh là người rất chu đáo, giản dị, tất cả đều nhường nhịn cho vợ con. Tiền làm căn nhà này chủ yếu vay bên nội và đồng đội, đến bây giờ chưa trả hết”. 
Nỗi đau mất mát không thể nói hết, nhưng niềm mong mỏi nhất của chị Dung hiện tại là có việc làm ổn định để nuôi con. “Điều mong mỏi nhất của em hiện nay là mong sao xin được vào làm cô giáo dạy trẻ tại Vùng 2 Hải quân. Em có làm hồ sơ gửi xin việc Ban Quân lực Căn cứ 696, đơn vị cũ trước đây của chồng em công tác. Em vẫn chờ đợi nhưng chưa có tin tức gì. 
Em cũng hỏi mấy đồng đội của chồng em hiện đang công tác tại đơn vị cũ (Căn cứ 696 Vùng 2 Hải quân), các anh bảo anh Hạnh trước khi hy sinh đơn vị thuộc Vùng 4. Vùng 4 mới có thể giải quyết được”, chị Dung chia sẻ.
Hiện chị Dung đang làm bảo mẫu hợp đồng cho Trường Tiểu học Phú Thạnh, lương hai triệu đồng một tháng, mẹ con sống rất chật vật. Nhưng nỗi đau nhất luôn ngự trị trong trái tim chị là nỗi cô đơn. Điểm tựa tinh thần và niềm tin bây giờ là con gái chị.
Hỏi về chế độ tiền tuất của liệt sĩ, chị Dung cho biết: “Con gái em được hưởng tiền tuất theo qui định con liệt sĩ đến 18 tuổi. Điều mong ước của em bây giờ là xin làm công nhân viên ở Vùng 2 Hải quân - nơi mà chồng em trước đây đã từng công tác, vừa để nối tiếp truyền thống gia đình, vừa có việc làm ổn định để nuôi con”./.
Tốc Tan là một trong những đảo chìm, rạn đá san hô rộng hình vòng cung thuộc quần đảo Trường Sa, có chiều dài khoảng 20km, rộng khoảng 7km, diện tích trung bình 75km2. Hải quân Việt Nam đã xây dựng trên thềm san hô của cụm bãi đá phía Tây 3 nhà lâu bền: Một nhà ở thềm san hô phía Tây Bắc (nhà B); một nhà ở thềm san hô phía Bắc (nhà C) và một nhà ở thềm san hô phía Đông Nam (nhà A). 

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.