Vị quan giỏi cả đời vì dân giữ lòng trinh bạch

Nhà thờ họ Lương làng Hội Triều
Nhà thờ họ Lương làng Hội Triều
(PLO) -Dòng họ Lương của Lương Đắc Bằng (1472-1522), theo sách “Nam Hải dị nhân liệt truyện” còn ghi lại, là ở đất Thanh Hóa, và có tiếng nhất vùng. Tổ họ sinh được ba người con trai, phân thành ba chi. Trong đó, một chi bởi loạn cuối thời Trần mà lưu lạc sang Tàu, một chi ngụ huyện Ngọc Sơn (nay là huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa), và một chi ở đất Hoằng Hóa, Thanh Hóa.

Nói rộng hơn, đất xứ Thanh quê Lương Đắc Bằng, được sách “Đại Nam nhất thống chí”, khi viết về phong tục xứ này, đã đúc kết thì kẻ sĩ xứ Thanh “chuộng văn học, trọng khí tiết. Đời nào cũng có anh tài phóng khoáng lỗi lạc, cũng là nhờ tinh túy núi sông hun đúc.

Đại Thanh nhất thống chí nói “Người Ái Châu cao điệu, thích điều nghĩa” là vì thế”. Muốn có dẫn chứng ư? Thì cứ lấy quan họ Lương đây làm bằng, còn gì hay hơn. 

Ghi danh bảng vàng, làm quan Đông các

Chi đất Hoằng Hóa, thuộc xã Hội Triều, nổi danh không ai khác, chính là Lương Đắc Bằng. Riêng về đường khoa cử, tính đến thời điểm Phan Huy Chú thống kê trong sách “Lịch triều hiến chương loại chí”, đã khen “Huyện Hoằng Hóa thường có nhiều người văn nho, đỗ đạt rất nhiều”, và “Cả huyện có 36 người đỗ, như Lương Đắc Bằng ở làng Hội Trào là người đỗ cao, giúp Hồng Thuận Lê Tương Dực bày nhiều kế hoạch giỏi”.

Vẫn theo Nam Hải dị nhân liệt truyện, bởi có dòng họ ở bên Tàu, nên Lương Đắc Bằng “mới mua được nhiều thứ sách quý, cho nên học giỏi về nghề lý số”. Ấy là nói riêng về khoản lý số, mà sau này, học trò của ông là Nguyễn Bỉnh Khiêm, nổi danh là Trạng Trình với lời khen “An Nam lý học hữu Trình tuyền” nhờ ông truyền lại cho món ấy, cùng sách Thái Ất chân nhân. 

Quay lại với họ Lương. Sách “Tam khôi bị lục” khi viết về đường khoa cử của Lương Đắc Bằng cho hay ngay từ nhỏ, họ Lương đã là thần đồng, đường học hành thuận lợi, hanh thông lắm. Khoa thi Hội năm Kỷ Mùi (1499) đời vua Lê Hiến Tông, lúc ấy Lương Đắc Bằng 28 tuổi đỗ Hội nguyên.

Đến khi thi Đình, làm bài ký “Ngũ vương trướng” đỗ hạng ưu, đứng thứ hai trong hàng tam khôi. Việc này, trong “Đại Việt sử ký toàn thư” còn ghi: “Cho Đỗ Lý Khiêm, Lương Đắc Bằng, Nguyễn Khắc Kiệm, ba người đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ”. 

Sau khi ghi danh bảng vàng, Lương Đắc Bằng trở thành lương thần thời vua Lê Hiến Tông (1497-1504). Theo ghi chép trong sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, rằm tháng 8 năm Canh Thân (1500), vua Hiến Tông làm bài thơ “Quan Giá đình trung thu ngoạn nguyệt” (đêm trung thu ngắm trăng tại đình Quan Giá) 15 vần, bấy giờ Lương Đắc Bằng làm Đông các hiệu thư, cùng với các vị Đông các đại học sĩ và Đông các hiệu thư được vua lệnh cho họa lại thơ. Tiếc rằng, vua Hiến Tông trị vì không được lâu thì mất, quan họ Lương chưa có điều kiện thi thố tài năng. 

Lương Đắc Bằng viết hịch kêu gọi lật đổ vua Lê Uy Mục
Lương Đắc Bằng viết hịch kêu gọi lật đổ vua Lê Uy Mục

Thanh bạch đời quan

Vua Lê Hiến Tông băng hà, vua Lê Túc Tông nối nghiệp, nhưng ngồi ngai vàng chỉ được 6 tháng rồi rời dương thế, chính trị triều Lê chuyển sang tay vua Lê Uy Mục (1505-1509), vị vua mà trong sử cũ, theo lời nhận xét của sứ nhà Minh là “quỷ vương” bởi sự bạc ác. Nào giết bà nội, nào hại lương thần, nào rượu chè vô độ rồi giết cung nhân, lại để cho thân thích chuyên quyền... 

Trong năm cuối trị vì Kỷ Tỵ (1509) “vua xua đuổi tông thất và công thần về Thanh Hóa”… “bấy giờ, vua giết hại người tông thất”. Bởi cai trị nghiệt ngã, mất lòng dân nên quan lại nhà Lê, trong đó có Lương Đắc Bằng, đều hướng tìm một vị chân chúa mới. Tháng 11 năm ấy, Giản Tu Công Oanh, tức vua Tương Dực sau này khởi binh đánh Uy Mục.

Để chiêu tập lòng người, sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục còn ghi “sai Lương Đắc Bằng làm tờ hịch dụ bảo đại thần trăm quan”. Lời hịch của Bảng nhãn họ Lương, từng lời từng chữ thấu đến tâm can người đọc, tỉ như khi kể tội Uy Mục: “Bạo chúa Lê Tuấn, phận con thứ hèn kém, làm nhơ bẩn nghiệp lớn, lần lữa mới gần 5 năm mà tội ác đã đủ muôn khóe. Giết hại người cốt nhục, dìm hãm các thần liêu.

Bọn ngoại thích được tin dùng mà phường đuôi chó ngang ngược làm bậy, người cứng cỏi bị ruồng bỏ mà kẻ đầu cá ẩn nấp nẻo xa. Quan tước đã hết rồi vẫn thưởng tràn không ngớt, dân chúng đã cùng khốn còn vơ vét chẳng thôi…”. 

Cuộc lật đổ Uy Mục thành công, quan họ Lương trở thành một trong những công thần trung hưng. Tham dự đội ngũ những kẻ ăn lộc nước, Bảng nhãn đất Hội Triều kinh qua nhiều chức vụ khác nhau. Như sách “Tam khôi bị lục” còn ghi, thời vua Lê Tương Dực (1506-1519), năm Canh Ngọ (1510), khi luận công ban thưởng cho những người ứng nghĩa, Lương Đắc Bằng làm Tả Thị lang bộ Lễ, rồi Hàn Lâm viện thị độc.

Sau theo “Đại Việt lịch triều đăng khoa lục” cho hay “làm đến Thượng thư bộ Lại kiêm Đông các đại học sĩ, tri Kinh Diên, tham dự triều chánh tước Đôn Trung bá”. Xét trong chính sử, đường làm quan của họ Lương, cũng thật lắm nẻo, trôi theo dòng biến động chính trị thời Lê. 

Dẫu làm trọng thần, nhưng đời quan của Lương Đắc Bằng không lấy phú quý, vinh hoa làm mục đích, bởi vậy, khi ông mất đi, gia cảnh bần hàn lắm. Con ông là Lương Hữu Khánh vì nghèo, mà phải tỏ lòng với mẹ, được Phan Kế Bính trong Nam Hải dị nhân liệt truyện ghi là “Cha tôi khi xưa làm quan thanh liêm, đến nỗi con cháu không đủ cơm cháo mà ăn, vậy mẹ cho tôi đi nơi khác, tùy đường kiếm ăn, kẻo để phiền đến bụng mẹ”.

Người mẹ dù thương con lắm, nhưng gia cảnh bần hàn, phải sa lệ mà để con ra đi. Chỉ việc ấy thôi, đã thấy được tâm sáng của Lương Đắc Bằng giữa lúc xã hội nhà Lê sơ nhiễu nhương, quan lại tham ô, ăn hối lộ, bòn vét cho bản thân, thì bản thân ông, dù cơ hội để có tiền bạc ức vạn đấy, vẫn giữ lòng thanh. 

Quan Lương Đắc Bằng dân 14 kế sách trị bình
Quan Lương Đắc Bằng dân 14 kế sách trị bình

Đau đáu cho vận nước

Sau khi có công ứng nghĩa lập vua Lê Tương Dực, họ Lương được trọng dụng. Một thời gian sau, do cha mẹ mất, ông về quê cư tang. Hết hạn ấy, vua Lê Tương Dực cho vời ông trở lại tham dự triều chính, cho phục chức và kiêm Đông các học sĩ, hầu giảng tại tòa Kinh Diên. Nhưng theo sách “Lịch triều hiến chương loại chí” cho biết, ông từ chối không nhận quan tước.

Dù vậy lòng yêu nước, thương dân vẫn canh cánh trong nơi quan họ Lương, nên nhân đó, ông trút mọi tâm tư đau đáu với vận nước của mình, viết thành sách “Trị bình 14 chước”, hay là 14 kế sách trị bình, dâng lên vua. Nên nhớ rằng lúc ấy đầu thời trị vì của vua Lê Tương Dực, vị vua này còn quan tâm tới chính sự chứ chưa bỏ bê việc nước như đoạn về sau. 

Nội dung của “Trị bình 14 chước” được ghi lại trong sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Lương Đắc Bằng nêu rõ nỗi lòng của bản thân với vận nước khi thấy hiện trạng buổi ấy “hòa khí chưa thuận, can qua chưa dứt, kỷ cương triều đình chưa dựng đặt, việc quân, việc nước chưa sửa sang; tai dị xảy ra luôn”… “tệ tham nhũng ngấm ngầm phát triển, bọn nghịch tặc lén lút manh nha”.

Từ nỗi lo ấy, ông viết nên 14 kế sách, những mong đem lại sự thịnh trị, thái bình cho dân, cho nước, xin dẫn lại trong “Lịch triều hiến chương loại chí” mà ghi ra đây, biết đâu kẻ thức giả thời nay tìm được gì trong kế sách của người xưa: “1.Phải cảnh giác, răn ngừa để chấm dứt tai biến; 2. Dốc lòng hiếu thảo để khuyến khích lòng trung hậu; 3. Xa thanh sắc để làm chân chính gốc của tâm; 4. Đuổi tà nịnh để làm trong sạch ngọn nguồn muôn việc; 5. Dè dặt trao quan tước để thận trọng việc khuyến khích răn đe; 6. Tuyển bổ công bằng để đường làm quan trong sạch; 7. Tiết kiệm tiêu dùng để khuyến khích phong tục kiệm phác; 8. Nên khen người tiết nghĩa để coi trọng đạo cương thường; 9. Cấm hối lộ để trừ bỏ thói tham ô; 10. Sửa sang võ bị để vững thế thành đồng hào nóng; 11. Lựa chọn can gián để gây khí thế dám nói; 12. Nới nhẹ việc lực dịch để thỏa lòng mong đợi của dân; 13. Hiệu lệnh phải tín thực để thống nhất ý chí của bốn phương; 14. Luật pháp, chế độ phải thận trọng để mở nền thịnh trị thái bình”.

May mắn làm sao, như sử cũ ghi lại, sau khi đọc 14 kế sách trị bình của quan họ Lương, thì “vua nghe theo”. Tiếc nỗi, về sau, vua Tương Dực ham ăn chơi làm cho vận nước đi xuống. Còn lương thần họ Lương, thì hơn 50 tuổi về nơi tiên cảnh, nhưng đời sau vẫn mãi nhớ tới vị quan giỏi, cả đời vì dân vì nước, mãi giữ lòng trinh bạch trong buổi nhiễu nhương...

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.