Trái tim lớn của những người cha không có công sinh

(PLVN) - Không có công sinh nhưng có công dưỡng, những người cha ấy còn vĩ đại hơn cả cha ruột, bởi đã dành cả cuộc đời để vất vả, tảo tần nuôi dạy những đứa trẻ không phải núm ruột của mình, cứu chúng khỏi cảnh bơ vơ giữa chợ đời.

Khi sư ông làm… cha

Chùa Kỳ Quang 2 nằm ở quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh bao năm nay đã trở thành một chốn quen thuộc của những nhà hảo tâm. Nơi ấy, có sư ông Thích Thiện Chiếu, trụ trì chùa, còn được gọi là “cha” của vài trăm em nhỏ mồ côi.

Chùa Kỳ Quang 2 vào những ngày nắng nóng giữa mùa hạ phương Nam, nhưng ngôi chùa kiến trúc độc đáo, đẹp đẽ vẫn mát rượi bởi những bóng cây xanh. Khu nhà của các em mồ côi ở cũng luôn mát mẻ, sạch sẽ và đầy đủ tiện nghi. Khách thập phương, phật tử đến chùa, thay vì tiền nhang, hoa quả, vàng mã cúng viếng, thường được khuyến khích ủng hộ thực phẩm, nhu yếu phẩm để làm thiện nguyện, góp sức nuôi các em. 

Ngôi chùa, chốn tu hành của các vị sư đã dành một khu làm mái ấm cho trẻ bắt đầu từ những cơ duyên từ năm 1994. Thời điểm ấy, sư trụ trì cảm thương trước số phận của những em nhỏ khiếm thị, mồ côi lang thang đói lả, vẫn nương náu trước cổng chùa nên nhận các em vào nuôi nấng, chăm sóc.

Thầy Thích Thiện Chiếu, trụ trì chùa Kỳ Quang 2, người cha ân cần của mấy trăm em nhỏ
Thầy Thích Thiện Chiếu, trụ trì chùa Kỳ Quang 2, người cha ân cần của mấy trăm em nhỏ

Để rồi sau đó, nhiều hôm nhà chùa mở cổng lại thấy có em bé sơ sinh, bé vài tháng nằm trong bọc, có khi có lời gửi gắm, có khi không. Mái ấm ngày càng nhiều thêm những em nhỏ như thế. Có em lành lặn, bình thường, nhưng cũng có em khuyết tật bẩm sinh: Khiếm thị, khiếm thính, khuyết tay chân hay bại não, có em bị chất độc màu da cam chỉ nằm một chỗ.

Những ngày đầu, sư trụ trì phải học cách chăm sóc trẻ, pha sữa, thay tã. Thời gian dần qua, mái ấm ngày một đông, đã có nhiều người tình nguyện chăm sóc các em. Nhưng, thầy Thích Thiện Chiếu vẫn luôn ở bên, quan tâm, săn sóc từng em nhỏ. Thầy đối đãi với các em bằng tình thương trìu mến và các em cũng luôn kính yêu thầy, gọi thầy bằng “cha”.

Nhìn các em như những đứa trẻ có gia đình thật sự. Các em sáng láng, sạch sẽ, lễ phép và tươi vui. Nhà chùa cho các em đi học đàng hoàng ở trường tiểu học rồi học lên các bậc khác tại các trường trong quận. 

Lần ấy, người viết đến chùa, thăm sư thầy và các em, được đi trên chuyến xe do thầy lái để đi đón các “con” đi học về. Thầy kể, hễ bận pháp sự, bận đi xa thì thôi, nhưng nếu ở chùa, thầy vẫn luôn muốn tự đi đón các “con” mình. Muốn được thấy ánh mắt lấp lánh, tiếng reo vui của chúng khi thấy “cha” ra đón, chúng sà vào lòng cha và ríu rít kể chuyện ở trường, ở lớp… Nhìn vào đôi mắt ấm áp, đầy trìu mến, độ lượng, thương yêu của thầy dành cho những đứa trẻ ấy, mới thấy tình phụ tử vĩ đại không cần đến máu mủ, ruột rà.

Hiến cả tài sản, trái tim cho trẻ mồ côi

Cách đây một thời gian, người dân TP Hồ Chí Minh xôn xao với thông tin một người đàn ông hiến gia sản trăm tỉ để làm mái ấm cho trẻ em nghèo. Nhiều người nghe ngỡ ngàng, không thể tin nổi nên tìm đến tận nơi xem sao và câu chuyện còn cảm động, đáng trân trọng hơn cả những gì người ta được nghe loáng thoáng.

10 năm về trước, khi ở tuổi hưu, ông Bùi Công Hiệp, một công dân TP Hồ Chí Minh đã quyết định cùng vợ dùng hết số tiền dành dụm để mua một mảnh đất rộng 2.500m2 ở Long Trường, quận 9, mong muốn có một ngôi nhà vườn rộng rãi, xanh mát, an hưởng tuổi già. 10 năm sau, giữa cơn sốt đất và quận 9 đã trở thành một trong những vị trí đắt đỏ của thành phố, khu đất của ông bà giờ đây có giá hàng trăm tỉ.

Nhưng, thay vì bán đất hưởng thụ, thay vì sống đời nhàn nhã trên mảnh đất vàng, ông lại cùng vợ xây căn nhà ba tầng và hiến cho mái ấm trẻ mồ côi, cũng do ông bà gầy dựng lên với tình thương dành cho trẻ em bất hạnh từ năm 2010. Việc hiến ấy không chỉ nằm trên danh nghĩa, mà ông bà đã thực sự làm giấy tờ hiến cho mái ấm Thiên Thần, khối tài sản ấy hoàn toàn thuộc về mái ấm, cùng với sự đồng thuận của các con ông bà.

Ông Bùi Công Hiệp, người ta đã hiến tài sản và tình yêu thương cho hàng trăm trẻ mồ côi
Ông Bùi Công Hiệp, người ta đã hiến tài sản và tình yêu thương cho hàng trăm trẻ mồ côi 

Ông Hiệp kể lại, ngày ấy, mới thành lập ra mái ấm, ông cũng lo lắm. Vì nuôi con mình chỉ có vài đứa đã cực nhọc, đằng này nuôi cả vài chục đứa trẻ, có dễ dàng gì. Ông đi khắp các mái ấm hỏi thăm cách thức bố trí, cách chăm sóc, nuôi nấng trẻ. Ông bỏ đi thời gian thảnh thơi, bỏ cả các cuộc vui với bạn bè.

Những bé đầu tiên, chính ông thức khuya, dậy sớm chăm nom, cho các bé uống sữa, thay tã, tắm táp… trong tiếng la hét, tiếng khóc ngằn ngặt của trẻ nhỏ. Như một người cha nuôi con mọn, với biết bao khó khăn, cực nhọc. Nhiều người bảo ông nên bỏ cuộc để an hưởng tuổi hưu, nhưng ông với lòng thương dành cho trẻ, vẫn quyết làm đến cùng.

Rồi thời gian trôi qua, tất cả đã ổn. Mái ấm ngày càng có nhiều em được nhận nuôi, chăm sóc. Giờ đây, có gần một trăm em được nuôi dưỡng, chăm sóc, với hàng chục cô nuôi dạy trẻ, nhưng ông vẫn luôn theo sát mọi hoạt động của mái ấm, như một người cha thật sự. Ông đặt tên cho mỗi em, đi lo thủ tục khai sinh cho các em, ông tìm hiểu tính cách của từng em để có cách giáo dục cho phù hợp… Người cha ấy đã ở tuổi thất thập mà vẫn chưa bao giờ nguôi vất vả, lo toan cho hàng trăm đứa con của mình.

Tình yêu thương làm nên điều kì diệu

Ở TP Hồ Chí Minh, trên cả nước còn rất nhiều người cha như thế. Có người giàu có, ổn định cuộc sống và phát tâm lo toan cho trẻ mồ côi, khuyết tật. Nhưng cũng có người, bản thân vẫn phải tất bật lo mưu sinh, nhưng vẫn giang rộng cánh tay đón những đứa trẻ lạc loài, cho chúng một mái ấm, dẫu không trọn vẹn.

Như câu chuyện về ông Nguyễn Ngọc Em, ở Quảng Khê, Đák Glong, Đắk Lắk. Ông và vợ là những người nông dân, lao động chân tay, nghèo khó. Thế mà họ lại rộng lòng, nhận nuôi ba chị em trẻ bị nhiễm chất độc da cam và hai trẻ khác bố mẹ quá khó khăn không thể nuôi nấng. 

Có người cha ở TP Hồ Chí Minh chạy xe ôm, vất vả kiếm ăn từng bữa, thế mà nhặt về nhà 4 đứa trẻ mồ côi, không nơi nương tựa, để rồi phải nỗ lực làm lụng gấp nhiều lần để lo lắng cho những đứa trẻ không máu mủ gì với mình.

Ở Đồng Nai, nhiều người biết đến ông Nguyễn Văn Lâm, người lập nên mái ấm Phúc Lâm. Là một người đàn ông độc thân, ông dành cả đời, cả tài sản dành dụm để nuôi nấng, chăm sóc hàng trăm trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ mà mình “nhặt” về.

“Mẹ cho con cuộc sống rạng ngời/Cho tiếng khóc mới đầu đời rồi đi mất”, “Cha ơi cha còn hay đã mất/Sao không về nơi đất mẹ tìm con/Hay con đây làm điều gì có lỗi/Để cho cha giận dỗi bỏ con đi”. Những bài hát do chính ông Lâm sáng tác, để đánh động trái tim những người cha, người mẹ, với mong muốn những người lầm lỡ, trước khi quyết định vứt bỏ con mình hãy dừng một chút để nghĩ suy, để đánh thức tình mẫu tử tự trong lòng.

Những người cha vĩ đại ấy đã làm nên những điều phi thường mà không mấy người làm được. Nuôi con của chính mình còn cực khổ, khó khăn trăm bề. Nhiều người cha ruột còn bỏ cuộc trên con đường làm cha, vùi mình vào những thú vui khác thay vì dạy dỗ, chăm nom con. Nhiều người bỏ trốn khỏi trách nhiệm làm cha. Có người thì trút lên con mình những phẫn uất đối với cuộc đời, với con người. Thế mà, những người cha không sinh lại mở rộng trái tim, đón nhận, nuôi dưỡng những đứa trẻ không phải do mình sinh ra. Điều vĩ đại ấy đến từ những trái tim đầy tình thương, đầy bao dung.

Từ những mái ấm người cha ấy, biết bao trẻ đã lớn lên, thành người, thành tài, thành những người giỏi giang cống hiến cho xã hội. Từ những đứa trẻ bị vứt bỏ, đứng bên lề của tình thương, những đứa trẻ ấy đã có những cuộc lột xác, đổi thay số phận. Ấy chính là phép màu, là điều kì diệu đến từ yêu thương.

Và cho dù không có một gia đình trọn vẹn với mẹ, cha sinh dưỡng mình nhưng những đứa con hoàn toàn có thể tự hào vì mình đã được nuôi nấng, thương yêu bởi những người cha vĩ đại như thế.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.