Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trở về trường xưa

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gặp lại thầy giáo chủ nhiệm (người đứng thứ 2 từ phải sang) tại Lễ kỷ niệm.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gặp lại thầy giáo chủ nhiệm (người đứng thứ 2 từ phải sang) tại Lễ kỷ niệm.
(PLVN) - Sáng 14/11, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã về dự Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba - đây là ngôi trường Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã học tập trong giai đoạn 1957-1963.

Một thời gian khó

Trở về trường xưa, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chia sẻ nhiều kỷ niệm xúc động về những năm tháng được học tập dưới mái Trường THPT Nguyễn Gia Thiều. Đó là những năm tháng khó khăn, gian khổ, mỗi học sinh muốn đến trường phải đi bộ hàng chục cây số, phải vừa học vừa làm để trang trải cuộc sống… nhưng vượt lên tất cả, thầy và trò đã nỗ lực khắc phục khó khăn để dạy tốt và học tốt.

Nhắc lại tên từng thầy cô Hiệu trưởng, từng thầy cô giáo dạy các môn học và đặc biệt là những kỷ niệm với thầy giáo chủ nhiệm - người đã 91 tuổi và cũng có mặt trong buổi lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Sẽ không bao giờ quên những kỷ niệm sâu sắc, những công lao dạy dỗ của các thầy cô, sự giúp đỡ của bạn bè, những ấn tượng tốt đẹp của 6 năm liên tục được học tập dưới mái trường thân yêu Nguyễn Gia Thiều.

 “Ngày xưa, khi thời chúng tôi học, trường lớp chật chội, nhà tranh, mái lá, sân đất, các phương tiện, phòng thí nghiệm, thư viện,... rất đơn sơ, thiếu thốn. Anh chị em học sinh phần lớn ở xa, phương tiện đi lại rất khó khăn, hầu hết là tự đi bộ hàng chục cây số. Nhiều người, trong đó có tôi - phải đi ở nhờ, ở trọ, thậm chí phải vừa học vừa đi làm thêm để kiếm sống...

Tôi còn nhớ, lúc bấy giờ, thầy Giảng của chúng tôi (hôm nay đang ngồi đây) là Bí thư Chi bộ nhà trường, Chủ nhiệm lớp 9B, lớp 10B của chúng tôi. Thầy là cán bộ miền Nam ra Bắc tập kết, chỉ có một mình, ở một căn nhà nhỏ. Thầy nhớ nhà cho nên thường bảo tôi đến ở cùng thầy. Thầy ngồi ở bàn làm việc chấm bài, còn cho tôi một chiếc bàn con để học.

Tối đến, thầy bảo tôi ngủ lại với thầy. Hai thầy trò ngủ chung giường, quần áo không có nhiều, đắp một chiếc chăn mỏng, có những đêm trời mưa rét, hai thầy trò lục đục không ngủ được cho đến sáng.

Lúc bấy giờ, hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, phòng thí nghiệm đơn sơ, toàn bộ sân này là nền đất, đằng sau kia là ao, dãy nhà nơi đây là nhà lợp lá, cả cấp II, cấp III chỉ có dãy nhà này, bây giờ khang trang, hiện đại. Năm 2014-2015, tôi về đây cũng thấy thay đổi rồi, nhưng hôm nay về lại càng thấy thay đổi, rất vui mừng”.

Và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước xúc động  nhớ  những người bạn thân thiết và những tháng ngày thân thương: “Đồng chí Doãn Duy Lực là bạn thân của tôi, đi vào Nam chiến đấu, sau là liệt sĩ. Trước khi hy sinh, anh Lực gửi quyển nhật ký nhờ chuyển ra Bắc cho tôi và tôi tìm cách chuyển cho gia đình anh, rồi gia đình đã mang gửi lại cho nhà trường. Hiện nay, quyển nhật ký của đồng chí Doãn Duy Lực ở trong phòng truyền thống của chúng ta…

Chúng tôi lúc bấy giờ còn phải cùng gia đình đi lao động kiếm sống. Một số anh em buổi tối phải đi dạy bổ túc văn hóa, đi lao động, có những anh bạn buổi tối ra bãi chiếu bóng Gia Lâm, đứng ở cổng xé vé vào cửa, mỗi tối được 3 hào, đời sống khó khăn lắm...

Tôi và anh Ngô Bá Dục, một tuần một buổi tối phải đi bộ suốt từ đây vào Thanh Am, kho xăng Đức Giang để dạy bổ túc văn hóa, thù lao mỗi giờ được 6 hào, một buổi tối dạy 2 giờ cũng có 1 đồng 2... Chúng tôi lấy tiền ấy để sinh hoạt, học tập và ở trọ, tự nấu nướng lấy ăn…

Điểm sáng giáo dục Thủ đô

Thầy Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường THPT cho biết, được thành lập năm 1950 tại tỉnh Bắc Ninh, đến năm 1951, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều chuyển về địa điểm hiện nay tại số 27, ngõ 298, phố Ngọc Lâm, quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Quy mô giáo dục của trường hiện có 2.000 học sinh với 95 cán bộ, giáo viên, nhân viên; 100% giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn, trong đó tỷ lệ có trình độ đào tạo trên chuẩn đạt hơn 55%.

10 năm học gần đây (từ năm học 2010-2011 đến năm học 2019-2020), Trường THPT Nguyễn Gia Thiều có 20 giáo viên đoạt giải tại Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố; tỷ lệ học sinh xếp loại học lực giỏi tăng từ 25,27% lên 61%.

Đáng chú ý, năm học 2019-2020, toàn trường có 98,24% số học sinh xếp loại học lực giỏi và khá, tăng 4,93% so với năm học 2018-2019. Trung bình mỗi năm, trường có 23 học sinh đoạt giải trong cuộc thi học sinh giỏi lớp 12 cấp thành phố; riêng năm học 2019-2020, trường có 28 học sinh đoạt giải.

Hàng năm, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp đạt từ 99,86% đến 100%; tỷ lệ học sinh đỗ đại học đạt từ 70% đến 90%. Liên tục nhiều năm gần đây, trường nằm trong tốp 100 trường dẫn đầu cả nước về kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. 

Với những nỗ lực của thầy và trò trong 70 năm qua, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều đã được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba... Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho Trường THPT Nguyễn Gia Thiều.

Bày tỏ sự phấn khởi, tự hào về những thành tựu mà Trường THPT Nguyễn Gia Thiều đã đạt được trong suốt 70 năm qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều là một trong những trường có bề dày lịch sử, có phong trào, nề nếp dạy tốt, học tốt, một điểm sáng của ngành Giáo dục Thủ đô Hà Nội và có đầy triển vọng để phát triển trong thời gian tới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong muốn và tin rằng, với truyền thống 70 năm xây dựng, phát triển, trưởng thành, với nhiều thành tích và kinh nghiệm và đã tích lũy được đầy tự hào, trong thời gian tới, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều sẽ tiếp tục phát triển, tiếp tục vươn lên, không ngừng tiến bộ, ngày càng thu được nhiều kết quả to lớn, tốt đẹp hơn nữa, đáp ứng tốt những yêu cầu mới ngày càng cao hơn, khó hơn, xứng đáng với truyền thống, xứng đáng với danh nhân Nguyễn Gia Thiều, xứng đáng với sự mến yêu, tin cậy của Đảng, Nhà nước, nhân dân nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Thủ đô và đất nước.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.