Tình cha biến ước mơ của cô gái liệt tứ chi thành hiện thực

Cô giáo khuyết tật Lê Thị Hồng Yến.
Cô giáo khuyết tật Lê Thị Hồng Yến.
(PLO) -Trong lớp học, Lê Thị Hồng Yến (SN 1984, ở phường Nghĩa Lộ, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) ngồi trên xe lăn, dáng người thấp, lọt thỏm giữa các học trò. Ít ai biết rằng, để có thể hàng ngày dạy tiếng Anh miễn phí cho học trò nghèo như hôm nay, Yến đã trải qua không ít nỗi trớ trêu, đắng cay.

“Ba là đôi chân của con”

Mùa hè năm 1985, khi Yến vừa tròn 14 tháng tuổi, gia đình nhận được hung tin từ bác sĩ là Yến sẽ vĩnh viễn không đi đứng và tự cầm bất kỳ vật gì được nữa vì bị liệt tứ chi sau một ca sốt thập tử nhất sinh. 

Không được chứng kiến con tập bò, tập đi như bao đứa trẻ khác, cha mẹ nâng niu Yến trong tay, dốc hết tình yêu thương để bù đắp cho con. May thay, thời gian sau đó, Yến tự vận động, cố nhích cánh tay của mình rồi tay trái cũng cầm nắm được. 

Khi Yến lên 6 tuổi, cô ngồi trước cửa nhìn các bạn cùng lứa đến trường, rồi chợt nói: “Má ơi, con muốn đi học”. Nghe con nói rồi nhìn đôi chân, cái tay con bé xíu, bà Trần Thị Hồng Cúc (SN 1954, mẹ Yến) nửa mừng nửa tủi, rồi lo lắng con có thể bị đánh gục khi vấp phải lời chọc ghẹo của bạn bè. Nhưng làm sao một mong ước bình thường như vậy mà người mẹ lại có thể chối từ.

Từ đó đến suốt 12 năm sau, ông Lê Cao Trung (SN 1953, cha của Yến) miệt mài đưa con đến lớp, bất kể ngày mưa nắng. Gắn chặt vào lưng cha trên đường đi học, nhiều lần Yến ghé vào tai ông thủ thỉ: “Ba ơi ba phải luôn khỏe nhé, vì ba là đôi chân của con”. 

Hình ảnh người cha cõng con trên lưng đến lớp gây ấn tượng mạnh với thầy cô, những bạn đồng trang lứa. Như một sự bù đắp của tạo hóa, Yến có đôi bàn tay tài hoa, từ nhỏ cô đã say mê những nét vẽ, sắc màu. Yến thổ lộ rằng mình muốn làm nhà thiết kế thời trang. Vậy là hành trình đưa con đến trường của người cha lại thêm một đoạn đường nữa. Một tuần hai buổi, Yến được cha đưa đến nhà thầy Nguyễn Hữu Quang, một thầy giáo cũ của Yến để luyện vẽ.

Tốt nghiệp THPT, Yến chọn một trường cao đẳng mỹ thuật để theo đuổi ước mơ. Nhưng vì trường ở tỉnh xa, cô lại không thể sống một mình nên ước muốn ấy đành gác lại. Yến tiếp tục thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ngãi với số điểm gần thủ khoa, nhưng một lần nữa cánh cửa giảng đường khép lại, bởi trường không tiếp nhận sinh viên khuyết tật vào ngành sư phạm. 

“Gần 10 năm trôi qua, đó khoảng thời gian dài, tôi sống rất mờ nhạt”, Yến bộc bạch. Thời gian đó, vợ chồng bà Cúc đăng ký vài khóa học tin học, tiếng Anh cho Yến tham gia, phần lớn chỉ để cô khuây khỏa. Nhưng không, vốn liếng trau dồi tiếng Anh trong thời gian này đã có dịp hữu ích khi một người họ hàng nhờ cô dạy kèm cho con. Yến nhận ra mình có khả năng truyền đạt và cái “uy” của một cô giáo.

May mắn đến với cô khi năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy chế mới tạo điều kiện cho thí sinh khuyết tật vào đại học. Nhờ đó, Yến được tuyển thẳng vào Trường Đại học Phạm Văn Đồng học ngành tiếng Anh mà cô yêu thích.

Lúc này, người cha lại tiếp tục làm đôi chân cho con mỗi ngày đến lớp. Hình ảnh người cha già cõng cô con gái lớn lên tầng 3, 4 của một trường đại học, rồi từ tốn đặt con xuống ghế, khiến ai thấy cũng rưng rưng.

Lớp học tiếng Anh của cô giáo Yến.
Lớp học tiếng Anh của cô giáo Yến.

Lớp học đặc biệt

Tháng 6/2015, Yến được mặc trang phục cử nhân sau nhiều năm lận đận. Nhận bằng, cô bắt đầu thực hiện ước mơ làm cô giáo của mình. Nhiều trường hợp học sinh nghèo, cha mẹ không có tiền cho học, Yến nhờ người thân vận động để họ đưa con đến học miễn phí. 

Thời gian đầu, nhiều người bảo cô tật nguyền mà lại dạy miễn phí cho nhiều học sinh thì lấy gì mà sống, bảo cô tự rước khổ vào thân, bởi trong khi người ta đang đua nhau mở lớp học thêm để kiếm khoản thu nhập, thì cô lại làm điều ngược lại. Những trường hợp gia đình có điều kiện, cô cũng chỉ lấy học phí khiêm tốn, đủ chi phí sinh hoạt hàng tháng cho bản thân. 

Do phương pháp giảng dạy của Yến đơn giản, dễ hiểu, các học trò tiếp thu rất nhanh nên tiếng lành đồn xa, lớp học của cô ngày càng có đông học sinh tìm đến học. Đến nay, ít ai dám nghĩ, một người mà đến việc di chuyển cũng phụ thuộc vào chiếc xe lăn như Yến lại quản nổi nhiều lớp học tiếng Anh từ lớp 3 đến lớp 9 với hơn 120 học sinh. 

Thử hình dung một cô gái chỉ có tay trái, phần ngực trái và cái đầu còn khỏe mạnh, ngày ngày truyền đạt kiến thức cho học trò, mới thấy sự vươn lên mạnh mẽ qua con dốc cuộc đời. 

Khi đến lớp học của Yến, học sinh được nghe những câu chuyện về nghị lực sống của nhiều người trên thế giới đã vượt qua bạo bệnh, khiếm khuyết, để sống không chỉ cho riêng mình mà còn giúp ích cho xã hội. Tất cả được Yến kể bằng tiếng Anh, chính điều này đã giúp học trò càng yêu thích lớp học của Yến.

Cô giáo nhỏ bé, ngồi yên trên chiếc xe lăn thì quản lớp học đông đúc đang tuổi nghịch ngợm thế nào?. Yến bảo, "chiêu" để ổn định học trò chính là tình yêu thương mà cô dành cho các em. “Tôi truyền cho các em những suy nghĩ đúng với từng lứa tuổi. Đó là sự chăm ngoan, chơi đúng chỗ và biết tôn trọng những người bên cạnh. Có nhiều em cũng rất nghịch ngợm nhưng sau buổi nói chuyện thì vào lớp đã biết chào cô, chào các bạn và rất ngoan”, Yến tâm sự.

Buổi học hôm ấy, nhiều phụ huynh đến đưa đón con, họ bảo nhìn con thích đến lớp tiếng Anh của cô Yến học, về nhà tự ý thức ngồi vào bàn mà không cần đến sự nhắc nhở của người lớn, họ rất vui mừng. Họ đưa con đến đây không chỉ muốn con học được kiến thức mà còn hy vọng con mình học được cả nghị lực vươn lên. 

Trong khi con gái đang say sưa giảng bài cho học trò, bà Cúc lo cơm nước cho gia đình, thi thoảng nhìn về phía lớp học của con. Suốt hơn 30 năm qua, ánh nhìn của người mẹ này luôn dõi theo con gái đầu lòng như thế. Bà bảo, chính tinh thần lạc quan đã giúp Yến sống từng ngày, làm việc mỗi ngày. Nhiều khi Yến còn động viên ngược lại những thành viên trong gia đình. 

“Chưa cần nhìn xa đến Nick Vujicic, chúng tôi có một Hồng Yến để làm hình mẫu sống. Đó là niềm tự hào của gia đình”, bà Cúc tự hào.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.