Tay không vẫn “nặn” nên kiện tướng

Tay không vẫn “nặn” nên kiện tướng
(PLO) - Có lẽ ở góc nhìn đồ họa, đây là hình ảnh chính xác nhất về ông Phạm Văn Vũ ở thôn Cầu Chính, xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Là người “ngoại đạo” thể thao, nhưng lại đào tạo nhiều kiện tướng cầu lông cho tỉnh và cho đội tuyển quốc gia.
Người thay đổi quan niệm cũ của dân làng
Hai mươi năm trở lại đây, tại các giải đấu lớn ở huyện, tỉnh trên địa phận Bắc Giang, nhiều người đã quen với hình ảnh của một người đàn ông đi thu nhặt những quả cầu lông cũ bị vận động viên bỏ lại. Nhặt về nào đã xong, người đàn ông này còn bỏ thời gian ngồi cặm cụi chỉnh sửa những chỗ hỏng và phân loại. Quả cầu cũ dành cho việc tập động tác phát cầu, quả mới hơn để rèn các động tác đòi hỏi kỹ thuật và độ chính xác cao như đập, bỏ nhỏ, cắt cầu.
Không chỉ nhặt cầu, người đàn ông này còn sở hữu một cuốn sổ “khủng” được ghi chép từ năm 1995 đến nay. Trong đó, sau mỗi cái tên là dấu mốc ngày tháng ghi nhận sự trưởng thành của một con người. Từ bước chân chập chững bước vào làng cầu, tay cầm vợt còn lúng túng, cho đến ngày bắt đầu tham gia thi đấu lần đầu tiên, ngày được triệu tập vào lớp năng khiếu cầu lông của tỉnh, tập trung đội tuyển quốc gia, đi học đại học… Mỗi khi giở ra, người đàn ông lại mỉm cười với những cái tên, như đang thấy những cô, cậu học trò đứng trước mắt mình, khoanh tay lễ phép chào thầy…
… Đó là những nét chấm phá trong bức tranh về cuộc đời ông Phạm Văn Vũ- sinh năm 1960. Rời quân ngũ, ông Vũ về quê công tác ở một xí nghiệp thuộc Sở Nông nghiệp Bắc Giang, đến năm 1989, ông nghỉ theo chế độ 176. 
Trong thời gian công tác, ông Vũ thường xuyên tham gia hoạt động tập luyện, thi đấu cầu lông tại xí nghiệp. Vì thế, khi nghỉ về quê, chứng kiến trẻ em thiếu chỗ chơi, sinh hư, sao nhãng việc học hành, ông quyết định lập nên một sân chơi ở thôn - chính là câu lạc bộ cầu lông mở ngay tại nhà ông.
 “Năm 1991, tôi bắt đầu tuyển các em vào vừa học văn hóa, vừa học cầu lông tại gia đình. Phần vì thấy khả năng của mình chưa biết dùng vào đâu, phần vì mong phong trào học tập ở thôn Cầu Chính khá lên. Trước đây, người dân chẳng mấy quan tâm đến chuyện học hành của con em mình” – ông Vũ kể. 
Ông Vũ và học trò trong đội cầu lông đón Tổ chức Từ thiện cầu lông thế giới về thăm
Ông Vũ và học trò trong đội cầu lông đón Tổ chức Từ thiện cầu lông thế giới về thăm 
Dạo đó, kinh tế gia đình ông Vũ rất khó khăn. Đêm đêm, người dân cứ thấy đèn soi nhái lập lòe ở đâu là biết ở đó có vợ chồng ông Vũ đang lặn lội. Hai vợ chồng lăn lưng nuôi lợn, làm máy xay xát, làm ruộng để vực kinh tế gia đình. Thế nhưng, ông vẫn không quên bỏ công san lấp mặt bằng tại mảnh vườn trước cửa nhà mình, hình thành một sân cầu lông và đón nhận các em nhỏ trong làng đến tham gia tập luyện.
 “Thấy chồng đam mê quá, trong khi kinh tế gia đình khó khăn, con nhỏ, nhiều khi tôi cũng không tránh khỏi bực mình. Nhưng rồi ý định, việc làm của chồng vì con trẻ cũng thuyết phục được tôi” - bà Nguyễn Thị Thục, vợ ông Vũ cho biết. 
Hai mươi năm qua, không chỉ dạy cầu lông cho các em thiếu niên, nhi đồng, ông Vũ còn dạy cả văn hóa. Ông đã thay đổi được quan niệm bấy lâu của mọi người là dân thể thao thường “đầu óc ngu si, tứ chi phát triển”. 
Trẻ con ở thôn cứ bắt đầu vào học lớp 2 là ông tuyển, vừa dạy văn hóa, vừa dạy cầu lông. Sau vài năm, em nào có khả năng cầu lông thì đào tạo song hành, còn em nào không có khả năng cầu lông, ông hướng dẫn các em dành thời gian học văn hóa.
Ông Vũ đang dạy văn hoá cho học trò
Ông Vũ đang dạy văn hoá cho học trò 

Dạy văn hóa nghe đơn giản, nhưng ông Vũ đã phải mày mò tự soạn giáo án để dạy sao cho dễ hiểu nhất. Ông còn lặn lội đến các trường tìm gặp giáo viên, nhờ họ giúp đỡ về phương pháp giảng dạy sao cho dễ hiểu, dễ tiếp thu nhất. Lớp học của ông Vũ có nét đặc biệt là dãy bàn này lớp 5, dãy kia lớp 2, rồi lớp 1. Ông Vũ tận tình giảng cho các em đến khi hiểu bài mới thôi. Thi thoảng lại có đứa trẻ giơ tay lên: “Thưa ông, cho con hỏi…”. 
Nhiều phụ huynh thấy hiệu quả, con họ không chỉ giỏi thể thao, chăm ngoan, vâng lời, mà còn học văn hóa cũng rất giỏi. Khi tiếp xúc với thể thao, các em cũng bớt sa đà vào các trò chơi vô bổ, lại có điều kiện thi đấu, học tập. Tiếng lành đồn xa, người ở TP Bắc Giang, các xã lân cận cũng đến xin cho con mình theo học. 
“Nguồn thu” của thầy chính là thành tích của trò
Mười lăm năm liền, ông Vũ dạy miễn phí. Mấy năm gần đây, khi phụ huynh, học sinh thấy ông cứ phải đi cặm cụi nhặt cầu đã bảo nhau đóng góp mỗi người 200 nghìn/tháng để ông Vũ mua cầu, mua nước cho học trò uống. “Tôi tuyệt đối không bao giờ tính toán đến việc mình đã bỏ công sức ra thế nào, đối với tôi thành tích học tập, thi đấu của học trò chính là “nguồn thu” lớn nhất, vinh dự nhất cho cuộc đời dạy học” – ông Vũ cười vui.
Từ những thành tích thi đấu của vận động viên luyện tập ở “lò quê” này, năm 1996, UBND xã Tân Dĩnh và Sở Thể dục - Thể thao Bắc Giang cho phép ông Vũ thành lập CLB cầu lông để đào tạo học sinh, đưa vào Trung tâm Năng khiếu của tỉnh. Năm 1998, CLB cầu lông của ông ghi dấu bằng một Huy chương đồng của em Hà Thị Thu Thảo trong giải đấu thiếu niên, nhi đồng toàn quốc.
Sau thành công bước đầu đó, học trò của ông Vũ ngày càng nhiều em thành tài, là kiện tướng, vận động viên loại một như Hà Thị Phương Thảo, Nguyễn Thị Sen, Lê Duy Nam... Đặc biệt, một gia đình có hai chị em khoác áo đội tuyển quốc gia là Vũ Thị Hải Yến và Vũ Thị Trang. Về quê hương báo công với thầy, món quà học trò tặng mà ông Vũ thích nhất đó là… những quả cầu cũ. VĐV Vũ Thị Yến đầu quân cho đội Than Uông Bí - Quảng Ninh có lần về thăm thầy đã mang cả một bao cầu về tặng.
Giành Huy chương đồng môn cầu lông tại Đại hội thể thao Olympic trẻ thế giới năm 2010, Vũ Thị Trang đã  ghi tên mình một cách ấn tượng vào bảng thành tích của cầu lông Việt Nam. 
Nói về người “thầy làng” đầu tiên của mình, Trang bồi hồi: “Em may mắn được sinh ra tại thôn Cầu Chính, xã Tân Dĩnh, Lạng Giang, Bắc Giang. Trong suốt 10 năm tập luyện, thi đấu vừa qua, em đã được trải qua sự hướng dẫn của rất nhiều huấn luyện viên, mỗi người có những ảnh hưởng nhất định đến sự nghiệp của em. Nhưng với thầy Phạm Văn Vũ em luôn nhớ mãi vì nhờ thầy em được phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng trong những bước chập chững đầu tiên với cầu lông. Chính thầy Vũ là người đã dạy em cách cầm vợt, cách đưa một quả cầu qua lưới sang phần sân đối diện…”. 
Những ông “thầy làng” đưa học trò vào đội tuyển quốc gia
Ở Việt Nam có rất nhiều ông “thầy làng”, tuy là dân “ngoại đạo” nhưng vì đam mê vì tình yêu con trẻ đã góp phần đào tạo ra nhiều tài năng cho đất nước. Đó là ông Phạm Quyết Thắng, niềm tự hào của không ít người dân Ninh Mỹ, Hoa Lư, Ninh Bình khi có nhiều em theo học tại “Nhạc viện đồng quê” do ông mở đã nhận được những giải thưởng lớn và thi đỗ vào Học viện Âm nhạc quốc gia. Ông Dương Khắc Kiểm – lão nông, “ông bầu” bóng đá xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín, Hà Nội đã đào tạo được 200 nữ cầu thủ, cung cấp cho đội tuyển nữ quốc gia 38 em, đội tuyển bóng đá nữ Hà Nội 60 em với nhiều gương mặt quen thuộc như Thu Trang, Lê Thị Oanh, Nguyễn Thị Thành, Nguyễn Thị Lý, Thanh Hường, Hồng Loan…

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.