Sông Loan mùa nước dữ

Mò ngao giữa dòng sông Loan khi triều xuống
Mò ngao giữa dòng sông Loan khi triều xuống
(PLO) - Sông Loan còn được gọi là sông Ròn, có tài liệu viết sông Roòn (phía bắc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình). Sông bắt nguồn từ núi Động Mưa ở lũy Hoành Sơn chảy xuống phía đông nam đến xã Quảng Châu rồi chuyển theo hướng quốc lộ 1A ra cửa Cảnh Dương hay cửa Ròn, tên chữ là Di Luân. 
Cửa sông Loan nằm giữa hai xã Cảnh Dương và Quảng Phú, còn gọi là cửa Duôm. Cửa rộng 300m, cách thị trấn Ba Đồn khoảng 1.500m, về phía đông. 
Vào mùa hạ, nắng ròng, độ tháng (4-6), sông phụ thuộc vào thủy triều từ biển. Cảnh nước sông, sinh vật trong lòng sông hệt như một bản nhạc, thăng có, trầm có, nhịp còng là một phách đàn trong bản hòa âm đó, cứ dồn dập trong ánh rọi của buổi bình minh.
Triều xuống bên dòng sông…
Hồi nhỏ tôi vẫn thường được nghe cha, ông mình kể rất nhiều điển tích về con sông Loan. Tuổi thơ là vậy, ai đã một lần đặt nét vẽ vào tiềm thức là hằn mãi không thôi. Bởi vậy, cho đến lúc trưởng thành, tôi vẫn còn nhớ mãi về câu chuyện mà ông nội tôi đã kể cho tôi nghe, khi chúng tôi đang ngồi nghỉ chân tại lưng chừng núi Phượng.
Ông tôi đưa ánh mắt xa xăm của mình lên thượng nguồn con sông rồi thở đều theo từng mạch “huyền sử” đã khắc cốt trong tâm thức mình từ trước. Con sông mà ông đã vẽ ra trong tiềm thức của đứa trẻ thơ như tôi lúc bấy giờ, đó chính là một con rồng trên sông. Rồng nằm ngoảnh đầu ra cửa biển, ngủ biếng từ hàng ngàn năm trước đó. 
Từng nhánh sông mang hình thế của mình, cánh và chân rồng nằm thoải hoặc hướng về một làng quê nhất định nào đó. Hai xã Quảng Kim và Quảng Châu nằm úp mặt vào nhau, hướng ra nguồn nước của dòng chảy. Mỗi xã đều ôm trọn một chân rồng. 
Tương tự, càng lên gần thượng nguồn xã Quảng Hợp thì đuôi rồng càng nhỏ thon lại và mềm mại theo màu xanh ngút ngàn cảnh rừng núi phía tây.
Cảnh quan bên dòng sông Loan và ngược lên vùng lìa về phía tây, men đỉnh sương mù Hoành Sơn (ranh giới tự nhiên giữa Quảng Bình và Hà Tĩnh), được mệnh danh là vùng “Non kỳ danh địa”. Thế sông, núi như “rồng cuốn, hổ ngồi”, cũng như sự hợp lưu ngẫu nhiên của 2 dòng nước mặn-ngọt. Sự hợp lưu của 2 con nước đó đã đem đến cho sông Loan một món đặc sản trứ danh, nổi tiếng một thời, đó chính là sò huyết. 
Trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, có đoạn: “Cửa biển châu Bắc Bố chính xưa không có sò. Từ thời Hiền quận công Nguyễn Khắc Liệt trấn thủ, sai ba chiếc thuyền ra Quảng Yên, giáp với Khâm Châu lấy về bỏ ở cửa biển Di Luân (cửa Ròn), đến nay xứ ấy mới có sò”. 
Nói vậy để thấy sò huyết ở đây là món ngon trứ danh và trở thành đặc sản là nhờ vào sự hợp lưu của 2 con nước mặn và ngọt.
Như đã nói, sông Loan chịu tác động của thủy triều từ biển. Theo như một số người dân sống lâu năm bên dòng sông thì vào hôm trăng lặn, nước triều dâng cao có nơi cao hơn 10m, trăng mọc thì triều lại rút cạn tới gót chân. Thế triều lên mang theo những hải sản từ biển, những con “sao sáo”, “si si”, hàu, ốc, ngao… cũng từ đó mà được sinh ra hàng ngày.
Cư dân sinh sống bên dòng sông Loan đa số là dân góp, dân từ phía bắc di cư vào. Họ mưu sinh bằng đủ thứ nghề như mò ngao, ghẽ hàu, đào-xát để lấy con “si si”, “sao sáo”… Những công việc này đều phụ thuộc vào thế triều. Ở các phụ lưu vào độ tháng (4-6), khi triều xuống nước sông cạn, vào những hôm trái chợ phiên thì đoàn người hành nghề ở dòng sông có khi lên đến 60 người, dày đặc triền sông. 
Trong số đó có mẹ con chị Nguyễn Thị Cung, 50 tuổi, ở thôn Hùng Sơn, xã Quảng Kim. Chị Cung được người trong làng mệnh danh là “con của trời”, bởi chị rất tháo vát, quanh năm tần tảo làm đủ nghề để nuôi 2 con trai ăn học. 
Có hôm mùa nước bạc, đầu mùa đổ về, chị Cung vẫn phải ra sông để đãi si si kiếm tiền.
Chị Cung cho biết, chồng chị mất từ ngày 2 đứa con đang còn rất nhỏ, chúng vẫn không biết mặt cha. 2 đứa con trai của chị ngoan lắm, chúng thương mẹ nên rất biết nghe lời. Chị Cung tâm sự: “Dù biết trên mình mang đầy bệnh đó, nhưng cũng phải cố thôi. Quen rồi, với lại con nước trên dòng sông cũng lành, đãi “si si” một ngày cũng kiếm được khá lắm. 
Món này ăn vào ngày hè thì rất mát, nên khách mua chuộng lắm. Nghề này phải nắm rõ con nước trên dòng sông lúc nào thì triều lên để biết mà về chứ không bị đuối nước. Thường thì vào buổi sáng, bốn đến năm giờ thì nước triều rút, đãi “si si” từ năm giờ sáng đến mười giờ trưa, khi nước lên lút cổ thì về”.
Dòng sông, có lúc như cứu tinh của con người vùng này, có lúc lại hung hăng lắm. Nhất là vào đầu mùa mưa, do dòng chủ lưu có nhiều nhánh bắt từ lũy Hoành Sơn kéo dài từ Đông sang Tây. Bởi vậy, khi mưa xuống con nước chảy xiết cuốn biết bao đồ đạc, của cải của người dân đi hết.  
Nghề đào, đãi “si si”, “sáo sáo”, (tên gọi của một sản vật dưới sông Loan mà người dân trong vùng thường gọi của người dân ở dọc sông Loan này), đòi hỏi phải từ 2 người trở lên thì mới tìm, đãi được nhiều sản vật.
Nghề đào, đãi “si si”, “sáo sáo”, (tên gọi của một sản vật dưới sông Loan
mà người dân trong vùng thường gọi của người dân ở dọc sông Loan này),
đòi hỏi phải từ 2 người trở lên thì mới tìm, đãi được nhiều sản vật.
 
Sông Loan mùa nước dữ
Theo như chị Nguyễn Thị Cung và một số người dân sống ven dòng sông thì mùa nước bạc là những dòng nước phát từ đầu mùa mưa, nước đục vẫn nhìn xa ngầu ngầu bạc. Nước bạc rất độc, do hơi của đất. 
Không những dân miền sông nước mà ngay cả những tiều phu khi đang hành nghề trong rừng sâu, nếu bất ngờ gặp trận mưa to từ khoảng tháng 7, các khe suối nước bạc chảy tràn, hơi đất từ nước bốc lên nóng hổi. 
Người đi rừng nếu không biết, lội phải con nước này thì xương cốt sẽ nhức mỏi suốt. Con nước nằm trong người suốt đời, khi trái gió thì người yếu hẳn đi và thường xuyên đau ốm.
Không những hơi nước rất độc mà dòng chảy xiết do địa hình khá dốc - dãy Hoàng Sơn có những đỉnh núi cao đến 1044m. Đến mùa mưa lũ, một số phụ lưu dồn nước ra dòng sông Loan, sông cuộn mình “hội thủy” bọt tung trắng trời, trên những “lưng sóng” cây cối đều theo dòng nước đổ ra biển.
Tại các nguồn phát nước ở xã Quảng Hợp, chỉ cách đây vài năm có trường hợp trâu, bò của người dân đang ăn cỏ trên đỉnh Hoành Sơn thì bị dòng nước cuốn trôi, mất tích. Ngày hôm sau, trâu trôi xác về, người dân chẳng biết là trâu, bò của ai hết, đành chia nhau xẻ thịt. 
Cũng có nhiều trường hợp, khi người dân đang lưu thông trên tuyến đường liên xã từ ngã ba xã Quảng Phú (đoạn quốc lộ 1A), lên tới các xã Quảng Hợp và đi Hà Tĩnh dọc hướng tây, khi qua các khe, suối ở đoạn đầu xã Quảng Hợp, đặc biệt là cầu Chùa Thông gặp con nước dữ, bị cuốn trôi gần mấy chục ki-lô-mét cả xe lẫn người. 
Các nguồn chảy khác cũng vậy, có thời điểm người chết trôi đối với người dân trong vùng là chuyện “cơm bữa”.
Nói như vậy để thấy được con sông Loan “trở nết” lại hung dữ như thế nào vào mùa mưa lũ. Nói ra vậy để thấy hết được “tâm hồn” của con sông Loan, biết trăn trở cùng cảnh nghèo khó của con người miền Trung trong mùa mưa bão. 
Sông hục hặc như hờn dỗi, như oán trách, dòng chảy cứ khắc khoải thức cùng những đứa con của đất mẹ, những đứa con sinh ra từ miền đất khó ngoan cường.
… Chiều thu, những cánh cò nối nhau dập dìu bay về phía tây tìm chốn ngủ. Dọc theo con đường liên xã còn mới nguyên, thiên cảnh như một bức “tuyệt tranh”. Hai bên đường, những mái nhà gối vai sát nách nhau. Trong không khí buổi chiều thu, bỗng nghe có giọng hát thắm nồng: “Con cò (cò) bay lả lả lả bay la/ Bay từ (từ) cửa phủ bay ra (ra) cánh đồng/Tình tính tang là tang tính tình…” “hai…ba”. Rồi một tràng bi bô xướng theo, làm cho mái trường mầm non cứ xốn xang tiếng trẻ, tiếng quê, hòa vào nhịp chảy êm êm của dòng sông Loan.
Xa xa về phía hạ nguồn cửa biển, nằm sát nách sông Loan có làng cá Cảnh Dương, một ngôi làng có lịch sử hình thành gần 400 năm và cũng nằm trong bát danh hương của Quảng Bình (8 làng nổi tiếng gồm: Sơn, Hà, Cảnh, Thổ, Văn, Võ, Cổ, Kim). 
Buổi chiều,  tiếng thở của làng cá cứ rạo rực như thúc giục lại như dùng dằng. Tôi mường tượng ra những lời ru đất, ru nước của dòng người xưa ở 2 bên bờ sông, chúng tôi thế hệ sau này cũng chỉ nghe những giai thoại “đẻ đất, đẻ nước” qua lời kể. 
Rồi đây, khi xã hội chạy theo những giá trị vật chất, liệu những giá trị tinh thần của cha ông để lại có bị lãng quên?

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.