"Kho bom" rình rập "thổi bay" cầu lớn nhất qua sông Hồng

Việc cấp phép hoạt động ồ ạt, cho thuê đất công bừa bãi, Sở Công thương Hà Nội và UBND quận Hoàng Mai đang cùng nhau biến xóm bãi nằm dưới chân cầu Thành Trì thuộc địa giới hành chính phường Thanh Trì trở thành một kho “bom” khổng lồ, nơi mà hoạt động san chiết khí, gas, địa bàn tập kết, trung chuyển khí, gas diễn ra rầm rộ...

Việc cấp phép hoạt động ồ ạt, cho thuê đất công bừa bãi, Sở Công thương Hà Nội và UBND quận Hoàng Mai đang cùng nhau biến xóm bãi nằm dưới chân cầu Thành Trì thuộc địa giới hành chính phường Thanh Trì trở thành một kho “bom” khổng lồ, nơi mà hoạt động san chiết khí, gas, địa bàn tập kết, trung chuyển khí, gas diễn ra rầm rộ. 

Hiểm họa nổ tung cầu Thanh Trì không phải là không thể xảy ra khi việc quản lý nhà nước đang có nhiều dấu hiệu bị buông lỏng. Hơn cả một tuần theo dõi hoạt động kinh doanh gas ở đây, phóng viên đã nhìn thấy sự nguy hiểm cận kề cần có sự vào cuộc kịp thời của Bộ GTVT cũng như UBND TP. Hà Nội.

Kho tập kết gas của Cty CP Ngọn lửa thần
Kho tập kết gas của Cty CP Ngọn lửa thần

Kho “bom” khổng lồ      

Chiếc xe bán tải mang BKS 30X- 9433 sau khi “ăn” đủ khoảng 40 bình gas hiệu Vinape Gas được niêm phong trên van bình bắt đầu lăn bánh từ xóm bãi, phường Thanh Trì bon bon chạy vào nội thành Hà Nội. Xe chạy chậm lại khi tới đường ngã ba Giải Phóng- Trương Định.

Xe dừng lại tại một đại lý gas ở phố Giáp Bát, đường nhỏ lại đông nên cả tài xế và phụ lao xuống tranh thủ bưng bê gần chục bình gas giao cho chủ đại lý này. Nhận tiền thanh toán đầy đủ hai thanh niên lại leo lên xe tiếp tục  cuộc hành trình đi sâu vào nội thành để giao cho hết số “hàng” đã nhận…

Theo quan sát của phóng viên, đây là hình ảnh thường thấy tại xóm bãi phường Thanh Trì. Một ngày có cả hàng trăm chuyến xe nhộn nhịp ra vào “ăn” gas để đi tiêu thụ khắp các địa bàn của thủ đô và những tỉnh lân cận. Việc ra vào thường xuyên, làm đoạn đường dưới chân cầu Thành Trì chạy ra tận bãi bị cày xới nham nhở, bụi tung mù mịt.

Mục sở thị tại “sào huyệt” khí, gas tựa như công trường này, có thể thấy ở đây có tới gần chục điểm lúc nào cũng mở cửa làm bãi tập kết để trung chuyển số lượng rất lớn gas đã sang chiết ra thị trường tiêu thụ. Các điểm tập kết được chia lô, phân địa bàn rất kín kẽ, và mỗi lô đều được xây tường bao quanh cao cả gần chục mét. Có chốt bảo vệ bên ngoài, một vài thanh niên mặt mũi bặm trợn luôn để ý người lạ và canh phòng rất nghiêm ngặt. Phía bên ngoài cổng có nơi ghi tên doanh nghiệp còn hầu hết thì chẳng thấy ghi gì, cứ như những lô-cốt.  

“Chú cứ chăm chú nhìn một lúc sẽ thấy. Xe đi vào là xe chở bình gas đã qua sử dụng, xe chạy phía trong ra là xe chở bình gas đã được sang chiết để đem đi cung cấp cho các đại lý. Dưới chân cầu này trông thế thôi chứ ở đây chẳng khác gì một khu công nghiệp chuyên tập kết các sản phẩm khí, gas của rất nhiều công ty để cung cấp cho toàn thủ đô và miền Bắc đấy”, một tài xế vận tải nói với phóng viên.

Quả đúng như vậy, để xác minh thông tin tài xế này nói, phóng viên đã tiếp cận một chủ đại lý chuyên tiêu thụ sản phẩm gas ở đây. Chủ đại lý này "bô bô" rằng khách hàng cần loại gì, hãng gas gì cũng có. Chỉ cần “alo” một cuộc là đáp ứng ngay.

Vị này cho biết, các bình gas được bà “nhập” từ xóm bãi Thanh Trì về chủ yếu là để cung cấp cho bà con trong khu Giáp Bát, Trương Định sử dụng. Vì giá bán một bình gas ra cho khách hàng ở đây rẻ hơn ở những đại lý khác khoảng 20.000 đồng/bình nên nhập về cái là bán vèo vèo. Khi hỏi về chất lượng cũng như độ an toàn của các bình gas này thì vị này trấn an là nhìn niêm phong thế này thì “hàng” chính hãng rồi, khỏi phải lo.

Những chiếc xe bán tải chở gas đã sang chiết đi tiêu thụ
Những chiếc xe bán tải chở gas đã sang chiết đi tiêu thụ

Buông lỏng quản lý

Là đơn vị trực tiếp ký hàng loạt hợp đồng cho thuê đất nhưng khi được hỏi bên trong những khu phân lô kín đáo của một số công ty có phải là sang chiết gas hay không thì bà Hoàng Thị Minh Huệ, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Trì thừa nhận là không biết. Sau khi trao đổi với một lãnh đạo công an phường, bà Huệ nói: “Theo báo cáo của cán bộ đi kiểm tra thì không thấy có sang chiết khí gas mà chỉ là nơi lưu trữ bình gas đã qua sử dụng, các đơn vị hoạt động đúng giấy phép kinh doanh, công tác PCCC ở đây đảm bảo tốt”.

Điều tra của phóng viên cho thấy kết quả hoàn toàn khác. Ở xóm bãi, dưới chân cầu Thành Trì hiện chỉ có 4 đơn vị là có giấy phép hoạt động kinh doanh gas của Sở Công thương Hà Nội cấp, còn lại là hoạt động “chui”, không phép. Trong đó điển hình là 2 công ty có dấu hiệu hoạt động trái phép ở đây là Cty TNHH TM Tú An, và Cty TNHH TM Vinh Quang.

Cty Vinh Quang được báo cáo đã di chuyển đi nơi khác nhưng thực tế thì vẫn hoạt động ở dưới chân cầu thanh trì
Cty Vinh Quang được báo cáo đã di chuyển đi nơi khác nhưng thực tế thì vẫn hoạt động ở dưới chân cầu thanh trì

Ông Vũ Văn Mười, chuyên viên phòng Kinh tế, người được cử phụ trách quản lý các doanh nghiệp kinh doanh gas trên địa bàn quận Hoàng Mai, tỏ thái độ ngạc nhiên khi phóng viên đề cập đến trường hợp Cty Vinh Quang đang hoạt động rầm rộ, công khai ở đây.

“Thế thì lạ quá. Trên hồ sơ quản lý nhà nước, giấy phép được hoạt động hiện tại thì không thấy có tên Cty Vinh Quang. Trước đây Cty này có hoạt động nhưng vào tháng 8/2012 sau khi quận đi kiểm tra các đơn vi kinh doanh gas trên địa bàn thì nghe UBND phường báo cáo là cty này đã dừng hoạt động và đã chuyển đi chỗ khác rồi mà”, ông Mười thắc mắc.

Một trường hợp khác là Cty TNHH TM Tú An có trụ sở hoạt động ở Yên Sở. Cũng theo ông Mười, trước đây kho gas của Cty này nằm ngay cạnh khu dân cư nhưng do lo sợ hiểm họa cháy nổ nhân nên người dân bức xúc kiến nghị. Thời điểm đó Công an đến lập biên bản liên tục, UBND quận phải ra văn bản trình lên Sở Công thương đề nghị rút giấy phép nhưng khi Sở chưa có ý kiến thì Cty này đã chủ động di dời, thế mà nay không hiểu sao Cty lại chạy về đây hoạt động được.  

Kho gas công ty Tú An đã chuyển về đây hoạt động
Kho gas công ty Tú An đã chuyển về đây hoạt động

Vị đại diện Phòng Kinh Tế quận Hoàng Mai thừa nhận hoạt động tại xóm bãi Thanh Trì hiện nay là phức tạp: “Kinh doanh nghành nghề nhạy cảm cháy nổ như gas nhưng việc thẩm định đủ điều kiện hay không là do Sở Công thương tự ý cấp phép. Phòng Kinh tế của quận chẳng có quyền hành gì. Phòng chỉ quản lý sau cấp phép nên thỉnh thoảng chỉ được đi kiểm tra xem các giấy phép đã hết hạn chưa mà thôi.

Về an toàn cháy nổ là trách nhiệm của bên PCCC, hàng giả, hàng nhái là do bên quản lý thị trường, sử dụng đất như thế nào lại là do chính quyền địa phương dưới đó. Một anh quản một mảng nên… khó lắm. Về mặt cảnh báo thì với trách nhiệm của mình, Phòng cũng đã nhiều lần có văn bản kiến nghị lên cấp trên rút giấy phép hoạt động nhưng việc có rút hay không lại là quyền của cơ quan khác”.    

“Thổi bay” cầu Thanh Trì?

Cầu Thanh Trì nếu chỉ tính phần cầu chính đoạn qua sông Hồng đã dài 3.084m, rộng 33,10m. Theo quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của Chính phủ và Bộ GTVT thì hành lang an toàn đối với cầu có chiều dài như Cầu Thanh Trì được tính từ mép ngoài cùng đất của đường bộ trở ra mỗi phía là 150m. Phần hành lang này quy định nghiêm cấm xây dựng trái phép các loại công trình trong phạm vi bảo vệ.

Đặc biệt, các kho chứa vật liệu nổ, vật liệu có nguy cơ cháy cao, hóa chất độc hại như trong trường hợp này không những phải nằm ngoài hành lang an toàn mà còn phải xa thêm một khoảng cách nhất định nữa để bảo đảm an toàn cho hoạt động giao thông vận tải.

Thế nhưng theo điều tra của phóng viên, trong gần 200 công trình xây dựng ngay dưới chân cầu Thanh Trì ở xóm bãi, phường Thanh Trì, lại chủ yếu là các công trình nhà kho, xưởng san chiết khí, gas, kinh doanh xăng dầu (ngay tại chân cầu Thanh Trì có một cây xăng rất lớn)… với nguy cơ cháy nổ liên hoàn rất lớn.

Một cây xăng cũng vô tư mọc lên ngay chân cầu Thanh Trì
Một cây xăng cũng "vô tư" mọc ngay chân cầu Thanh Trì

Lợi dụng đây là khu đất công nằm ngoài bãi sông Hồng chưa có quy hoạch chi tiết và không nằm trong quy hoạch sản xuất nông nghiệp của quận Hoàng Mai nên một số lãnh đạo UBND phường Thanh Trì đã tự ý ký hợp đồng với 12 tổ chức và 14 cá nhân để sử dụng vào nhiều mục đích, trong đó cho tổ chức, cá nhân thuê đất công kinh doanh, san chiết gas. Việc làm này vừa trái luật, vừa sai mục đích và gây nguy hiểm nhưng đến nay vẫn chưa thấy quận Hoàng Mai có biện pháp kiên quyết nào để mà xử lý.

Có thể thấy, với việc cho thuê đất vô tội vạ của chính quyền địa phương, cấp phép hoạt động kinh doanh gas ồ ạt nhưng lại thiếu thanh kiểm tra của Sở công thương Hà Nội, đã biến bãi bồi sông Hồng thành các kho chứa,  các điểm san chiết khí ni tơ, gas trái phép. Không phải là phần hành lang mà ngay phía dưới chân cầu Thanh Trì đã đang trở thành một kho “bom” khổng lồ với hàng ngàn bình khí, gas chờ sự cố để nổ. Chỉ cần một lờ là thì hiểm họa nổ tung cầu Thanh Trì sẽ xảy ra với hậu quả rất khó lường.

Cầu Thanh trì là cây cầu lớn nhất trong các cây cầu bắc qua sông Hồng, bắt đầu từ điểm cắt quốc lộ 1A tại Pháp Vân, quận Hoàng Mai, điểm cuối cắt quốc lộ 5 tại Sài Đồng, quận Long Biên.

Cầu Thanh Trì được khởi công ngày 30/11/2002 và thông xe ngày 2/2/2007.

Cầu Thanh Trì có tổng chiều dài bao gồm đường dẫn và cầu dài hơn 12.000m, cầu chính qua sông Hồng dài 3.084m, rộng 33,10m với 6 làn xe (4 làn xe cao tốc), tốc độ cho phép 100km/h.

Đây là một trong những cây cầu bê tông cốt thép dự ứng lực dài và rộng nhất Việt Nam.

Cầu Thanh Trì do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư.

Điều tra của Phi Hùng - Tuấn Ngọc

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.