Phụ nữ và trẻ em gái - muốn an toàn thì cứ ở nhà?

Em mong muốn được an toàn trên đường đến trường. Ảnh minh họa
Em mong muốn được an toàn trên đường đến trường. Ảnh minh họa
(PLVN) - Câu hỏi đã được đặt ra khi Tổ chức Plan công bố một đoạn phim ngắn với camera được giấu kín. Chi -  nữ sinh viên 21 tuổi của một trường đại học ở Hà Nội vì muốn góp sức mình vào việc lên tiếng cho sự an toàn của phụ nữ và trẻ em gái nơi công cộng ở Việt Nam, nên đã quyết định trở thành nhân vật trải nghiệm trong đoạn phim.

Chi đã có một ngày dài “với nhiều cảm xúc rất khó chịu” theo như lời chia sẻ của cô. Cùng với nhóm quay phim bằng camera giấu kín, cô đã vào vai một cô gái trẻ với những hoạt động bình thường như từ bến xe khách liên tỉnh trở về nhà, đi tập thể thao trong công viên, đứng ở cổng bệnh viện để chờ người thân đến đón và trang phục Chi mặc khi trở thành nhân vật trải nghiệm cũng bình thường như bất kỳ cô gái nào có thể bắt gặp ngoài phố, có váy khi đi chơi, có đồ thể thao khi đi tập, có quần jean áo phông khi đi xe khách.

Và cũng như thực tế thường diễn ra với những cô gái trẻ ở nơi công cộng, Chi nhận được không ít lời trêu ghẹo, bông đùa khiếm nhã, thậm chí cả hành vi cố tình đụng chạm vào cơ thể. “Nếu không có nhóm quay phim đi cùng dù không ra mặt thì chắc em không đủ dũng khí để thực hiện tiếp. Ngoài những lời nói và hành động khiếm nhã thì một điều đáng sợ nữa là sự thờ ơ, coi chuyện đó là bình thường của những người xung quanh” - Chi nói. 

Về phía Tổ chức Plan quốc tế tại Việt Nam, nhìn nhận về đoạn phim này, bà Đào Thị Bảo Thư điều phối viên dự án cho biết, ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia, có sự khác biệt rõ ràng giữa sự an toàn của trẻ trai và trẻ gái, của đàn ông và phụ nữ ở nơi công cộng.

Cụ thể, theo Plan tại Kampala - Uganda 45% em gái đã bị quấy rối tình dục khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng; tại Delhi - Ấn Độ, 96% em gái không cảm thấy an toàn khi di chuyển trong thành phố; tại Lima – Peru, chỉ có 2,2% em gái luôn cảm thấy an toàn khi đi lại nơi công cộng; tại Cairo – Ai Cập 32% em gái không biết chia sẻ với ai khi gặp vấn đề mất an toàn; và tại Hà Nội – Việt Nam 31% em gái cho biết đã từ bị quấy rối tình dục khi sử dụng xe buýt.

Đường trong phố, đường nông thôn đều mất an toàn như nhau

Từ thực tế này mà Tổ chức Plan quốc tế tại Việt Nam đã thực hiện dự án “Thành phố an toàn và thân thiện với trẻ em gái” tại nhiều tỉnh thành ở Việt Nam trong đó có Hà Nội. Mới đây, Tổ chức Plan quốc tế tại Việt Nam phối hợp cùng Hội LHPN TP Hà Nội thực hiện đã công bố Báo cáo tổng hợp thông tin kết quả khảo sát an toàn cho trẻ em gái được thực hiện tại các phường Xuân Đỉnh quận Bắc Từ Liêm; phường Thịnh Quang quận Đống Đa; phường Bồ Đề quận Long Biên; phường Thanh Xuân Bắc quận Thanh Xuân; xã Liên Bạt huyện Ứng Hòa. Đây là những địa bàn có nhiều địa hình khác nhau, là tuyến đường đi của học sinh từ nhà đến trường và ngược lại.

Các tiêu chí khảo sát là: Thấy và được nhìn thấy (về hệ thống chiếu sáng công cộng); Nghe và được nghe thấy (về mật độ dân cư); Khả năng chạy trốn và tìm kiếm sự giúp đỡ (về sự có mặt kịp thời của lực lượng chức năng); Sống trong một môi trường trong sạch, thân thiện (về vệ sinh môi trường, an toàn cảnh quan); Biết bạn đang ở đâu và đi đâu (về số nhà, biển chỉ đường); Hòa đồng và tham gia (về độ an toàn khi tham gia các hoạt động văn hóa tại cộng đồng); Khả năng tiếp cận các không gian công cộng và địa điểm vui chơi (về số lượng và độ an toàn tại không gian công cộng và địa điểm vui chơi). Để thực hiện khảo sát, tại các phường/xã, nhóm học sinh nam-nữ từ 12-15 tuổi đi thực địa tại các tuyến đường mà các em thường xuyên đi qua hàng ngày.

Kết quả khảo sát cho thấy đều khá bất ngờ là ngay tại các phường ở trung tâm Hà Nội cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho trẻ em gái. Đơn cử như ở tiêu chí “Thấy và được nhìn thấy” phường Thanh Xuân Bắc có quá nhiều góc tối từ những ngõ ngách nhỏ, ngõ cụt, ở tiêu chí “Thấy và được nhìn thấy” thì phường Thanh Xuân Bắc có nhiều nhà chung cư cao tầng, nhiều khu vực đang được xây dựng, khuôn viên rộng, buổi tối vắng vẻ, thưa thớt nên khả năng nghe và được nghe thấy rất thấp; ở phường Xuân Đỉnh quận Bắc Từ Liêm có vài cung đường nếu xảy ra chuyện thì trẻ em gái không thể tìm kiếm sự giúp đỡ vì thường xuyên không có mặt lực lượng công an, dân phòng ở đó…

Ông Dương Minh Tuấn – Bí thư Chi Đoàn phường Xuân Đỉnh cho biết, để thực hiện khảo sát đã chọn 30 em cả trai-gái khảo sát các cung đường trên địa bàn để đánh giá sự an toàn và mất an toàn và đa số các em đều thấy chưa an toàn…

Đại diện cho nhóm học sinh thực hiện khảo sát em Chu Ngọc Anh học sinh lớp 8 Trường THCS Liên Bạt - xã Liên Bạt huyện Ứng Hòa cho biết, là vùng nông thôn nên địa bàn xã Liên Bạt không có hệ thống đèn chiếu sáng, nhiều bụi rậm, góc khuất, người dân ở thưa thớt nên rất ít ánh đèn từ hộ dân hàng quán nên phần lớn các em cảm thấy bất an khi đi qua những khu vực tối, có nhiều góc khuất vì có nguy cơ bị kẻ xấu ẩn nấp và tấn công bất cứ lúc nào; nhiều đoạn đường đi qua cánh đồng vắng vẻ nên khả năng kêu cứu để được nghe thấy và tìm sự hỗ trợ khi cần là rất khó khăn…

“Khi ra khỏi nhà chúng em thường không dám đi một mình mà đi thành nhóm để dễ giúp nhau. Nhưng cũng không thể đi nhóm mãi được vì thế chúng em mong muốn có hệ thống chiếu sáng và camera trên những tuyến đường của địa phương, lực lượng chức năng tăng cường tuần tra vào lúc sáng sớm và chiều tối để đảm bảo an toàn; có biển báo chỉ dẫn cụ thể để khi xảy ra chuyện và kêu gọi giúp đỡ, chúng em có thể nói rõ là mình đang ở đâu…” – em Ngọc Anh nêu đề xuất. 

Tuyên truyền cho thành phố an toàn và thân thiện với trẻ em gái
Tuyên truyền cho thành phố an toàn và thân thiện với trẻ em gái

Cần truyền thông để xóa quan niệm “làm gái cho người ta trêu”

Cũng khảo sát của Plan cho thấy sự thờ ơ của xã hội trước quấy rối tình dục ở nơi công cộng với phụ nữ và trẻ em gái. Cụ thể, 67% phụ nữ và trẻ em gái không có bất kỳ hành động phản ứng nào khi bị quấy rối tình dục; 65% nam giới và người chứng kiến không dám can thiệp, hỗ trợ nạn nhân.

Trong không gian nhỏ hẹp như xe buýt, 20% số người chứng kiến hoàn toàn im lặng khi thấy trẻ em gái bị quấy rối tình dục... Nguyên nhân vì nhiều người vẫn coi hành vi quấy rối, xâm hại tình dục là vấn đề nhạy cảm, nói ra sẽ bị mang tiếng xấu, bị trả thù hoặc sợ nói ra mọi người không tin. Một số khác lại cho rằng những lời chọc ghẹo trẻ em gái là chuyện cá nhân, không liên quan tới mình…

Như vậy, có thể lý giải về sự mất an toàn của phụ nữ và trẻ em gái ở nơi công cộng, có một nguyên nhân dễ nhận thấy nhất là quan niệm của không ít người Việt “làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu”. Từ quan niệm này nên với nhiều người, cái sự trêu ghẹo, thậm chí sàm sỡ phụ nữ, trẻ em gái ở nơi công cộng cũng là bình thường không cần lên tiếng, như lời nhận  xét của nữ sinh viên tên Chi nói trên. 

Thẳng thắn trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quang – Bí thư Đoàn Thanh niên xã Ứng Hòa cho biết, bản thân ông cũng như tâm lý của nhiều đàn ông, thanh niên khi thấy cô gái thì thường buông lời trêu chọc như thói quen và thấy điều đó là bình thường. “Như khi tôi được tham gia vào các dự án bảo vệ phụ nữ mới biết rằng hành động đó là không nên và thấy cần thiết phải truyền thông điều đó cho các đoàn viên”, theo ông Quang.

Chia sẻ về nguy cơ mất an toàn mà trẻ em gái thường gặp trên địa bàn, ông Quang cho biết đó là sự thiếu vắng của hệ thống chiếu sáng tại nhiều tuyến đường trong xã nên các em không thể tự đi một mình được, nhất là trẻ em gái, nếu muốn đi phải có hai người trở lên hoặc phụ huynh đưa đi. “Do vậy nên trong công tác Đoàn ở xã khi tổ chức hoạt động có cả nam nữ nếu phải đi họp buổi tối là cán bộ nữ ngại ra đường vì sợ mất an toàn” – ông Quang cho biết. 

Như vậy có thể thấy, việc không gian thiếu an toàn sẽ giảm sự tham gia của phụ nữ vào hoạt động chung, ảnh hưởng đến tiêu chí bình đẳng giới ở địa phương, phát huy năng lực của phụ nữ. Bên cạnh đó, cũng theo ông Quang là Bí thư Đoàn xã, khi về sinh hoạt tại các Chi đoàn thôn đều thấy đoàn viên có mong muốn được trang bị kỹ năng sống để đoàn viên và các em thanh thiếu niên mạnh dạn hơn trong cuộc sống. Cùng với đó là mong muốn các cấp chính quyền quan tâm đến vấn đề trang bị kỹ năng phòng tránh, tự vệ cho phụ nữ và trẻ em gái, trang bị hệ thống chiếu sáng, biển báo rõ ràng tại các tuyến đường trên địa bàn…

Kết quả khảo sát của Tổ chức ActionAid Việt Nam  tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy, 87% trẻ em gái từng bị quấy rối tình dục ở những nơi công cộng. Đối tượng quấy rối thường là nam giới trong độ tuổi từ 15- 25 và từ 36- 55. Hình thức quấy rối phổ biến là trêu ghẹo, bình phẩm về hình thức bề ngoài, cố tình động chạm vào những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể…

Khảo sát tại một số trường trung học phổ thông trên địa bàn TP Hà Nội do Tổ chức Plan International Việt Nam thực hiện cũng cho kết quả tương tự. Hơn 63% học sinh cho biết, các em từng bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng, trong đó, tỷ lệ học sinh nữ bị quấy rối nhiều hơn học sinh nam. 11% khẳng định từng bị xâm hại, quấy rối tình dục trong nhà trường hoặc trên đường đến trường.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.