Phiên tòa chấm dứt cuộc hôn nhân 4 năm chung sống, 7 năm ly thân

Chị nhìn con trai, nhẹ giọng: “Lát về, mẹ dẫn con và em đi chơi, chiều mới cùng ba ra Bắc được không?”. (Hình minh họa)
Chị nhìn con trai, nhẹ giọng: “Lát về, mẹ dẫn con và em đi chơi, chiều mới cùng ba ra Bắc được không?”. (Hình minh họa)
(PLO) -Bảy năm qua, vợ chồng mỗi người một nơi. Sau nhiều năm không sống cùng, không có sự quan tâm săn sóc, tình cảm vốn đã cạn kiệt giờ chẳng còn lưu lại chút nào. Người chồng đề nghị ly hôn. Người vợ chấp nhận, với điều kiện người chồng phải mang đứa con trai vào Huế để chị nuôi dưỡng. Người chồng không đồng ý. Hòa giải không thành, nên tòa phải mở phiên tòa xét xử.

Làm dâu xứ xa

Buổi sáng, đứng trên hành lang tầng 2 TAND TP Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế), hai đứa bé một trai một gái đang chơi đùa. Cậu anh năm nay 11 tuổi nhưng nhỏ xíu, ốm nhom ốm nhách. Bé em năm nay mới lên 8, nhưng cao hơn anh cả cái đầu, mặt mày mũm mĩm, nước da trắng ngần như trứng gà bóc. Cả hai cứ quấn quýt bên nhau, như thể lâu ngày mới gặp.

Bên trong khán phòng là một đôi nam nữ chỉ mới ngoài 30 tuổi. Chiếc bàn nhỏ nên hai người cố gắng ngồi nép về hai phía, như muốn chia ranh giới thật rõ.Họ cứ ngồi như thế, lặng im. Không nhìn vào nhau. Chẳng ai nói với ai một tiếng. Phải đến lúc hai đứa trẻ như hai chú sẻ non bay vào phòng, ríu rít chạy đến bên bố mẹ, hai gương mặt mới giãn ra. Hai đứa bé len qua người bố, rồi ngồi lọt thỏm vào khoảng trống giữa bố và mẹ.

Người bố khoác tay lên vai con trai, gương mặt trìu mến. Người mẹ ôm con gái vào lòng, liên tục vuốt tóc con. Hai đứa bé líu ríu trò chuyện, chốc chốc lại ngước mắt lên nhìn bố mẹ. Nhìn cảnh gia đình hòa hợp như thế, dễ dàng liên tưởng đến một gia đình đầm ấm, hạnh phúc, nếu chỗ họ ngồi không phải là phòng xét xử của tòa án.

Chị có nước da trắng mịn, dáng người hơi đầy đặn của một người phụ nữ đã qua hai lần sinh nở. Gương mặt xinh xắn, mỗi khi nở nụ cười lại khiến khuôn mặt trở nên rạng rỡ vô cùng. Anh dáng dong dỏng cao, có vẻ thư sinh, nhất là cặp mắt với đôi hàng mi dài hun hút.

Chị kể, anh quê ở ngoài Bắc. Chị quê ở Huế. Duyên phận đẩy đưa để hai người gặp nhau. Năm đó chị mới ngoài đôi mươi. Vẻ nho nhã, thư sinh của anh chẳng mấy chốc mà đốn ngã trái tim thiếu nữ mới lớn. Anh ít nói, nhưng nụ cười có thể khiến tim chị đập liên hồi. Thời gian hai người yêu nhau, anh rất biết quan tâm, chăm sóc chị từng li từng tí. Bên cạnh anh, chị thấy mình được yêu thương, nâng niu trân quý. Thế nên khi anh ngỏ lời muốn cưới, chị gật đầu cái rụp, bỏ qua luôn lời khuyên can của mẹ. 

Ấy là mẹ sợ chị còn trẻ người non dạ, chưa thích hợp để về làm dâu nhà người. Mà chưa kể lại một thân một mình ra tận ngoài Bắc làm dâu. Ngoài chồng, chị không bạn bè, không người quen biết. Nhưng chị nghĩ, có anh, ở đâu cũng sẽ trở thành nhà chị, quê hương của chị. Mang theo trái tim hồ hởi, những dự định, những ấp ủ về tương lai, chị mặc áo cưới về làm dâu nhà người.

Cũng như bao cô dâu mới cưới, cuộc sống hôn nhân của anh chị những ngày đầu cũng đầy ắp mật ngọt. Chị thấy mãn nguyện. Rồi ngày vui qua mau. Chị mang thai. Đứa bé trong bụng “hành” chị nghén hết 9 tháng 10 ngày. Kinh tế gia đình giao hết lên đôi vai của anh. Chị nghỉ việc, ở nhà dưỡng thai, rồi sinh con đẻ cái, chăm sóc con nhỏ.

Nhưng mà hóa ra chồng chị lại ham chơi hơn ham làm. Suốt ngày chỉ biết la cà với bạn bè, ăn nhậu. Vui với bạn bè, đôi khi còn quên đường về. Chị khuyên anh vài câu, anh đã nổi cáu, mặc kệ chị đang mang bầu, đôi khi còn thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Có lúc chị định ôm bụng bầu trở về quê. Nhưng nhớ đến những lời khuyên can của mẹ ngày trước, nên chị chẳng dám trở về trong cảnh ê chề. Chị cứ an ủi mình, thôi thì vợ chồng như chén úp trên chạn, có lúc cũng phải xô xát. Chị cố gắng nhẫn nhịn, chỉ mong con trai mau mau lớn để chị còn ra ngoài mưu sinh.

Con chưa kịp lớn, chị vỡ kế hoạch sinh đứa thứ hai. Người chồng vẫn không thay đổi. Trong một lần cãi vã, bị chồng đánh đập, chị ôm đứa con mới 6 tháng tuổi quay về Huế. Chị bảo lúc đó cũng muốn mang theo cả hai đứa nhỏ. Nhưng một nách hai con, chị biết không thể chu toàn, nên đành cắn răng để lại đứa lớn cho chồng nuôi. Hai người chính thức sống ly thân từ ấy

Khoảng cách

Bảy năm qua, vợ chồng mỗi người một nơi. Sau nhiều năm không sống cùng, không có sự quan tâm săn sóc, tình cảm vốn đã cạn kiệt giờ chẳng còn lưu lại chút nào. Người chồng đề nghị ly hôn. Người vợ chấp nhận, với điều kiện người chồng phải mang đứa con trai vào Huế để chị nuôi dưỡng. Người chồng không đồng ý. Hòa giải không thành, nên TAND TP Huế phải mở phiên tòa xét xử.

Người vợ - là bị đơn trong vụ án trình bày trước tòa: “Lúc còn sống chung, anh ham chơi, không tu chí làm ăn, chỉ lo rượu chè. Tôi khuyên vài câu thì xuống tay đánh đập. Chịu không nổi nên tôi ẵm đứa con gái mới mấy tháng về quê ngoại nương nhờ”. 

Người chồng phản bác, bảo chuyện xấu trong nhà, không muốn “vạch áo cho người xem lưng”, nhưng chị đã nói thế, anh cũng phải biện hộ cho mình: “Cô ấy nói toàn những lời khó nghe. Lại đối xử với bố mẹ tôi không tôn trọng, kính nể”.

Người vợ cho hay, mấy năm qua, chị lặn lội buôn bán, vừa chăm bẵm con gái. Nhưng lòng mẹ ngày nào cũng hướng đến đứa con trai, một lòng thương nhớ. Càng thương hơn khi mấy năm nay chồng chị ra nước ngoài xuất khẩu lao động, con trai phải nhờ ông bà nội chăm sóc.

“Bây giờ chồng tôi đã có người phụ nữ khác. Họ sắp kết hôn với nhau. Mẹ kế con chồng sao bằng được mẹ đẻ chăm sóc núm ruột của mình. Tôi bây giờ kinh tế đã ổn định, có điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc cả hai đứa con. Điều quan trọng là để hai anh em được sống cùng nhau, lớn lên dưới một mái nhà, như vậy tình cảm ruột thịt mới được bồi đắp”, người vợ tâm sự.

Vị hội thẩm hỏi người chồng: “Anh có người phụ nữ khác?”. Người chồng thở dài bảo, cũng đã 7 năm sống ly thân với vợ. Người đàn ông không thể không tìm kiếm cho mình một bến đỗ, ổn định cuộc sống. Thế nhưng, việc tái hôn nay mai không hề ngăn cản anh chăm sóc nuôi dưỡng con trai. Thỉnh thoảng anh sẽ đưa con trai vào Huế thăm con gái, để cha con, anh em được gặp mặt.

“Nhưng mà…”, đến lượt thẩm phán ngập ngừng bỏ nửa chừng câu nói. Có lẽ tòa muốn hỏi vì sao vợ chồng không thể quay lại hàn gắn, hâm nóng tình cảm, bỏ qua cho nhau những sai sót trước đây, để họ lại có một gia đình nguyên vẹn, hai đứa trẻ có đầy đủ tình yêu thương, chăm sóc của cả cha lẫn mẹ. Trong những phiên hòa giải trước đây, tòa cũng từng nhiều lần đưa ra ý kiến này, nhưng bất thành.

Trong khi cha mẹ đang tranh giành quyền nuôi con, thì hai đứa trẻ chẳng hay biết về số phận mình, ngồi bên dưới thì thầm trò chuyện. Phiên tòa kết thúc, tương lai của hai đứa trẻ cũng được định đoạt. “Quyền lợi” của hai vợ chồng đều được đảm bảo. Chỉ một chốc nữa thôi, đứa anh sẽ theo cha ra Bắc, xa mẹ và em.

Trước khi rời khỏi khán phòng, chị nhìn con trai, nhẹ giọng: “Lát về, mẹ dẫn con và em đi chơi, chiều mới cùng ba ra Bắc được không?”. Người chồng nhìn vợ, ánh mắt bất chợt ngưng đọng. Giờ họ đã trở thành vợ cũ chồng cũ. Khoảng cách 7 năm đã khiến những cảm xúc trong lòng nguội tắt nên có lẽ họ chẳng còn muốn làm đau lòng “đối phương”. Anh nhè nhẹ gật đầu.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.