Phận đời cay cực của người phụ nữ đi đòi danh phận vợ lẽ

Bà Nguyễn Thị Hồng bên mộ người chồng quá cố
Bà Nguyễn Thị Hồng bên mộ người chồng quá cố
(PLO) -Bà Nguyễn Thị Hồng (SN 1950) làm vợ lẽ ông Lê Đình T (SN 1940, ngụ phường Cẩm Phô, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) từ trước ngày giải phóng. Theo các quy định của pháp luật, hôn nhân giữa bà với ông T và các quyền lợi liên quan được pháp luật công nhận. Thế nhưng, sau khi chồng đột ngột qua đời, bà Hồng bị vợ lớn cùng các con của người này gây sức ép buộc ra khỏi nhà với 2 bàn tay trắng....

Trớ trêu hơn, sau 3 năm, qua 2 cấp tòa, 4 phiên xử, bà Hồng vẫn chưa giành lại được danh phận “làm vợ” và quyền thừa kế mà mình đã bị “tước đoạt”. Mới đây, bà Hồng mới có hy vọng tìm được công bằng khi HĐXX giám đốc thẩm tuyên giao hồ sơ vụ án cho TAND TP. Hội An xét xử lại.

Chồng mất bị đẩy ra đường

Đầu năm 2010, người dân TP.Hội An xôn xao trước thông tin bà Hồng bị gia đình tìm cách “đẩy” ra khỏi nhà. Điều đáng nói, bà Hồng làm vợ bé ông T từ thời còn chiến tranh, làng trên phố dưới ai ai cũng biết. Bà cũng có tên trong sổ hộ khẩu hiện tại của gia đình ông T trong mục “vợ của chủ hộ”. 

Thế nhưng sau khi ông T qua đời, người vợ lớn là bà Ngô Thị Th (SN 1943) đã họp gia đình và quyết định chuyển phần tài sản mà ông T đóng góp trong một công ty cho bà Th thừa kế, không đoái hoài gì đến bà Hồng. Không những vậy, khi vừa mãn tang ông T, gia đình bà Th đã vin nhiều lý do để đuổi bà Hồng đi.

Không chịu được áp lực, bà Hồng chấp nhận ra đi và chỉ mong có một ít tiền xây căn nhà nhỏ để có nơi thờ phụng chồng và nương náu lúc tuổi già. Thế nhưng, dù có cả một công ty đang ăn nên làm ra, nhiều mảnh đất có giá trị, bà Th và các con vẫn không chịu đáp ứng mong mỏi của bà Hồng. Cùng đường, bà Hồng đành ra đi tay trắng và phải nương nhờ ở nhà một người thím họ.

Trước tình cảnh của bà Hồng, nhiều người dân bức xúc thay: “Xưa nay, dù người đi ở đợ hay giúp việc cho một gia đình nhiều năm, khi thôi việc còn được gia chủ quan tâm đảm bảo cuộc sống về sau. Đằng này, bà Hồng làm vợ ông T suốt hơn 30 năm trời, vậy mà ra đi không bằng con ở”. Phũ phàng hơn, tên của bà Hồng vốn đã được khắc trên bia mộ của ông T còn bị ai đó cạo xóa đi sau khi bà Hồng bị ép ra khỏi nhà. 

Bà Nguyễn Thị Hồng bên mộ người chồng quá cố
Bà Nguyễn Thị Hồng bên mộ người chồng quá cố

Theo lời kể bà Hồng, bà về làm vợ lẽ ông T vào năm 1974. Thời điểm đó chiến tranh ác liệt, bà theo chồng cùng người vợ lớn và 2 người con di tản vào Sài Gòn. Đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả gia đình cùng về Hội An sinh sống. Do không có con nên bà Hồng xem hai người con của vợ lớn như con đẻ của mình, gia đình rất hòa thuận. 

Bà Hồng đã cùng ông T bươn chải lo cuộc sống. Ông T làm nghề đi buôn, ngược sông Thu Bồn lên thượng nguồn lấy hàng về xuôi bán. Do bà Th sức khỏe kém nên chỉ đi được mấy chuyến đầu, còn về sau ông T và bà Hồng thường xuyên rong ruổi trên ghe (xuồng) buôn bán làm ăn.

Từ chỗ đi ghe thuê, gia đình họ mua được ghe nhỏ, rồi đổi lên ghe lớn, việc làm ăn xuôi chèo mát mái. Trong thời bao cấp muôn vàn khó khăn, bà Hồng cùng với ông T đã là thành viên của một xí nghiệp vận tải lớn trong hàng chục năm trời.

Nhờ buôn bán phát đạt, ông T tích lũy vốn đầu tư thành lập xưởng cưa, bà Hồng ở cùng ông và chăm lo cơm nước. Đến năm 1993, ông T lại mở xí nghiệp chuyên sửa chữa tàu thuyền. Do điều kiện công việc nên bà Hồng không ở chung trong nhà cùng bà Th mà ra ở riêng ngay tại xí nghiệp để lo cơm nước, giúp ông T yên tâm làm ăn. 

Năm 2002, do nhu cầu mở rộng ngành nghề kinh doanh, ông T giải thể xí nghiệp sửa chữa tàu thuyền, cùng với con trai là Lê Đình S thành lập Công ty TNHH hai thành viên Hoa Sen (Công ty Hoa Sen), trong đó ông T góp 60% vốn với 300 triệu đồng. Công ty làm ăn thuận buồm xuôi gió, họ đầu tư thêm hệ thống nhà hàng, khách sạn và phất lên như diều gặp gió. 

Bất ngờ, đầu tháng 6/2007, ông T đột ngột qua đời, không để lại di chúc. Trong lúc đang hẫng hụt, đau lòng vì mất chồng, bà Hồng lại chịu thêm nỗi đau bị mẹ con người vợ lớn ruồng rẫy khiến bà uất nghẹn. 

Hai cấp tòa “tay trắng hoàn trắng tay”

Lúc đầu, bà Hồng định cam chịu uất ức vì bản thân bà không muốn chuyện gia đình ồn ào vì tiền bạc. Tuy nhiên, được sự động viên của người dân, sau nhiều đêm suy nghĩ, bà đã quyết định nhờ cơ quan chức năng vào cuộc tìm lại công bằng cho mình. 

Sau khi đưa vụ việc ra xét xử, ngày 16/9/2010, Bản án sơ thẩm số 57/2010/DS của TAND TP. Hội An ban hành nhận định: “Dù quan hệ hôn nhân của bà Hồng và ông T vi phạm chế độ một vợ một chồng theo quy định tại điều 6 Luật HN&GĐ năm 1959, nhưng hôn nhân giữa họ không bị chi phối bởi Luật này nên vẫn phải công nhận quan hệ hôn nhân của họ là hợp pháp”.

Tuy thừa nhận bà Hồng là vợ ông T nhưng phiên tòa sơ thẩm chỉ chấp nhận một phần yêu cầu thừa kế của của bà Hồng khi quyết định chia thừa kế đối với hai lô đất mà không chấp nhận chia thừa kế đối với 60% vốn góp của ông T vào công ty Hoa Sen vì lí do: “thực tế ông T không có vốn góp”.

Bản án này không được bị đơn là bà Th cùng hai người con chấp nhận. Bà Hồng cũng làm đơn kháng cáo. Sau đó, TAND tỉnh Quảng Nam đã đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm và tuyên hủy bản án sơ thẩm, yêu cầu tòa cấp sơ thẩm xét xử lại.

Mãi đến tháng 9/2012, TAND TP. Hội An mới đưa vụ án ra xét xử lần 2. Trong phiên xử, luật sư bảo vệ cho bà Hồng đã chứng minh được việc ông T góp vốn vào công ty Hoa Sen là có thật và đòi quyền chia thừa kế của bà Hồng đối với phần vốn này. 

Tuy nhiên, lúc này HĐXX lại đưa ra nhận định trái ngược với bản án sơ thẩm lần thứ nhất của chính mình. Trong Bản án dân sự sơ thẩm số 41/2012/DS-ST ngày 12/9/2012, TAND TP.Hội An cho rằng “hôn nhân của bà Hồng và ông T là không hợp pháp”, và “bà Hồng không là thành viên của công ty Hoa Sen và không chứng minh được góp vốn vào tài sản công ty nên yêu cầu này không được chấp nhận”. 

Với việc không công nhận hôn nhân giữa bà Hồng với ông T, phiên sơ thẩm lần 2 đã khiến bà Hồng quay trở về với cảnh trắng tay ban đầu. 

Sau khi sự việc lùm xùm, tên bà Hồng trên bia mộ chồng bị xóa vết sơn đỏ.
Sau khi sự việc lùm xùm, tên bà Hồng trên bia mộ chồng bị xóa vết sơn đỏ.

Quyết không chịu sự bất công, bà Hồng lại tiếp tục kháng cáo. Ngày 10/10/2012, Viện KSND tỉnh Quảng Nam cũng có kháng nghị đối với bản án sơ thẩm lần 2, đề nghị hủy bản án, xét xử lại theo quan điểm: “Quan hệ hôn nhân giữa ông T, bà Hồng được xem là hôn nhân thực tế và được pháp luật công nhận là hôn nhân hợp pháp”.  

Ngày 13/1/2013, TAND tỉnh Quảng Nam đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm lần thứ 2. Thế nhưng, không như mong đợi của bà Hồng cũng như luật sư bảo vệ, HĐXX lần này lại đồng quan điểm với bản án sơ thẩm lần 2 khi không công nhận bà Hồng là vợ ông T. 

Một điều nghịch lý là, trong khi lập luận: “Trong quá trình đi buôn cùng ông T trên sông, mở xưởng đóng tàu năm 1986, thành lập công ty Hoa Sen năm 2002 cho đến khi ông T chết, bà Hồng sống chung với ông T và thực hiện trách nhiệm như người vợ:

Chăm lo ăn uống giặt giũ, sinh hoạt cho ông T… (có nhiều nhân chứng, trong đó có gia đình bà Th xác nhận) để ông T có điều kiện về thời gian, sức khỏe và tinh thần… duy trì và phát triển tài sản. Do đó, bà Hồng có nhiều công sức đóng góp vào khối tài sản ông T để lại”. 

Từ đó, tòa này nhận định: “Người phụ nữ có công sức đóng góp hoặc có tạo lập tài sản chung với người đã chết thì ngoài việc lấy lại những tài sản riêng của mình, người phụ nữ còn được hưởng một phần tài sản trong khối di sản của người đã chết, tương ứng với công sức đóng góp”. 

“Liên quan đến hậu quả pháp lý của việc “không được pháp luật công nhận là vợ chồng”, tòa dẫn khoản 3 Điều 17 Luật HN&GĐ quy định: “Tài sản được giải quyết theo nguyên tắc tài sản riêng của ai thì vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó; tài sản chung được chia theo thỏa thuận của các bên; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết, có tính đến công sức của mỗi bên; ưu tiên bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và con”. 

HĐXX còn khẳng định “Tài sản chung của ông T, bà Hồng và bà Th chính là phần vốn góp 60% của ông T với tư cách là thành viên công ty (Hoa Sen). 

Vậy nhưng, không thể hiểu nổi rằng vì sao cuối cùng HĐXX phúc thẩm lại quyết định: “Không chấp nhận yêu cầu chia di sản thừa kế của bà Hồng đối với khối di sản của ông T; không chấp nhận chia tài sản chung của bà Hồng đối với khối tài sản của ông T”. Vậy là, sau 3 năm, qua 2 cấp tòa, 4 phiên xử, bà Hồng quay trở lại với cảnh trắng tay ban đầu. 

Hy vọng nhen nhóm

Ngày 29/6/2016, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã đưa ra xét xử giám đốc thẩm vụ “tranh chấp về thừa kế tài sản và chia tài sản chung” theo kháng cáo của bà Hồng. 

Theo HĐXX lần này, ông T kết hôn với bà Ngô Thị Th (được chế độ cũ cấp Giấy hôn thú), hai người có hai con chung là chị Lê Thị H (SN 1963) và anh Lê Đình S (SN 1966). Các đương sự trong vụ án đều thừa nhận năm 1974, ông T đã hỏi cưới bà Nguyễn Thị Hồng và đưa bà Hồng về sống chung như vợ chồng. Ông T và bà Hồng không có con chung.

Theo điều 3 Luật HN&GĐ năm 1959 có quy định “…Cấm lấy vợ lẽ”. Tuy nhiên, đến ngày 25/3/1977 Luật này mới có hiệu lực ở Miền Nam, trong đó có tỉnh Quảng Nam (theo Nghị Quyết số 76-CP ngày 25/3/1977 của Hội đồng Chính phủ về việc hướng dẫn thi hành và xây dựng pháp luật thống nhất cho cả nước).

Bà Hồng làm vợ ông T vào năm 1974, vì vậy, khi xem xét quan hệ hôn nhân giữa ông T và bà Hồng thì không thể áp dụng Điều 3 của Luật HN&GĐ năm 1959 để tuyên bố bà Hồng không phải là vợ của ông T.

HĐXX Tòa Cấp cao tại Đà Nẵng viện dẫn, tại điểm a, mục 4 Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh thừa kế năm 1990 quy định:

“Trong trường hợp một người có nhiều vợ (trước ngày 13/1/1960 - ngày công bố Luật HN&GĐ năm 1959 đối với miền Bắc; trước ngày 25/3/1977 - ngày công bố danh mục văn bản pháp luật được áp dụng thống nhất trong cả nước đối với miền Nam và đối với cán bộ, bộ đội có vợ ở miền Nam sau khi tập kết ra Bắc lấy thêm vợ mà việc kết hôn sau không không bị hủy bỏ bằng bản án có hiệu lực pháp luật), thì tất cả các người vợ đều là người thừa kế hàng thứ nhất của người chồng và ngược lại, người chồng là người thừa kế hàng thứ nhất của tất cả các người vợ…”.  

Trong sổ hộ khẩu gia đình, thể hiện bà Th, bà Hồng đều là vợ ông T.
Trong sổ hộ khẩu gia đình, thể hiện bà Th, bà Hồng đều là vợ ông T.

Theo điểm a mục 3 Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 9/6/2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật HN&GĐ năm 2000, thì: “Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 3/1/1987 mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích kết hôn; trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì được Tòa án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật HN&GĐ năm 2000…”. 

Theo các quy định nêu trên của pháp luật thì ông T và bà Hồng chung sống với nhau như vợ chồng từ năm 1974 tại tỉnh Quảng Nam nên được pháp luật công nhận là vợ chồng, và bà Hồng là người thừa kế hàng thứ nhất của ông T.

Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm đã không đúng khi xác định một số nội dung như: trước năm 1975, tại cả hai miền Nam, Bắc đều công nhận chế độ hôn nhân một vợ, một chồng; cấm việc chung sống như vợ chồng với một người đã có vợ, có chồng; Ông T đã có vợ nhưng năm 1974 lại sống như vợ chồng với bà Hồng, không đăng ký kết hôn là trái pháp luật bấy giờ, vi phạm điều cấm; Quan hệ hôn nhân của ông T và bà Hồng không phải là hôn nhân thực tế theo quy định của Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số điều của Luật HN&GĐ năm 1986 và Nghị quyết số 35/2000/QH10, vì vi phạm quy định về điều kiện, chế độ kết hôn, vi phạm điều cấm; Quan hệ ông T với bà Hồng không thuộc về trường hợp “một người có nhiều vợ” như điểm a mục 4 Nghị quyết số 02/HĐTP, vì ông T và bà Hồng không có đăng ký kết hôn, nên bà Hồng không phải là hàng thừa kế của ông T, nên không có quyền khởi kiện yêu cầu chia thừa kế di sản của ông T. 

Do áp dụng không chính xác các quy định nên việc Tòa cấp sơ thẩm đình chỉ yêu cầu chia thừa kế của bà Hồng là không đúng pháp luật.

Còn Tòa án cấp phúc thẩm xác định: ông T đã có vợ hợp pháp là bà Th, nên việc sau đó ông T chung sống như vợ chồng với bà Hồng không được xem là hôn nhân thực tế; bà Hồng không được xem là vợ ông T theo quy định tại điểm a, mục 3 Nghị quyết số 35/2000/QH10 và điểm a, mục 4 Nghị quyết số 02/HĐTP; do bà Hồng không được công nhận là vợ của ông T, nên bà Hồng không phải là người thừa kế theo pháp luật của ông T. Tòa phúc thẩm căn cứ những nhận định trên để bác yêu cầu chia thừa kế của bà Hồng cũng là không đúng pháp luật. 

Do đó, HĐXX giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã quyết định hủy toàn bộ Bản án dân sự phúc thẩm số 13/2013/DSPT ngày 31/1/2013 của TAND tỉnh Quảng Nam, hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số 41/2012/DS-ST của TAND TP. Hội An, giao hồ sơ vụ án cho TAND TP. Hội An để xét xử sơ thẩm lại đúng theo quy định của pháp luật.

Về yêu cầu chia tài sản chung của bà Hồng, khi giải quyết lại vụ án cũng cần xem xét, đánh giá công sức đóng góp của bà Hồng trong việc tạo lập khối tài sản chung, trên cơ sở công nhận bà  Hồng là vợ của ông T.

Trao đổi với phóng viên, bà Hồng cho biết, thực ra, bà không nặng nề về giá trị tài sản bà sẽ được chia thừa kế từ người chồng quá cố. Bà chỉ muốn công lý được thực thi, công nhận bà là vợ hợp pháp của ông T và bà đáng được hưởng thành quả mà hơn 30 năm qua bà cùng chồng gây dựng. Bà Hồng cho biết thêm, do không có con cái nên nếu được chia thừa kế (theo tính toán khoảng 8 tỷ đồng), bà sẽ dành phần lớn làm việc từ thiện giúp đời.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.