Ông chủ tật nguyền chắp cánh tương lai cho hàng chục trai làng

Anh Vỹ hướng dẫn các học viên mới.
Anh Vỹ hướng dẫn các học viên mới.
(PLO) -“Tôi không quan trọng thu nhập nhiều hay ít, không mong giàu có, chỉ mong anh em có công việc ổn định, tránh xa các tệ nạn xã hội và chú tâm làm ăn là tôi thấy mãn nguyện”, đó là chia sẻ của anh Lê Tiến Vỹ (40 tuổi, ngụ thôn Tri Phương, xã Điện Phong, huyện Điện Bàn, Quảng Nam). 

Bị bại liệt do sốt từ năm 4 tuổi, anh Vỹ đã vượt lên số phận, mở cơ sở mộc và đào tạo nghề miễn phí cho hàng chục thanh niên.

Ký ức tuổi thơ

Anh tâm sự, mình không có tuổi thơ. Là con út trong một gia đình thuần nông nghèo có đến bảy người con, khi mới chào đời, anh cũng khỏe mạnh bình thường như những đứa trẻ khác. Nhưng khi lên bốn tuổi, căn bệnh bại liệt đã khiến đôi chân anh bắt đầu teo tóp, không cử động được. Bất hạnh đến với cuộc đời anh từ khi đó. 

Dù nghèo khó, túng quẫn nhưng bố mẹ anh vẫn chạy vạy chữa bệnh cho con, nhưng không có kết quả. Anh Vỹ đành mang nỗi đau tàn tật và phải nương nhờ vào đôi nạng gỗ trong việc đi lại.

Anh Vỹ bồi hồi nhớ lại: “Sau một đêm ngủ dậy, tôi bị sốt cao, đôi chân bắt đầu cứng lại và không cử động được. Dù gia đình đưa đi khắp nơi nhưng bệnh tình vẫn không tiến triển.

Lúc đó còn nhỏ nhưng tôi vẫn ý thức được sự thay đổi trên cơ thể vốn lành lặn. Nhờ gia đình và bạn bè động viên, đến tuổi tôi vẫn cắp sách đến trường như bao bạn bè khác”.

Thế nhưng học hết cấp hai, anh đành khép lại ước mơ của mình vì con đường từ nhà đến trường rất xa, thêm nữa là mặc cảm sợ bạn bè chê cười. Anh tâm sự:

“Hồi đó, từ nhà đến trường hơn 10 cây số, đường thì đồi núi mà tôi phải lê lết trên đôi nạng gỗ. Có lúc mệt quá, tôi ngất giữa đường luôn. Thấy khó khăn quá nên gia đình khuyên tôi nên ở nhà phụ giúp những việc nhẹ nhàng”. 

Tưởng chừng như tương lai của chàng trai nhỏ bé sẽ luẩn quẩn nơi góc sân, ngôi nhà của mình, thì năm 19 tuổi, một lần anh đi ngang xưởng điêu khắc gỗ Âu Lạc ở xã, nhìn những người thợ say mê đục đẽo và biến từng khúc gỗ thành những sản phẩm mỹ nghệ độc đáo, đẹp mắt. Bắt đầu từ đó anh nảy sinh ý định học nghề và linh cảm mình phù hợp với nghề khắc mộc này. 

Anh cầm những sản phẩm đó say mê ngắm nghía và quyết định xin ông chủ xưởng vào học nghề. Từ đó, nhờ “làm bạn” với những miếng gỗ này, anh không còn bi quan, có niềm tin vào cuộc sống, khát khao có nghề để mưu sinh, đỡ đần gia đình.

Một sản phẩm mộc của cơ sở.
Một sản phẩm mộc của cơ sở.

“Nghề điêu khắc như cơ duyên trời định cho tôi, đam mê và yêu thích ngay từ lần đầu tiên. Thấy tôi có chí tiến thủ, ông chủ tại xưởng Âu Lạc cho tôi vào học nghề. Sau gần hai năm học hỏi, rèn luyện, nghề điêu khắc đã trở thành miếng cơm manh áo của tôi cho đến ngày hôm nay”, anh Vỹ bộc bạch.

Những ngày đầu học nghề, anh gặp nhiều khó khăn. Cơ thể tật nguyền, đau nhức khiến anh gặp nhiều trở ngại trong việc cầm dụng cụ làm mộc. Xưởng gỗ thì xa nhà, anh phải tự chống nạng tới xưởng học việc, nhưng không vì thế mà nản lòng.

Anh đã trở thành một người thợ điêu khắc gỗ cứng nghề trong khoảng thời gian ngắn. Những sản phẩm anh làm ra luôn được đánh giá cao về chất lượng và độ tinh xảo. Mỗi ngày tích lũy một ít kĩ năng, thu gom kinh nghiệm, anh ao ước sau này có thể gây dựng một cơ sở mộc cho riêng mình.

Hai năm làm thợ ở xưởng gỗ Âu Lạc đã tích lũy cho anh Vỹ nhiều kinh nghiệm. Nhưng có một điều vẫn chưa làm anh cảm thỏa mãn:

“Nếu làm ở xưởng thì cứ làm giống theo khuôn mẫu của họ. Khách hàng đặt sao mình làm thế, điều đó khiến tôi cảm thấy bị bó hẹp không gian và hạn chế sự sáng tạo, nên muốn đột phá, tự thể hiện các sản phẩm theo sở thích của mình”, anh chia sẻ. 

Anh lấy số tiền dành dụm được mua gỗ về nhà tỉ mẩn, mày mò chế tác. Năm 2009, anh đưa một bộ sản phẩm do mình tự sáng tạo, gồm: tranh gỗ, tượng chân dung, người nguyện cầu, tranh phong cảnh,… đi dự triển lãm ở Hội An. Và bộ sản phẩm với những đường nét lạ này của anh đã được một vị khách ở Hà Nội đặt mua với giá 80 triệu đồng.

Khó khăn của khoảng thời gian ban đầu tự gây dựng cơ sở riêng là phải tìm kiếm thị trường đầu ra của các sản phẩm. Không còn cách nào khác, Vỹ phải đích thân mang sản phẩm đi chào hàng. Anh mang sản phẩm xuống tận TP.Hội An, rồi trở ngược ra Đà Nẵng để tìm thị trường. Sau những cố gắng, hiện tại sản phẩm của anh có mặt ở nhiều nơi như Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng...

Ông chủ xưởng tốt bụng

Từ lúc mở cơ sở đến nay, anh đã đào tạo nghề miễn phí cho khoảng 60 thanh niên. Ngay từ đầu hẻm đã vang tiếng mũi khoan, tiếng đục của gần 20 người thợ ở lứa tuổi từ 16 - 20.

Các học viên học nghề tại cơ sở đa phần là những thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn, có những em bỏ học giữa chừng, chơi bời được anh nhận về cơ sở, giải quyết công ăn việc làm và dạy nghề. 

Gần 10 thiếu niên bỏ học, mê game được anh Vỹ thu nạp và truyền nghề để gây dựng nên cơ sở Lạc Việt như ngày hôm nay.

“Tôi coi các học viên ở đây như là anh em trong gia đình. Tôi chưa bao giờ xem bản thân là chủ, các em đang ở lứa tuổi ham chơi nên có thể bỏ nghề bất cứ lúc nào. Công việc điêu khắc cần sự cần cù, chịu khó, vậy nên ngoài việc dạy nghề, tôi luôn động viên các em trong cuộc sống”, anh tâm sự.

Đang làm việc tại cơ sở Lạc Việt của anh Vỹ, chàng trai trẻ Phước Hiệp (19 tuổi, ngụ cùng thôn) cho biết, cách đây một năm, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sau khi học xong lớp 12, Hiệp nghỉ học, đến cơ sở của anh Vỹ xin học nghề.

Không những dạy nghề miễn phí, anh Vỹ còn rất nhiệt tình chỉ bảo Hiệp cũng như các học viên khác, ngoài ra các học viên này đều được hỗ trợ tiền tiêu dùng hàng tháng. 

Học viên làm việc tại xưởng.
Học viên làm việc tại xưởng.

Còn em Nguyễn Bảo Tài (16 tuổi), học viên nhỏ tuổi nhất xưởng cho biết: “Vì nhà nghèo nên em chỉ học được hết lớp 9. Bỏ học nhưng em cũng không có việc gì làm. Rảnh rỗi nên em còn bị bạn bè rủ rê chơi game. May mà có anh Vỹ đưa em về đây cho học nghề miễn phí.

Anh ấy rất tốt, xem em như em ruột trong nhà. Anh luôn nhắc nhở em, phải chăm chỉ nâng cao tay nghề để sau ra làm ổn định còn giúp đỡ gia đình!”. Những người thợ tay nghề đã ổn định và làm việc lâu năm thì mỗi tháng anh sẽ trả lương, khoảng từ 3-5 triệu.

Nhưng ước mơ của Vỹ không dừng lại ở đó. Anh đang cố gắng dành dụm, góp vốn và mở một cơ sở lớn hơn, có không gian thoải mái cho mọi người làm việc tốt nhất, thu nhận đào tạo thêm nhiều học viên hơn nữa. 

Bên cạnh đó, anh còn muốn xây dựng một gian phòng trưng bày những tác phẩm ưng ý, để các du khách gần xa có thể đến thưởng lãm.

“Hiện tại, cơ sở vẫn còn nhỏ hẹp quá, không gian nóng bức dễ gây mệt mỏi, anh em làm việc cũng vất vả. Vậy nên tôi muốn tích góp để mở một nơi làm việc rộng rãi hơn, tạo sự thoáng đãng cũng như thu hút khách hàng đến chiêm ngưỡng sản phẩm của Lạc Việt”, anh chia sẻ.

Hiện nay, các sản phẩm điêu khắc của xưởng rất đa dạng, từ 3 triệu đồng đến hàng trăm triệu. Thị trường tiêu thụ sản phẩm đã mở rộng trong và ngoài nước.

Những nỗ lực của anh Vỹ đã được ghi nhận với nhiều giải thưởng có giá trị như: giải nhì với tác phẩm “Bình phố Hội” tại hội thi sản phẩm lưu niệm TP.Hội An lần thứ 3 năm 2013; giải nhất sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện năm 2015 với tác phẩm “Quê hương tuổi thơ tôi” và giải nhì với tác phẩm chân dung mẹ Việt Nam Anh hùng – mẹ Thứ.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.