Nữ VĐV chiến thắng “tử thần” dị dạng mạch máu não

Nữ VĐV chiến thắng “tử thần” dị dạng mạch máu não
(PLO) - Là một trong những vận động viên triển vọng của bóng chuyền bãi biển Việt Nam, giành nhiều huy chương cho đoàn thể thao Hải Phòng, Trương Thị Yến (SN 1990, ngụ phường Văn Đẩu, quận Kiến An, TP.Hải Phòng) đột ngột phát hiện bị bệnh dị dạng mạch máu não. Cô gái bị liệt nửa người bên trái, nhưng đã bình phục “thần kì” hai tháng sau đó.
Nhà vô địch bóng chuyền bãi biển
Cô gái gây ấn tượng với người nói chuyện bằng chiều cao ấn tượng và cách nói chuyện dí dỏm. “Sự việc đã qua được hai năm, hiện tôi cũng không còn là vận động viên nữa, nhưng rồi nghĩ kinh nghiệm của mình biết đâu có thể giúp ích cho một số người rơi vào cùng cảnh ngộ”, cô gái chia sẻ. 
Năm học lớp Tám, thiếu nữ đã có chiều cao “trội” so với các bạn cùng trang lứa 1m69. Lúc các thầy ở trung tâm huấn luyện đào tạo vận động viên Hải Phòng về trường tuyển sinh, Yến được chọn. “Trước đó tôi không biết gì về bóng chuyền, thậm chí không nghĩ có môn thể thao này. Nhưng vì mê khám phá điều mới lạ nên tôi đồng ý tham gia”, cô gái kể. 
Được các huấn luyện viên chỉ dạy những bài tập cơ bản nhất của bóng chuyền, Yến dần “mê” môn thể thao này lúc nào không hay. 
Khó khăn đầu tiên của cô bé 14 tuổi là phải xa nhà. Bố mất từ khi mẹ mang bầu Yến năm tháng, mọi tình cảm bà đều dành cho con gái. Yến thuyết phục được gia đình cho phép theo nghiệp bóng chuyền. Chuyển từ trường ra trung tâm thành phố, cô gái trẻ vừa học văn hóa, vừa học đánh bóng. 
Thời gian đầu, tuy bỡ ngỡ nhưng nhờ năng khiếu nên Yến tiếp thu rất nhanh, được giao nhiệm vụ phụ công trong đội nhờ thuận tay trái. Tập đến năm 2004, Yến lần đầu tham gia đánh giải dịp hội khoẻ Phù Đổng tổ chức ở Hà Tây (nay là Hà Nội), mang về huy chương bạc.
Sau giải đấu này, nữ VĐV trẻ chuyển sang bóng chuyền bãi biển, được gọi vào đội tuyển trẻ quốc gia tập luyện ở Đà Nẵng: “Kĩ thuật đánh bóng chuyền bãi biển rất khác với bóng chuyền trong nhà. Hơn nữa, cái nắng, gió miền trung rất gắt, phải di chuyển trên cát nên phải khá lâu mới làm quen được”, Yến chia sẻ. 
Chỉ vài tháng sau Yến đã thích nghi. Hàng ngày cô gái phải dậy từ 5h sáng tập đến 6h30, sau đó từ 8h đến 11h trưa; buổi chiều tập từ 14h đến 18h dưới cái nắng như thiêu. Cả thân hình đen trũi, bù lại cô là một trong sáu vận động viên bóng chuyền trẻ được gọi bổ sung vào đội bóng chuyền trẻ Quốc gia. 
Năm 2005 đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp thể thao của Yến khi cô bắt đầu thi đấu giải bóng chuyền bãi biển chuyên nghiệp. Lúc đó cặp đôi của Yến được đánh giá là vận động viên trẻ có tiềm năng. 
Năm 2008 cô vô địch giải bóng chuyền TP.HCM, năm 2009 giành HCV giải vô địch bóng chuyền bãi biển toàn quốc ở Ninh Thuận. Từ đó đến năm 2013, cặp đôi của cô luôn lọt vào top đầu.
Cựu VĐV bóng chuyền bãi biển Trương Thị Yến
 Cựu VĐV bóng chuyền bãi biển Trương Thị Yến
Vượt lên bệnh tật
Ước mơ hoài bão đang bừng cháy, bỗng chuyện không may ập đến. Đó là năm 2013, khi Yến đang tham gia giải bóng chuyền bãi biển toàn quốc. Vòng một đã thi đấu tại Nha Trang, Yến được về nhà nghỉ ngơi chuẩn bị vòng hai diễn ra tại Hải Phòng.
Cách thời gian thi đấu hai ngày, ăn cơm xong, cô gái có biểu hiện đau đầu dữ dội, buồn nôn. Lúc đầu gia đình nghĩ Yến bị cảm cúm thông thường, mọi người đưa đến bệnh viện quận. Nằm đến ngày thứ ba, cô được đưa đi chụp CT chẩn đoán bị tụ máu não, sau đó chuyển lên bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). 
Bác sĩ phát hiện Yến bị dị dạng mạch máu não. Bệnh nhân được chuyển sang bệnh viện Đại học Y Hà Nội điều trị bằng phương pháp nút mạch. 
 “Bác sĩ nói rất nguy hiểm nhưng tôi không hề sợ sệt. Hơn hai tiếng phẫu thuật, tôi vẫn điềm tĩnh vui vẻ. Nhưng rồi bị liệt nửa người bên trái, tôi như rơi xuống vực thẳm, suy sụp tinh thần”, cô gái nhớ lại.
Từ một cô gái năng động, Yến phải nằm một chỗ, tất cả mọi sinh hoạt đều phải nhờ vào mẹ. Cô gái trẻ buồn nản, bi quan nhưng nhờ mẹ động viên nên Yến kiên trì tập luyện. 
Lúc đầu chỉ là tập cử động các ngón tay. Bàn tay cứng đờ không theo ý của mình, nhiều lần cô bật khóc. Nhưng nghĩ đến cuộc sống gắn liền với giường bệnh, không được chơi thể thao, cô có thêm ý chí vượt qua. Cô được chuyển sang bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương tập luyện mỗi ngày. 
Thật kì diệu, chỉ sau năm ngày, bệnh nhân đã có thể cầm những đồ vật nhỏ. Khi đã cử động được tay, Yến chuyển sang tập cử động chân. “Tôi phải tập ngồi, đứng như một đứa trẻ. Ban đầu nhấc chân lên, cảm giác như chân đeo cục đá lớn. Bác sĩ chỉ định tập nhẹ nhàng rồi nâng dần độ khó. Sau hai tháng, tôi đã quay lại lớp chạy nhảy cùng bạn bè”, Yến nhớ lại. Không ai tin rằng cô có thể phục hồi nhanh đến thế.
Cô gái kể nhớ mãi quãng thời gian nằm điều trị ở bệnh viện Việt Đức. Mỗi khi bạn bè, thầy cô đến thăm, cô gái trẻ lại bật khóc khiến mọi người đều khóc theo. Thế nhưng người mẹ không bao giờ khóc trước mặt con, sau này bà mới kể chỉ khi về nhà mới ngồi khóc một mình. Không chỉ nhờ ý chí của một vận động viện, còn có tinh thần kiên cường của người mẹ đã tiếp thêm nghị lực cho cô con gái có sức mạnh vượt qua bệnh tật.
Căn bệnh cứ thế được đẩy lùi dần dần. năm 2014 Yến đến bệnh viện Bạch Mai khám, bác sĩ khuyên cô gái phẫu thuật bằng tia gamma. Sau đó ba tháng đi kiểm tra lại, bác sĩ xác định sức khoẻ cô tiến triển tốt, không cần can thiệp phẫu thuật nữa.  
Cựu VĐV nay đã tốt nghiệp loại giỏi, ngành sư phạm thể dục thể thao, mong muốn được dịp truyền lại những kinh nghiệm, kĩ thuật của mình đến các thế hệ học trò. Cô còn đang chuẩn bị học lên thạc sĩ. Bác sĩ khuyến cáo không nên thi đấu thể thao nhiều, nên chỉ những khi “nhớ nghề” lắm, Yến mới rủ các bạn chơi bóng chuyền./.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.