“Nỗi sợ biến mất dễ “nhường chỗ” cho bi kịch gia đình“

(PLO) - Nhiều bi kịch gia đình xảy ra đẩy không ít người vào cuộc sống bế tắc, vào chốn lao tù, thậm chí là chỗ chết. Đằng sau bi kịch gia đình ấy là gì và hóa giải bi kịch ấy thế nào? Thạc sĩ Hoa Hữu Vân – Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã trao đổi về vấn đề này. 

Ông Hoa Hữu Vân
Ông Hoa Hữu Vân 
Nguy cơ lớn gây ra những hệ quả nguy hiểm
Chỉ trong thời gian ngắn mà một loạt bi kịch gia đình đã xảy ra, làm rúng động xã hội như vụ người phụ nữ do mâu thuẫn với nhà chồng ôm con nhảy cầu tự tử ở Phú Thọ, vụ bé gái 4 tuổi bị bố mẹ đánh chấn thương sọ não ở Bình Dương, rồi vụ người chồng ghen tuông lấy cán chổi đâm vào vùng kín của vợ khiến nạn nhân tử vong ở Kiên Giang… Phải chăng tổ ấm gia đình đã và đang bị áp lực cuộc sống hủy hoại, thưa ông?
- Đúng là cuộc sống ngày nay có quá nhiều áp lực và những áp lực đó đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến sự bình yên của mỗi gia đình. Theo số liệu thống kê mà tôi có, ở một số khu công nghiệp, do khủng hoảng kinh tế nên chỉ trong thời gian ngắn, có rất nhiều gia đình rơi vào cảnh thất nghiệp. Bức xúc vì thất nghiệp trở thành  nguyên nhân của rất nhiều mâu thuẫn trong xã hội cũng như gia đình. Tuy nhiên theo tôi, nếu nói đó là nguyên nhân chính dẫn đến những bi kịch gia đình thì không phải. Hay nói cách khác, bi kịch gia đình không chỉ đến từ việc người ta đói cơm hay thiếu tiền tiêu.
Khi đọc thông tin về các vụ bi kịch gia đình xảy ra gần đây, hẳn mọi người cũng như tôi đều rùng mình vì mức độ của diễn biến hành động và đều tự hỏi tại sao những anh đó, chị đó, người đó có thể “dũng cảm” làm được như vậy. Ôm con tự tử, đánh con ruột đến chấn thương, chọc gậy vào vùng kín của vợ…, là những hành động mà khi nghe đến, nhiều người đã thấy sợ, nói gì đến thực hiện. Vậy mà có người dám làm, nguyên nhân ở đây là gì?
Theo suy nghĩ của tôi, về mặt lối sống, tâm linh nhiều người giờ đây đã quá thờ ơ với nỗi sợ. Sợ ở đây là sợ cái gì? Sợ bị dằn vặt lương tâm, sợ bị cộng đồng chê cười, sợ bị quả báo, nhân quả… Ngày trước, người ta biết sợ nhiều thứ, nên cũng vì thế mà cuộc sống bình yên, ít tội ác hơn. Thử ngẫm lại mà xem, người Việt thời xưa khi trong nhà xảy ra chuyện thì thường bảo nhau: “Không sợ người ta cười cho à?”.  Còn bây giờ, mọi người và đặc biệt là người trẻ rất ít biết sợ. Có lẽ dây thần kinh xấu hổ hoạt động ít nên bố mẹ, con cái lục đục, xâm hại, kiện nhau ra tòa… 
Khi trong xã hội mà con người không còn biết sợ thì đấy là một nguy cơ lớn để gây ra những hệ quả nguy hiểm. Người chồng có cô vợ tự tử ở Phú Thọ nói một cách rất khơi khơi rằng, do vợ mình đã nhiều lần nhắn tin bỏ đi, dọa tự tử xong lại tự về nên cũng không để ý lắm. Nói như thế có nghĩa là anh ta không còn biết sợ nữa. Tiếp đến là người đàn ông cầm gậy đâm vào vùng kín của vợ, khi làm việc đó ông ta cũng không còn sợ. Rồi cả người phụ nữ đã ôm con nhảy sông cũng không sợ, khi đã đem cái buồn bực cá nhân mình để hủy diệt những sự sống vô tội khác. 
Nói tóm lại, để lý giải, để bàn thêm một chút về các vụ bi kịch gia đình gần đây thì việc đầu tiên là cần quay trở về nguyên gốc của nó. Đấy là cách tiếp cận từ văn hóa và lối sống của con người, mà trước hết là trong gia đình. Khi mà văn hóa trong gia đình để cho mọi thành viên có sự tôn trọng, biết sợ, thì đấy sẽ là cái gốc để giải quyết nhiều việc. 
Có ý kiến cho rằng, nếu bóc tách bề nổi của các bi kịch gia đình ra thì sâu thẳm nguyên nhân cho thấy các thành viên gia đình trong vụ việc đều là nạn nhân. Ông có đồng ý với quan điểm này?
-  Xung quanh vụ ôm con tự tử ở Phú Thọ, tôi theo dõi rất kỹ các luồng thông tin và thấy rằng trong mọi cuộc mâu thuẫn, nguyên nhân ít khi chỉ đến từ một phía. Tất cả họ, từ bà mẹ chồng cho đến người chồng, rồi con dâu - người vợ đã ôm con mình nhảy cầu tự tử đều là nạn nhân của việc không vượt qua được chính mình. Hẳn rằng khi nghe thấy điều này, sẽ có người nói tôi rằng đâu có thể đứng ngoài mà nói giỏi được, phải sống vào cảnh đó mới biết người trong cuộc ức chế và đau khổ đến mức độ nào. Nhưng theo tôi, vấn đề ở đây là kỹ năng và bản lĩnh để vượt qua ức chế bản thân thì dường như những con người trong bi kịch ấy chưa ai có cả, và tương tự ở rất nhiều bi kịch gia đình hay xã hội khác cũng vậy.
Cần phải hiểu rằng, tất cả bi kịch gia đình không phải bỗng nhiên, một chốc một lát xảy ra mà đó là cả một quá trình. Ví như, không phải lần đầu tiên mà đứa bé 4 tuổi ở Bình Dương bị bố mẹ đánh, hay vụ đánh chết con ở Bắc Ninh mới đây cũng vậy, cháu bé đó cũng đã bị đánh rất nhiều lần. Rồi vụ người đàn ông dùng cán chổi để đâm vào vùng kín của vợ thì không phải lần đầu tiên anh ta xúc phạm, bạo lực với vợ mình, người phụ nữ ở Phú Thọ cũng chẳng phải lần đầu đề cập đến chuyện mình sẽ chết để quên đi mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu… 
Đây là một chuỗi các hoạt động diễn ra liên tục nhưng không được hóa giải, chỉ cho đến khi gây ra hậu quả nghiêm trọng thì mọi người mới biết. Thế nên ở góc độ nào đó, họ đều là nạn nhân của chính mình và việc “phá vây, giải thoát” cho họ chính là trách nhiệm của cộng đồng. 
Vô cảm, nói nhiều hơn làm - thật đáng sợ
Theo ông ai là người phải chịu trách nhiệm trong các vụ bi kịch gia đình thương tâm này? 
- Trách nhiệm của chính quyền, của cộng đồng đến đâu? Đến nay đây vẫn là câu hỏi vì thực tế đã và đang cho thấy nói thì dễ nhưng thực hành thì khó. Hiện hễ nói đến bất kỳ vấn đề gì chúng ta luôn nghe thấy những câu đại loại như chúng ta có cả một hệ thống chính trị đến tận cấp thôn. Ở cấp thôn hiện nay có chi hội phụ nữ, chi hội người cao tuổi, chi đoàn thanh niên, ban công tác mặt trận…, ở đâu cũng đầy đủ lệ bộ như vậy. Thế nhưng, dường như hệ thống này, hay nói rộng ra là cả cộng đồng vô cảm với các số phận của chính thành viên trong cộng đồng mình. Họp hành thì nhiều nhưng từ câu chuyện họp hành để đưa ra những hành động cụ thể thì ít. 
Đơn cử như vụ bà mẹ chồng bị con dâu ngược đãi ở ngay trung tâm thành phố Hải Dương mà Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh (số báo ra ngày 15/9/2014), khi PV của Báo tìm hiểu sự việc đến báo cáo thì chính quyền phường Bình Hàn mới biết. Và câu trả lời cũng tương tự như nhiều câu trả lời ở những nơi khác là: “Tôi chưa nhận được một báo cáo nào về việc này”. Thế hóa ra cứ phải có báo cáo thì mới làm ư? Vô cảm và nói nhiều hơn làm – tình trạng này thật đáng sợ!
Tiếp cận từ góc độ công tác gia đình, tôi thấy cần phải có một mạng lưới công tác xã hội chuyên nghiệp thay vì ai cũng có trách nhiệm, nhưng hóa ra chẳng ai có trách nhiệm cả. Động đến thành tích thì luôn là thành quả của cả hệ thống chính trị, nhưng khi có sự việc đau lòng thì cả hệ thống chính trị rất ít người đứng ra nhận trách nhiệm này là của chúng tôi, hay do chúng tôi chưa làm hết trách nhiệm. 
Tôi nghĩ rằng tổ dân phố, chính quyền nơi vợ chồng người phụ nữ ôm con tự tử ở Phú Thọ sinh sống, trong năm 2014 này nếu có bình xét gì thì phải bị tước bỏ hết các danh hiệu thi đua. Phải nói rõ ra với nhau như thế, vì đây không phải là câu chuyện của một gia đình nữa mà nó phản ánh toàn bộ trách nhiệm của cả một hệ thống.
Ông vừa nhắc đến “một mạng lưới công tác xã hội chuyên nghiệp”, phải chăng chúng ta tuy đã có mạng lưới cán bộ công tác gia đình “phủ sóng” tương đối rộng, nhưng vẫn đang bỏ qua việc “dập lửa ngay từ than hồng” nên sự việc mới nghiêm trọng như vậy?
- Chúng ta bấy lâu nay cứ lấp lửng giữa cái gọi là nhiệt tình, lòng tốt, quy định trách nhiệm về mặt giấy tờ với cái gọi là tính chuyên nghiệp. Cuộc sống hiện đại đang biến gia đình thành ốc đảo, sống ngay giữa lòng cộng đồng mà gần như biệt lập với cộng đồng. Bản thân cộng đồng cũng vậy, tuy gọi là cộng đồng nhưng cũng chỉ nhà ai biết nhà nấy. 
Thế nên theo tôi, cần thí điểm một đội ngũ cán bộ công tác xã hội được đào tạo chính quy, mỗi tỉnh chọn ra một địa bàn được cho là nóng nhất để thí điểm và có đầu tư cho lực lượng cán bộ xã hội này. Ở cộng đồng, lực lượng cán bộ xã hội sẽ cùng với chi, tổ hội phát hiện sớm những mâu thuẫn gia đình khi nó vẫn còn manh nha ở mức độ nhỏ. 
Họ sẽ có hoạt động tham vấn, tư vấn giám sát thường xuyên, ví như biết chuyện chị Mai ở Phú Thọ có mâu thuẫn với mẹ chồng dai dẳng như vậy, họ sẽ can thiệp tư vấn để dập “lửa” luôn. Chứ cứ như bây giờ, mỗi khi có sự vụ đau lòng xảy ra, chúng ta lại quay ra đổ lỗi cho người nọ người kia, rất đáng buồn.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.