Nỗi niềm nghệ sĩ xiếc

Xiếc Việt đạt nhiều giải thưởng quốc tế.
Xiếc Việt đạt nhiều giải thưởng quốc tế.
(PLVN) - Ngày 16/1/2021, Liên đoàn Xiếc Việt Nam kỷ niệm 65 năm thành lập (16/1/1956 -16/1/2021). Chặng đường đó đã chứng kiến những thành công đáng tự hào của xiếc Việt Nam vươn ra biển lớn, nhưng vẫn còn đó nỗi lo về đời, về nghề của những người nghệ sĩ vốn được mệnh danh là làm nghề “bán mạng cho may rủi”.

Bên cạnh niềm vui…

Liên đoàn Xiếc Việt Nam tiền thân là Đoàn Xiếc Nhân dân Trung ương, thành lập ngày 16/1/1956 được hợp nhất từ nhiều gánh xiếc tư nhân như Xiếc Tạ Duy Hiển, Hoa Hồng Đỏ, Vũ Đài Thủ đô anh dũng và xiếc Long Tiên của Phạm Xuân Trang. Trên chặng đường phát triển, Liên đoàn Xiếc Việt Nam nói riêng và xiếc Việt Nam nói chung đã đạt được nhiều giải thưởng lớn tại các Liên hoan Xiếc quốc tế tại Tây Ban Nha, Pháp, Italy, Liên bang Nga,Trung Quốc, Triều Tiên, Cuba...

Có thể nói, trong khoảng gần chục năm trở lại đây, xiếc Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích cao trong các kỳ liên hoan xiếc quốc tế, như tiết mục “Đu siêu nhân” đạt Huy chương Vàng tại Tây Ban Nha năm 2010 và Huy chương Vàng tại Liên hoan Xiếc quốc tế lần thứ 14 tại Pháp năm 2014; tiết mục “Hề xiếc” đạt Huy chương Vàng tại Cuba... Không chỉ có các tiết mục dự thi đoạt giải, vở xiếc tre có tên “Làng tôi” do Liên đoàn Xiếc Việt Nam dàn dựng đã từng có nhiều năm chu du nước ngoài, với hàng trăm đêm diễn cháy vé.

Nhiều người Việt Nam chưa quên màn biểu diễn “Sức mạnh đôi tay” của hai anh em Giang Quốc Cơ - Giang Quốc Nghiệp tại cuộc thi Britain's Got Talent 2018 (Tìm kiếm tài năng của Anh) đã chinh phục Ban giám khảo cuộc thi và hàng trăm nghìn lượt người xem trên toàn thế giới.

Trước đó, năm 2016, hai anh em họ Giang đã xác lập kỷ lục thế giới với màn chồng đầu leo 90 bậc thang của Nhà thờ Chánh tòa ở thành phố Girona, Tây Ban Nha trong 52 giây. Và tên của Giang Quốc Cơ và Giang Quốc Nghiệp cùng nghệ thuật xiếc Việt Nam đã được ghi nhận trong sách Kỷ lục Guinness thế giới. 

Tại Liên hoan Xiếc quốc tế Cuba Circuba năm 2017 diễn ra tại Thủ đô La Habana, đoàn Việt Nam với tiết mục nhào lộn trên không mang tên “Cánh chim Việt” do Ngọc Ánh và Thu Thùy - Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam biểu diễn đã xuất sắc đoạt “Mái bạt vàng”, giải thưởng cao nhất của cuộc thi.

Sau liên hoan, một số nước đã có lời mời đưa tiết mục này sang biểu diễn, một tập đoàn giải trí ở Vương quốc Anh mời trường đem tiết mục “Cánh chim Việt” cùng một số tiết mục đặc sắc sang biểu diễn trong vòng 6 tháng. Một tập đoàn giải trí khác của Mexico đề nghị gửi học sinh tới trường để đào tạo…

Còn đó những nỗi buồn

Thế giới đã chứng kiến không ít nghệ sĩ xiếc ra đi vì tai nạn trong khi tập luyện, biểu diễn. Ở Việt Nam dù chưa có tai nạn nào quá đau lòng nhưng chuyện tai nạn đối với các nghệ sĩ xiếc là “chuyện ngày thường ở huyện”, bởi những nguyên nhân khách quan như đang diễn thì bị chuột rút hoặc những yếu tố ngoài tầm kiểm soát của diễn viên.

Nghệ sĩ Ưu tú Kim Hạnh – người nổi tiếng với tiết mục đu cánh diều đã bị ngã gãy tay khi đang cố gắng tập động tác mạo hiểm hơn trên không. Nghệ sĩ Ưu tú Ngô Tuyết Hoàn gặp tai nạn trong quá trình tập luyện dẫn đến bị liệt nửa người, trở thành tàn phế, phải ngồi trên xe lăn. Cặp đôi Quốc Cơ – Quốc Nghiệp cũng từng suýt phải giã từ nghề xiếc vì gặp tai nạn kinh hoàng khi đang lưu diễn ở Đài Loan.

Năm 2009, trong lúc đang biểu diễn tiết mục chồng đầu thì Quốc Nghiệp bị ngã dẫn đến bị chấn thương rất nặng ở vùng cổ. Các bác sĩ Đài Loan đã khuyên Quốc Nghiệp nên bỏ nghề để giữ mạng sống bởi những chấn thương đó nếu không giữ gìn có thể khiến anh tàn phế suốt đời. Sau cú ngã đó, Quốc Nghiệp lại tiếp tục bị ngã thêm một lần nữa dẫn đến đốt sống cổ bị vẹo chèn vào màng cứng – tuỷ, khả năng bị liệt hoàn toàn rất cao…

Những tai nạn trong khi tập luyện, biểu diễn khiến người ta không khỏi nghĩ ngợi nhiều về sự nguy hiểm, có khi phải đánh đổi bằng tính mạng của những nghệ sĩ đã trót mang nghiệp với xiếc. Nghề xiếc được xem là nghề “bán mạng cho may rủi” bởi nguy cơ bị tai nạn dẫn đến chấn thương, mất mạng… luôn thường trực. Vậy, vấn đề đãi ngộ dành cho các nghệ sĩ xiếc liệu đã tương xứng?

Cần có chế độ đãi ngộ xứng đáng để nghệ sĩ xiếc yên tâm với nghề.
 Cần có chế độ đãi ngộ xứng đáng để nghệ sĩ xiếc yên tâm với nghề.

Đây là câu hỏi đã trăn trở bao nhiêu năm nay của các nghệ sĩ xiếc, vì vất vả, vì khổ luyện, nguy hiểm luôn rình rập, đối diện với chấn thương thường xuyên, thậm chí có thể đánh đổi cả mạng sống nhưng nghề xiếc ở Việt Nam vẫn chưa thực sự có chế độ đãi ngộ hợp lí. Lương thưởng của các nghệ sĩ xiếc, nhất là các đoàn công lập vẫn thực hiện theo quy định của Nhà nước. Các chế độ đãi ngộ lẫn chính sách ưu đãi vẫn chưa tương xứng với tính chất nghề nghiệp.

Trong một lần trao đổi với truyền thông về chế độ lương bổng của nghệ sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Duy Ánh – Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã mong mỏi, là một nghề đặc thù, các cơ quan quản lý nhà nước nên nhanh chóng có một cơ chế, chính sách đặc biệt; nghiên cứu đánh giá lại ngạch, bậc nghệ sĩ, diễn viên xiếc kèm theo sự cải thiện lương bổng cho họ để thể hiện chính sách đãi ngộ thật sự. Trong đó có tăng chế độ lương, thưởng, phụ cấp bồi dưỡng và cả ưu đãi về việc làm cho những nghệ sĩ, diễn viên xiếc hết tuổi nghề để họ yên tâm theo nghề và cống hiến hết mình cho nghệ thuật. 

Đối với những tài năng, cần có chính sách ưu đãi đặc biệt, không nhất thiết cứng nhắc theo quy định về bậc lương khởi đầu ít ỏi và cách nâng bậc lương hai năm một lần như hiện tại bởi như vậy các nghệ sĩ, diễn viên xiếc sẽ không có động lực phấn đấu. Khắc phục được chính sách lương bất hợp lý và phi thực tế đối với các nghệ sĩ, diễn viên xiếc sẽ phần nào tránh được tình trạng “chảy máu chất xám” của các đơn vị xiếc Nhà nước.

Niềm tin vào ngày mai

Sở dĩ nói vậy vì câu hỏi “Vấn đề đãi ngộ dành cho các nghệ sĩ xiếc liệu đã tương xứng?” đã không còn chỉ giữa những người trong nghề với nhau nữa. Tại Kỳ họp Quốc hội thứ 10, Quốc hội khoá XIV, Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã chất vấn Thủ tướng Chính phủ: “Cử tri có ý kiến, hiện nay việc áp thang bảng lương cho nghệ sỹ, diễn viên nói chung đặc biệt là các nghệ sỹ, diễn viên múa và xiếc nói riêng đang có nhiều bất cập, chưa hợp lý bởi thời gian học tập của họ rất dài (phải học từ nhỏ, học 6 năm, 7 năm, 9 năm tốt nghiệp trung cấp; 3-4 năm tốt nghiệp Đại học) nhưng thời gian cống hiến của họ thì rất ngắn.

Ngoài 30 tuổi trở đi rất ít người có thể tiếp tục cống hiến theo nghề dẫn đến gây khó khăn cho người sử dụng lao động. Do vậy, cần phải nghiên cứu để điều chỉnh lại thang bảng lương, tuổi nghỉ hưu đối với các nghệ sỹ, diễn viên nói chung và các nghệ sỹ, diễn viên múa, xiếc nói riêng. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết quan điểm của Thủ tướng về vấn đề này”. 

Ngày 11/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản trả lời câu hỏi chất vấn của Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh. Theo đó, về chính sách tiền lương, Thủ tướng khẳng định Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề xuất và phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo và phụ cấp theo nghề (nếu có) đối với viên chức chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý.

Từ đề xuất của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về thang, bảng lương mới của viên chức ngành văn hóa, thể thao và du lịch (trong đó có các nghệ sĩ, diễn viên múa, diễn viên xiếc), Chính phủ giao Bộ Nội vụ tổng hợp, cân đối chung, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chế độ tiền lương mới, bảo đảm phù hợp với tình hình kinh tế, khả năng ngân sách và theo đúng quan điểm, định hướng của Nghị quyết số 27-NQ/TW về thực hiện chế độ tiền lương mới; Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 9/10/2020 của Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Về tuổi nghỉ hưu, Văn bản trả lời của Thủ tướng Chính phủ cho biết, theo quy định của pháp luật thì diễn viên xiếc uốn dẻo, đế trụ, nhào lộn và xiếc khác trên cao; diễn viên xiếc; dạy thú và biểu diễn xiếc thú, múa ballet, múa cổ truyền và hát tuồng; diễn viên chèo, cải lương, dân ca, kịch, điện ảnh và ca sĩ chuyên nghiệp… thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Như vậy, các nghệ sĩ, diễn viên múa, xiếc có thể được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung. Riêng các trường hợp có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên sẽ được hưởng lương hưu khi có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên (không kể tuổi đời). 

Cũng theo Văn bản trả lời của Thủ tướng Chính phủ, thực tế có những ngành, nghề có tuổi nghề rất thấp như vận động viên, diễn viên xiếc một số ngành, nghề khác (tuổi nghề chỉ khoảng 30 - 35 tuổi hoặc thấp hơn) nên không thể quy định tuổi nghỉ hưu theo tuổi nghề do phải đảm bảo tương quan trong tổng thể chính sách bảo hiểm xã hội nói chung. 

Vì vậy, đối với các ngành, nghề này, ngoài các chính sách ưu đãi về tiền lương, tuổi nghỉ hưu… cần có chính sách chuyển đổi vị trí việc làm, đào tạo lại, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp để người lao động tiếp tục phát huy kinh nghiệm, kỹ năng đã có.

Tin rằng, với sự quan tâm đúng lúc và đúng mức, tới đây với những nỗ lực của các nghệ sỹ Việt Nam, xiếc Việt sẽ tiếp tục tỏa sáng và giấc mơ nâng tầm xiếc Việt ra thế giới sẽ không còn quá xa vời.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.