Nhọc nhằn kế mưu sinh của phụ nữ miền biển

Phụ nữ xứ biển chung tay cùng chồng con làm kinh tế
Phụ nữ xứ biển chung tay cùng chồng con làm kinh tế
(PLVN) - Phụ nữ ở miền biển Quảng Ngãi cũng giống như bao nơi khác, “đàn ông đi khơi, đàn bà đi lộng”, cũng gồng gánh ngược xuôi mưu sinh…

Cái nắng tháng tư hanh khô khiến làn da của những phụ nữ xứ biển đen sạm. Nhưng họ lại thích thời tiết vậy. “Ráo tạnh tui dễ làm ăn, ra biển mưu sinh bớt nguy hiểm”, chị Lê Thị Phương (37 tuổi, thôn An Vĩnh) miệng trả lời, tay vẫn chèo chiếc thuyền thúng.

Chị Phương làm nghề ngụp lặn ven biển để bắt những sản vật gần bờ. Ở xứ này, chị Phương còn có biệt danh “người đàn bà một triệu”, vì đưa nhiều nhóm khách đi “phượt” muốn trải nghiệm các hoạt động như vớt rong, nhum, bắt tôm, cua… Mỗi lần được nhờ, chị cứ ra giá “1 triệu nghe”, rồi “chết danh” luôn.

Gần 12h trưa, chị Phương như càng nhỏ thó, lọt thỏm trong những khối arobot (bê tông tròn chắn sóng ven biển Lý Sơn) nhanh nhẹn buộc dây thúng vào trụ bê tông, chuyển số nhum biển, cua đá, ốc cá lẫn lộn, xếp đầy thùng xốp, bê lên bờ.

Công đi biển từ 6h sáng đến trưa của chị Phương, ước chừng 10-15kg hải sản. Nhiều người lần đầu chứng kiến sẽ thấy “ngợp thở” với hình ảnh người phụ nữ khệ nệ bê đồ, len lỏi nhảy qua các khối đá, bê tông leo lên bờ. Miệng vẫn cười rất tươi, bởi hải sản đã được người đợi sẵn thu mua hết, vài lời đã giao dịch xong.

Thành quả sau một buổi bắt hải sản ven bờ
Thành quả sau một buổi bắt hải sản ven bờ 

Chị Phương kể, công việc này gắn bó với chị đã nhiều năm. Chỉ cần biển không động, ngày nào chị cũng dầm mình dưới nước. Chồng cùng con trai mấy mươi năm vươn khơi xa, chị ở nhà cũng không muốn ngơi tay. Mỗi ngày nếu chịu khó, chị thu nhập vài trăm ngàn đến tiền triệu. “Tiền chồng con đi khơi kiếm được để lo việc lớn, mình trang trải chi tiêu trong nhà, có dư dả cho cháu sau này”, chị tâm tình.

Bên gành biển, hang đá đảo, bóng dáng từng tốp phụ nữ kéo thúng, lặn lội tìm sản vật từ biển luôn thấp thoáng. Mùa nào thức ấy. Nhum, ốc, rong mơ, rong chân vịt… được hái lượm, bán buôn quanh năm. 

Chị Trần Thị Loan (47 tuổi, thôn Đông, An Hải, đảo Lý Sơn) cho hay, sau mỗi bận xuống giống vụ tỏi, chị lại chèo thúng ra gành vớt rong chân vịt. Chân vịt nằm sâu dưới đáy biển, bám chặt chân đá, phải nhiều kinh nghiệm cắt gọn để giữ nguyên từng bụi rong tươi. Mỗi ký tươi 50 nghìn đồng, nửa ngày công chị hái được mươi ký bán cho đại lý thu mua. “Rong có quanh năm, tuỳ mùa tuỳ loại. Rong chân vịt ngon lắm, phơi khô nấu chè. Ngày xưa giá rẻ chứ giờ mắc, nên thu nhập cũng khá”, chị cho biết.

Ở xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, chị Nguyễn Thị Hà chưa đến 40 tuổi nhưng cái khắc nghiệt xứ biển hằn lên khuôn mặt. Ngoài đánh bắt hải sản ven bờ, khi tới mùa rong mơ, chị cùng bà con xóm chài kéo thúng ra gành từ sớm. Rong mơ mọc bãi ngang ngấp nghé mặt biển được cắt đưa vào bờ. Sáng cắt, trưa phơi, dọc bãi biển mùa rong mơ đầy màu sắc xanh, xám, vàng tươi. Tiền nuôi 4 đứa con ăn học của chị Hà đủ đầy hơn.

Có điều, đổi lại, sóng gió cũng lấy đi phần nào nhan sắc, thanh xuân của những phụ nữ miền biển. “Phơi nắng cả ngày, áo, nón có che bọc kỹ bao nhiêu cũng không lại với nắng gió biển táp vào. Thành ra chúng tôi khác phụ nữ nơi khác lắm. Nhưng đành chịu”, các chị bộc bạch.

Rong chân vịt hiện có giá 50 ngàn đồng/kg
Rong chân vịt hiện có giá 50 ngàn đồng/kg 

Mấy chục năm lênh đênh trên biển, ông Lê Hiệp (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) thấm thía những gánh vác nhọc nhằn của vợ. Lênh đênh trên biển, việc nhà bao năm có vợ gồng gánh. Phụ nữ xứ biển chung tay cùng chồng làm kinh tế, chăm lo, gom góp công sức vun đắp gia đình. “Mấy bà xứ này giỏi chứ, họ làm kinh tế kiểu đàn bà miệt biển. Thu nhập cũng đủ lo được cái ăn, cái mặc cho các con. Còn đàn ông đi tàu ghe, kiếm tiền về sửa nhà, mua sắm”, ông Hiệp nói.

Bà Phạm Thị Hồng Hải, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh cho hay, Quảng Ngãi hiện có 333.000 phụ nữ, trong đó khoảng 32% lao động nữ làm nghề biển như nuôi trồng, sản xuất, chế biến thuỷ sản, du lịch cộng đồng…

Riêng huyện đảo Lý Sơn có hơn 6.200 phụ nữ, trong đó khoảng 72% phụ nữ gắn chặt ngành nghề nông nghiệp, kinh tế biển như trồng hành tỏi, nuôi trồng, khai thác hải sản ven bờ…  Trong hai năm qua, Hội đã hỗ trợ phát triển nhiều dự án, mô hình cho lao động nữ ven biển. Đến nay, 11 mô hình kinh tế biển cho phụ nữ các xã ven biển đạt hiệu quả cao và duy trì. 

“Phụ nữ vùng ven biển chủ yếu mưu sinh nghề biển, từ ngành nghề thủ công truyền thống đến nông nghiệp. Hầu hết chị em làm theo kinh nghiệm, truyền đạt từ nhiều thế hệ. Với xu hướng hiện đại, chúng tôi tập trung tư vấn, chia sẻ, tìm kiếm cơ hội cho chị em tiếp cận, nắm bắt kỹ năng, cơ hội để phát triển ngành nghề như chế biến hải sản, sản xuất mắm truyền thống, tìm hướng xuất khẩu thuỷ sản…”, bà Hải nói.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.