Nguy cơ xâm nhập mặn kỷ lục tại ĐBSCL: Cho xe chở nước đến dân nếu cần thiết

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng xem xét một thiết bị lọc nước nhiễm mặn tại Bến Tre
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng xem xét một thiết bị lọc nước nhiễm mặn tại Bến Tre
(PLVN) - Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, bảo đảm sản xuất nông nghiệp và dân sinh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn ra sáng qua (3/1) tại Bến Tre.

Hạn mặn xâm nhập sâu chưa từng thấy

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tại ĐBSCL, nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đã được các cơ quan nghiên cứu, dự báo từ sớm (tháng 9/2019, Thủ tướng đã họp với các địa phương tại Tiền Giang) và đề ra các phương án ứng phó. 

Xâm nhập mặn năm nay xảy ra sớm và nghiêm trọng hơn so với trung bình nhiều năm. Ngay từ giữa tháng 12/2019 đã xuất hiện xâm nhập mặn cao đột biến ở nhiều cửa sông (ranh mặn 4g/lít ở sông Hàm Luông cao nhất đến 57km, cao hơn năm cùng kỳ năm 2015 là 17km). 

Theo tính toán của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, dự báo mức độ, phạm vi xâm nhập mặn 4g/lít tại các cửa sông sẽ sâu hơn trung bình nhiều năm và kỷ lục năm 2016. Sông Vàm Cỏ Đông, phạm vi xâm nhập 100km, sâu hơn trung bình nhiều năm 40km, sâu hơn năm 2016 là 3km. Phạm vi xâm nhập vùng sông Vàm Cỏ Tây là 110km, sâu hơn trung bình nhiều năm 52km, sâu hơn năm 2016 là 5km.

Vùng các cửa sông Cửu Long, phạm vi ảnh hưởng ở từng cửa sông từ 55-80km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 23-49km. Vùng biển Tây (sông Cái Lớn) bị mặn xâm nhập 70km, sâu hơn trung bình nhiều năm 30km.

Những hiện tượng này tác động rất lớn đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt và đến phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương trong vùng, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp. Nguy cơ xâm nhập mặn ảnh hưởng 74/137 huyện, thị xã thuộc 10/13 tỉnh trong khu vực (trừ Đồng Tháp, An Giang và TP Cần Thơ). Nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp sẽ có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước và nhiễm mặn.

Nông dân miền Tây bơm nước ngọt từ ngoài kênh vào mương vườn dự trữ tưới cho cây
 Nông dân miền Tây bơm nước ngọt từ ngoài kênh vào mương vườn dự trữ tưới cho cây

Nguồn nước sinh hoạt cho người dân cũng có nguy cơ bị thiếu hụt. Theo dự báo, có khoảng 136.000ha diện tích cây ăn quả bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn; 120.800 hộ thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt là tại Bến Tre với khoảng 36.800 hộ, Long An 32.400 hộ và Sóc Trăng 24.400 hộ.

Một số địa phương đã chủ động chỉ đạo, triển khai sớm, có hiệu quả một số giải pháp như điều chỉnh giảm diện tích lúa Đông Xuân còn khoảng 1,55 triệu ha, giảm khoảng 50.000 ha; đẩy sớm khung thời vụ sản xuất ngay từ tháng 10/2019 nhằm tránh giai đoạn mặn căng thẳng nhất; hình thành các vùng chuyên canh thích ứng tình trạng thiếu nước ngọt.

Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công một số công trình kịp đưa vào phục vụ trong mùa khô năm 2019-2020; chủ động trữ nước ngọt tại các hệ thống thuỷ lợi, kênh rạch,...; phối hợp với các doanh nghiệp để sản xuất các thiết bị tích trữ nước, lọc nước cho người dân. 

Ưu tiên đầu tiên bảo đảm đời sống nhân dân

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, vùng ĐBSCL là vùng trù phú, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực cho toàn vùng và cả nước. Tình hình hạn mặn dự báo xảy ra nghiêm trọng, đòi hỏi tất cả cần nỗ lực, chung tay thực hiện các giải pháp phòng - chống, giảm nhẹ tác hại; ứng phó hiệu quả với tình hình hiện nay cũng như bảo đảm thích ứng lâu dài. Trong đó, ưu tiên đầu tiên phải bảo đảm đời sống của người dân; bảo đảm nước cho sản xuất, đặc biệt sản xuất nông nghiệp; bảo vệ mùa màng.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tập trung chăm lo, bảo đảm cho đời sống của người dân với phương châm không được để dân thiếu nước sinh hoạt và không để bùng phát dịch bệnh do hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài. 

Yêu cầu các địa phương, đến từng ấp phải chủ động xây dựng phương án bảo đảm nguồn nước sinh hoạt, đặc biệt lưu ý nguồn nước cho các bệnh viện, trạm y tế, trường học...; có các biện pháp tích trữ nước cho sinh hoạt; chủ động có các giải pháp cụ thể, phù hợp duy trì sản xuất, giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ sản xuất; tăng cường kết nối, mở rộng mạng lưới cấp nước đô thị sang khu vực nông thôn lân cận. Trường hợp cấp bách, không còn nguồn cấp nước cho sinh hoạt, sử dụng các phương tiện lưu động, như xe cứu hỏa, xe quân đội chuyên chở nước cung cấp đến từng cụm dân cư, hộ gia đình.

Bộ NN&PTNT phối hợp điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, cây trồng, giống phù hợp với tình hình sản xuất vụ Đông Xuân; gia cố đê bao, bờ bao, bảo vệ vùng cây ăn trái tập trung; tổ chức nạo vét các cửa lấy nước, cống, hệ thống kênh mương; chủ động tích nước trong các hồ chứa, đầm, ao, vùng trũng thấp, kênh rạch, đoạn sông/kênh cụt để sử dụng trong giai đoạn cao điểm; lắp đặt vận hành các trạm bơm dã chiến, đào ao, giếng, đắp đập tạm để trữ nước và ngăn mặn.

Các Bộ Ngoại giao, NN&PTNT, TN&MT phối hợp chặt chẽ, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về sử dụng nguồn nước nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm; hợp tác nghiên cứu, đầu tư, hỗ trợ nguồn lực… Trong đó, đặc biệt hợp tác với các nước thượng nguồn sông Mekong chia sẻ thông tin về vận hành xả nước các công trình thuỷ điện để tăng cường dòng chảy về ĐBSCL. 

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.