Người thầy tật nguyền 30 năm gieo chữ cho trẻ em nghèo

Thầy giáo tật nguyền Lê Quốc Hưng.
Thầy giáo tật nguyền Lê Quốc Hưng.
(PLO) - 30 năm qua, bất kể dù mưa hay nắng, cứ ngày 3 buổi đều đặn, người thầy mang trong mình trọng bệnh vẫn lên lớp dạy cho những trẻ em, học sinh nghèo mà không tính toán tiền bạc.

Người thầy giáo tật nguyền, vượt lên nỗi đau ấy tên là Lê Quốc Hưng (SN 1965, ở thôn Tuân Lễ, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định).

Cậu học trò với ước mơ dang dở

Về thôn Tuần Lễ hỏi thăm nhà thầy Hưng dạy học, ai ai cũng biết. Nằm nép bên con đường nhỏ, lớp học đơn sơ của thầy Hưng luôn rộn tiếng học trò ở xã Phước Hiệp và các xã lân cận đến theo học. 

Có khách, thầy Hưng ngưng giảng bài tâm sự về cuộc đời mình. “Thời còn đi học tôi từng ấp ủ mơ ước thi vào Đại học Y Dược Huế để mai sau làm bác sỹ nhưng giấc mơ không thành vì tôi bệnh nặng. Không giúp gì được cho gia đình nên tôi nguyện đem cái chữ học được khi còn ngồi trên ghế nhà trường dạy cho học sinh nghèo, coi như giúp một chút công sức nhỏ cho các em”, thầy Hưng kể.

Dù cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn nhưng chưa bao giờ cậu học trò Lê Quốc Hưng tỏ ra nản chí. Ngược lại, thầy Hưng lấy đó làm nguồn động lực lớn cho hành trình thắp sáng con chữ của mình. 11 năm học trôi qua với bao nhọc nhằn, gian khó, nhưng ít ai biết 11 năm học từ bậc tiểu học đến bậc phổ thông năm nào thầy Hưng cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. 

Những tưởng một tương lai tươi sáng sẽ đến với cậu học trò nghèo này. Ấy vậy mà, vào một đêm đầu năm học lớp 12, Hưng bỗng khóc thét lên, rồi nắm riết bàn chân trái, nhăn nhó trong đau đớn. Trời tờ mờ sáng, gia đình phát hiện chân trái quanh vùng mắt cá chân Hưng bị sưng húp, tím tái lên. Sau đó, gia đình đưa Hưng lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình khám thì nhận được tin dữ cậu học trò mắc bệnh viêm khớp dạng thấp.

Từ đó trở đi, Hưng được gia đình đưa đi điều trị ở nhiều nơi với đủ phương thuốc, nhưng bệnh không những không giảm mà lại tái phát mạnh hơn. Từ mắt cá chân trái sang mắt cá chân phải, lên đầu gối, hông, xương sống.

Chỉ sau mấy tháng phát bệnh toàn bộ xương sống, xương khớp chân của Hưng đều bị căng cứng, không thể cử động được. Cũng từ đó, ước mơ trở thành một bác sĩ giỏi để khám chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo mà Hưng ấp ủ từ lâu bỗng chốc tan tành.

Thầy Hưng bộc bạch: “Các đốt xương từ chân lên đến ngực của tôi cứng như một khúc gỗ, không thể nào cựa quậy được khiến sinh hoạt của tôi gặp nhiều khó khăn. Từ một người lành lặn bỗng thành vô dụng, quá thất vọng nên nhiều lần tôi định tự tử, nhưng được gia đình, bạn bè chia sẻ động viên, tôi mới tiếp tục sống”.

Lớp học của thầy giáo Hưng.
 Lớp học của thầy giáo Hưng.

Thầy giáo của học sinh nghèo

Để trấn tĩnh lại tinh thần, quên đi cuộc sống xô bồ nơi thành phố, năm 1983, gia đình quyết định đưa Hưng về quê ở thôn Tuân Lễ sinh sống. Chính nhờ cuộc sống yên ả, thanh bình làng quê mà ước mơ thắp sáng con chữ trong Hưng lại được đánh thức thêm lần nữa. Hằng ngày, Hưng lại tìm đến những cuốn sách, cốt là để quên đi những năm tháng buồn tủi vì bệnh tật.

Hằng ngày, trong căn nhà nhỏ, Hưng nhìn thấy cảnh trẻ em xóm nghèo lầm lũi vì không được đến lớp mà lòng cảm thấy quặn đau. Nhiều đêm trằn trọc Hưng muốn làm một điều gì đó để giúp cho các em có được con chữ. Thế là sau hơn 2 năm bị căn bệnh viêm thấp dạng khớp đeo đẳng, Hưng quyết định gạt bỏ tất cả nỗi buồn để hướng đến một cuộc sống nhiều niềm vui hơn.

Ban ngày, Hưng chủ động mượn sách giáo khoa chương trình cấp 2, cấp 3 học sinh học trên trường về tự mình chép lại bài. Đêm tối, thậm chí đến tận khuya Hưng tự ra bài tập rồi dựa trên lý thuyết sách giáo khoa và tự mình mày mò tìm ra phương pháp giải.

Thời gian cứ trôi, đến năm 1986, khi ấy chàng trai tật nguyền 21 tuổi phần nào lấy lại được hình ảnh hào quang cậu học trò năm xưa với kiến thức sâu rộng. Lúc này, Hưng bàn với gia đình mở lớp học dạy chữ cho trẻ em nghèo trong thôn, trong xã.

Thầy Hưng nhớ lại: “Lúc mới mở, lớp chỉ vài ba em nhỏ trong xóm. Nhưng càng về sau thấy mình dạy đơn giản, bọn trẻ lại tiếp thu nhanh, hiểu bài hơn, lại chẳng tốn tiền nên bọn trẻ đến ngày một đông hơn. Nhiều lúc cũng thấy mệt mỏi lắm, đứng mãi đôi bàn chân lại đau buốt, nhưng nghĩ lại thấy vui vì mình đã giúp được cho trẻ em nghèo có được vốn kiến thức sau này có thể bước ra đời sống tốt hơn”.

Những năm đầu, thầy Hưng chỉ dạy cho trẻ em nghèo không có điều kiện đến trường. Về sau, nhiều học sinh sau buổi học trên lớp cũng tìm đến thầy nhờ giảng giải thêm kiến thức. Để bài giảng sinh động, bắt kịp xu thế giảng dạy chương trình mới, thầy Hưng luôn tìm cách tiếp cận phương pháp giảng dạy hiện đại.

Sau những lần giảng bài, thầy lại nhờ học sinh mua sách để tham khảo. Bước sang tuổi 51 nhưng vốn kiến thức từ các môn tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, Sinh đến các môn xã hội như Văn, Ngoại ngữ, thầy Hưng vẫn tỏ ra rất thông suốt, am hiểu sâu. Nhờ vậy, mà kiến thức thầy truyền dạy được học trò tiếp thu rất nhanh và hiệu quả.

Em Nguyễn Trịnh Khánh Nhật, học sinh lớp 9 Trường THCS Phước Hiệp, cho biết: “Thầy Hưng dạy cả sáng chiều tối, lúc nào có học trò là thầy dạy. Đông nhất là buổi tối, tối nào cũng có trên 20 bạn đến học. Nhiều bạn ở các xã như Phước Thắng, Phước Lộc, thị trấn Diêu Trì cách xa đến mười mấy cây số vẫn tìm đến học. Dù bệnh tật nhưng không ngày nào thầy bỏ buổi. Em rất tự hào vì được thầy dạy”.

Đang ngồi học bài dưới lớp học của thầy Hưng, em Nguyễn Thanh Hóa (SN 2001, ở thôn Mỹ Trung, xã Phước Sơn ) cho biết: “Em học thầy Hưng từ lớp 6 đến nay. Trước đây, 2 chị lớn của em cũng học thầy, bây giờ một chị học ra trường có việc làm, còn một chị đang học đại học.

Hiện tại, em và em trai đều theo học thầy. Những năm qua, nhờ lòng tận tụy, thương yêu học trò mà thầy đã truyền dạy cho em rất nhiều kiến thức, giúp em tiến bộ từng ngày. Cũng vì thầy dạy dễ hiểu, tiếng lành đồn xa mà nhà em cách nhà thầy gần 10 cây số em vẫn đến học”. 

Thầy giáo Hưng chia sẻ: “Loay hoay cả ngày với học trò, với lượng kiến thức cần cập nhật, nỗi đau đớn thể xác trong tôi bị quên đi phần nào. Nhiều người hỏi tôi có ước muốn gì không?

Ai sống trên đời mà lại không có mơ ước, nhưng tôi biết, sẽ không có điều gì thực hiện được với tình trạng sức khỏe như vậy. Bây giờ tôi chỉ mong cuộc sống mình luôn bình an, êm đềm bên những học trò thân yêu. Đã 51 tuổi rồi, có lúc nghĩ bâng quơ, lòng thấy nao nao về một ngày không còn được khỏe mạnh, minh mẫn”.

Ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Phước Hiệp, cho biết: “Tấm lòng cao cả, tinh thần chịu thương, chịu khó cùng ý chí, nghị lực cầu tiến, luôn biết vươn lên và vượt qua tật nguyền của người thầy không biên chế Lê Quốc Hưng để giúp trẻ em, học sinh nghèo, khiến người dân trong xã ai cũng khâm phục nể trọng. Không chỉ dạy kiến thức sách vở mà thầy còn giúp học sinh hoàn thiện bản thân trong giao tiếp xã hội, giúp các em học đạo lý làm người, biết yêu thương chia sẻ”.

Ban đầu thoạt nhìn vào lớp học của thầy Hưng chỉ thấy đơn giản một chiếc bàn lớn đặt ở giữa, một tấm bảng trắng ọp ẹp, cũ kỹ, vài ba tấm tôn che ở mái hiên nhà để lấy bóng mát, nhiều người tỏ ra quan ngại về hiệu quả lớp học.

Ấy vậy mà, lớp học nhỏ rộng vẻn vẹn 20m2, nằm nép mình bên xóm nhỏ đã gắn liền với thầy Hưng suốt 30 năm qua và đã đào tạo biết bao thế hệ học trò nơi quê nghèo được vào đại học, nhiều em ra trường với công việc ổn định vẫn nhớ về người thầy tật nguyền nơi thôn nghèo  đã dạy mình nên người.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.