Người chuyên cướp cơm thủy thần, làm bạn với xác chết

Ông Dàn đã cứu hơn 150 người khỏi bị chết đuối
Ông Dàn đã cứu hơn 150 người khỏi bị chết đuối
(PLO) -“Thấy người ta gặp nạn trên biển là tui liều mình nhảy xuống nước cứu thôi chứ chẳng mong cảm tạ. Nghe người ta nói cứu người như thế là cướp cơm của tử thần. Nhưng mà nhằm nhò gì! 13 năm làm cái việc này rồi tôi đã không còn biết sợ”, đó là lời tâm sự chân tình của ông Mai Văn Dàn (53 tuổi, ngụ khu phố 7, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị)
Chống lại lời nguyền “thủy thần”
Ông Dàn là con thứ 4 trong gia đình 9 anh chị em, cha mẹ đều làm nghề đánh cá trên biển. Gia đình nghèo lại đông anh em, việc mưu sinh kiếm sống bằng nghề biển sớm đè lên đôi vai nhỏ bé những đứa con. Năm lên 6 tuổi, cậu bé đã bắt đầu theo cha lênh đênh sóng nước tập bơi, đánh cá. 
Năm 23 tuổi nhập ngũ, những ngày tình nguyện lên mặt trận biên giới, ông hay tin cha lâm nạn. “Nghe kể lại hôm đó khi cha và chú ruột tôi đang đánh cá gần bờ thì bỗng nhiên có một trận cuồng phong ập vào. Cả hai trở tay không kịp, thuyền bị lật. Họ đều là những người bơi rất giỏi, sức khỏe cường tráng, lại có thâm niên với nghề đi biển, nhưng vẫn không chống được sóng dữ”, ông Dàn kể.
Mắt ông chợt đỏ hoe: “Điều tôi buồn nhất là nghe kể lại, hôm đó vẫn có một số chủ thuyền thấy cảnh cha và chú tôi vật lộn với cái chết. Họ đều là người quen, có đủ khả năng cứu người nhưng tất cả đều thờ ơ. Uất ức nhưng không ai trách họ vì theo quan niệm của ngư dân, người đi biển khi “thuỷ thần” “đã kêu ai thì người ấy phải dạ”. Ai mà dám đến cứu nghĩa là chống lệnh thì người đó tương lai phải thế mạng cho người kia”.
Buồn bã sau cái chết quá đột ngột của cha và chú, nên sau khi xuất ngũ, tuy có rất nhiều nghề để chọn, thậm chí được ở lại bộ đội chuyên nghiệp, nhưng chàng trai vẫn chọn theo nghiệp cha, bất chấp gia đình phản đối. “Việc trở lại nghề với tôi mang nhiều ý nghĩa, đặc biệt là để gìn giữ những kỷ niệm thiêng liêng với cha tôi. Tôi cũng đã tự hứa với bản thân mình là nếu gặp cảnh chết đuối thì tôi sẽ ra tay giúp đỡ, bất chấp sự hiểm nguy hay bị ông “Hà Bá” gì đó trả thù rình rập. Tôi làm như vậy để cho những người từng vô cảm khi thấy cha tôi vùng vẫy mà không cứu được biết con của ông ấy là người như thế nào”, ông Dàn nói. 
Ông nhẩm đếm. Lần cứu người đầu tiên là năm 2001 tại biển Cồn Cỏ. Lần cứu được số người nhiều nhất là năm 2006 tại bãi biển Cửa Việt. Lúc đó, ông đang đi dọc bờ biển xem con nước để ra khơi thì nhìn thấy nhiều cánh tay nhấp nhô trong sóng nước phía xa. Đoán biết có nhiều người gặp nạn, ông lao ra không suy nghĩ, dìu được toàn bộ 7 người gặp nạn vào bờ. 
Hành trình cướp cơm tử thần của ông cũng có nhiều kỷ niệm dở khóc dở cười. Như cách đây 7 năm, ông đang đánh cá cách bờ gần 1 hải lý thì, hai người đang chới với trong nước biển. Nam thanh niên bỏ người con gái ở lại và may mắn bơi được vào bờ. Còn người con gái chừng 28 tuổi trong lúc nguy kịch được ông cứu lên thuyền. 
Do đang kéo lưới dở dang và cô gái cũng muốn ân nhân mình cho đi theo đánh cá nên ông đưa cô đi luôn. Khoảng 20 phút sau, không hiểu chuyện gì xảy ra, người nam nhờ một cậu bé dùng thuyền chở ra chỗ ông Dàn đang đánh cá, tay hươ dao đòi chém. Ông hú vía bỏ luôn cả lưới, cho thuyền chạy vào bờ. Khi hai bên bình tĩnh lại, mới biết nguyên nhân do nam thanh niên ghen tuông vô cớ, nghĩ ông hiếp dâm bạn gái mình trên thuyền. Hai người này là giáo viên tiểu học ở Hướng Hóa, cả hai đều đã có gia đình, thầy giáo đã có mùi men nên mới hành động hồ đồ như vậy.
Cứu người lại tốn thêm tiền 
Đã trải qua 13 năm sau lần cứu người đầu tiên, gần đây nhất là 6 người được ông cứu ở giữa tháng 7/2014, ông Dàn không còn nhớ chính xác mình đã cứu được bao nhiêu người, nhẩm tính “sơ sơ” con số khoảng hơn 150. Không chỉ cứu người, ông Dàn còn tham gia tìm kiếm được 16 thi thể chết trôi. 
Người vợ trước phản đối việc cứu người, vớt xác chết của chồng; nhưng nay lại hết mực ủng hộ.
 Người vợ trước phản đối việc cứu người, vớt xác chết của chồng; nhưng nay lại hết mực ủng hộ.
Ông kể: “Có một lần năm 2011, tôi với đứa con trai 16 tuổi đang đánh cá vào ban đêm, thằng con trai kêu ré lên: “Ba ơi có xác chết”. Tôi lấy lưới ra thả xuống định đưa xác cho lên thuyền nhưng lại sợ con trai bị ám ảnh nên buộc lưới vào thuyền rồi kéo lê, nhưng cứ kéo là bỗng nhiên xác đó lại trôi ra khỏi lưới và cựa quậy như đang còn sống. Tôi mới cúi đầu nói: “Tau chở mi vô bờ để gia đình mi tìm được mi, an táng cho đàng hoàng, mi nằm yên đi”. Như thế mới đưa xác của thanh niên này vào bờ được. Nhưng đêm đó về ngủ là tôi nằm mơ tới thanh niên này, từ ấy tôi bỏ luôn không đánh bắt cá vào ban đêm nữa, còn cái lưới tôi mới mua 7 triệu không sử dụng luôn. Nghĩ lại trường hợp đó, tôi không tài nào lý giải nổi?”.
Sau những lần cứu người thoát chết, ông Dàn lại lặng lẽ tự mình bỏ tiền mua các lễ vật cầu an và cúng thần linh trên biển. Nhiều người dân ở nơi đây cho rằng ông “dở hơi, không bình thường”, khi cứu người đã không lấy tiền công, còn tự mình bỏ tiền túi lo toan việc tâm linh. Nhưng với ông, những công việc đó đều xuất phát từ chữ tâm, từ tấm lòng nhân nghĩa của ông.
Năm 2009, ông gia nhập Đội cứu sinh thuộc Ban Quản lý bãi tắm Cửa Việt, mỗi tháng được hỗ trợ 1,2 triệu đồng. Trong quá trình trực tại bờ biển, ông tự trang bị nhiều áo phao sẵn sàng cho thuê, phục vụ du khách. Còn những em nhỏ ở địa phương đi tắm, ông cho mượn không lấy một đồng. Ông còn tự mình lặn xuống nước cắm nhiều biển báo, thả lưới chống sứa và các loài hải sản nguy hiểm xâm nhập bờ biển.
“Ngày xưa khi thấy chồng vớt xác, cứu người, tôi sợ lắm. Tôi đã nhiều lần khuyên anh đừng làm công việc “vác tù và hàng tổng” này nữa nhưng hình như đó là niềm vui của anh. Mỗi lần chồng tôi đi cứu người về tôi đều thắp hương khấn nguyện ông “Hà Bá” đừng trả thù chồng tôi. Còn vớt xác chết thì càng sợ hơn, trong đêm hôm đó tôi sợ không dám nói chuyện, không dám ngủ cùng giường, thậm chí không dám mở cửa ra ngoài vì sợ “hồn ma” đi theo chồng. 
Bây giờ quen rồi không sợ nữa, ngược lại tôi càng tự hào và động viên chồng mình phải cố gắng cứu được ai thì cứ cứu, giúp được ai thì cứ giúp. Bây giờ hàng ngày anh làm việc của anh, còn tôi cũng ra biển cho du khách thuê phao, thuê bóng, đồng thời cũng giúp anh nhắc nhở du khách ở bãi biển”, bà Trần Thị Thuận (43 tuổi, vợ ông Dàn) tâm sự.
Tháng 6/2012, ông Dàn là 1 trong 11 nhân vật trên cả nước vinh dự được mời ra Hà Nội nhận danh hiệu “Hiệp sỹ giao thông” do tổ chức Total trao tặng. /.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.