Nghẹn lòng cảnh sống 5 cô gái trong gia đình nhiễm chất độc da cam

Bà Lân bên hai cháu ngoại
Bà Lân bên hai cháu ngoại
(PLO) -Bảy người con, hai người đã qua đời vì chất độc da cam. Năm cô gái còn lại, mỗi người một số phận nhưng đều có điểm chung là luôn sống trong nghèo đói, bệnh tật. Chứng kiến cảnh tượng ấy, lòng người mẹ quặn thắt nhưng đành bất lực. 

Cuộc sống bất hạnh của đại gia đình này dường như chưa có ngày dứt.

Những người con trai yểu mệnh

Năm 1977, sau lần gặp gỡ định mệnh ở ga Vinh (Nghệ An), ông Thái Viết Chuyển (ngụ xóm Tây vạn, xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) nên duyên vợ chồng với bà Nguyễn Thị Lân (SN 1952). 

Trước đó, ông Chuyển từng có 11 năm chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Năm 1966, ông rời gia đình hăng hái vác ba lô vào chiến trường ác liệt.

Từ khi ông đi đến lúc về không có bức thư nào gửi về nhà. Vì thế, người thân tại quê nhà cứ ngỡ ông đã hy sinh ngoài chiến trường. Sau thời gian chờ đợi không tin tức, họ lập bàn thờ ông.

Khi mọi thông tin đều bặt vô âm tín thì người lính đột ngột trở về trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Cũng chính ngày đó, ông Chuyển và bà Lân gặp nhau.

Bà Lân nhớ lại: “Thời đó, tôi buôn bán hàng lặt vặt ngay ngã tư ga Vinh. Đang bán hàng thì thấy ông ấy đến hỏi đường. Sau vài câu nói chuyện, chúng tôi đã có cảm tình. Để rồi 6 tháng sau, ông ấy đã đem trầu cau sang hỏi tôi”. 

Dù biết rõ sức khỏe người yêu bị ảnh hưởng từ những năm tháng ở chiến trường, nhưng cô gái trẻ vẫn quyết định về chung sống một nhà với ông Chuyển.

Bản thân bị ảnh hưởng chất độc da cam trong thời gian chiến đấu, lại còn bị dính đạn ở chân nên sức khỏe ông Chuyển rất yếu. Cứ trái gió trở trời, toàn thân lại đau ê ẩm, không thể làm được việc gì.

Công việc lớn nhỏ trong gia đình đều do một tay bà Lân đảm nhận, từ cày ruộng cho đến bếp núc. Khó khăn càng nhân lên gấp nhiều lần khi 7 đứa con lần lượt ra đời. 

Nhắc đến các con, bà Lân lại không cầm được nước mắt. Bà cho hay, sinh được 7 người con (5 gái, 2 trai) nhưng chỉ nuôi được năm.

Hai người con trai, một qua đời khi vừa lọt lòng, một sinh ra đã nhiễm chất độc da cam, tính khí thất thường, không chịu mặc quần áo, suốt ngày chạy lang thang. Đến năm 17 tuổi, người con tội nghiệp ấy đã chết đuối khi ngã xuống sông mà không ai biết. 

Đau đớn nhìn 2 con trai lần lượt ra đi, 5 người con gái cũng không được nhanh nhẹn như người bình thường, ông Chuyển ngã bệnh. Người đàn ông từng kiên cường trước bom đạn nơi chiến trường nay không thể gượng dậy bởi những nghiệt ngã do chất độc màu da cam. 

3 năm sau cái chết của cậu con trai, ông Chuyển cũng qua đời để lại gánh nặng cho gia đình cho người vợ ốm yếu. Điều khó hiểu là trước đó, ông Chuyển, con trai và một con gái được hưởng chế độ nạn nhân chất độc màu da cam.

Nhưng khi ông và con trai mất đi, chế độ của người con gái cũng bị cắt. Những đồng tiền trợ cấp ít ỏi phần nào đỡ đần gia đình nay không còn. Áp lực cơm áo càng đè lên đôi vai bà Lân.

Ngôi nhà của bà Lân cùng các con gái và 2 cháu ngoại
 Ngôi nhà của bà Lân cùng các con gái và 2 cháu ngoại

Những người con gái lỡ dở

Với bà Lân, nỗi bất hạnh chưa dừng lại. Sau hai người con trai yểu mệnh, những cô con gái còn lại cũng lận đận. Người con gái đầu của bà do ảnh hưởng của chất độc da cam, không ai lấy.

Năm 2010, khi đã ngấp nghé bước sang tuổi 40, chị đánh liều đi “xin” một đứa con để sau này có người nương tựa tuổi già. Cậu con trai của chị năm nay 6 tuổi nhưng còi cọc và cũng bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, ánh mắt ngây dại. 

Hai mẹ con tá túc trong nhà bà Lân một thời gian thì chị xin ra ở riêng. Thương con gái, bà Lân cắt cho một mảnh đất trong vườn để mẹ con chị có thể tự lập cuộc sống. Không có tiền, chị dựng tạm căn chòi nhỏ, mái lợp ngói lá, vách tường được ghép từ những tấm gỗ mục.

Đầu năm 2016, một số nhà thiện nguyện sau khi biết được hoàn cảnh đã kết hợp với chính quyền xây dựng cho hai mẹ con gian nhà nhỏ. Tuy nhiên, cho đến nay, căn nhà vẫn dở dang nên chị và con trai vẫn đang ở tạm nhà mẹ đẻ.

Căn nhà rộng chưa đầy 50 m2, lụp xụp, ẩm thấp, là nơi sinh sống của 6 con người. Trong đó có đứa cháu ngoại 10 tuổi là con của người con gái thứ ba (SN 1983).

Theo lời kể của bà Lân, lúc con gái lấy chồng, vì kinh tế quá túng thiếu nên gia đình không thể tổ chức đám cưới được. Thương con chịu thiệt thòi, vợ chồng bà muốn bù đắp cho con nhưng không có tiền đành chịu.

Về chung sống chưa được bao lâu, người con rể vướng vào vòng lao lý. Trong một lần đi đòi nợ, anh này đã gây ra cái chết cho “con nợ”, phải lĩnh án 8 năm tù giam.

Chồng ngồi tù một thời gian, con gái bà vào miền nam làm công nhân. Nơi xứ người, chị này không nén nổi nỗi cô quạnh đã có thai với một người đàn ông khác. Nhưng khi biết chị mang giọt máu của mình, người này đã chối bỏ trách nhiệm.

Đường cùng, con gái bà Lân đành vác bụng bầu về quê ngoại tá túc. Khi đứa bé được 17 tháng cũng là lúc người chồng ra tù. Dù chấp nhận bỏ qua lỗi lầm của người vợ nhưng đứa con riêng, gia đình thông gia khước từ.

Bà Lân đành đón nuôi cháu. Lớn lên trong sự thiếu thốn trăm bề, dù đã học lớp 5, nhưng cậu bé gầy gò, có phần chậm chạp so với các bạn đồng trang lứa.

Trải qua nhiều biến cố, bà Lân luôn hy vọng 3 cô con gái còn lại sẽ lấy đó làm bài học, biết suy nghĩ trước sau để đảm bảo cho tương lai mình. Nhưng một người trong số đó lại tiếp tục đi vào vết xe đổ của hai chị. Người con gái thứ tư (SN 1986) cũng vì hoàn cảnh phải vào miền nam làm thuê từ khi mới mười tám, đôi mươi. 

Trong những năm tháng mưu sinh nơi xứ người, chị đã đem lòng yêu người đàn ông quê Thanh Hóa. Dù vậy, vì quá nhẹ lòng, chị hoàn toàn tin tưởng, không tìm hiểu kỹ càng, đến mức giờ hỏi người đàn ông trên ở xã, huyện nào cũng không biết. Quen nhau được thời gian, chị phát hiện mình mang thai.

Thông báo tin đó với người yêu, chị lặng người khi nghe anh này thú nhận đã có vợ con ở quê, hiện hai vợ chồng đang sống ly thân. Người đàn ông này chấp nhận sẽ nuôi hai mẹ con chị, nhưng không cưới xin. 

Không chấp nhận, cô gái này lại vác bụng bầu về nhà mẹ và mới sinh con được 8 tháng. Bà Lân nghẹn ngào:

“Giờ chuyện xấu ai cũng biết rồi, tôi cũng chẳng giấu làm chi nữa. Chỉ trách các con của tôi quá khờ dại, dễ dàng tin người để họ lừa, lợi dụng như vậy. Giờ chỉ mong sao chúng nó nhận ra lỗi lầm, chịu khó làm việc để nuôi con cái nên người”. 

Nhìn số phận của những người con gái lớn, bà Lân lại lo lắng khôn nguôi cho cô con gái út mới 21 tuổi. Bà chỉ có mong ước cô gái đừng đi vào vết xe đổ của các chị để lại  lỡ dở cuộc đời. Nói rồi, người mẹ ôm đứa cháu nhỏ mới 8 tháng tuổi vào lòng, buông câu ru hời…

Chia sẻ về hoàn cảnh gia đình bà Lân, ông Thái Doãn Vân, trưởng xóm Tây Vạn, xã Nghi Vạn cho hay, hoàn cảnh gia đình bà Lân rất thương tâm, chồng đau ốm qua đời, các con mỗi người một hoàn cảnh, rất éo le.
Cách đây không lâu, hội Phụ nữ xã và một số người đã gom góp tiền để xây nhà cho mẹ con bà Lân nhưng chưa làm được vì chưa đủ tiền.
Mong sao sẽ có nhiều người hơn nữa chung tay giúp đỡ để bà Lân thực hiện được ước mơ có một ngôi nhà che mưa che nắng, phần nào xoa dịu nỗi đau da cam.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.