Mẹ nghèo đan áo gửi chiến sĩ Trường Sa

(PLO) - Cuộc sống cơ cực nhưng bà Mang Thị Bộ (69 tuổi, ngụ thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải, TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) vẫn dành tình thương đến những mảnh đời khó khăn hơn mình. Gần 4 năm nay, dù tuổi cao sức yếu, bà vẫn miệt mài từng đường kim mũi chỉ đan những chiếc áo len gửi tặng chiến sĩ Trường Sa, những mong ở nơi đầu sóng ngọn gió, các chiến sĩ sẽ ấm áp hơn.

Vẫn yêu thương dù đời bất hạnh

Trong căn nhà lụp xụp, chắp vá, hướng mặt ra bờ biển, bà Bộ ngồi trên ghế, tay kim tay len miệt mài đan áo. Vừa thoăn thoắt đan áo, bà vừa kể chúng tôi nghe về cuộc đời lắm bất hạnh của mình. 

Bà Bộ sinh ra trong một gia đình đông con, sống dựa vào nghề biển. Năm 1978, bà đi thanh niên xung phong tại chiến trường biên giới Tây Nam, giúp nước bạn Campuchia. Năm 1985, khi đã ở tuổi 36, bà mới lập gia đình với một người đàn ông kém tuổi trong xã. 

“Hồi đó chồng kém tôi tới 7 tuổi. Ban đầu ổng thương tôi lắm, nhưng sau khi lấy nhau về, ổng nghe người ta nói ra nói vào chuyện chồng trẻ vợ già, lại thêm lấy nhau 2 năm mà không có con, ổng sinh ra chán nản, lạnh nhạt. Tôi thấy mình có lỗi nên quyết định ly hôn”, bà Bộ tâm sự.

Số bà đã khổ, người em gái của bà là Mang Thị Bích Hoa (67 tuổi) cũng rơi vào cảnh tương tự. Bà Hoa lấy chồng được vài năm thì đổ vỡ, thành phụ nữ đơn thân. Chị em dở dang ghép lại một nhà nương tựa vào nhau cho qua ngày đoạn tháng. 

Để tự lo cuộc sống qua ngày, hai chị em bà Bộ phải tảo tần bươn chải, trước thì buôn bán nhỏ, sau thì chuyển qua nuôi heo. Cuộc sống nghèo khó với lắm nỗi cơ cực nhưng hai chị em giàu lòng thương người, sống hết mình với mọi người xung quanh. 

Ngày ngày, bà Bộ đan áo để gửi tặng chiến sĩ Trường Sa.
Ngày ngày, bà Bộ đan áo để gửi tặng chiến sĩ Trường Sa.

Đã hơn 10 năm qua, cứ trước mỗi dịp Tết Âm lịch hàng năm, bà Bộ cùng em gái lại trích ra số tiền vài triệu đồng để mua quà bánh tặng cho hơn trăm gia đình, trường hợp nghèo khó, hoạn nạn trong xã.

“Mình nghèo thì nghèo rồi, nhưng mà vẫn còn cơm ăn áo mặc. Trong khi quanh mình có nhiều trường hợp khốn khổ quá, thôi thì giúp ai được cái gì mừng cái đó. Những lúc rảnh rỗi, hai chị em lại đi xin quần áo cũ, mua từng con cá, can nước mắm để gửi tặng những người nghèo ở làng phong Quy Hoà (phường Ghềnh Ráng, TP.Quy Nhơn). Trước Tết thì lại chuẩn bị bánh kẹo cho bà con nghèo, trẻ em mồ côi cơ nhỡ trong xã”, bà Bộ chia sẻ.

Đan áo gửi chiến sĩ Trường Sa

Đầu năm 2015, chẳng những tặng quà cho các hoàn cảnh éo le trong xã, bà Bộ còn khiến nhiều người bất ngờ khi nảy ý định đan áo len để gửi tặng chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa. 

“Tôi chưa bao giờ được đặt chân tới Trường Sa, cũng chưa một lần gặp các chiến sĩ làm nhiệm vụ nơi mảnh đất thiêng liêng này. Thế nhưng mỗi lần theo dõi truyền hình, rồi ngày trước có đứa cháu đi nghĩa vụ ở Trường Sa về nghe kể ngoài đó lạnh lắm, tôi mường tượng ra được nỗi vất vả ở nơi bốn bề sóng nước nên quyết định đan áo gửi tặng các chiến sĩ”, bà Bộ cho biết.

Điều kiện kinh tế không cho phép, bà Bộ tìm đến những gia đình khá giả trong xã vận động gom góp. Lần đó bà xin được 2 triệu đồng, bản thân bỏ thêm 1 triệu đồng rồi bắt xe đi lên chợ trung tâm thành phố mua len. Từ ngày đó, bà dành phần lớn thời gian cho việc đan áo. Đợt đó, bà đan được 30 chiếc áo, rồi gửi tặng chiến sĩ Trường Sa.

30 chiếc áo len đầu tiên được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bình Định đón nhận, chuyển tận tay các chiến sĩ Trường Sa. Hình ảnh những chiếc áo các chiến sĩ khoác lên mình được phát trên Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định khiến bà Bộ mừng rơi nước mắt. Tấm lòng và công của bà cuối cùng cũng đến được với các chiến sĩ.

Theo bà Bộ, để đan được một chiếc áo len đòi hỏi sự cần mẫn, tỉ mỉ vì chỉ cần lạc mũi kim thì chiếc áo phô ngay. Việc chọn chiếc kim đan và len để có được một sản phẩm đẹp và nhanh nhất cũng rất quan trọng. Nên chọn các loại len cotton, len sợi thô để khi hoàn thành sản phẩm không bị co, dão như các loại len nilon. Bà thường chọn len 2 màu trắng và xanh vì giống với màu áo của lính hải quân. Khi các chiến sĩ mặc vào cũng hợp và có ý nghĩa hơn.

“Ngày trước còn trẻ, nhanh tay lẹ mắt thì chỉ vài ngày xong một chiếc áo. Bây giờ già rồi nên tôi đan cái áo lúc nhanh thì mất 7 ngày, lúc chậm thì 10 ngày. Công việc không nặng nhọc gì mấy, chỉ là tốn nhiều thời gian, ngồi lâu một chỗ trên ghế là đau mỏi, nên có lúc tôi chuyển sang ngồi võng cho đỡ đau. Mình không làm được việc gì lớn, chỉ đóng góp trong khả năng của mình, những mong các chiến sĩ ấm lòng mà làm nhiệm vụ”, bà Bộ tâm sự.

Ngôi nhà lụp xụp, chắp vá của bà Bộ.
Ngôi nhà lụp xụp, chắp vá của bà Bộ.

Suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, bà Bộ không lúc nào rời tay khỏi cây kim và cuộc len. Đây là hai thứ luôn bên bà suốt từ đầu năm 2015 đến năm nay. 

“Tôi già rồi nên thường bị đau các khớp, đôi lúc trong người cũng rất mệt, nhưng nghĩ đến các chiến sĩ ở Trường Sa tôi thấy quý họ lắm. Có lúc đan xong áo, đứng dậy đôi chân tê rần, hai mắt mờ luôn, nhưng thấy vui trong lòng. Mình cố gắng đan, vì thêm một cái áo là thêm một chiến sĩ được ấm trong mùa đông sắp tới”, bà Bộ chia sẻ.

Từ năm 2015 đến nay, năm nào bà Bộ cũng đan áo len gửi tặng các chiến sĩ Trường Sa. Đến nay, bà đã đan gần 200 chiếc áo và thông qua Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bình Định gửi tặng các chiến sĩ Trường Sa. Trong năm 2017, ngoài việc đan áo len, bà còn vận động các nhà hảo tâm, ủng hộ tiền mua thêm 200 chiếc mũ len, khăn quàng len gửi tặng các chiến sĩ. 

Hiện tại, bà Bộ đang chuẩn bị gửi tặng 50 chiếc vừa đan xong ra cho các chiến sĩ để được ấm hơn trong mùa đông năm nay. 

“Mỗi lần mường tượng đến hình ảnh các chiến sĩ hân hoan đón nhận áo len của mình là một hạnh phúc khó tả đối với tôi. Còn sức khỏe ngày nào, tôi còn tiếp tục vận động sự hỗ trợ của bà con để mua len đan áo cho các chiến sĩ Trường Sa”, bà Bộ bộc bạch.

Bây giờ, bà Bộ đang là hội viên Hội Cựu chiến binh xã Nhơn Hải. Bà cũng từng là lính nên hiểu được cái tình của lính. Vậy nên dù xin được tiền bà cũng không chọn mua những chiếc áo len có sẵn, mẫu mã đẹp tặng các chiến sĩ. Bởi với bà, như vậy sẽ không có cái tình. 

“Tôi muốn gửi cho các chiến sĩ Trường Sa không chỉ là tấm áo, mà còn là tình cảm của người ở đất liền nữa. Ngày xưa, tôi cũng là lính, tôi hiểu đời lính chịu nhiều sương gió, nhọc nhằn, gian khổ thế nào. Trong những tấm áo ấy, tôi còn gửi tâm tình của người lính già đến lính trẻ hôm nay, gửi chất lính không bao giờ chùn bước trước khó khăn”, bà Bộ tâm sự.

Trò chuyện, tận mắt chứng kiến đôi tay chai sần của bà Bộ vẫn đều đặn đưa từng đường kim sợi len, để những chiếc áo len phủ lên mình, xua tan cái lạnh giá cho các chiến sĩ Trường Sa, chúng tôi chợt nghĩ đến hình ảnh ánh mắt của bà lại long lanh hạnh phúc. Ở đó, chắc hẳn thấm giọt mồ hồi của người lính già luôn hướng về người lính trẻ nơi hải đảo xa xôi của Tổ quốc.

Theo chị Mang Thị Huyền Nga - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Nhơn Hải, việc làm của bà Bộ xuất phát từ tấm lòng của cá nhân. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng ngoài số tiền vận động, bà Bộ còn tự bỏ tiền túi và công sức của mình để mua len đan áo gửi tặng chiến sĩ Trường Sa. Đây là một việc làm rất đáng trân quý. 

“Nguyện vọng của bà Bộ là được các tổ chức, cá nhân, đoàn thể cùng tham gia đóng góp về vật chất để có thêm nhiều hơn những tấm áo gửi ra Trường Sa, nơi những người con Tổ quốc ngày đêm làm nghĩa vụ thiêng liêng. Với những đóng góp của mình, tháng 3/2017, bà Bộ vinh dự được mời tham dự chương trình Tự hào phụ nữ Việt Nam tại Hà Nội. Cũng trong năm 2017, bà Bộ tham dự Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII”, chị Huyền cho biết. 

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.