Mẹ con người phụ nữ Tà Ôi bỏ nhà về Huế lay lắt 'đeo' bệnh viện

Mẹ bệnh, con cũng bệnh, ngày ngày bà Lang ra đường xin ăn để nuôi con trai.
Mẹ bệnh, con cũng bệnh, ngày ngày bà Lang ra đường xin ăn để nuôi con trai.
(PLO) -Hai mẹ con bà Hồ Thị Lang (62 tuổi) và con trai Hồ Văn Thái (23 tuổi, người dân tộc Tà Ôi, trú tại tổ dân phố 6, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, hiện ở trọ tại tổ 17, khu vực 6, phường Trường An, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) 4 năm qua phải bỏ nhà bỏ quê về phố ở trọ, “đeo” bệnh viện”.

Người mẹ từng bốn lần trải qua phẫu thuật, sức khỏe đã cạn kiệt phải ngày đêm chăm con trai bị bệnh thận giai đoạn cuối. Hoàn cảnh của họ vô cùng khó khăn.

Gia đình bạo bệnh

Căn nhà trọ nằm sâu bên trong một con hẻm nhỏ của phường Trường An. Cái nắng hanh hao của một trưa mùa xuân tuy không gay gắt, nhưng vẫn khiến căn phòng nhỏ bức bối. Cánh cửa mở he hé làm không gian bên trong càng tăm tối, thê lương.

Người mẹ Tà Ôi ngồi bần thần, tấm lưng cong cong bởi tuổi già rệu rã dựa vào góc tường. Đám vôi vữa dường như cũng thấy mệt mỏi theo bà, mà rớt xuống từng mảng phía sau lưng. Bên cạnh, là người con trai bệnh tật đang nằm, hai mắt đờ đẫn, làn da xanh xao, đôi môi nhợt nhạt nứt nẻ.

Bà Lang trải lòng, đã 4 năm qua, hai mẹ con bà rời bỏ quê nhà ở vùng cao A Lưới. Cửa nhà đóng kín, cỏ đã mọc xanh um trước sân nhà. Ruộng rẫy phải bỏ hoang, không người chăm bón. Hai mẹ con bà dắt díu nhau về phố ở trong căn nhà trọ tồi tàn, tăm tối. Để mỗi tuần ba buổi, bà đưa anh Thái đến bệnh viện Trung ương Huế chạy thận. 

Người con trai của bà tuổi ngoài đôi mươi. Ở cái tuổi thanh niên tươi đẹp, tràn đầy sức sống như thế, thì sức khỏe anh Thái lại èo uột như một đứa trẻ vì bệnh tật. Ngoài những phiên chạy thận ở bệnh viện, anh Thái chỉ nằm lì một chỗ nơi sàn nhà. Những khi cơ thể quá ê ẩm, người thanh niên ấy mới nặng nề gắng sức ngồi dậy.

Phòng trọ nhỏ hẹp, sức khỏe lại kiệt quệ, nên bước chân xa nhất của anh là đến ngồi nơi bậu cửa. Nhưng nhìn trời xanh mây trắng ngoài cửa, nhìn con chim nhảy nhót trên cây, nghĩ đến phận mình, chàng trai ấy càng thêm buồn tủi.

Lúc lọt lòng mẹ, Thái là một đứa trẻ bụ bẫm, xinh xắn. Đôi mắt to tròn lúc nào cũng long lanh nhìn người xung quanh. Vậy mà mới ở tuổi lên 2, đứa bé ấy lại không may mắc bệnh thận, phải điều trị suốt nhiều năm liền. Cũng từ đó, cuộc đời của Thái cứ gắn liền với bệnh viện.

Nhiều lúc, số ngày ở bệnh viện còn nhiều hơn cả ở nhà. Mỗi lần ra viện, bác sĩ đều cẩn thận căn dặn bà Lang, không được để con trai làm việc nặng, phải ăn uống bồi bổ để sức khỏe tiến triển tốt. 

Nhưng mà gia đình bà Lang ở A Lưới, sống nhờ hạt lúa, củ sắn trên nương rẫy. Thức ăn thường chỉ có nắm rau rừng chấm với chén muối ớt giã nhỏ. Họa hoằn lắm mới bắt được con cá dưới suối, con chim trong rừng để cải thiện bữa ăn.

Trẻ con vùng cao, mới biết đi, biết chạy đã theo mẹ lên núi gùi sắn gùi ngô. Thái cũng như đám trẻ trong vùng, ăn uống thiếu chất, lại làm việc nhiều, vốn bệnh tật nên sức khỏe ngày càng giảm sút trầm trọng.

Đã vậy, năm Thái mới 14,15 tuổi, thì người cha mắc bệnh xơ gan cổ chướng. Người đàn ông trụ cột trong gia đình, giờ chỉ quanh quẩn trong nhà. Ông chống chọi với căn bệnh quái ác ấy được năm năm thì qua đời. Bà Lang cũng bốn lần lên bàn mổ (hai lần mổ bướu, một lần mổ u xơ tử cung, một lần mổ u vú).

Những ca phẫu thuật triền miên khiến sức khỏe của bà Làng ngày một yếu. Đôi chân già nua ấy chẳng còn đủ sức để vượt qua con suối, trèo lên mấy con dốc cao chơ vơ để lên nương lên rẫy. Anh Thái phải đi làm rẫy, làm thuê phụ mẹ mưu sinh.

Công việc nặng nhọc, ăn uống kham khổ, nên căn bệnh nguy hiểm anh mang trong người trở nặng và chuyển biến xấu.

“Bác sĩ nói, hắn bị suy thận giai đoạn cuối. Hồi chồng tôi bệnh, tôi phẫu thuật liên tiếp 4 lần, nhà cửa đều phải mang ra thế chấp để vay tiền ngân hàng, đến giờ vẫn chưa trả hết. Thái phải chạy thận. Không chạy thì chết. Nên tôi liều vay mượn thêm, đưa con về đây ở trọ. Đã 4 năm qua, con tôi sống được cũng là nhờ có sự giúp đỡ của bà con trong khu vực này. Nhưng sự sống của nó lay lắt lắm. Đã bệnh lại không có gì ăn, tôi làm mẹ mà bất lực…”, người mẹ Tà Ôi nghẹn ngào rồi bật khóc.

Tấm lòng của mẹ

Những ngày đầu mới về phố ở trọ, sau những giờ đưa con vào viện chạy thận, bà Lang sẽ tất tả ra ngoài làm thuê làm mướn. Bà cứ đến lê la ở mấy chợ. Ai thuê gì làm nấy. Sức cùng lực kiệt, vậy mà bà vẫn cắn răng, gồng sức lên mà làm. Kiếm được đồng nào hay đồng đó.

Bởi đứa con trai bệnh tật của bà còn đang nằm chơ vơ một mình trong căn phòng trọ tăm tối, đợi bà mang thức ăn về. Những lúc không có người thuê mướn, bà lang thang đi khắp các đường phố, ngõ nhỏ để bán vé số. Những đồng tiền ít ỏi ấy, cũng giúp mẹ con bà lắt lay qua bữa.

Bây giờ tuổi đã cao, bệnh tật nhiều, sức khỏe đã yếu đi thêm mấy phần. Đôi chân rắn rỏi chuyên trèo đèo lội suối ngày nào, giờ chẳng còn đủ sức rảo quanh các con phố bán vé số dạo. Bà Lang chỉ còn biết ra chợ Trường An và các khu vực xung quanh chợ, rồi ngồi một góc xin ăn.

Nhiều lúc bà nghĩ đến phận mình mà rớt nước mắt. Buồn có, tủi có. Nhưng bà phải dẹp bỏ đi lòng tự trọng của mình. Nếu bà không hy sinh một chút, thì con bà chẳng có chi để ăn sau một ngày chạy thận đến kiệt sức. 

Điều an ủi của người mẹ Tà Ôi, là dân trong khu vực Trường An hầu như ai cũng biết đến hoàn cảnh bệnh tật, nghèo khó của mẹ con bà. Nên họ thường xuyên chia sẻ với bà chút thức ăn, ít tiền bạc. Tiền mọi người cho, người mẹ ấy không dám tiêu xài gì, mà cẩn thận gom góp lại để trả tiền xe thồ chở Thái đến bệnh viện. Chú xe thồ biết hoàn cảnh của bà, cũng chỉ lấy tiền xăng. Nhưng 4 năm liền như vậy, rồi còn những ngày tới nữa, bà biết tính sao. Người mẹ lo lắng, nuốt vào trong tiếng thở dài.

Ở quê, bà Lang có mấy người con gái. Nhưng họ đều làm ruộng làm rẫy, cuộc sống cực nhọc, khó khăn, ăn bữa mai lo bữa hôm, nên chẳng lấy đâu ra tiền bạc giúp mẹ. Chắt chiu dữ lắm, hằng tháng họ mới dành dụm được ít gạo, gửi về giúp mẹ với em. Cũng may thời gian trước, bà Lang gặp được một người hảo tâm, giúp bà trả tiền phòng trọ hàng tháng. Nên mẹ con bà bớt phải chật vật, chạy đôn chạy đáo mỗi khi đến kỳ đóng tiền.

Bà Lang bảo, mỗi lần chạy thận xong, nhìn những bệnh nhân khác được ăn thịt, uống sữa để tẩm bổ để nhanh phục hồi sức khỏe, trong khi con trai bà, cơm còn không đủ ăn no, bà chỉ biết ứa nước mắt. Nhưng cái nghèo, cái khó, rồi bệnh tật như một lời nguyền truyền kiếp rơi xuống gia đình bà. 

Người con trai bủng beo, phù nề vì bệnh thận ngồi thẫn thẫn thờ nơi góc nhà, quay mặt giấu đi giọt nước mắt vừa ứa ra. Thái ngậm ngùi bảo, không ngờ mình đến với cuộc đời này, lại trở thành gánh nặng của mẹ. Thanh niên trai tráng, nhưng chẳng giúp gì được cho mẹ, lại khiến bà phải phiền lòng, lo lắng. Bà Lang nghe vậy, vội cắt ngang lời con trai, bảo con không được nghĩ như thế, phải yên tâm mà chữa bệnh.

Quá trưa, nắng đổ dài bên ngoài sân trọ. Một tia nắng mỏng manh lọt qua khe cửa, hắt lên mặt người bệnh. Anh Thái chẳng buồn nhếch sang chỗ khác. Ngoài kia, phố xá nhộn nhịp, mà ở đây thì lặng lẽ đến thê lương. Cả hai mẹ con ai nấy đều thẫn thờ. Có lẽ, họ đang nghĩ, những ngày sắp đến không biết sẽ phải trôi đi thế nào, khi anh Thái vẫn phải “đeo” bệnh viện chạy thận, giành giật sự sống trong hoàn cảnh bấp bênh, không tiền bạc…

Mọi sự giúp đỡ của bạn đọc hảo tâm, xin gửi về bà Hồ Thị Lang, hiện đang ở trọ tại tổ 17, khu vực 6, phường Trường An, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Số điện thoại bà Lang :   0162.9370.361

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.