Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ năm 2020: Lo ngại thói quen “lấn át” luật

Nhiều ý kiến lo lắng Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia sẽ vấp phải rào cản là thói quen của người Việt.
Nhiều ý kiến lo lắng Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia sẽ vấp phải rào cản là thói quen của người Việt.
(PLVN) - Còn mấy ngày nữa, năm mới 2020 bắt đầu, cũng là thời điểm Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực. Với hành trình 7 năm cho quá trình xây dựng và thông qua, luật này cũng được tiên đoán trong quá trình thực hiện sẽ gặp thách thức không nhỏ do liên quan đến thói quen, hành vi tiêu dùng của người dân. Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia, trong bản thân nội dung luật cũng có nhiều vấn đề còn cần được tiếp tục hoàn thiện.

Tuyên truyền để người dân thấy tác hại của rượu, bia

Thống kê cho thấy, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu, bia cao nhất thế giới và tỷ lệ uống rượu, bia ngày càng gia tăng. Nếu như năm 2010 có 70% nam và 6% nữ giới trên 15 tuổi có uống rượu, bia trong 30 ngày qua thì sau 5 năm, đến năm 2015 tỷ lệ này đã tăng lên tương ứng là 80,3% ở nam giới và 11,6% ở nữ giới.

Đặc biệt, tình trạng sử dụng rượu, bia trong lứa tuổi thanh, thiếu niên ngày càng diễn ra nghiêm trọng với tỷ lệ uống rượu, bia trong vị thành niên và thanh niên đã tăng gần 10% sau 5 năm. Tỷ lệ uống rượu, bia ở mức có hại - tức là uống từ 6 đơn vị rượu trở lên trong một lần uống lên tới 44%.

Giảm tính sẵn có của rượu, bia để phòng ngừa

Theo WHO, Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của một số nước trong khu vực về việc triển khai chính sách phòng chống tác hại của rượu, bia.

Thái Lan ban hành luật này từ năm 2008 và kiểm soát chặt quảng cáo, tăng giá bán rượu, bia và hạn chế sự sẵn có của rượu, bia như 20 tuổi mới được phép mua, thời gian bán từ 11-14h và 17-24h.

Malaysia cấm toàn bộ quảng cáo về rượu, bia. Hàn Quốc cấm quảng cáo với toàn bộ đồ uống có cồn trên 17%. Pháp cưỡng chế và phạt nặng quảng cáo vi phạm.

Được biết, một trong những vấn đề được ưu tiên khi thực hiện luật là giáo dục và truyền thông, nhằm làm giảm tính sẵn có của rượu, bia để phòng ngừa trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh, thiếu niên, phụ nữ mang thai tiếp cận với rượu, bia.

Về giảm tính sẵn có của rượu, bia, Luật có quy định một số điểm không được bán rượu, bia tại cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, cơ sở vui chơi, giải trí, cơ sở cai nghiện, bảo trợ xã hội, nơi làm việc của các cơ quan, các địa điểm công cộng…

Hiện nay đang có đề xuất thêm khoảng hai điểm nữa sẽ bị cấm bán rượu, bia là rạp chiếu phim và công viên.

Ảnh hưởng đối với sức khỏe của rượu, bia rất khó đong đếm. Một số tác hại có thể xảy ra ngay sau khi uống như chấn thương, gây tai nạn giao thông hay ngộ độc rượu, bia... Mới đây, theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong 11 tháng của năm 2019, 40% số vụ tai nạn giao thông xảy ra trên toàn quốc có nguyên nhân từ rượu, bia, trong đó có những vụ đặc biệt nghiêm trọng, gây thương vong nhiều người.

Ngoài ra, đối với sức khỏe, một số tác hại khác diễn ra từ từ và kéo dài như gây các tổn thương mạn tính đối với sức khỏe (mắc bệnh ung thư, bệnh lý tim mạch, xơ gan, rối loạn tâm thần, sa sút trí tuệ, ngộ độc bào thai do bà mẹ sử dụng rượu, bia…) hay các vấn đề xã hội lâu dài như tác hại đối với gia đình, suy giảm chất lượng nhân lực, chất lượng dân số, phá vỡ các mối quan hệ gia đình, xã hội.

Chính vì thế mà, mặc dù nguồn lợi kinh tế thu được từ ngành hàng này cũng rất cao 50.000 tỷ đồng/năm, nhưng tổn thất về kinh tế do rượu, bia cũng chiếm đến 1% GDP. 

Ngày 6/10/2019, tại Hội nghị triển khai Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, bà Nguyễn Thị Kim Tiến là Bộ trưởng Bộ Y tế thời điểm đó đã bày tỏ lo ngại cho việc thực tiễn thi hành luật. Bởi theo bà Tiến, Bộ Y tế đã mất 7 năm chuẩn bị để xây dựng Luật Phòng,

 chống tác hại của rượu, bia. Đây cũng là một trong những luật khó thực hiện vì có tính xung đột lợi ích giữa nhà làm luật và các đối tác khác. Những người làm công tác chăm sóc sức khỏe đã rất vất vả, căng thẳng vì xung đột khi xây dựng luật. 

“Không phải ai cũng nhận thức được tác hại của rượu, bia với sức khỏe. Nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra liên quan nhiều đến sử dụng quá mức rượu, bia. Ngoài ra, tác hại của rượu, bia còn là gây các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch... Vấn đề là làm sao để người dân tin uống rượu, bia hại sức khỏe, trong khi nhiều người vẫn cho rằng uống rượu, bia được xem là văn hóa”, bà Tiến nói.

Cũng theo bà Tiến, đây là lần đầu tiên Việt Nam có một đạo luật điều chỉnh đầy đủ, hoàn chỉnh đối với vấn đề phòng, chống tác hại của rượu, bia. Đồng thời, đây cũng là đạo luật khó do liên quan đến thói quen, hành vi tiêu dùng của người dân. Vì vậy, để Luật này đi vào cuộc sống, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả thì công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai hết sức quan trọng.

Ở góc độ đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, ông Kidong Park, đại diện WHO tại Việt Nam nhấn mạnh, để triển khai luật thành công, cần có sự cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ, đặt sức khỏe lên hàng đầu, từ đó phổ biến cho người dân về nội dung luật; thực thi nghiêm khắc các quy định của luật; có sự tham gia của các tổ chức xã hội trong việc giám sát, thực thi luật… Ông Kidong Park cho biết, WHO cam kết sẽ đồng hành cùng Việt Nam nói chung và Bộ Y tế nói riêng trong việc triển khai và thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Luật chưa nghiêm với bia?

Cũng theo ông Kidong Park, điểm tiến bộ của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là quy định cấm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Trong khi đó, ở một số quốc gia khác ở châu Âu, có nơi vẫn có quy định cho ngưỡng dao động 0,2 đến 0,5 mg/lít khí thở đối với người điều khiển phương tiện giao thông. 

Luật cũng đưa ra các quy định cấm mà lâu nay là thói quen của người uống rượu đó là xúi giục, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia; người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; cấm bán, khuyến mại, cung cấp rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Cấm uống rượu, bia ở các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, nuôi dưỡng trẻ dưới 18 tuổi…

Nhưng cũng có một điều mà các chuyên gia pháp lý chưa hài lòng là đang có khoảng trống trong việc quản lý bia, không được quy định trong luật. Cụ thể, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chỉ cấm “khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên; sử dụng rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức; cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên”. 

Như vậy, chỉ đồ uống có cồn trên 15 độ mới bị nghiêm cấm chặt chẽ; còn bia (thường dưới 15 độ) thì được nới lỏng một cách dễ dãi hơn. Với rượu, bia có cồn dưới 5,5 độ, Luật chỉ quy định về quảng cáo như: “Quảng cáo không thể hiện các nội dung sau: Có thông tin, hình ảnh nhằm khuyến khích uống rượu, bia, thông tin rượu, bia có tác dụng tạo sự trưởng thành, thành đạt, thân thiện, hấp dẫn về giới tính; hướng đến trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai…”.

Trong khi đó, theo các chuyên gia, rượu và bia khi quy về nồng độ cồn nguyên chất thì có cơ chế gây tác hại như nhau. Đây là căn cứ để Bộ Y tế cho rằng cần có cơ chế kiểm soát các hoạt động liên quan đến bia và rượu như nhau trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Đáng tiếc là quy định này đã không hiện diện trong Luật. 

Ở Việt Nam, sản lượng bia được tiêu thụ với tốc độ phi mã, vượt trên cả dự báo của các nhà kinh doanh, sản xuất rượu, bia. Cụ thể, năm 2017 “đã hoàn thành mục tiêu” trước 3 năm với 4,1 tỷ lít bia; năm 2019 vượt cả dự báo của năm 2025 với 4,67 tỷ lít bia (theo dự báo năm 2020 Việt Nam tiêu thụ 4,1 tỷ lít bia, năm 2025 tiêu thụ 4,6 lít bia). 

Trong quá trình xây dựng Luật, qua nhiều lần góp ý dự thảo, bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế khẳng định, rượu hay bia khi quy về nồng độ cồn nguyên chất đều có cơ chế tác động đến sức khỏe và các vấn đề khác của người sử dụng là như nhau; cần phải có biện pháp kiểm soát tất các sản phẩm bia, rượu như nhau để hạn chế bớt các tác hại.

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia:

“Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia đã gửi một thông điệp rất rõ đến toàn thể nhân dân là đã uống rượu, bia đừng có lái xe. Do đó, cần phải gắn xử phạt với tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức về việc chấp hành quy định của luật. 

Một thời gian dài, Việt Nam bỏ ngỏ những quy định pháp luật liên quan tới việc kiểm soát rượu, bia, vì thế, để Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia đi vào cuộc sống, sẽ phải mất nhiều thời gian và rất cần sự phối hợp và chủ động từ Trung ương tới địa phương.

Một trong những giải pháp tăng cường tuyên truyền, nhất là truyền thông nhằm thay đổi hành vi tới thế hệ trẻ, Ủy ban đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung thêm nội dung này vào hệ thống kiến thức giáo dục pháp luật và kỹ năng bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh trong chương trình chính khóa”.

Bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế: 

“Bất kỳ luật nào đi vào cuộc sống cũng vẫn có những khúc mắc từ những người bị điều chỉnh hành vi theo đúng luật. Vì thế, với vai trò là đơn vị xây dựng luật, Bộ Y tế sẽ có những hướng dẫn chi tiết về trách nhiệm, phân công nhiệm vụ, phối hợp liên ngành, như: Đề án tuyên truyền trong ngành Giao thông, vấn đề cấp phép sản xuất kinh doanh, vấn đề quản lý rượu thủ công. Việc thực hiện giám sát vi phạm nồng độ cồn đối với một đất nước có lượng xe máy lớn như Việt Nam không hề dễ dàng.

Vì thế, khi Luật có hiệu lực, có thể làm điểm tại một số nơi trong một vài quý đầu của năm 2020. Tuy nhiên, giải pháp lâu dài cần phải tính tới là khuyến khích người tham gia giao thông sử dụng phương tiện công cộng, ngay ở cơ sở kinh doanh phải nhắc nhở khách hàng khi đã uống say thì tốt nhất là sử dụng phương tiện công cộng về.

Do đó, trong Luật có quy định trách nhiệm của cơ sở là phải hỗ trợ người say rượu, bia thuê được phương tiện công cộng để họ về nhà và ngày hôm sau có thể quay lại để lấy phương tiện về”. 

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.