Lớp học đặc biệt của cụ ông hơn 70 tuổi

Lớp học tình thương trong ngôi nhà dựng tạm của cụ Bích.
Lớp học tình thương trong ngôi nhà dựng tạm của cụ Bích.
(PLO) - Hơn 8 năm qua, ở ấp Tân Hòa (xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp, Bình Phước) có một lớp học thật đặc biệt, không tên gọi, không bảng hiệu. Ngày ngày, một ông cụ 74 tuổi cần mẫn, kiên trì uốn từng nét chữ, chỉ dạy từng phép tính cho những đứa trẻ nhà nghèo

Lớp học “5 trong 1”

Gọi là “5 trong 1” bởi lớp học đó gồm các em học sinh độ tuổi từ lớp 1 đến lớp 5. Đặc biệt hơn, người thầy dạy dỗ cho tất cả các em, cả lớn lẫn nhỏ, tất cả các môn học là cụ Ngô Tùng Bích, một thầy giáo về hưu nay đã ở tuổi ngoài thất thập. Nói là lớp học nhưng đó chỉ là căn nhà được dựng tạm bợ bằng gỗ vụn, tôn và được che chắn bằng những tấm vải simili chằng chịt miếng vá.

Ngó vào trong, trên dãy bàn ghế cũ kĩ, những đứa trẻ đủ lứa tuổi ngồi cặm cụi viết chữ, làm toán. Cụ Bích lúc thì giảng bài trên bảng, khi lại xuống từng bàn, kèm cặp cho các em nhỏ. Thấy có người lạ tới, bọn trẻ hiếu kì, đang học quay ra nhìn với những ánh mắt lạ lẫm. Cụ Bích phải dừng việc giảng bài, ân cần nhắc nhở các em trật tự rồi mới quay sang tiếp chuyện với tôi.

Vẫn lặng lẽ như bao năm qua, cụ Bích khiêm tốn tâm sự rằng, mình chỉ làm một việc nhỏ, mong muốn đám trẻ nghèo nơi miền xa này có con chữ làm hành trang vào đời. Thầy giáo già chia sẻ, huyện Bù Đốp nói chung, ấp Tân Hòa, xã Tân Tiến nói riêng là vùng giáp biên giới Campuchia. Phần đông người dân sinh sống ở đây là đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế còn rất khó khăn, trình độ dân trí thấp. Nhiều đứa trẻ học đến lớp 3, 4 nhưng viết chữ, phát âm chưa thạo.

Do trước đây từng là giáo viên, gắn bó mấy chục năm với các thế hệ học trò, cụ Bích thấu hiểu rằng chỉ có con đường học tập mới giúp được những đứa trẻ nghèo khó. Thế nhưng với vùng biên giới, điều kiện cũng như chất lượng giáo dục còn hạn chế, các trẻ em nơi đây phải chịu rất nhiều thiệt thòi. Trăn trở về điều này, năm 2007, sau khi về hưu, cụ Bích dựng một căn chòi trong khu đất trống trước nhà mình để làm lớp học.

Có địa điểm rồi, cụ lại đến các trường học xin bàn, ghế cũ rồi tự bỏ tiền túi mua sắm bảng, phấn, các phương tiện dạy học. Dựng xong lớp học, cụ Bích lặn lội đến từng nhà vận động các bậc cha mẹ cho con đến lớp để mình kèm học, dạy miễn phí. Tâm nguyện của cụ, làm tất cả chỉ để dìu dắt những đứa trẻ trong ấp nghèo học hành tốt hơn thế nhưng công việc “gieo chữ” ở lớp học tình thương ban đầu cũng khá nhiều gian nan.

Lớp học lúc đầu chỉ có vài ba đứa trẻ theo học bởi nhiều bậc phụ huynh còn e dè, ngại ngùng cho con em đến lớp. Thế nhưng cụ Bích không nản chí, vừa ngày đêm dạy dỗ các em nhỏ vừa thuyết phục mọi người cho con đến lớp. Tâm nguyện trong sáng cùng tình thương của ông cụ dần được chứng minh bằng những buổi học, những bài giảng phụ đạo hiệu quả. Đặc biệt là sự thích thú và tiến bộ trong học tập của những em nhỏ được cụ kèm cặp.

Thấy rõ lợi ích từ những buổi học ở lớp học của cụ Bích, người lớn trong ấp đưa con em đến gửi gắm cho cụ ngày càng đông. Lớp học ban đầu chỉ có vài ba em càng về sau càng đông, việc dạy học dần đi vào nề nếp. Lớp học của cụ Bích rất đặc biệt bởi nó có học sinh đủ từ lớp 1 đến lớp 5. Để quán xuyến và dạy học có hiệu quả, cụ phải chia lớp học ra thành nhiều nhóm và chỉ dạy từng tí một.

Mỗi tiết học đều được cụ Bích chuẩn bị cẩn thận theo chương trình trong sách giáo khoa. Môn học chủ yếu là toán và văn. Hiệu quả trong việc giảng dạy ở lớp học tình thương còn được thể hiện qua sự ngoan ngoãn, nét đáng yêu của những em nhỏ. Khi gặp người lớn, những đứa trẻ chẳng cần ai nhắc, lễ phép cúi chào, nói năng dạ thưa đàng hoàng. Hỏi ra mới biết, những điều này chính cụ Bích đã dạy các em, tập thành một thói quen ở lớp, ở nhà và cả khi ra đường.

Cụ Bích cho biết, như một nguyên tắc, các em nhỏ khi đến lớp trước hết sẽ được học về đạo đức. “Tiên học lễ, hậu học văn. Trong dạy học, kiến thức rất quan trọng, nhưng đầu tiên vẫn phải đi từ cái gốc, đó chính là dạy cho các em biết vâng lời cha mẹ, thầy cô, biết chăm chỉ học hành, lễ phép với người lớn. Chính những điều này mới tạo thành tính cách con người các cháu sau này, tốt xấu đều nằm ở đó cả…”, cụ Bích vừa nhìn nhóm trẻ vừa tâm sự.

Cụ Bích cầm tay uốn từng nét chữ cho một em nhỏ

Cụ Bích cầm tay uốn từng nét chữ cho một em nhỏ

Miệt mài “gieo chữ”

Dù tuổi cao, sức yếu nhưng 8 năm qua cụ Bích vẫn duy trì lớp học đều đặn. Ngày nào cũng như ngày nào, không kể thứ bảy hay chủ nhật, dù ngày nắng hay ngày mưa cứ có học sinh đến nhà để học là cụ lại đứng lớp chỉ dạy cho các em. Cụ tâm sự: “Mình làm việc là từ cái tâm với mong muốn các cháu biết thêm cái chữ, biết tính toán để theo kịp bạn bè, tiếp tục học tập để thành người tốt cho xã hội”.

8 năm qua, cụ Bích không nhớ được đã có bao nhiêu học trò “tốt nghiệp” từ lớp học của mình. Nhưng có một điều mà cụ và mọi người đều biết rõ, đó là các em nhỏ vốn học yếu khi được cụ dạy dỗ có sự tiến bộ trông thấy, chăm chỉ học tập và dễ dàng theo kịp chương trình học với các bạn học cùng lứa. Nhiều em trước đây phải nghỉ học vì học lực yếu thì giờ đây đã có thể hòa nhập lại trường và trở thành học sinh khá, giỏi.

Không chỉ là thầy của bọn trẻ, cụ Bích còn là thầy của nhiều người lớn trong ấp, bởi trước đây họ từng là học trò của cụ. Thậm chí, hiện tại cụ vẫn được xem là người thầy đáng kính của nhiều người dân. Nếu trước đây cụ dạy chữ cho họ thì bây giờ cụ dạy họ những điều tốt xấu phải trái hàng ngày, đạo lý ở đời và cách đối nhân xử thế. Nhiều người được cụ khuyên giải nhắc nhở đã biết từ bỏ thói hư tật xấu, chí thú làm ăn, sống tốt với mọi người.

Thoạt nhìn ông cụ ngoài 70 tuổi ngày ngày bỏ công bỏ sức bỏ của dạy dỗ đàn trẻ nhà nghèo mà không đòi hỏi bất cứ điều gì, ít ai ngờ rằng gia đình cụ cũng còn lắm khó khăn, thuộc diện hộ nghèo trong xã. Thế nhưng đối với con người sinh ra trong chiến tranh, lớn lên trải qua không biết bao nhiêu gian khó vẫn gắn bó với nghề “trồng người” như cụ thì việc dạy học đã thành thiên chức, thành lẽ sống của đời mình.

Ở tuổi xưa nay hiếm, mái đầu cụ Bích bạc trắng, thế nhưng gương mặt phúc hậu của cụ luôn rạng rỡ nụ cười mà trong đó phảng phất những nét hồn nhiên, yêu đời như một trẻ thơ. Cụ Bích tâm sự, chính lớp học tình thương, nơi hàng ngày cụ được gắn bó với những đứa bé có đôi mắt trong veo, mái đầu khét nắng, hồn nhiên như trang giấy trắng đã cho cụ tìm thấy tuổi thơ mình trong đó.

“Mỗi lần có cháu nhỏ nghỉ học vì lý do nào đó là tôi thấy buồn. Lỡ ngày nào đó không được dạy tụi nhỏ nữa thì tôi buồn chết mất…”, cụ Bích tâm sự. Năng nổ nhiệt tình và được bà con yêu mến, năm 2012, cụ Bích được bầu làm Phó chủ tịch Hội người cao tuổi xã Tân Tiến.

Nói về cụ Bích, ông Đoàn Văn Thùy (Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Tân Tiến) không giấu được vẻ cảm phục: “Lớp tình thương của cụ Bích giúp các em nhỏ rất nhiều trong việc học tập. Kể từ khi cụ mở lớp dạy, các cháu đã đủ kiến thức cơ bản theo học trên lớp. Đến nay tình trạng các cháu bỏ học vì không theo nổi chương trình hầu như đã không còn. Cụ Bích thực sự là tấm gương sáng người cao tuổi mẫu mực để mọi người và các cháu học tập noi theo”.

Về phần mình, cụ Bích chia sẻ: “Tôi chẳng có ước mong gì lớn lao, chỉ mong được tiếp tục dạy dỗ các cháu nhỏ để sau này các cháu khôn lớn, thành người có ích cho xã hội. Có nhiều dạy nhiều, có ít dạy ít, dù chỉ còn một cháu đến lớp học là tôi vẫn dạy”.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.