Lênh đênh đời ông lão chèo đò vùng biển Vân Đồn

Một góc nhỏ của làng chài ven cảng Vân Đồn
Một góc nhỏ của làng chài ven cảng Vân Đồn
(PLO) - Cách chân cầu cảng Vân Đồn (Quảng Ninh) không xa có xóm chài nghèo tựa hồ chỉ lác đác mấy ngôi nhà nổi, tạm bợ, bập bềnh trên mặt nước. Ở đây thiếu thốn đủ thứ nhưng đằng sau đó là những câu chuyện xúc động về tình cảm gia đình, tình yêu với biển của dân chài nơi đây.

Gian nan nghề đò 

Chúng tôi đến làng chài Vân Đồn vào một buổi trưa hè, cái nắng như thiêu như đốt. Con đò chầm chậm đưa chúng tôi từ cảng hướng về làng chài. Cô Mai vừa thoăn thoắt đẩy mái chèo vừa tiếp chuyện chúng tôi. Cô kể: “Ở đây chủ  yếu là dân chài  từ nhiều nơi khác đến. Họ đi biển rồi định cư ở đây luôn, công việc chủ yếu là làm nghề chài lưới, nuôi  trồng thủy sản nhưng đa phần sống bằng nghề chèo đò”.

Chưa đầy mười phút con đò đưa chúng tôi cập vào một chiếc bè. Bè có diện tích khá khiêm tốn, chừng 10m2, vừa đủ kê một chiếc giường với một khoảng trống hai người ngồi. Phía bên ngoài là mái hiên, ở đó mắc một chiếc võng nhỏ. Chiếc bè này là nơi cư ngụ của ông Phạm Văn Nở, 74 tuổi. Ông Nở có nước da đen sạm, mái tóc bạc màu sương gió. 

Châm điếu thuốc lào, mắt xa xăm nhìn về hướng cầu cảng, ông Nở kể: “Đời cụ, đời ông nội ông, đời cha rồi đến đời ông, đời con ông đều gắn với nghiệp sông nước. Cuộc sống mai đây mai đó, lênh đênh khắp các vùng biển Quảng Ninh. Tất thảy đều coi biển là quê hương, thuyền bè là chỗ ở. Khoảng 12 tuổi  thì tôi cùng bố mẹ đi thuyền đánh cá kiếm sống, mưu sinh, tuổi thơ gần như gắn liền với những chuyến vươn khơi cùng gia đình” .

Hiện tại vợ chồng ông Nở ở với vợ chồng con gái út. Cả gia đình sống bằng nghề chèo đò. Miếng cơm manh áo có được cũng nhờ những đồng tiền kiếm từ chuyến đò chở người và hàng hóa từ cảng ra các tàu. Đến nay ông đã có 20 năm làm nghề chèo đò (tính từ thời gian ông nghỉ đi tàu năm 1995).

Khi con gái út lập gia đình ở Vân Đồn thì ông Nở cũng di chuyển xuống ở cùng con gái và định cư tại đây. Tuổi đã cao nhưng hàng ngày ông và vợ vẫn tiếp tục công việc chèo đò. Đêm nào cũng vậy, đúng 23h khi người ở làng chài vẫn còn chìm trong giấc ngủ thì ông thức dậy để đi làm. Với chiếc mủng cũ, mua lại của một người quen, ông chèo quanh cầu cảng, ai đi hoặc thuê chở hàng thì chở. Cứ một chuyến như vậy ông Nở nhận được năm đến hai mươi nghìn đồng.

"Vật dụng lúc nào cũng phải mang theo mình là chiếc đèn pin. Nhiều hôm không để ý pin đèn yếu, chập choạng không nhìn thấy hướng đi phải mò mẫm chèo chậm để khỏi va vào mạn tàu của người ta”, tâm sự về công việc ông cho biết thêm.

Công việc của ông Nở cứ thế cho tới tận 5h sáng. Cũng lúc này, vợ ông - bà Hoa lại thay ca. Bà chèo đò, đợi khách cho tới 5h chiều mới về. Cuộc sống đều đều như vậy trôi qua từng ngày. “Bất kể thời tiết thế nào, mưa gió đều đi cả. Giờ không đi biển được thì mình đi chèo đò để kiếm thêm thu nhập trang trải cho chi tiêu hàng ngày, nói chung cũng đủ sống qua ngày”, bà Hoa tâm sự.

Ông Nở tâm sự về cuộc sống lênh đênh sông nước
Ông Nở tâm sự về cuộc sống lênh đênh sông nước

Không thể xa biển

Năm 1965, khi vừa tròn 25 tuổi, trong một chuyến đi biển qua xã đảo Thắng Lợi (huyện Vân Đồn), ông đã gặp và bén duyên với cô gái tên Hoa cũng là dân miền biển. Sau khi lập gia đình, ông cùng vợ tiếp tục nối nghiệp cha mẹ. Cuộc sống hai vợ chồng ban đầu có nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng vẫn tự nhủ cố gắng vươn lên, bám biển để mưu sinh.

“Một thời gian tham gia hợp tác xã nghề cá, sau đó được Chi bộ Cẩm Phả lúc bấy giờ (nay là thành phố Cẩm Phả) cho đi thoát ly, tôi xuống Vân Đồn làm Phó Bí thư vào năm 1967. Làm được một thời gian thấy nhớ biển, nhớ công việc mà mình làm từ nhỏ nên xin nghỉ, sau khi nghỉ công tác ở đó tôi  trở về Cẩm Phả tiếp tục đi biển”- ông Nở nhớ lại. 

Để thuận tiện cho việc đi biển, ông Nở bàn với vợ dựng tạm một cái bè ở gần đất liền. Hỏi ra mới biết, ông dựng bè là để mỗi chuyến đi biển về ông và người quen có chỗ trú chân, chỗ tránh bão. Sau khi đã bàn bạc và được đồng thuận, ông Nở và vợ đã dồn vốn liếng bao năm tích cóp được dựng lên một ngôi bè nằm sát bờ biển Cẩm Thủy, Cẩm Phả.

“Nhìn đàn con nheo nhóc, lênh đênh trên thuyền, thương chúng nó lắm nhưng không biết làm sao. Nhà trên đất liền thì không có, suốt ngày trôi nổi kiếp sống trên biển, đêm nằm nghĩ vừa thương con vừa tủi thân”-  ông Nở tâm sự.

Cuộc sống trên biển cực kỳ khó khăn, vất vả, sóng gió giông tố, nhất là những mùa bão gió. Lúc bấy giờ chưa có một phương tiện gì để dự báo thời tiết, chỉ có thể dựa vào kinh nghiệm đi biển lâu năm, nên khi thấy một hiện tượng thời tiết bất thường hai vợ chồng ông liền cho thuyền và bè vào chỗ kín gió. Có lúc trời yên bể lặng, đột ngột bão gió ập đến bất ngờ nên di chuyển thuyền bè không kịp, việc đắm tàu, bè hỏng xảy ra thường xuyên.

Đặc biệt con cái ông Nở lấy vợ, lấy chồng đều làm nghề biển. Hay nói như lời ông thì họ- một mảnh nhỏ trên đất liền cũng không có. “Chúng nó hợp cảnh, hợp duyên thì lấy nhau, đều sinh ra, lớn lên và lập gia đình ở dưới thuyền” - ông nói trong tiếng cười nghẹn đắng, bên ngoài là tiếng cháu nô đùa hồn nhiên.

Ông Nở cũng cho hay, bởi bản thân là dân thuyền chài nên cuộc sống trên biển cái khổ gấp nhiều lần so với trên đất liền. Bao nhiêu tiền của vợ chồng ông đều đều dồn hết cho con cái mua sắm ngư cụ đi biển. Lúc thuận buồm xuôi gió thì không sao, nhưng không may những chuyến đi biển gặp sự cố thì bao vốn liếng bị nhấn chìm trong biển nước. Những lần mất của như vậy, gia đình lại chạy vạy, vay mượn, tích cóp đề làm lại thuyền, mua ngư cụ mới.

Còn đó những nỗi lo

Nói đến công việc cũng như cuộc sống của dân thuyền, cô con gái út của ông Nở - chị Thảo tâm sự: “Gia đình sống ở biển lâu năm nên cũng quen, tuy nhiều cái bất tiện, thiếu thốn đủ thứ nhưng ông trời cho mình được như thế này nên cũng đành chấp nhận, biết làm thế nào được”. 

Tuy ở độ tuổi 30, nếu không hỏi tuổi có lẽ chúng tôi cũng tưởng chị phải ngoài 40. Hai mà gầy hóp, đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, đôi bàn tay đen sạm vì cuộc sống vất vả.

Tính đến chị cùng tám người khác là đời thứ năm sinh sống ở biển. Chồng chị cũng là dân biển. Anh đi thuyền đánh cá, câu mực còn chị ở trong bờ chèo đò nuôi con. 

Một cái bè nhỏ chưa đầy 10m2 có tới ba thế hệ sinh sống, vượt qua phạm vi 10m2 kia đã là nước biển, mọi sinh hoạt hàng ngày đều diễn ra ở trên đó. Vừa tiếp chuyện chúng tôi thi thoảng chị cũng phải ngó nhìn trông con.

Chị thực thà: “Con cái còn nhỏ không có người trông cũng rất nguy hiểm, nên đi đâu cũng phải nhờ người trông hộ hoặc gửi người quen. Có cháu đến tuổi đi học rồi nhưng gia đình không có tiền đành cho nghỉ, giờ cháu cũng đi chèo đò. Còn một cháu nữa sắp tới cũng đến tuổi mẫu giáo, gia đình cũng chưa có dự tính gì, học ít, học nhiều cũng chưa dám chắc được điều gì”. 

Đề cập tới việc chôn cất người đã khuất, chị Thảo cho biết, nhiều gia đình không có tiền mua đất trên nghĩa trang, họ đành phải chôn vụng ở các đảo đá. Chị bộc bạch: “Gia đình ông bà ở đây (bố mẹ đẻ chị) cũng phải chôn vụng con rể, trong một lần mắc bệnh đã không qua khỏi”.

Nhìn những ngôi nhà bè được dựng lên tạm bợ bởi những mảnh xốp nhẹ, nền được nẹp bằng tấm ván mỏng, chắp vá lại với nhau, chị Thảo bùi ngùi: “Nó cứ hỏng chỗ nào thì mình lại sửa chỗ đó. Tuy sửa rồi nhưng nhiều đêm nằm ngủ vẫn nơm nớp lo sợ. Đặc biệt đến mùa mưa bão nếu  xin trú nhờ được người quen trên đất liền thì lên, không thì gia đình vẫn ở dưới cái bè. Bão đến, lo lắng cả ngày cả đêm chỉ sợ bè đứt dây chằng, tốc mái, sóng đánh chìm. Mỗi lần có bão gió đi qua bè không hề gì gia đình cũng vơi đi nỗi lo sợ”.

Theo ông Vũ Văn Trúc, Trưởng khu 9, thị trấn Vân Đồn (huyện Vân Đồn), làng chài thuộc sự quản lý của khu 9, phần lớn các hộ là dân từ nhiều nơi di cư đến đây sinh sống, cá biệt có những hộ trước ở Cẩm Phả, Quảng Yên, Cô Tô. Họ không có nhà trên đất liền, đời nọ nối tiếp đời kia mưu sinh trên thuyền bè. Chính quyền địa phương cũng chưa có hướng giải quyết đối với những hộ dân chài này.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.