Lão nông lấy được vợ, bị tra tấn vì... ngâm Kiều

Vợ chồng cụ Tiên.
Vợ chồng cụ Tiên.
(PLO) -Dù ở tuổi gần đất xa trời nhưng lão nông Phạm Trung Tiên (91 tuổi, ở thôn Chánh Khoan Đông, xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) vẫn thuộc làu 3254 câu Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Cụ bảo, thời trẻ, cũng nhờ thuộc Truyện Kiều mà cụ lấy được cháu gái thầy giáo. Rồi khi vào bộ đội, cụ bị địch tra tấn dã man cũng vì… ngâm Kiều.

Lấy cháu gái thầy giáo 

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống Nho học, cha cụ Phạm Trung Tiên là cụ Phạm Hiệp, một bậc túc nho có tiếng trong vùng, tuy chỉ giữ chức thủ sắc của xã nhưng nổi tiếng khắp vùng do thông thạo văn chương và viết chữ Hán rất đẹp.

Nhờ lĩnh hội vốn kiến thức của cha nên ngay từ bé, cụ Tiên đã tỏ ra thông minh, hiếu học và được cha truyền dạy văn chương chữ nghĩa. 

Ngay từ nhỏ, cụ được cha cho đi học chữ quốc ngữ, sau khi thi đậu yếu lược, lại theo học thầy Mười Phán, thầy dạy chữ Hán có tiếng trong vùng. Đến khi về nhà, cụ Tiên lại tìm hiểu chữ Nôm.

Do vậy đến năm 14 tuổi, cụ đã đọc vanh vách những cuốn truyện thơ Nôm mà cha có như Truyện Kiều, Lâm Xanh Xuân Nương, Thoại Khanh Châu Tuấn… Đến năm 15 tuổi, cụ đã thuộc làu tác phẩm truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. 

Cụ Tiên cho biết: “Tôi say mê truyện Kiều lắm, đi đâu cũng giấu cuốn truyện Kiều ở trong mình, hễ có thời gian rảnh là đem ra đọc. Đến năm 15 tuổi, tôi khoe với cha là đã thuộc làu truyện Kiều nhưng ông không tin, thế rồi cả đêm tôi ngồi đọc truyện Kiều cho cha nghe, khi đó cha mới tin”.

Nói rồi, cụ Tiên kể về mối tình giữa cụ với cụ Đặng Thị Thuôn (89 tuổi, vợ cụ bây giờ). Theo đó, trong thời gian theo học ở nhà thầy Mười Phán, cậu học trò Tiên tỏ ra thông minh và hiểu biết hơn người. Trong lớp học, Tiên học chữ Hán, bình Kinh Thi, nhưng mỗi khi có dịp là lại mang truyện Kiều ra ngâm cho bạn bè đồng môn nghe.

Lúc đó, có cô cháu gái của thầy Mười Phán là cô Thuôn xinh đẹp, ngày ngày đứng phía sau cửa lớp nghe chú giảng bài và những lần nghe cậu Tiên ngâm Kiều nên đã đem lòng yêu mến.

Cụ Tiên kể: “Năm đó tôi 18 tuổi, còn bả 16 tuổi, trong một lần bạn bè rủ nhau ra đầm Trà Ổ ngắm trăng, đối đáp văn thơ, khi tới lượt thì tôi đáp bằng những câu Kiều với bà ấy. Lúc đó, chúng tôi nhìn nhau ngượng ngùng, từ lần đó tôi với bà ấy trở nên thân thiết, và nảy sinh tình cảm với nhau”.

Biết được điều đó nên khi Tiên sắp hoàn thành chương trình học thầy Mười Phán ướm lời gả cháu gái cho. Được chính thầy mình làm mai mối nên cậu Tiên báo cho cha mẹ mang lễ sang dạm hỏi và rước cháu gái của thầy về và có một mái ấm gia đình hạnh phúc bên người vợ xinh đẹp, vừa hiền lành lại vừa đảm đang cho đến nay.

Khi nhắc về mối tình đẹp này, cụ Thuôn cười vui: “Hồi đó, ổng cũng bình thường chứ không đẹp trai như những bạn bè trong lớp, nhưng mỗi lần nghe ổng ngâm Kiều là tôi chết mê chết mệt. Rồi từ đó, tôi đem lòng thương nhớ ổng và ổng cũng biết nên dần dần cả hai đến với nhau.

Ổng là người ở đầm nên ăn to nói lớn nhưng khi ngâm Kiều là giọng ngọt ngào đến lạ thường, cô gái nào khi nghe ổng ngâm cũng phải mê chứ không phải mình tôi”.

Địch tưởng cán bộ cấp cao 

Một thời gian ngắn sau khi nên vợ nên chồng, chàng trai Tiên lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc, chia tay gia đình để tham gia đoàn giải phóng quân, địa bàn hoạt động ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai.

Năm 1954, khi đang hoạt động ở vùng rừng núi tỉnh Gia Lai thì cụ Tiên bị quân địch bắt giam. Dù bị địch tra tấn dã man nhưng anh em đồng chí không hề nào núng và cam chịu mọi đòn roi của kẻ thù. 

Trong một đêm trăng, quân địch cho tù nhân ra hát hò văn nghệ, các tù nhân khác thay nhau hát hò, riêng cụ Tiên lại ngồi một mình ngâm Kiều. Nghe người tù ngâm Kiều, quân địch liền để ý và theo dõi. Sau lần đó, địch thường xuyên chú ý đến cụ Tiên.

Thấy cụ nhiều lần ngâm Kiều trong nhà tù cho mọi người nghe, địch liền bắt giam riêng vì cho rằng đây là cán bộ của quân giải phóng chứ không phải lính bình thường.

Đoạn cuối của Truyện Kiều là mục thứ 14 theo cách đặt tên của cụ Tiên.

Đoạn cuối của Truyện Kiều là mục thứ 14 theo cách đặt tên của cụ Tiên.

Sau khi phát hiện ra “cán bộ”, địch liền bắt cụ Tiên ra chụp hình rồi gửi cho cấp trên báo rằng đã bắt được “thường vụ huyện ủy” chờ đợi để lĩnh thưởng. Tuy nhiên, khi tra cứu hồ sơ, cán bộ cấp trên của địch phát hiện cụ Tiên không phải là cán bộ nên đem nhốt ở phòng nhì (phòng tình báo), đánh đập dã man rồi thả ra. 

Cụ Tiên kể: “Khi phát hiện tôi không phải là cán bộ, chúng lôi tôi ra nhốt ở phòng nhì rồi dùng roi sắt đánh mấy ngày. Bọn chúng bảo tôi khai ra nơi chỉ huy của quân giải phóng nhưng tôi không khai. Thấy không tìm được manh mối gì nên mấy ngày sau chúng nó thả tôi ra. Khi tôi ra tù, toàn thân thể bị bầm tím và đau nhức vì bị đánh, may thay có nhân dân địa phương cưu mang nên mới thoát chết”.

Ra khỏi nhà giam của địch, cụ Tiên trở về địa phương và hưởng ứng lời kêu gọi “diệt giặc đói, giặc dốt” của Bác Hồ nên tham gia dạy bình dân học vụ ở quê nhà. Học trò theo ông học ngày càng nhiều, trẻ con có, người trung niên có, người già có.

Ông Nguyễn Văn Mận (72 tuổi), một học trò của ông ngày ấy, cho biết: “Thầy Tiên không những dạy chữ mà còn dạy cách làm người, dạy đạo lý nhân gian, dạy con đường làm cách mạng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Học trò ngày ấy ai cũng yêu mến thầy. Chúng tôi học mà không hiểu điều gì là thầy giải đáp ngay”. 

Nói về khoảng thời gian dạy học của mình, cụ Tiên chia sẻ: “Đây là khoảng thời gian vui nhất của đời tôi, tôi đã thỏa được ước nguyện của mình là dạy học. Tôi vận dụng những gì hiểu biết từ đời sống cũng như trong văn chương mà giảng giải cho học trò. Lúc rảnh rỗi, tôi đem truyện Kiều ra bình, phân tích, học trò đứa nào cũng hào hứng chú ý lắng nghe. Cuộc đời như thế là vui lắm rồi”.

Tuổi già vui với Truyện Kiều

Ngồi trò chuyện, cụ Tiên kể chúng tôi nghe về một chuyện vui trong lần cán bộ tỉnh Bình Định về dự Lễ hội Đèo Nhông - Dương Liễu mùng 5 Tết Nguyên đán cách đây gần 10 năm. “Khi ấy có một cán bộ tỉnh ra vế đối “Núi Ông Nhạc, Truông Bà Đờn, Tây Sơn bừng nổi dậy” thì các bậc bô lão đến dự lễ không ai đối được. 

Chờ một lát không có ai đối nên tôi mới đối lại “Sông Cha Khúc, Quang Con Rắn, Trưng Vương chìm đắm đuối”, nghe tôi đối, cán bộ tỉnh trầm trồ khen hay. Sau lần đó, lâu lâu có mấy cán bộ huyện về thăm và nhờ tôi ngâm Kiều cho nghe”, cụ Tiên hào hứng cho biết.

Không chỉ thuộc Kiều, ngâm Kiều, đến nay tuy đôi tay cụ Tiên đã run run nhưng khi có thời gian cụ lại đem sổ ra chép lại Truyện Kiều và đặt thành 14 mục lần lượt là: Kiều đẹp, Kiều chơi xuân, Kiều gá duyên, Kiều mắc oan, Kiều bán mình, Kiều về Mã Giám Sinh, Kiều dựa Thúc Sinh, Kiều bị đánh, Kiều bị đuổi, Kiều ưng Bạc Hạnh, Kiều gặp Từ Hải, Kiều báo oán, Kiều bàn Từ Hải, Kiều về nhà. 

Bên cạnh đó, cụ Tiên còn làm thơ, đó là những bài thơ lục bát gần gũi với đời sống hàng ngày. Trong những dịp giỗ, Tết, khi con cháu về đông đủ là hàng đêm lại “bắt” cụ ngâm Kiều, đọc thơ cho nghe. Đó là thú vui tuổi già của cụ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vợ chồng cụ Tiên có 4 người con trai và 4 người con gái. Ngoài ra, “gia tài” tuổi già của vợ chồng cụ là 27 người cháu gọi bằng nội, ngoại và 48 đứa cháu cố. Hiện tại, đôi “trai tài gái sắc” một thời ở với nhau như hai vợ chồng son. Con cháu đều đi làm ăn xa, mỗi dịp Tết, giỗ mới về thăm hai cụ.

Trong suốt cuộc trò chuyện, cụ Tiên thủng thẳng lại chen vào ngâm Kiều cho chúng tôi nghe. Giờ đây, khi ở tuổi xưa nay hiếm nhưng vợ chồng cụ vẫn vui vẻ với những câu Kiều mà cụ ngâm. 

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.