Kỳ án hậu ly hôn: 5 năm lần lượt “lôi” con 9 tuổi ra tòa

Vợ chồng anh Tuấn, chị Trang tại tòa.
Vợ chồng anh Tuấn, chị Trang tại tòa.
(PLO) - Kết hôn với tình yêu đẹp, chị Trang đã hạ sinh cho anh Tuấn được một đứa con trai kháu khỉnh. Tuy nhiên, “hạnh phúc ngắn chẳng tày gang” khiến anh chị phải đưa nhau ra tòa với nhiều “biến cố” và thăng trầm của cuộc sống. 
Thay vì ngồi nói chuyện với nhau, hay cùng đưa cháu Nhật M. đi chơi để có được tình cảm của cả bố và mẹ, thì anh chị lại phí hoài thời gian để miệt mài “phân bại thắng thua” giành quyền nuôi con về mình.
"Tôi không ngờ lại phải gặp anh chị ở đây"
Một lần nữa phiên phân xử Hôn nhân và gia đình về việc yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn của gia đình bé Hoàng Nhật M. lại thành lập. 
Tại tòa, anh Hoàng Anh Tuấn (SN 1975) cho biết lần dự tòa này do anh kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm vì phiên tòa sơ thẩm "không được khách quan" khi để chị Vũ Minh Trang (SN 1984) được quyền nuôi con sau gần 9 năm anh chăm sóc, dạy dỗ.
Trao đổi trước giờ xử, anh Tuấn nhớ về tình yêu với chị Trang rồi lắc đầu bất ngờ thở dài: “Đúng là chuyện tình cảm, thật khó để biết trước được điều gì…”
Sinh ra trong môi trường gia đình cơ bản, nề nếp, anh là kỹ sư viễn thông, chị là giảng viên đại học. Từ hoàn cảnh đến điều kiện môn đăng hậu đối, anh chị đến với nhau và có với nhau một cậu con trai kháu khỉnh mang tên Hoàng Nhật M.
Tuy nhiên, chẳng ai có thể ngờ rằng một gia đình viên mãn, đủ đầy về vật chất lẫn tinh thần ấy lại tan vỡ.
Suốt 5 năm qua, không biết đã bao nhiêu lần anh chị đưa nhau ra tòa giải quyết vấn đề ly hôn và "hậu ly hôn" khiến nhiều người không khỏi lo lắng cho tâm lý con trẻ trong cuộc phân bua của cha mẹ mình.
Mở đầu phiên xử, vị chủ tọa thở dài: “Tôi không ngờ lại phải gặp anh chị ở đây. Anh nói “người lớn đang làm khổ con tôi”, làm tôi đã nghĩ vợ chồng anh sẽ có cách để xử lý để cân bằng lại cuộc sống cho đứa trẻ, vậy mà…”.
Nuôi con 9 năm, nay vợ cũ về đòi quyền
Tại tòa, HĐXX hỏi anh Tuấn về lý do kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Anh Tuấn bức xúc trình bày: “Tôi là người nuôi con gần 9 năm trời. Tôi nuôi nấng, dạy dỗ, chăm sóc con tôi từ khi được giao quyền nuôi con sau phiên xử đầu tiên. Vậy mà sau ngần ấy năm, chị Trang quay lại và đòi quyền đó cho mình.”
Dừng phần trình bày của anh Tuấn, chủ tọa hỏi chị Trang tại sao lúc đầu lại từ bỏ quyền nuôi con khi cháu Nhật Minh chưa đầy 3 tuổi mà bây giờ lại đòi quyền đó?.
Trả lời câu hỏi này, chị Trang trình bày lý do muốn được nuôi con vì sau khi ly hôn bị gia đình anh Tuấn ngăn cản nên chị không thăm gặp, chăm sóc và nuôi dưỡng cháu được. Đã rất nhiều lần hai bên không thỏa thuận được với nhau nên nhờ pháp luật giải quyết.
Tuy nhiên, anh Tuấn phản bác ý kiến này và cho rằng chính anh là người chủ động đưa ra những “kế hoạch” để tạo mọi điều kiện cho chị Trang thăm nom. Thậm chí, cả hai còn có cam kết cho chị Trang được đón con từ thứ 6 đến thứ 2 hàng tuần.
Viện dẫn điều này, anh Tuấn đã đưa cho HĐXX những cuộc nói chuyện giữa anh và chị Trang qua nhiều dòng tin nhắn.
Không đồng tình với anh Tuấn, chị Trang khẳng định khi chị tới trường đón con vào chiều thứ 6 thì từ bảo vệ đến cô giáo của cháu đều không đồng ý, bởi trước đó bố và ông nội đã dặn dò không được cho mẹ đón. 
Không những thế, chị còn đưa ra bằng chứng là chính anh Tuấn đã nhắn tin cho chị và tuyên bố rằng từ lúc nhận được tin nhắn đó cũng là lúc chị không được đụng chạm hay gặp gỡ Nhật M. dù chỉ là một phút...
Trái ngược với lời khai của chị, anh Tuấn lại khẳng định rằng anh vẫn cho chị thăm con thường xuyên theo quy định của pháp luật, nhưng bởi chị thường giữ con quá lâu, vi phạm thoả thuận về thời gian trả con khiến ảnh hưởng đến việc học hành của cháu nên anh quyết định không cho phép chị thăm nom nữa.
Phiên tòa trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết khi hai bên liên tục đưa ra những bằng chứng bảo vệ lý lẽ của mình và "vạch tội" đối phương. 
Năm lần bảy lượt chủ toạ phiên toà và thẩm phán phải gắt lên đề nghị anh chị cùng ông Hoàng Công Tứ (người đại diện pháp luật cho anh Tuấn, đồng thời cũng là ông nội của cháu Minh) bình tĩnh, nhưng có vẻ chẳng thể lấn át được những bức xúc của đôi bên, khiến phiên xét xử chốc chốc lại như buổi hoà giải, chốc chốc lại như buổi tuyên truyền, giáo dục…
Cuối cùng, chị Trang cho biết nguyện vọng được nuôi con là hiện tại anh Tuấn đã có vợ mới và có con riêng, gia đình lại hạnh phúc vui vầy. Còn chị vẫn độc thân, nhiều khi cảm thấy rất cô đơn, mong tòa chấp nhận cho chị được nuôi con để lòng đỡ hiu quạnh.
“Có ai nghĩ đến đứa bé hay không?”
“Anh nói có, chị bảo không, cứ thế này anh chị còn lôi nhau ra toà bao nhiêu lần nữa?” – câu hỏi chua chát của vị chủ toạ cũng là suy nghĩ trong đầu những người chứng kiến phiên xử đó.
“Từ ngày vào nghề đến nay, tôi chưa bao giờ phải 5 lần 7 lượt lên ngồi ghế chủ toạ chỉ để giải quyết một việc hết sức cỏn con là thăm con như thế này…", vị chủ tọa phiên xét xử lắc đầu.
Tại phần hòa giải, cả ba vị thẩm phán trong Hội đồng xét xử cho đến Kiểm sát viên đều hết lời khuyên nhủ, nhưng hai người từng “đầu gối tay ấp” phía dưới chẳng thể cùng đưa ra một phương án tốt nhất để cải thiện tình trạng mối quan hệ của mình. 
Thiết nghĩ, có đứa trẻ nào bất hạnh hơn cháu Nhật M. khi mới 2 tuổi đã phải sống thiếu mẹ mà lại thường xuyên phải chứng kiến và dung nạp vào đầu những suy nghĩ thiên lệch về mẹ khi ở bên cha và ngược lại?
HĐXX tiếp tục: "Ai thật, ai giả lúc này trong đầu anh chị biết, nhưng con trẻ thì không biết nói dối đâu. Chúng chỉ biết bố mẹ nó thôi, và chính bố mẹ nó sẽ khiến nó mất định hướng hay không, có thể nhận biết tốt xấu hay không mà thôi…”
Quả thật, không biết tâm hồn đứa trẻ 9 tuổi đang trộn lẫn những luồng xúc cảm gì, khi ngày qua ngày sống giữa những giằng xé của bố mẹ mình?...
“Có ai nghĩ đến đứa bé hay không?” – vị chủ toạ nghiêm mặt hỏi.
9 tuổi và ngót 5 năm trời, cậu bé Nhật M. dường như đã phải sống trong những mâu thuẫn ích kỷ nào đó của bố mẹ. Cháu đang phải "nhồi nhét" vào trí nhớ những điều không nên có. 
Sau này khi lớn lên và ý thức được mọi chuyện, con anh chị sẽ hận thù anh chị vì thời gian anh chị ra tòa còn nhiều hơn anh chị chăm sóc con. Cháu sẽ thấy hổ thẹn, xấu hổ và ngại ngùng trước bạn bè. Anh chị có nghĩ tới điều này không?”, những câu hỏi còn vang mãi sau phiên tòa.
Những câu hỏi đầy day dứt đó cũng xoáy sâu vào trăn trở những người dự thính. Nếu tình cảm với nhau thật sự đã hết, nhưng tình yêu dành cho đứa con chung còn nồng nàn thì đáng lẽ bậc làm cha làm mẹ phải nỗ lực chăm lo cho tâm hồn bé gấp đôi gấp ba lần so với những trẻ khác.
Nhưng tại phiên xử có lẽ sẽ trở thành một “kỳ án hậu ly hôn”, vì một lý do nào đó hai người trí thức lại làm rùm beng thái quá chuyện tréo ngoe mà đáng lý nên "đóng cửa bảo ban nhau". 
Tòa án chưa đủ, còn kéo công an, tổ dân phố, chi hội phụ nữ phường và cả trường học của đứa trẻ vào cuộc chỉ để... phân bua cái quyền mà họ cho rằng chỉ có họ mới là chính đáng - quyền thăm nuôi con.
Không biết rồi những mâu thuẫn giữa anh Tuấn và chị Trang có thể nào giải quyết hay những phiên tòa tranh cãi ngột ngạt đầy nước mắt lại kéo dài như “khẩn thiết” cuối cùng của Hội đồng xét xử: “Anh chị đừng giằng co, tranh chấp đứa trẻ nữa…”
Kết thúc phiên tòa, HĐXX cấp phúc thẩm đã bác đơn kháng cáo của anh Tuấn và giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm. 
Phía ngoài phòng xử, cơn gió đông đang lạnh lẽo kéo mưa phùn giăng giăng, ướt sũng khiến nhiều người tới dự tòa mang nhiều cảm xúc lẫn lộn sau khi tòa tuyên án…/.
(M.: Tên nhân vật đã được viết tắt)

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.