Kiện đòi được làm… hộ nghèo

Chị Thu và các con trong cái gọi là “nhà”
Chị Thu và các con trong cái gọi là “nhà”
(PLO) - Cuộc sống quá bĩ cực, nhưng lại bị 'đánh rớt' khi xét hộ nghèo, chị Nu phải gửi đơn kêu cứu để mong được làm rõ. 

Cả gia đình chị Lê Thị Nu (28 tuổi, ngụ tại Cống Quang, thôn 2, xã Vinh Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế) gồm 4 người sống chen chúc trong căn chòi tạm bợ bên phá Tam Giang. Vợ chồng chị không nhà cửa, không tài sản gì ngoài chiếc ghe nhỏ là phương tiện duy nhất để cả hai đêm đêm mưu sinh trên đầm phá. 

Cơ cực là vậy, nhưng khi thôn 2 đề nghị đưa chị vào diện hộ nghèo để được hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước, thì UBND xã lại “đánh rớt” và “chỉ” đưa hộ của chị vào diện cận nghèo. Ấm ức, người phụ nữ gửi đơn “kêu cứu” đến các cơ quan báo đài, mong được làm rõ.

Sống ở quê mà không mét đất cắm dùi

Con đường nhỏ ngoằn ngoèo vào xóm Cống Quang nằm chơ vơ bên phá, bao quanh là mênh mông sóng nước. Từng cơn gió hun hút quét vào, như muốn hất tung xuống phá những con người đang lưu thông chậm chạp trên đường làng. Những hạt mưa xối xả táp vào mặt, đau buốt. Chạy theo bóng chiếc xe của chị Nu làm “hoa tiêu” phía trước, cuối cùng chúng tôi cũng thở phào nhẹ nhõm vì đã đến được “nhà” của chị.

Nói là “nhà”, nhưng thực chất chỉ là chiếc mui ghe làm bằng tre, phủ lên tấm bạc nilong để che mưa nắng. Căn chòi nhỏ tạm bợ ấy, được dựng sơ sài trên mấy chiếc cọc tre bên mép sông. Ngồi trong “nhà”, nhưng gió lộng tứ phía như thể đang ngồi chơ vơ ngoài đồng trống. 

Bốn con người, hai lớn hai bé co ro chen chúc trên tấm sàn lót bằng tre, rộng chỉ vài mét vuông. Giữa tiếng chuyện trò là âm thanh của sóng va đập vào bờ từng hồi của một ngày gió động, xen kẽ trong tiếng giật liền hồi của lớp ni lông che chắn quanh chòi khi những cơn gió ghé qua.

Chị Nu kể, hai vợ chồng anh chị cưới nhau được gần 10 năm. Nhà chồng nghèo, lại đông con. Không thể sống chen chúc trong căn nhà nhỏ của cha mẹ mãi, đôi vợ chồng trẻ xin ra ở riêng. Không có đất, vợ chồng chị Nu đành dựng tạm căn chòi nhỏ bên mép sông, sống tạm bợ qua ngày. Mỗi mùa lũ về, nhà lại bị cuốn mất, họ lại hì hụi dựng căn khác. 

Cứ thế, gần mười năm qua, anh chị đã trên dưới 4 lần dựng lại cái chòi nhỏ để có chỗ chui ra chui vào. Lúc họ dựng ở nơi này, khi lại dựng ở nơi khác. Cũng có khi bí bách, họ lại kéo nhau sang ở ké nhà cha mẹ chồng, lúc lại kéo về nhà cha mẹ đẻ, có khi lại lênh đênh sống tạm bợ trên chiếc đò nhỏ của cha mẹ chồng.

Sống ở quê, nhưng anh chị chẳng có một mét đất “cắm dùi”, chứ đừng nói có ruộng đồng để canh tác. Từ đời cha mẹ, đến thời của anh chị, đều lênh đênh trên sóng nước, bắt con tôm con cá trên đầm phá sinh nhai. Làm quần quật ngoài phá, từ chiều hôm trước cho đến sáng hôm sau, vợ chồng chị chỉ kiếm chừng trăm nghìn. Những ngày mưa gió, chẳng thể dong ghe ra phá làm nghề, vợ chồng đành ngồi chèo queo trong chòi, nhìn mưa gió lạnh lẽo mà nóng ruột nóng gan. 

Ở vùng đầm phá này, chẳng có việc gì để vợ chồng làm thêm, nên họ cứ mải miết gắn đời mình vào sóng nước. Mùa nắng làm được con cá con tôm, thì ăn uống dè xẻn, để dành phần lúc mưa gió.

“Đứa con lớn của em năm nay học lớp ba, đứa con nhỏ đang học mẫu giáo. 5h chiều là vợ chồng em lên ghe ra phá bỏ chài bỏ lưới. Không thể bỏ lại hai con ở nhà một mình trong đêm, nên em đưa chúng lên nhà ông bà ngoại ở nhờ, cũng tiện cho các con đi học (ở khu tái định cư phường Phú Hậu)”, chị Nu chia sẻ.

“Nhà” chị Thu nhìn từ phía xa

“Nhà” chị Thu nhìn từ phía xa

“Nghèo không có giậu mồng tơi để rớt”

Căn chòi nhỏ xác xơ, nằm chơ vơ bên mép nước giữa mịt mờ mưa giăng, khiến ai nhìn vào cũng cám cảnh. Người phụ nữ chia sẻ, những đêm mưa gió, nằm ngủ trong chòi, nghe gió giật thon thót, dẫu ở đã lâu, đã quen, nhưng vẫn không cách gì ngủ được.

Trời mưa đã khổ, trời nắng còn cực hơn. Những ngày nắng nóng, căn chòi như một chiếc lò nung. Chỉ mới 8 – 9h sáng, cả nhà đã phải di tản sang nhà hàng xóm ngồi ké đến tận 4 – 5h chiều mới dám mò về.

Trời lạnh cắt da, hai đứa trẻ trong bộ áo quần phong phanh, ngồi co ro trong căn chòi. Giọng chị Nu buồn buồn: “Hôm nay trường tổ chức đi trại, nhưng không có tiền đóng nên em đành cho thằng bé ở nhà”. Đứa con gái đi học mẫu giáo, mới được nửa tháng cũng bị mẹ cho ở nhà, vì không kiếm đâu ra tiền để đóng tiền ăn cho con. Mặc kệ cô giáo liên tục gọi điện về nhà, khuyến khích chị cho con trở lại lớp.

Gửi con bên ngoại, cách nhà đến năm, bảy chục cây số, nên mỗi tháng chỉ đôi ba lần, chị mới đón con về. “Tụi em không có xe máy, nên mỗi lần đưa đón con, đều phải mượn xe của hàng xóm. Cũng may người ở đây tốt bụng, chứ không chẳng biết phải đi lại làm răng”, người phụ nữ cho hay. 

Nghèo khó là vậy, nên khi được thôn xem xét đưa vào diện hộ nghèo, vợ chồng chị Nu rất mừng, vì sẽ được hưởng bảo hiểm y tế và nhiều chính sách xã hội khác. Tuy nhiên, khi danh sách ở xã đưa về, gia đình chị chỉ được đưa vào dạng hộ cận nghèo.

“Những gia đình khác có nhà cửa đàng hoàng, có đất có ruộng, có xe cộ, có dàn karaoke, … nhưng vẫn là hộ cận nghèo. Gia đình tui chẳng có thứ chi, nhà cửa, xe cộ, đất đai đều không có. Người ta thường bảo “nghèo rớt mồng tơi”, chứ nhà tui nghèo đến độ, làm chi có nổi cái giàn mồng tơi để rớt, thì làm sao lại đứng ngang với những hộ cận nghèo kia được”, chồng chị Nu tỏ ra bức xúc.

Người phụ nữ chia sẻ: “Ai cũng phải tự lực cánh sinh để làm ăn. Chứ chẳng phải ngồi không rồi dựa dẫm vào nhà nước. Nhưng vì mình còn cực quá, chỉ mong được nhà nước quan tâm, để tạo  bước đệm. Nếu hộ nghèo, may ra mình còn có cơ hội để mua được đất rẻ theo chính sách của nhà nước. Chứ không cả đời này phấn đấu, vợ chồng mình chẳng mua nổi miếng đất. Không có nhà cửa, phải sống nay đây mai đó, khó mà an cư lạc nghiệp được”.

Vì sao không được là hộ nghèo?

Thấy hoàn cảnh gia đình chị Nu quá cơ cực, nên ông Lê Mạnh – cụm trưởng cụm dân cư Cống Quang đã lập danh sách, đưa hộ chị Nu cùng 3 hộ nữa vào diện hộ nghèo, rồi gửi lên trưởng thôn 2. 

Theo ông Trần Bảy – trưởng thôn 2, ông cũng nhất trí với danh sách này, nên gửi lên UBND xã. Sau đó ban điều tra rà soát hộ nghèo xã kết hợp với trưởng thôn tổ chức họp dân để rà soát lần cuối. Buổi họp có nhiều ý kiến phân tích, đề nghị, và nhất trí đưa hộ chị Nu vào diện cận nghèo. 

Tại buổi rà soát cuối cùng, trưởng thôn đã thông báo cho người dân trong thôn đến họp. Riêng cụm dân cư Cống Quang vì cách trở địa hình nên trưởng thôn chỉ gọi điện cho cụm trưởng yêu cầu thông báo cho 26 hộ dân trong cụm đến họp. Thời điểm đó, ông Mạnh đang ở Lào, không thông báo được. Vì vậy vợ chồng chị Nu không có mặt trong buổi họp cuối cùng định đoạt “số phận” của hộ gia đình mình.

Theo ông La Đình Tân – Chủ tịch UBND xã Vinh Hà xã cho biết: trong việc rà soát hộ nghèo, Ban rà soát luôn luôn thực hiện đúng quy trình, căn cứ theo đúng các quy định của pháp luật. “Vợ chồng chị Nu tuy cưới nhau 10 năm, nhưng chỉ mới đăng ký kết hôn cách đây 3 năm. Do đó, theo luật hôn nhân và gia đình, thời gian trước đó hai người chỉ là chung sống với nhau như vợ chồng, chứ không phải vợ chồng”. 

“Tháng 7/2014, sau khi đăng ký kết hôn, vợ chồng chị Nu làm đơn lên xã, xin được tách hộ. Theo luật cư trú, nếu không có nhà cửa, sẽ không được tách hộ. Cha mẹ chồng chị Nu cam kết vợ chồng con trai và con dâu sẽ ở chung trong nhà sau khi được tách hộ; Để hỗ trợ cho người dân thuận tiện trong các thủ tục hành chính, nên cơ quan chức năng đã đồng ý cho tách. Tuy nhiên, trong quá trình sống chung, không hiểu vì lý do gì, mà vợ chồng chị Nu lại ra cắm chòi ở riêng”, ông Tân cho biết.

Ông Trần Hữu Đạo – Phó chủ tịch xã, Trưởng Ban rà soát hộ nghèo cho hay: “Khi làm chính sách, chúng tôi cân nhắc rất kỹ. Tránh tình trạng người dân “lách luật”, không phụng dưỡng cha mẹ già như đạo lý và quy định của pháp luật, tách hộ riêng cho cha mẹ, để cha mẹ “chơ vơ” và “được” xếp vào diện hộ nghèo nhằm hưởng chính sách. Hoặc người dân cố tình khai mức thu nhập “hẹp” lại”. 

“Trường hợp gia đình chị Nu, lúc tách hộ đã có cam kết ở chung trong nhà cha mẹ. Nên tại buổi rà soát cuối cùng, nhiều ý kiến cho rằng, trường hợp vợ chồng ông Nguyễn Đa (cha mẹ chồng chị Nu) trước đây là hộ cận nghèo, nay ông bà lớn tuổi, hay đau ốm, bệnh tật, mất sức lao động nên xét đưa vào hộ nghèo để được hưởng các chính sách an sinh xã hội. Còn vợ chồng người con trai còn trẻ, còn khỏe, lại mới ra riêng, dù có khó khăn nhưng cũng cần thời gian phấn đấu nên địa phương chỉ xét đưa vào hộ chị Nu vào diện cận nghèo”.

Tuy nhiên, sau khi nghe báo XLPL phản ánh vụ việc, lãnh đạo chính quyền địa phương và đại diện Ban rà soát hộ nghèo xã đã đến tận cụm dân cư nơi gia đình chị Nu đang cắm chòi để tìm hiểu. Theo ông La Đình Tân nhận định, với hoàn cảnh sống trên chòi như hiện nay, hộ chị Nu quả thực rất khó khăn. Do đó, Ban rà soát hộ nghèo xã sẽ xét bổ sung để trình UBND huyện phê duyệt.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.