Khủng hoảng ấu dâm: Đừng để nạn nhân đau thêm ngàn lần nữa

(PLO) -Thời gian qua, hầu hết trên các trang báo mạng và ngập tràn trên facebook là những bài và đường link về ấu dâm. Chưa bao giờ lại có làn sóng phản đối dữ dội như thời điểm này kể từ sau cơn dư chấn “Minh Béo”…

“Sống không bằng chết”

TS Vũ Thu Hương, giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học sư phạm (ĐHSP) Hà Nội, cho biết, gần 10 năm qua, chị đã từng phải lắng nghe và đau đớn chứng kiến những giọt nước mặt của các mẹ có con bị xâm hại từ những người xung quanh, thân thiết. Đó là tiếng hét hoảng loạn khi chị đến thăm một em bé vừa bị xâm hại cách đó chưa lâu. Đó là những giọt nước mắt đau đớn, những lời nói uất nghẹn của các bà mẹ kể về tuổi thơ bị xâm hại của mình.

Với một đứa trẻ bị xâm hại, giờ phút kinh hoàng chống trả yếu ớt lại hành vi của những kẻ đang coi mình là một thứ trò chơi, cảm giác thật khủng khiếp. Các con cảm thấy nỗi sợ hãi tột cùng, cảm giác sống không bằng chết khi cơ thể mình bị phơi bày ra đến tận cùng. Nỗi đau đớn đến từ những bộ phận nhạy cảm nhất, kín đáo nhất, bí ẩn nhất khiến nỗi khiếp sợ nhân lên gấp bội.

Đã có những em bé không thể phục hồi được tâm trí sau những vụ xâm hại tình dục. Đã có những em bé bị cắt đi toàn bộ phần phụ sau khi kẻ thủ ác đạt được điều hắn mong muốn. Với những em bé này, cuộc sống chấm dứt ngay từ khi vừa bắt đầu. Một đứa trẻ lành lặn, xinh đẹp, khỏe mạnh bỗng chốc trở thành tật nguyền về cả tầm hồn lẫn thể xác. Nỗi đau đớn đó con sẽ mãi mãi mang theo cho đến tận khi chết.

 Và những ngày này, rất nhiều người lên tiếng về những kí ức kinh hoàng thời thơ ấu. Một thiếu nữ Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội tâm sự, cô từng bị chú họ xâm hại năm 6 tuổi. Người này hơn cô 20 tuổi, sự việc đến bây giờ vẫn không ai biết, kể cả cha mẹ cô. Nhiều năm trôi qua, đây mãi là nỗi ám ảnh, khiến cô bị trầm cảm. Nữ sinh này không dám lên tiếng tố cáo sự thật. Cô lo sợ mọi người biết được sẽ xa lánh và khinh bỉ mình.

Cô nhớ lại ngày kinh hoàng đó, cô đang chơi trốn tìm cùng bạn thì bị chú họ bịt miệng kéo đi. Trở về nhà, mẹ thấy quần áo rách, người trầy xước liền cầm ngay roi đánh tới tấp vào cô. Thiếu nữ đã ốm và nghỉ học mất một tuần do sợ hãi. Từ đó, cô không còn ra ngoài chơi với bạn bè, cả ngày chỉ trốn trong phòng. Nửa đêm ngủ, nhiều lần cô bật dậy khóc nức nở vì sợ hãi. Ngày ấy nhà còn quá nghèo, cha mẹ không biết về câu chuyện, cho rằng con gái là đứa lầm lì, ít nói. 

Sau 18 năm, nữ sinh vẫn bị ám ảnh bởi những ký ức kinh hoàng ngày nào. Cô sợ bị động chạm vào cơ thể, sợ đến chỗ đông người, sợ tất cả cử chỉ yêu thương. Nhân vật cho biết cô từng có một mối tình đẹp, song không thể chịu được mỗi khi bạn trai nắm tay, ôm ấp.

Những ký ức năm nào khiến cô sợ hãi, lảng tránh tình yêu. Lần cuối cùng, chàng trai hôn, chạm tay vào eo đã bị cô tát liên tiếp vào mặt, bảo là “đồ biến thái”. Mối tình đầu kết thúc, cô bị mặc định như một người điên. Cô đau khổ nghĩ đó là căn bệnh không biết phải đối mặt thế nào và luôn dằn vặt bản thân. 

Chị Trang (ở Thạch Thất, Hà Nội) cũng phải đối mặt với ấu dâm và đang đấu tranh từng ngày từng giờ suốt hai năm nay để bảo vệ con gái mình. Cuối năm 2015, con gái tròn 7 tuổi. Lợi dụng lúc cha mẹ vắng nhà, một người hàng xóm đã xâm hại bé gái.

 “Khi tôi về đến nhà, cháu có những biểu hiện lạ, không muốn ăn và lên lầu 2 ngồi một mình. Một lúc sau, con gái thủ thỉ nói với tôi chuyện xảy ra buổi sáng. Cháu bắt tôi phải hứa câu chuyện chỉ hai mẹ con biết, không được nói với bố. Cháu sợ bố đánh chết”, chị Trang kể lại trong đau đớn. Chị cố tỏ ra bình tĩnh để nghe con gái 7 tuổi kể những hành vi mà người hàng xóm làm với cháu. Người mẹ vừa khóc vừa tới gặp công an huyện Thạch Thất để tố cáo.

Nghi phạm bị triệu tập, rồi được thả trong ngày hôm đó. “Sau 2 năm, họ vẫn chưa trả lời chúng tôi về kết quả giám định. Họ chỉ bắt chúng tôi chờ, còn gã hàng xóm đã hại đời con gái tôi vẫn sống nhởn nhơ”, chị Trang bức xúc.

Mức phạt… làm khó

Hiện nay ở nước ta có khoảng hơn 10 cơ quan bảo vệ quyền trẻ em. Câu hỏi đặt ra là tại sao sự việc lại luôn  rơi vào im lặng? Theo luật sư Lê Văn Luân (người tham gia bào chữa cho gia đình cháu bé 8 tuổi bị xâm hại tình dục ở Hoàng Mai - Hà Nội) cho hay, rất nhiều vụ án xâm hại tình dục ở trẻ em đến giờ vẫn chưa được phanh phui, giải quyết.

Ở các nước khác trên thế giới, họ phân hóa hành vi rất rõ ràng. Chỉ cần có sự dụ dỗ, gạ gẫm xem phim sex, hoặc động chạm vào các bộ phận nhạy cảm của người khác mà không được phép đã cấu thành tội. Thế nhưng ở Việt Nam, chúng ta lại chưa làm được điều này.

Trong nhiều vụ án, các cơ quan chức năng yêu cầu phải có chứng cứ vật chất trên thân thể nạn nhân bị xâm hại: “Đây là một điều khá vô lý, bởi đối với các vụ dâm ô mà kẻ gây án chỉ tiếp xúc với bộ phận sinh dục của nạn nhân thì làm sao để lại dấu vết? Hoặc nếu gia đình nạn nhân phát hiện muộn cũng khó thu thập chứng cứ”, luật sư Luân nêu vấn đề.

Có một thực tế là hiện nay giáo dục luật pháp ở trong trường học hầu như chỉ dừng lại ở Luật Giao thông còn những luật như: Luật Nhân thân, quyền danh dự nhân phẩm… cần để học sinh có thể tự bảo vệ lại không có.

Thêm nữa, Bộ luật Hình sự về tội “Dâm ô với trẻ em” đang áp dụng mức xử phạt chung, chưa ngăn ngừa được từ xa đối với loại tội phạm này. Ông lý giải, Bộ luật Hình sự hiện nay quy định hành vi dâm ô phải là hành vi xâm hại trực tiếp thì mới cấu thành tội phạm. Theo luật sư Luân, trẻ em thuộc nhóm nguy cơ cao về xâm hại tình dục. Các vụ xâm hại trẻ em gây hậu quả nghiêm trọng đối với nạn nhân, ảnh hưởng tâm lý về lâu dài.

Đừng im lặng, hãy lên tiếng. Ảnh minh họa
Đừng im lặng, hãy lên tiếng. Ảnh minh họa

Và đau… ngược

Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, mỗi năm trung bình cả nước có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại được báo cáo, trong đó có hơn 1.200 trẻ em bị xâm hại tình dục (chiếm hơn 60% số vụ xâm hại trẻ em).

Tuy nhiên, bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội cho rằng, số nạn nhân trẻ em bị xâm hại tình dục hàng năm chắc chắn còn cao hơn con số 1.000 nạn nhân mà chúng ta công bố, bởi người Việt Nam vẫn luôn e dè khi nói về về vấn đề tình dục, liên quan đến hiếp dâm, dâm ô trẻ em lại càng ít được nói đến.

Nguyên nhân sâu xa của sự im lặng là do văn hóa. Văn hóa của chúng ta ngại nói đến vấn đề tình dục, ngại nói đến việc liên quan đến hiếp dâm, cưỡng dâm, xâm hại… Ngoài ra chúng ta còn có văn hóa đổ lỗi, khi có chuyện xâm hại, hiếp dâm xảy ra, người ta luôn đổ lỗi cho người phụ nữ, nào là do phụ nữ ăn mặc gợi cảm, nào là phụ nữ ra đường vào buổi tối… 

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng bày tỏ:“Tôi rất bức xúc khi tại sao chúng ta đòi hỏi người con gái phải nguyên vẹn trinh tiết khi về nhà chồng nhưng lại im lặng trước những vụ xâm hại tình dục này. Nhiều gia đình dù phát hiện ra sự việc nhưng lại chọn cách im lặng. Họ im lặng vì lo sợ con em mình mất hết tương lai, họ lo sợ bị xã hội kỳ thị.

Rồi cộng đồng, xã hội cũng im lặng trong việc lên án những kẻ xấu gây ra hành vi tội ác. Chúng ta phải đợi đến bao giờ? Xâm hại tình dục là tội ác nhục nhã nhất, đáng hổ thẹn nhất mà chúng ta cần phải lên án và phản đối. Nếu chúng ta còn im lặng thì sẽ còn có thêm nhiều em bé phải chịu đựng nỗi đau đớn về thể xác và sự giày vò về tinh thần”.

Khi đưa tin về những vụ xâm hại tình dục trẻ em, báo chí thường gọi thủ phạm là những kẻ bệnh hoạn. Điều này khiến mọi người nghĩ rằng chỉ những kẻ không bình thường, biến thái, mắc bệnh (tâm thần) mới có những hành vi khốn nạn đó.

Tiếc thay, hầu hết những con “yêu râu xanh” đó hoàn toàn bình thường về mặt trí tuệ, sức khỏe tâm thần... Chúng là công chức, cán bộ, thậm chí có chức vụ cao, là trí thức, là doanh nhân ... Khi bị phát hiện chúng còn được đánh giá là người “tốt”, “hiền lành”, “ hay giúp đỡ người khác”...

Nhưng tại sao những kẻ đó lại đang tâm hãm hại các cháu bé, thậm chí cả con đẻ, cháu ruột, hay học trò của mình...? Có phải vì các cháu có lỗi vì dễ thương quá, xinh xắn quá, ngây thơ quá và bất lực quá? Tại sao các vụ xâm hại tình dục ngày càng gia tăng, vụ sau nghiêm trọng hơn vụ trước? Tại sao những kẻ khốn nạn đó vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, thách thức dư luận xã hội? 

Đồng quan điểm, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc bảo vệ trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho rằng, ở một số quốc gia khác, những kẻ tội phạm xâm hại trẻ em kể cả sau khi ra tù, trở về cộng đồng vẫn bị lên án, tẩy chay. Việt Nam thì ngược lại, nạn nhân lại chính là người bị “kỳ thị”, trong khi kẻ gây tội vẫn nhởn nhơ.

Bà Nguyễn Hoàng Ánh, Giảng viên Đại học Ngoại thương chia sẻ câu chuyện khiến nhiều người “kinh ngạc”. Bà kể khi bà viết bài đăng trên facebook bày tỏ sự phẫn nộ của mình đối với tội ác xâm hại tình dục trẻ em, bà nhận được nhiều lời ủng hộ, chia sẻ. Tuy nhiên, điều khiến bà đi từ kinh ngạc đến tức giận là bà đã nhận được nhiều phản biện “kinh hãi” trách móc người mẹ có con bị xâm hại. Thậm chí có người còn viện dẫn các nghiên cứu để chứng minh rằng: Việt Nam có truyền thống chấp nhận ấu dâm???

Trước thực tế nạn nhân bị xâm hại, lạm dụng tình dục thường im lặng, Thạc sĩ Hà Minh Loan, chuyên gia tâm lý về gia đình cho rằng, chúng ta lên tiếng đòi công bằng, nhưng thế nào là công bằng cho người bị hại? Lên tiếng là cần thiết để ngăn chặn tội ác tuy nhiên Thạc sĩ Hà Minh Loan cũng mong muốn có chương trình hỗ trợ cho người bị hại để đảm bảo rằng sau khi họ lên tiếng, cuộc sống của họ vẫn tốt đẹp và có tương lai thì sự lên tiếng ấy sẽ mạnh mẽ hơn.n

 Ngày 14/2/2017, một cháu bé lớp 1 tại một trường tiểu học ở Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) đã được gia đình cho rằng bị xâm hại tình dục. Theo lời cháu bé, cháu bị xâm hại tại trường. Khi gia đình đưa con đi khám thì bệnh viện đã khẳng định cháu bị xâm hại tình dục. Tuy nhiên, nhà trường lại cho rằng “cháu té ngã”. 

Tháng 1/2017, chị Nguyễn T. L (Hoàng Mai) đã làm đơn tố giác Cao Mạnh H (SN 1983, quê Thái Bình, tạm trú tại quận Hoàng Mai) có hành vi xâm hại tình dục với con gái 8 tuổi nhiều lần. Hai tháng trôi qua, gia đình đã tố cáo với cơ quan pháp luật nhưng kẻ nghi phạm vẫn không bị xử lý.

Cuối tháng 6/2016, chị T.T.T (37 tuổi, sống tại một chung cư thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) được con là cháu N. kể nhiều lần bị một người sống cùng chung cư đưa ra góc cầu thang xâm hại tình dục.

Và mới đây nhất, theo thông tin từ UBND xã Minh Đài (Tân Sơn, Phú Thọ), khoảng  20h ngày 13/3, tại xóm Tân Trào, cháu H. (4 tuổi, ở xã Minh Đài) cùng mẹ đi xem đánh bóng chuyền ở nhà văn hóa xóm. Trong lúc đang xem bóng chuyền, cháu H. bị ông T. (khoảng 50 tuổi, trú cùng xã) dẫn ra sau nhà văn hóa, nơi ít người qua lại rồi giở trò đồi bại. Vụ việc bị người dân phát hiện thông báo cho cơ quan chức năng.

Lãnh đạo UBND xã Minh Đài cũng cho biết, ở địa phương, ông T. có biểu hiện bất thường về tâm lý. Hiện cháu H. đã được đưa lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ để kiểm tra sức khỏe và giám định vùng kín. Vụ việc đang được tiếp tục điều tra, làm rõ.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.