"Hàng chục năm rồi, thành phố vẫn thiếu sân chơi cho trẻ em"

“Hà Bá” có thể “nuốt” trẻ em bất cứ lúc nào khi các em không có sân chơi
“Hà Bá” có thể “nuốt” trẻ em bất cứ lúc nào khi các em không có sân chơi
(PLO) - Hình ảnh những đứa trẻ túm năm tụm ba ở vỉa hè chơi ô ăn quan hay chạy loăng quăng dưới lòng đường đá cầu, đá bóng… tưởng chừng chỉ xuất hiện ở các thành phố lớn cách đây vài chục năm, nhưng thật buồn khi nó vẫn hiện hữu đó đây trên những con đường, góc phố, tại những khu đô thị lớn. Trẻ em thành thị vẫn chưa có nơi vui chơi, giải trí lành mạnh, bổ ích cho mình.
Thiếu chỗ chơi… vô vàn hệ lụy
Toàn quốc nói chung, Hà Nội nói riêng đang rất thiếu các sân chơi, khu vui chơi giải trí cho mọi người, đặc biệt là trẻ em. Tình trạng này diễn ra và kéo dài hàng mấy chục năm nay nhưng vẫn chưa được cải thiện. 
Trước đây, Hà Nội đã có quy hoạch xây dựng các khu vui chơi cho trẻ em, xã, phường nào cũng sẽ có những khu vui chơi phục vụ trẻ em. Nhưng, công viên, rạp chiếu phim, thư viện, nhà sách, khu vui chơi dành cho trẻ em đâu chẳng thấy, thay vào đó là quán bia hơi, nhà hàng, quán karaoke, bãi giữ xe… mọc lên như nấm. 
Việc xây dựng các điểm ăn chơi, chủ yếu phục vụ người lớn và vì các mục đích khác đó đã vô tình đẩy các em bé đến gần hơn các tụ điểm phức tạp như quán internet, điểm chơi game... Hậu quả là bạo lực học đường, lạm dụng lao động trẻ em, hiếp dâm trẻ em… xảy ra “như cơm bữa”. 
Bên cạnh đó phải kể đến sự gia tăng các tai nạn thương tích, nhất là vào các dịp hè. Vì không có sân chơi an toàn, các em bé xuống lòng đường đá cầu, trượt patanh, chạy ra ao, sông, hồ tắm và chết đuối, rồi bị tai nạn giao thông. Không khỏi xót xa khi các cơ quan hữu trách cho biết: Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ trẻ em bị chết vì tai nạn thương tích nhiều nhất khu vực Đông Nam Á. 
Còn Hà Nội là một trong ba tỉnh, thành có tỷ lệ trẻ em chết đuối cao nhất toàn quốc (gồm Hà Nội, Thanh Hóa và Nghệ An). Đây cũng là địa phương 03 năm liền đứng hàng đầu về số trẻ em bị đuối nước…
Một chuyên gia nhiều năm làm việc trong lĩnh vực trẻ em không khỏi đau lòng khi cho biết, vì không có thời gian quản lý con cái, nhiều gia đình giàu có còn sắm điện thoại “xịn”, nhiều chức năng cho con sử dụng, cho con chơi máy tính suốt ngày đêm, để rồi vô tình đẩy chúng vào các trò game “đen”, bạo lực… Đến lúc hiểu ra thì “đứa vi phạm pháp luật, thằng phải vào bệnh viện tâm thần điều trị”…
Biết, nhưng… mặc kệ?
Theo bác sỹ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động Thương bình và Xã hội, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Phát triển Cộng đồng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng nguyên nhân chính vẫn là nhận thức của các cấp lãnh đạo về vấn đề này. 
Cụ thể, theo ông An, họ vẫn chưa thực sự nhận thức được tầm quan trọng của các khu vui chơi đối với trẻ em. Từ việc không nhận thức được dẫn đến việc không thực hiện đúng các quy hoạch, công trình mà các kiến trúc sư đưa ra. 
Cũng vì nhận thức thiển cận đó, họ cho rằng các khu vui chơi giải trí được thay thế bằng các điểm vui chơi khác (nhà hàng, quán bia, quán karaoke…) sẽ sinh ra vàng, ra các nguồn lợi khác… Còn các khu vui chơi cho trẻ em thì không giúp ích gì cả. Nhận thức sai lầm đó đã ảnh hưởng đến cả một thế hệ trẻ em của Hà Nội nói riêng và thế hệ trẻ em Việt Nam nói chung. 
Cũng theo nhận xét của bác sỹ Nguyễn Trọng An, vấn đề thiếu sân chơi cho trẻ em là vấn đề không mới, đã được đặt ra hàng chục năm nay rồi nhưng vẫn chưa giải quyết được, một nguyên nhân phải kể đến là việc thực thi các quy định này. Thực trạng, khuyến nghị thì có rất nhiều, nhưng thực tế tiếng nói của các nhà khoa học vẫn chưa đến được với các nhà lãnh đạo, quản lý nhà nước về lĩnh vực này. 
Theo ông An, đã từng học tập, làm việc ở nước ngoài và tham quan nhiều mô hình đô thị ở các quốc gia tiên tiến, nhưng ông “chưa từng thấy có một Thủ đô nào mà các bệnh viện lớn, khu vui chơi lớn, trường học lớn, siêu thị lớn lại nằm hết ở giữa Thủ đô như ở Việt Nam, mà chúng thường nằm ở các vùng ven hoặc ngoại ô để tránh sự ùn tắc, nguy cơ tai nạn giao thông, các nguy hiểm khác…”. 
Muốn “sửa sai”, theo ông An, chúng ta phải cải tiến, phải xây dựng mới. Để làm được điều này, phải nhìn vào các nhà xây dựng, các kiến trúc sư, đặc biệt các bản thiết kế có quy mô, tầm cỡ đó phải được các nhà lãnh đạo, quản lý lĩnh vực này biết tới. 
Tuy nhiên, ông An cho rằng: “Có một thực trạng đáng buồn hiện nay là chúng ta biết mà không dám nói, biết cũng chỉ để đấy vì người ta không biết đến các quyền này, cũng như không có người đứng ra bảo vệ mình”. 
Thực tế làm công tác quản lý và bảo vệ trẻ em nhiều năm nay, bác sỹ Hoàng Trọng An cho hay, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 03 (năm 2000) quy định: Tất cả các địa phương khi xây dựng các khu đô thị đều phải dành quỹ đất để xây dựng các khu vui chơi giải trí. Nhưng từ đó đến nay không địa phương nào thực hiện, cũng không có vị lãnh đạo tỉnh, thành nào bị xử lý về việc này. 
Bằng chứng là, năm 2008 Quốc hội đã phối hợp với một số địa phương đi kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này ở 11 tỉnh, thành, kết quả cho thấy các chính sách đều đã có nhưng không được các địa phương thực hiện. 
“Nếu chúng ta đã có quy hoạch, chỉ đạo, Chỉ thị thì chúng ta phải thực hiện đúng, nếu không thực hiện thì phải chịu xử lý một cách nghiêm minh. Tuy nhiên, hiện chúng ta không thực hiện nhưng cũng không bị xử lý gì, không có chế tài xử lý. Điều đó cho thấy, bên cạnh sự nhận thức chưa đầy đủ là hiện tượng “nhờn” pháp luật!” – ông An bức xúc khẳng định. 
Chơi bóng trên đường phố rất dễ gặp tai nạn gây thương tích cho trẻ
Chơi bóng trên đường phố rất dễ gặp tai nạn gây thương tích cho trẻ
Phải sửa, trước khi đã quá muộn!
Cũng chính vì tất cả công trình lớn đều tập trung ở Thủ đô cho nên khi thi cử, các gia đình nô nức đưa con em về Hà Nội dự thi; dân cư các khu đô thị xung quanh đổ về Thủ đô làm ăn, sinh sống; người bệnh thì ùn ùn đổ về đây khám chữa bệnh… Để rồi, có những trường hợp bệnh nhân chết ngay trên xe cứu thương khi xe cấp cứu chỉ cách cổng bệnh viện có mấy trăm mét; không ít sản phụ sinh con ngay trên xe taxi vì tắc đường không kịp vào bệnh viện… 
Nguyên nhân, sai lầm chính ở đây chính là chính sách. Vì thế, tại một hội thảo bàn giải pháp khắc phục tình trạng này vừa được tổ chức ở Hà  Nội, các nhà quy hoạch, kiến trúc cũng như các chuyên gia và nhà hoạch định chính sách về trẻ em đều cho rằng, vấn đề cốt lõi ở đây là làm thế nào để điều chỉnh các chính sách này.
Thứ nhất, các nhà lãnh đạo địa phương phải chấp hành nghiêm túc chỉ đạo, quyết định của Nhà nước, Chính phủ về vấn đề quy hoạch, dành quỹ đất xây dựng khu vui chơi giải trí cho trẻ em... 
Thứ hai, phải có một tầm nhìn rộng hơn về vấn đề này, phải coi sự đầu tư vào khu vui chơi giải trí cho trẻ em là sự đầu tư cho tương lai, cho sự phát triển toàn diện của trẻ em. Bởi có đầu tư toàn diện, các em mới phát triển và trở thành những công dân có ích cho đất nước sau này.
Với mong muốn có một kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; đặc  biệt là kêu gọi cộng đồng, xã hội chung tay bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em,  Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2015 với chủ đề “Lắng nghe trẻ em nói”. 
Cụ thể, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với UBND tỉnh Hải Dương tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2015 vào ngày 29/5. Ngoài ra, tại các địa phương cũng sẽ tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2015 trong thời gian từ ngày 25/5 đến ngày 01/6.
Bên cạnh Lễ phát động cũng sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, góp phần có những kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh như: Tổ chức các lớp kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, kỹ năng thực hiện quyền tham gia, lớp dạy bơi phòng tránh đuối nước cho trẻ em; tổ chức và khuyến khích trẻ em tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí an toàn, lành mạnh, phù hợp với lứa tuổi... 
Đặc biệt, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức cuộc gặp mặt của Chủ tịch nước với đại diện trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6…

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.