Gìn giữ “chất” Trung thu truyền thống trong đồ chơi dân gian

Thủ phủ đèn lồng Hội An.
Thủ phủ đèn lồng Hội An.
(PLVN) - Mỗi dịp Trung thu đến, các hàng quán trên phố phường Hà Nội lại tấp nập người hơn. Cuộc sống đô thị hiện đại vẫn luôn muôn màu muôn vẻ nhưng ở một “góc khuất” ít người chú ý, có những nghệ nhân vẫn làm mặt nạ, đèn kéo quân, đèn ông sao… và thông qua nghề này để lưu giữ cho thế hệ sau hồn cốt của Trung thu truyền thống.

Những người giữ lửa

Mặt nạ đã từng là món đồ chơi không thể thiếu đối với mỗi bạn nhỏ trong dịp Trung Thu. Ngày nay, mặt nạ truyền thống không được ưa chuộng như xưa, người làm mặt nạ vì thế cũng ít đi nhưng với những người luôn đau đáu với Trung thu xưa thì những nghệ nhân ấy luôn còn. Đơn cử như trong căn nhà nhỏ trên phố hàng Than có gia đình nghệ nhân Đặng Lan Hương đã hơn nửa đời gắn bó với nghề làm mặt nạ giấy bồi. 

Được biết, bà Hương là đời thứ 2 trong gia đình có truyền thống làm mặt nạ giấy bồi. Khi bà còn bé, cha của bà Hương thường tự làm những chiếc mặt nạ bằng giấy bồi làm đồ chơi cho con chơi mỗi dịp Trung thu tới. Trong ký ức của người nghệ nhân, “những chiếc mặt nạ đơn giản nhưng mỗi nét vẽ đều rất khéo léo, tỉ mẩn của cha đã khiến trẻ con trong nhà rất vui sướng”. 

Từ tình yêu những chiếc mặt nạ giấy đến tình yêu nghề làm mặt nạ giấy, bà Hương trở thành nghệ nhân làm mặt nạ theo một cách rất tự nhiên. Sau này chồng của bà là nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa cũng được cha của bà truyền nghề để phát triển. Có những thời điểm khó khăn, gia đình bà Hương đã vượt qua được nhờ nghề làm mặt nạ giấy bồi để bán.  

Theo tìm hiểu của phóng viên, để có được một chiếc mặt nạ, trước hết cần có một khuôn đúc bằng xi măng. Sau đó, xé từng mảnh giấy nhỏ, lớp sau được dán chồng lên lớp trước, kết dính bằng một loại hồ đun chín từ bột sắn. Công đoạn này phải làm hết sức cẩn thận để mặt nạ căng, mịn, không bị nhăn. Sau khi bồi khoảng từ 5-6 lớp giấy vụn sẽ cho ra một chiếc mặt nạ giấy bồi. 

Mặt nạ được phơi khô dưới nắng để có độ cứng cáp chứ không được dùng máy sấy, vì sẽ làm cong và biến dạng. Cuối cùng là công đoạn tô sơn, từng lớp sơn được tô vẽ tỉ mỉ, khéo léo lên từng chiếc mặt nạ. Lớp sơn này khô, mới tiếp tục tô lớp sơn khác lên để tránh bị nhòe. Quá trình tô màu được thực hiện tỉ mỉ, cẩn trọng trong từng nét vẽ. 

Ngót nghét đã gần 40 năm nay, vợ chồng nghệ nhân Đặng Lan Hương vẫn luôn giữ lấy cái nghề của gia đình để lại. Từ thời điểm ban đầu chỉ có 3 khuôn mặt nạ, đến nay vợ chồng người nghệ nhân đã sáng tạo mới thêm hàng chục khuôn độc đáo, mới lạ. Mỗi mùa Tết Trung thu, vợ chồng ông Hòa bà Hương làm được trên dưới 3000 chiếc mặt nạ các loại, giá dao động từ 30.000 đồng đến 45.000 đồng/1 chiếc.

Lại nói, từ lâu người ta đã không còn nghe thấy giai điệu này vang lên: “Khen ai khéo kết (ối a cái) đèn cù. Voi giấy (ối a) ngựa giấy, tít mù (nó lại) vòng quanh”. Cùng với đó là thiếu vắng sự hiện diện của những chiếc đèn cù (còn gọi là đèn kéo quân) trong Trung thu nhiều năm nay. 

Nhưng dù là xưa hay nay, dù ở bất cứ vùng miền nào, đèn kéo quân vẫn là một món đồ chơi thú vị, dễ dàng cuốn hút sự chú ý của các em nhỏ. Chính vì vậy, nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Quyền (Thanh Oai, Hà Nội) vẫn lựa chọn gắn bó với nghề làm đèn kéo quân.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền với nghề làm đèn kéo quân.
 Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền với nghề làm đèn kéo quân.

Chuẩn bị đến Trung thu, người nghệ nhân trở nên tất bật. Dù ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, ông Quyền vẫn miệt mài vót từng nan tre, dán từng mảnh giấy để tạo ra những chiếc đèn kéo quân phục vụ các em nhỏ chơi Trung thu.

Đáng nói, đèn kéo quân được làm cho trẻ chơi nhằm mục đích giáo dục các em lòng yêu nước, tăng hiểu biết về lịch sử. Chính vì vậy, những hình ảnh dán trong đèn thường là các đoàn quân hay những con vật như: Con trâu, con gà, con chim… 

Trong tâm tưởng của những người nghệ nhân đã cống hiến gần một đời người để “nuôi dưỡng” nghề truyền thống, ông vẫn luôn đau đáu trăn trở về tình trạng đồ chơi nhựa, điện tử tràn lan trên thị trường ngày nay khiến trẻ em không còn mặn mà với đồ chơi dân gian.  “Tôi tuổi đã già, giờ cố gắng làm được chút nào hay chút ấy, để bọn trẻ có cơ hội tiếp cận với đồ chơi dân gian và giữ nghề truyền thống” – ông Quyền từng chia sẻ. 

Không chỉ là món đồ chơi…

Những chiếc mặt nạ, chiếc đèn kéo quân tuy giá trị có thể không cao hơn một ly trà sữa mà các bạn trẻ ngày nay ưa thích, nhưng chúng đã từng là ao ước mòn mỏi của trẻ em cách đây hai, ba thập kỷ mỗi khi Tết Trung thu về. 

Thực tế cho thấy, nghề mặt làm mặt nạ giấy hay những chiếc đèn Trung thu vốn không phải là nghề mang lại nguồn thu nhập cao, nhất là đối với những gia đình sản xuất nhỏ lẻ. Nhưng, đối với những người mang “hồn cũ”, Trung thu là điều gì đó khắc khoải in đậm vào tâm trí họ. Bởi Trung thu nên phải có đèn lồng, đèn ông sao, có mặt nạ, đồ chơi, có phá cỗ đón trăng rằm…

Đằng sau mỗi món đồ chơi luôn có một câu chuyện văn hoá nào đó, không chỉ đến từ cảm hứng sáng tạo của người nghệ nhân mà còn bao hàm tâm huyết của họ “đổ” vào trong sản phẩm. Các em nhỏ đi chơi Trung thu với những món đồ chơi dân gian tất nhiên không cần suy tư nhiều đến vậy. Tuy nhiên, khi lớn lên và nhớ lại về tuổi thơ của mình, các em sẽ phần nào thấm thía và hiểu được một nét văn hoá dân gian truyền thống đậm bản sắc Việt Nam. 

Làm mặt nạ giấy bồi.
 Làm mặt nạ giấy bồi.

Với nghề truyền thống, tâm huyết của những người nghệ nhân là muốn giữ lại nét đẹp trong văn hóa cổ để lưu truyền đời sau. Do vậy, nếu đồ chơi truyền thống không bị rơi vào quên lãng hoặc có những lời động viên, cảm ơn, mong mỏi từ những khách hàng nhí cũng có thể đủ để khiến “ngọn lửa” đam mê của các nghệ nhân bùng lên.

Dù giữ nghề tới hàng thập kỷ, những người “mang ánh sáng cho Trung Thu” như nghệ nhân Nguyễn Văn Quyết, Đặng Lan Hương, Nguyễn Văn Hoà… vẫn vẹn nguyên tình yêu đối với nghề. 

Nghệ nhân Lan Hương từng chia sẻ: “Dù nhà không rộng rãi, nhưng vào mỗi dịp Tết Trung thu, nơi đây luôn nhộn nhịp người đến mua, đến xem, xin đến học làm mặt nạ… Thậm chí, có những người đến chỉ để cảm ơn vì đã cố gắng giữ được nghề truyền thống. Đó chính là nguồn động lực khiến chúng tôi duy trì tình yêu nghề. Chúng tôi luôn sẵn sàng dành thời gian còn lại cho ai muốn học và theo nghề làm mặt nạ giấy bồi với mong muốn giữ lại nét văn hóa truyền thống của đất kinh kỳ cho các thế hệ mai sau…”.

Quả thực, điều những nghệ nhân này giữ gìn không chỉ là một cái nghề mà còn là “hồn cốt” của Tết Trung thu truyền thống – một nét văn hoá đặc biệt của người Việt Nam đã và đang gắn liền với tuổi thơ của hàng triệu trẻ em trên dải đất hình chữ S này.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.