Giải mã hai lần thất trận Thành Hà Nội (Bài 2): Mắc mưu đám quân Pháp nghi binh

Hình vẽ miêu tả cuộc tấn công của quân Pháp
Hình vẽ miêu tả cuộc tấn công của quân Pháp
(PLO) - Chiếm được thành Hà Nội lần thứ nhất, ngày 20/11/1873, báo cáo quân sự của Garnier cho thống đốc Nam Kỳ cho hay chỉ một ngày sau đã bịt và chặn các cửa để dễ dàng kiểm soát, trừ Cửa Đông thông với thành phố. Sau đó, Garnier bắt đầu sắp xếp lại bên trong thành theo thư viết như sau:

“Tôi phân chia và bố trí thắp sáng ngôi nhà lớn trước đây dùng làm chỗ ở của các vị vua. Vị trí ngôi nhà đó rất tốt. Khi ngài tới đây, ngài có thể thấy một ngôi nhà nếu không nói là tiện nghi thì ít ra cũng thích hợp. Chỉ mấy ngày nữa người ta sẽ dựng doanh trại cho đại đội bộ binh của hải quân ở.

Thực vậy, trong thành không có nhà nào ở được trừ mấy ngôi nhà của các quan tỉnh. Binh lính của tôi hiện đang ở đó và các quan chức mới của tôi vẫn chưa có chỗ ở. Tốt hơn cả là trả cho họ những nhà kiểu An Nam và cho binh lính chúng ta ở trong các nhà kiểu châu Âu”.

“Tổng hành dinh mới” của Francis Garnier

Chính tại trung tâm Thành Hà Nội, Francis Garnier đã phác thảo ra các kế hoạch chính trị và kinh tế trong khi vẫn thương thuyết với đại diện của triều đình Huế, ra các tuyên cáo, thảo mệnh lệnh và chỉ dẫn cho các sĩ quan.

Từ tổng hành dinh này, Francis Garnier điều khiển các toán quân đánh chiếm vùng đồng bằng, lần lượt chiếm Phủ Hoài, Hưng Yên, Phủ Lý, Ứng Hòa, Gia Lâm... Ngày 3/12, Francis Garnier viết: “Công cuộc bảo hộ của chúng ta lúc này đã thu phục được hai triệu người ở Bắc Kỳ”.

Cùng lúc, Garnier tổ chức bộ máy hành chính, tiếp nhận sự phục tùng của các quan chức địa phương, buộc họ phải thực hiện các quy định thương mại của mình, gửi thư cho các quan trong các vùng và tổ chức dân binh địa phương.

Bộ máy hành chính mới không gạt bỏ chính quyền vua Tự Đức. Nó hoạt động nhân danh chính quyền này nhưng phải nhận thụ phong của Pháp. Garnier cấp cho các viên quan thần phục và những người mới được bổ nhiệm các triện khắc sáu chữ nho có nghĩa “đại vương quốc do nước Pháp bảo hộ”. Mọi giấy tờ công phải mang tiêu đề in sẵn “nhân danh Tự Đức dưới sự bảo hộ của nước Pháp”.  

Sau khi nghiên cứu kỹ các nguồn vốn của Hà Nội, Garnier thấy vững tâm cai trị tỉnh này không tốn một xu: “Theo kê khai chính thức, thuế đinh của tỉnh là 56.000 suất và thuế điền của 200.000 hecta ruộng cộng lại lên đến 500.000 franc một năm.

Thuế đánh bắt thủy sản và thuế môn bài của các cửa hàng… có thể tạo thêm hàng trăm nghìn franc, một số chủ cửa hàng đã tới tìm tôi để hợp thức hóa công việc của họ. Con số thu nhập tối thiểu cũng được 600.000 franc, quá đủ để chi phí cho hành chính và dân binh”.

Sau khi chiếm được thành, Francis Garnier bị quân Cờ Đen tiêu diệt chỉ một tháng sau đó
Sau khi chiếm được thành, Francis Garnier bị quân Cờ Đen tiêu diệt chỉ một tháng sau đó

Trong khi chờ đợi thu các loại thuế trên, Francis Garnier có ngay trong tay nguồn tiếp tế ở trong thành lên tới 204.000 franc ở dạng tiền xâu và ít nhất 1.000.000 franc ở dạng thóc, muối và kim loại. Một phần của số này dành làm nguồn dự trữ còn phần lớn dùng cho công tác nắm cọc tiêu, xây dựng các quảng trường, nhà ở binh sĩ…

Việc xây dựng một đèn biển ở Đồ Sơn, đèn biển Hòn Dáu, được ưu tiên hàng đầu. Nhất thiết phải nối Hà Nội với vùng bờ biển bằng một đường điện tín. Về nguồn thu từ quan thuế, Garnier cho thu phí các cảng. Các bến cảng này do cảnh sát vịnh Bắc Kỳ và cảnh sát thủy chịu trách nhiệm.

Francis Garnier còn nghiên cứu một vấn đề rất quan trọng là mỏ: “Ngay sau khi biết được những mỏ người ta chỉ cho, tôi sẽ làm cho công nghiệp mỏ. Những gì tôi đã làm cho thương mại mà không cần hỏi ý kiến ai, tức là tuyên bố tự do cho các mỏ.

Tôi muốn các thương nhân được thông báo về khả năng này và tạo ra một thị trường kim loại. Các thương nhân của chúng ta bằng mọi giá phải tạo ra những mối quan hệ với thị trường kim loại ở châu Âu để thu hút nguồn hàng”.

Sự “thúc đẩy” của Francis Garnier với thương mại. mà thực chất là cướp bóc, nhiều  đến nỗi, 15 ngày sau khi chiếm thành Hà Nội, đã có một chiếc tàu chở đầy hàng đi Sài Gòn mang theo một lượng kẽm và 150.000 franc hàng tơ lụa, tinh bột và các loại hàng khác.

Nơi “chiến thắng” cũng là nơi chôn xác

Ngày 21/12, sau buổi lễ của cha cố, Francis đi gặp hai ông Trần Đình Túc và Nguyễn Trọng Hiệp lúc 10h sáng. Hai ông này từ triều đình Huế tới Hà Nội hai hôm trước để khởi sự những thỏa thuận sơ bộ cho “hiệp ước hòa bình”. Sau đó cấp dưới báo cho Francis Garnier biết một đơn vị mạnh của quân Cờ Đen từ Sơn Tây đang tiến về thành Hà Nội.

Garnier chạy ra cửa Tây Nam, nơi quân Cờ Đen đang dùng những khẩu pháo dã chiến nhỏ từ xa 200m bắn vào cửa thành. Francis Garnier dùng một khẩu pháo bắn trả. Hỏa lực mạnh của quân Pháp nhanh chóng làm quân Cờ Đen rút lui.

Một công trình từng tồn tại trong thành Hà Nội
Một công trình từng tồn tại trong thành Hà Nội

Francis Garnier muốn biến cuộc rút lui của quân Cờ Đen thành một cuộc tháo chạy, nên nói với các sĩ quan vây quanh: “Nhất thiết phải ra khỏi thành. Chúng ta không thể đứng trông đối phương như vậy ở cách thành chỉ có 1000m”. Chiếm được thành Hà Nội dễ dàng, tưởng binh sĩ người Việt “dễ ăn”, Garnier đã mất mạng vì coi thường đối phương.

Trong trận đánh đối đầu giữa hai bên, Francis Garnier mất mạng. Chiếc xác mất đầu được trung sĩ Champion mang về thành cùng với xác của hai lính thủy bị giết. Sáng hôm sau, Jean Dupuis tới viếng, viết lại như sau: “Thi thể nằm trải dài trên rơm y nguyên như lúc mang về chiều hôm trước. Ông Francis Garnier cánh tay phải bị đứt, tay trái để xuôi theo chân, chân phải đi giày, chân trái chỉ có tất ngắn. Quần áo tơi tả, khắp người đầy vết gươm và giáo, hai tay co quắp”.

Sau buổi lễ cầu hồn lúc 8h sáng ngày 23/12, các thi thể được đóng trong các áo quan làm bằng gỗ rất dày và được chôn gần Hoàng cung ở chân hai gốc đa lớn.

Vài tháng sau đó, theo thỏa ước Philastre, quân Pháp rút khỏi thành Hà Nội ngày 12/2/1874. Theo điều 8 của thỏa ước này, nhà cầm quyền An Nam cam kết tôn trọng các ngôi mộ của Pháp ở trong thành Hà Nội và cam kết “cùng với Trú sứ Pháp trong vòng một tháng tìm một địa điểm bên ngoài thành Hà Nội để làm nghĩa trang”.

Thực tế, mãi hai mươi tháng sau, nhờ sự lo liệu của lãnh sự Pháp Kergaradec, việc di chuyển hài cốt của Francis Garnier mới thực hiện được. Trước đây sự Kergaradec là chuẩn úy trên chiếc tàu chiến Suffren cùng với Garnier sau khi ra trường.

7h30 sáng ngày 3/11/1875, Kergaradec vào thành Hà Nội cùng với chỉ huy trưởng, thư ký lãnh sự, bác sĩ Jardon, người có trách nhiệm viết báo cáo pháp y khi khai quật tử thi. Công việc này kéo dài suốt một ngày và mãi tới 4h chiều đám tang mới tới ngôi nhà thờ nhỏ của Hà Nội. Tại đây các áo quan được canh giữ suốt đêm.

Sáng hôm sau cha cố làm lễ cầu hồn vào lúc 7h, sau đó đám tang hướng về nghĩa địa mới. Từ mấy hôm trước quân Pháp đã dùng một số lượng lớn phu để dọn sạch những con đường dẫn vào nghĩa địa và mở rộng cổng trại vì quá hẹp đối với đám rước.

620 lính Pháp đồng loạt tấn công

Cuối năm 1881, tình hình càng ngày càng căng thẳng. Theo một đánh giá của quân Pháp: “Các quan An Nam tiếp các toán quân Cờ Đen trong thành. Sự có mặt của các toán này tạo ra sự nguy hiểm thực sự cho khu Nhượng địa.

Ngày 28/11/1881, thống đốc Myr, muốn tránh một cuộc can thiệp đổ máu, đã yêu cầu lãnh sự của Pháp tại Hà Nội báo cáo chi tiết về các biện pháp sẽ sử dụng để, nếu có thể, không dùng sức mạnh mà chỉ dựa vào bắt ngờ chiếm Thành Hà Nội và đuổi quân Cờ Đen khỏi các vị trí của chúng”.

Một đoạn tường thành khi chưa bị Pháp phá
Một đoạn tường thành khi chưa bị Pháp phá

Kergaradec trả lời ngày 5/2/1882: “Việc chiếm Thành Hà Nội mà không cần ra tay chắc chắn không có gì khó khăn. Sau đây là một trong những cách ta có thể dùng: Trong một cuộc diễu binh đã thành lệ của chúng ta, đầu đoàn quân chỉ cần quay, chẳng hạn, về bên trái, qua Cửa Đông, là đã ở bên trong pháo đài bảo vệ cửa chính. Chạy qua cầu băng ngang hào, chúng ta sẽ làm chủ được thành mà không cần bắn một phát súng”.

Không thấy nói gì thêm về kế hoạch này vì khi Kergaradec viết những dòng trên thì Pháp quyết định gửi đạo quân của Henri Rivière tới Hà Nội. Chỉ huy trưởng Henri Rivière tới Hà Nội ngày 2/4/1883.  

Tới nơi, Henri Rivière, cũng như Francis Garnier chín năm về trước, hiểu ngay rằng có thể phải phơi mình ra để chịu nghiền nát bởi đối phương đang khẩn trương chuẩn bị. Trước nguy cơ đang lớn dần, Henri Rivière cho gọi quân tăng viện từ Hải Phòng lên, nâng quân số lên 620 người vào sáng sớm 25/4, gửi tối hậu thư cho tổng đốc. Tới 8h sáng vẫn không có trả lời, Henri Rivière liền cho bắn phá thành.

Thoạt tiên là các pháo hạm Fanfare, Massue và Carabine, sau đó là các khẩu sơn pháo đặt ở chính diện Cửa Đông và Cửa Bắc. Mọi cố gắng tập trung vào Cửa Bắc trong khi đại đội do viên đại úy Retrouvey giả vờ tấn công vào Cửa Đông. Vào 10h45, Henri Rivière chiếm được lũy bán nguyệt bảo vệ Cửa Bắc. Đồng thời, các binh sĩ chuẩn bị thang tre leo vào được pháo đài Tây Bắc và mở cửa Thành từ phía trong. 11h sáng, thành bị chiếm. Số liệu Pháp cho rằng quân Pháp chỉ có bốn người bị thương.

Những sự kiện hai lần Pháp chiếm thành dễ dàng tương tự nhau bao nhiêu thì hành xử của hai chỉ huy trưởng sau chiến thắng lại ngược nhau bấy nhiêu. Francis Garnier ngay lập tức đóng lại trong thành và từ đó nắm việc quản lý hành chính, tổ chức công cuộc “bảo hộ”. Ngược lại, Henri Rivière trao quyền cho một viên quan án được thăng tổng đốc tạm quyền, chỉ để lại hoàng cung một đại đội pháo binh dưới quyền của đại úy Retrouvey. 

Thoạt đầu Henri Rivière nghĩ tới chuyện phá hủy thành và trổ lỗ trong các tường thành nhất là ở cả hai bên cửa Đông Nam, nhưng sau đó Rivière phải từ bỏ ngay ý định theo đuổi một công việc quá mạo hiểm như vậy. 

Bản đồ Hà Nội cuối thế kỷ 19
Bản đồ Hà Nội cuối thế kỷ 19

Đại úy Retrouvey biến Hoàng cung thành một pháo đài, “thay chiếc lan can chạm khắc bằng một bức tường trổ lỗ châu mai xấu kinh người” và chuyển vào đây một số khẩu pháo. Sau 11 tháng tương đối yên tĩnh, lợi dụng sự giảm số quân đồn trú do Henri Rivière đưa quân viễn chinh xuống Nam Định, quân Cờ Đen tiến công thành Hà Nội vào đêm 26 rạng ngày 27/3/1883.

Đạn pháo của đại úy Retrouvey đã kìm chân các đợt tấn công tới sáng, sau đó quân tiếp viện Pháp đã đẩy quân Cờ Đen về bên kia sông.

Tội ác khi xóa sổ tường thành Hà Nội

Tình hình của toán quân Pháp trong thành sau đó lại trở nên nguy kịch. Quân Cờ Đen tiến vào tận trung tâm thành phố, mọi liên lạc giữa khu nhượng địa và thành Hà Nội bị cắt đứt. Quân Pháp bị vây chặt “như trong một chiếc tàu khốn quẫn, đại đội pháo hải quân phải sống bằng lương khô và đồ hộp theo khẩu phần”. Cuối cùng, một số đơn vị Pháp ở Hàn Gai và Quy Nhơn cùng 500 lính từ Nam Kỳ ra tăng viện giải tỏa kịp thời cho quân Pháp.

Ba khẩu pháo và số lính Pháp đổ bộ lên Hà Nội vào tháng 8/1883 đóng trại trong thành Hà Nội đành phải bằng lòng với một số nhà lá làm vội vàng. “Màn không đủ phân phối cho các pháo thủ và nhiều người phải chịu muỗi đốt vào chân. Bệnh ngứa theo sau đó không sao chịu nổi làm trầy da.Các vết trầy này tiếp xúc với mặt đường và bùn biến thành lở loét.

Kết quả là trong một thời gian ngắn một số binh sĩ không thể sẵn sàng chiến đấu. Năm 1884, một số lán khá lớn được một nhà thầu người Hoa xây dựng dành cho các sĩ quan cấp dưới và binh lính. Các sĩ quan cao cấp ở nhà của các quan cũ. Một số có gia đình được chỗ ở khá hơn trong các tháp canh”, một báo cáo của Pháp ghi lại.

Tháng 5/1884, bệnh viện trong khu nhượng địa và các bệnh xá quân Pháp đầy nghẹt người sốt và kiết lỵ, người ta phải nghĩ tới việc xây dựng một bệnh viện trong thành. Chỉ có các nhà kho cũ của tỉnh đủ rộng nhưng tối và ẩm. Người ta sửa qua loa các kho đó và đoàn bệnh binh đầu tiên do chiếc tàu Éclair chuyển tới ngày 30/6/1884.

Mộ Francis Garnier sau này được chuyển vào Sài Gòn (Hình chụp khoảng năm 1920)
Mộ Francis Garnier sau này được chuyển vào Sài Gòn (Hình chụp khoảng năm 1920)  

Đoàn gồm các bệnh binh của đạo quân Dugenne. Để nhập họ, bệnh viện mới chỉ có “những chiếc nệm vẫn còn đầy vết máu và mủ” được gửi vào phút chót qua đường biển và chỉ có 20 chiếc cáng để khiêng 70 thương binh giữa đêm khuya từ bến tàu vào thành.

Tài liệu của một người Pháp viết: “Mặc dù thiếu thốn doanh trại và bệnh viện, nhưng vẫn có một không khí cười đùa vui vẻ. Sự sôi nổi vui vẻ của các binh lính mới tới tương phản với khung cảnh còn y nguyên như xưa và buồn tẻ của ngôi thành An Nam già nua. Những con voi cuối cùng trong các chuồng cũ được quản tượng điều khiển dạo chơi giữa đám lính.

Chỉ cần hai xu đặt trước vòi là chúng khụy nhẹ chân xuống trong tiếng cười vui vẻ của đám lính. Những người lính mới tới không thể bỏ qua việc tham quan phế tích của ngôi đền do một bà già An Nam coi giữ. Bà này nhận là hậu duệ của vua Lê và sinh ra trong một cung điện gần đó”.  

Từ năm 1885, Pháp bắt đầu xây dựng nhiều trại lính lớn và các tòa nhà làm việc của quân đội tại chỗ ở cũ của các quan. Điện Kính Thiên bị phá hủy để lấy chỗ xây dựng Sở Pháo binh. Mặc dù có những sự thay đổi đó nhưng hình dáng chung của thành Hà Nội vẫn gần như y nguyên cho tới năm 1894, năm bắt đầu phá hủy tường thành theo ý kiến của Hội đồng thị chính ngày 28/7/1893. 

Paul Doumer khi sang nhậm chức đúng vào lúc quân Pháp vừa phá xong thành vào năm 1887. “Tôi sang quá chậm để giữ lại những chỗ cần thiết. Đặc biệt là các cửa thành đáng được giữ lại. Chúng có những phong cách lớn quan hệ mật thiết với lịch sử đáng cho ta phải kính nể. Giống như khải hoàn môn Ngôi sao ở Paris, các cửa đó sẽ làm đẹp cho các khu phố mà không cản trở giao thông và quy hoạch thành phố”, Paul Doumer tiếc nuối.

Sau khi bị Pháp chiếm thành, Cột Cờ thoạt tiên được dùng làm tháp truyền tin bằng quang học. Trên đỉnh tháp có một ngọn đèn dầu hỏa gắn với gương. Một tấm che cho phép che ánh sáng trong những khoảng thời gian theo quy luật của tín hiệu Morse để gửi tới trạm Bắc Ninh, nơi cũng có một trạm tương tự. Hệ thống này hoạt động rất hiệu quả cho tới khi thiết lập đường dây điện tín giữa Hải Phòng và Lạng Sơn vào năm 1885.

Năm 1887, khi lối sống châu Âu đã nảy sinh ở Hà Nội, Cột Cờ nhận một nhiệm vụ mới “hoàn toàn hòa bình”: Khán đài theo dõi các cuộc đua. Khu đất phân cách Cột Cờ với khu Hoàng cung, sau này dùng làm bãi tập và sân thể thao, lúc đó được bố trí làm đường đua 1.200m. Khi có cuộc đua ngựa, quân Pháp căng một tấm vải che rất rộng ở phía trên các sân của Cột Cờ, trong đó một khán đài dành cho “quý bà và các nhà cầm quyền”, và một khán đài dành cho các sĩ quan.

(Còn tiếp)

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.