Đội quân 'xuất quỷ nhập thần' (Bài 1): 'Ma trận' dưới lòng đất

Mặt cắt ngang mô hình địa đạo Củ Chi
Mặt cắt ngang mô hình địa đạo Củ Chi
(PLO) - Trong cuộc chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam, quyết tâm chiến đấu dưới lòng đất được thể hiện rõ nhất bằng hình ảnh những du kích Củ Chi. Họ đã trải qua vô vàn khó khăn; chiến đấu đầy quyết tâm; khi đối mặt với kẻ thù vượt trội về công nghệ đã chứng minh được ý chí thép mãnh liệt.

Sự hình thành hệ thống địa đạo là một bằng chứng về lòng kiên trì, quyết tâm cống hiến và kỹ năng của du kích Củ Chi trong suốt ba mươi năm. Quá trình phát triển hệ thống địa đạo đã trải qua một thay đổi lớn – ban đầu chỉ sử dụng vào mục đích phòng thủ nhưng sau đó lại được dùng làm bàn đạp tấn công.

Và khi quân Mỹ đòi khuất phục du kích địa đạo, liên tục thay đổi chiến thuật mong đánh bật họ khỏi lòng đất, thì họ đã chứng tỏ một quyết tâm mãnh liệt hơn, đối phó lại với những thay đổi chiến thuật. Trong cuộc đọ sức về ý chí dưới lòng đất, du kích địa đạo là những tường thành vững chãi, không bao giờ bị đánh bật.

Ngược dòng lịch sử

Trong chiến tranh, có nhiều hệ thống địa đạo khác nhau đã được đào ở nhiều nơi, nhưng địa đạo Củ Chi là ấn tượng bậc nhất lịch sử chiến tranh thế giới. Là một hệ thống rộng lớn (một hệ thống đường ngầm vào lúc cao điểm có tổng chiều dài 340 cây số, kết nối hầu hết thôn làng lại với nhau), sự hiện diện trong suốt cuộc chiến của hệ thống địa đạo ngay bên rìa của “thủ đô quân thù” là nguồn cơn của nỗi bẽ bàng lớn đối với quân Sài Gòn cùng quân Mỹ, và cũng là niềm tự hào bất tận của du kích Quân Giải phóng.

Cố Thiếu tướng Trần Hải Phụng, tư lệnh của lực lượng tại địa đạo Củ Chi, đã cho chúng ta một hình dung cơ bản về quy mô của “ma trận” dưới lòng đất: “Chỉ riêng một hệ thống địa đạo đã rộng tới 16.000 hécta – một khu vực bao gồm sáu ngôi làng”. Địa đạo lớn tới mức người ta đã phải đặt “biển chỉ đường” tại một vài nơi để người mới đến khỏi đi lạc.

Nằm cách Sài Gòn bảy mươi cây số về hướng Tây Bắc, địa đạo Củ Chi ra đời vào năm 1945, theo sau thất bại của quân Nhật trong Thế chiến thứ II và việc Pháp nỗ lực tái chiếm đóng Việt Nam. Lúc bấy giờ, người Việt Nam đã ngay lập tức khẳng định sẽ phản đối việc Pháp tiếp tục chiếm đóng.

Thế là người Pháp chuẩn bị cuộc chiến với một đội quân được trang bị yếu hơn và với quân số ít hơn. Giới lãnh đạo Pháp đã lập luận rằng Việt Minh làm sao có thể chống chọi với một quân đội phương Tây hiện đại và đông đảo hơn? Nhưng người Pháp đã không chuẩn bị kỹ cho những gì diễn ra sau đó.

Paris đã không thể chủ động viết kịch bản cho cuộc chiến ở Việt Nam – một kịch bản với nhiều chiến dịch lớn để dồn ép Việt Minh. Thay vào đó, Hà Nội đã viết kịch bản – đó là những trận chiến nhỏ lẻ mà trong đó Việt Minh chủ động quyết định khi nào và ở đâu sẽ diễn ra chiến sự. 

Khi Hà Nội triển khai chiến lược sử dụng những đơn vị nhỏ để chiến đấu và Paris không thể triển khai được lực lượng lớn, người Pháp đã bị sa vào một cuộc chiến tranh du kích. Rắc rối càng phát sinh khi chiến tranh nhanh chóng trở thành cuộc chiến tranh toàn dân – một hình thức chiến tranh mà người ta rất khó nhận diện đối phương.

Lính Mỹ tìm kiếm lối vào địa đạo
Lính Mỹ tìm kiếm lối vào địa đạo

Người Pháp nhận thấy rằng đối phương không bao giờ mặc đồng phục, tham gia chiến đấu ở mọi độ tuổi và giới tính. Điều này gây ra khó khăn lớn trong việc nhận diện (tương tự như sau này người Mỹ đối mặt) đâu là bạn đâu là thù.

Tướng Phụng kể về giai đoạn khai sinh địa đạo: “Sự hình thành địa đạo Củ Chi là một hệ quả từ cuộc chiến toàn dân của chúng tôi. Là cuộc chiến tranh nhân dân, có nghĩa là không cần phải gia nhập quân đội rồi mới chiến đấu – mà chiến đấu ngay tại nhà mình. Năm 1945, chúng tôi bắt đầu tiến công các mục tiêu ở Sài Gòn. Khi người Pháp phản công, chúng tôi rút về làng.

Quân Pháp sau đó tìm cách tàn phá thôn làng và đuổi dân đi chỗ khác. Nhưng chúng tôi quyết tâm bám trụ, vì thế chúng tôi đào hầm ở những nơi chiến sự có khả năng xảy ra. Sau đó các hầm được kết nối lại với nhau. Vì thế, trong năm sau, chúng tôi đã mở rộng hệ thống hầm và địa đạo kết nối. Người dân kêu gọi quân đội giúp đào hầm. Công việc đào hệ thống hầm Củ Chi bắt đầu vào cuối năm 1946, tại thôn Tân Phú Trung”.

Ba giai đoạn

Ban đầu hệ thống hầm ngầm và địa đạo kết nối ra đời với mục đích phòng thủ, nhưng tướng Phụng giải thích rằng điều đó đã thay đổi: “Về sau, quân Pháp tìm cách mở rộng chiến tranh tại miền Nam và đánh chiếm làng xóm. Chúng tôi cho rằng địa đạo có thể được sử dụng làm bệ phóng để tấn công quân Pháp. Cuối cùng, hệ thống địa đạo kết nối đã được mở rộng ra các thôn xóm khác.

Tân Phú Trung là làng đầu tiên có hệ thống địa đạo hoàn thiện. Nó được hoàn tất vào đầu năm 1947, thời điểm quân Pháp mở chiến dịch trên bộ rất lớn nhằm vào chúng tôi. Vì điều này cũng như tính hiệu quả của địa đạo mà chúng tôi đã quyết định tiếp tục đào thêm. Từ đó, các làng khác cũng đào địa đạo. 

Ban đầu, chúng tôi chỉ cặm cụi đào – miễn sao có thể chui xuống lòng đất là được – nhưng không chú trọng việc kết nối hầm lại với nhau. Sở dĩ như vậy là vì chúng tôi chỉ nghĩ rằng hầm là phương tiện phòng thủ, giúp trốn tránh quân Pháp. Không có hầm, chúng tôi có thể bị đánh bật ra khỏi làng mạc. Nhưng sau đó chúng tôi nhận thấy rằng hầm hào cũng có thể được sử dụng để tấn công – vì giúp chúng tôi tiến vào sát nách kẻ thù và bất ngờ ra tay.

Việc phát triển hệ thống hầm ngầm song hành cùng với phát triển căn cứ trên mặt đất của quân thù. Chức năng tấn công của địa đạo được duy trì trong thời chống Pháp và cả cuộc chiến chống Mỹ. Khác biệt duy nhất đó là hệ thống đường hầm thời chống Mỹ được mở rộng hơn và sâu hơn”.

Số lượng cực lớn các phương tiện quân Mỹ điều nhằm “bình định” Củ Chi
Số lượng cực lớn các phương tiện quân Mỹ điều nhằm “bình định” Củ Chi

Tướng Phụng cho biết việc đào địa đạo Củ Chi được triển khai theo ba giai đoạn khác nhau: “Hệ thống hầm ngầm được đào liên tục, từng giai đoạn một. Giai đoạn thứ nhất diễn ra suốt thời kỳ chín năm kháng Pháp. Giai đoạn thứ hai gồm hai bước nhỏ:

Từ 1954 đến 1959, khi xung đột diễn ra trên mặt trận chính trị chứ không phải trên chiến trường, địa đạo ít được mở rộng, quân của chúng tôi luôn tránh đụng độ và chỉ sử dụng nơi này để trú ẩn.

Từ 1959 đến 1964, khi tình thế cho thấy cuộc chiến chống (Ngô Đình) Diệm không thể dừng lại ở mặt trận chính trị, chúng tôi bắt đầu triển khai tấn công và mở rộng phạm vi hoạt động.

Giai đoạn ba diễn ra vào cuối năm 1964 khi Mỹ đổ quân vào Việt Nam và chúng tôi nhận thấy rằng chiến tranh sẽ sớm trở nên khốc liệt. Cần phải mở rộng mạng lưới địa đạo ngay lập tức, làm cho địa đạo lớn hơn và phức tạp hơn. Để bảo vệ hầm ngầm tốt hơn, chúng tôi triển khai bố phòng trên mặt đất, làm ra nhiều loại bẫy nguy hiểm và sử dụng cả mìn chống tăng”.

Thời điểm quân Pháp bại trận vào năm 1954, hệ thống địa đạo chỉ có quy mô chừng mười phần trăm so với hệ thống dài 350 cây số khi Sài Gòn thất thủ năm 1975. trong giai đoạn 1954-1959, công việc đào địa đạo được triển khai nhỏ giọt; còn giai đoạn 1959-1964 thì ngưng trệ hoàn toàn; phần lớn việc đào địa đạo diễn ra trong thời gian Mỹ tham chiến.

Đối thủ “vô hình”

Với một kế hoạch đào hầm đầy tham vọng bắt đầu từ cuối năm 1964, hệ thống địa đạo Củ Chi đã được chuẩn bị kỹ càng để đối phó với cuộc tấn công đầu tiên của quân Mỹ ở vùng này – Chiến dịch Crimp– vào tháng 1/1966.

Điều lưu ý là Chiến dịch Crimp không nhằm mục đích đánh bật Quân Giải phóng ra khỏi địa đạo, bởi lúc bấy giờ người Mỹ vẫn chưa hề biết đến sự hiện diện của hệ thống hầm ngầm. Mục đích chính của Chiến dịch Crimp là vây hãm quân du kích hoạt động ở khu vực Củ Chi.

Chiến dịch bao gồm một cuộc tấn công ở rừng Hố Bò, phía Tây “Tam giác sắt”. (Tam giác sắt là một khu vực Quân Giải phóng hoạt động mạnh, nằm giữa sông Thị Tính và sông Sài Gòn. Khái niệm “tam giác” nhằm chỉ nơi ở giữa ba vùng đất – Bến Cát, Trảng Bàng và Củ Chi. Du kích quân có thể đi lại an toàn trong khu vực này vào ban ngày thông qua hệ thống địa đạo Củ Chi mà không một lần đặt chân lên mặt đất).

Crimp là một chiến dịch “trên đe dưới búa” – lực lượng Mỹ trên sông Sài Gòn đóng vai trò là cái đe, còn cuộc càn quét dó Sư đoàn Lục quân số 1, biệt danh “Anh cả đỏ”, đóng vai trò như cái búa. “Anh cả đỏ” đổ quân xuống Bắc Củ Chi, chuẩn bị quét sang vùng Đông Nam, hướng về phía sông Sài Gòn để vây hãm du kích quân.

Kế hoạch này rất đơn giản và có vẻ như sẽ dễ dàng bẫy được bất cứ du kích quân nào trong vùng. Sau khi đổ xuống từ trực thăng, Sư đoàn số 1 của Mỹ lập tức bị đối phương tấn công bằng súng nhỏ. Hỏa lực tiếp tục mạnh lên khi Sư đoàn 1 tiến về phía sông Sài Gòn. Tuy nhiên, mỗi lần quân Mỹ tìm cách rượt đuổi, họ lại không thể định vị được kẻ tấn công – dường như du kích quân đột nhiên bốc hơi hết vậy.

Quân Mỹ phát hiện một số hầm ngầm và hào nhưng tất cả đều trống. Khi quân Mỹ tới được bờ sông Sài Gòn thì đã chịu tổn thất lớn – và không hề tìm thấy một binh sĩ Quân Giải phóng nào. Người Mỹ bắt đầu bấn lên với cảm giác như đang đối đầu với một kẻ địch vô hình vậy.

Thế rồi cơ chế giúp Quân Giải phóng biến mất đã sớm bị phát hiện.

Quân Mỹ trong một cuộc hành quân càn quét Củ Chi
Quân Mỹ trong một cuộc hành quân càn quét Củ Chi

Khi Sư đoàn 1 quành lại khu vực Tam giác sắt một lần nữa, một lính cảnh giới đã phát hiện ra một cửa sập được ngụy trang kỹ càng dẫn tới đường hầm bên dưới. Giữa lúc binh sĩ Sư đoàn 1 đang kiểm tra lối vào hầm thì một du kích quân trồi lên từ cánh cửa sập gần đấy. Khẩu súng tự động trong tay anh khạc lửa vào khu vực xung quanh trước khi anh ta chui tọt xuống hầm. Lính Sư đoàn 1 sau đó lần xuống lối vào địa đạo thứ hai này.

Nhưng khi họ vừa chui xuống thì có tay súng thứ hai trồi lên từ một cửa địa đạo thứ ba xả súng vào họ. Các quân nhân Sư đoàn 1 nhanh chóng nhận ra rằng họ đang đối diện với một tình huống hoàn toàn mới. Chương trình huấn luyện trước đây chưa từng chuẩn bị cho Sư đoàn 1 kỹ năng đối phó với du kích quân tại mặt trận dưới lòng đất.

Nhóm lính mới có biệt danh “chuột chũi”

Thiếu tướng Phụng đánh giá về Chiến dịch Crimp: “Chiến dịch Crimp diễn ra vào tháng 1/1966 nhưng chúng tôi đã chuẩn bị đối phó từ tháng 9 năm trước. Chúng tôi tiên liệu được tình hình khi thấy Mỹ đổ quân vào Việt Nam vào đầu 1965. Thật dễ dự đoán rằng mình sẽ phải đánh nhau với họ vào cuối năm đấy hoặc đầu năm tới.

Các cuộc họp với tình báo viên và những người phân tích tình hình quân sự đang theo dõi diễn biến dọc mặt trận được tổ chức đều đặn. Những người phân tích nói rằng quân Mỹ sẽ sớm mở một trận càn vào khu vực này bởi lực lượng Sài Gòn lúc đó vẫn còn khá mỏng.

Năm 1965, tôi nhận báo cáo về số lượng quân Mỹ được đổ vào, quân đến vào lúc nào và ở đâu. Tôi còn nhận được báo cáo về tên gọi và cơ cấu của các lực lượng tham gia Chiến dịch Crimp cùng chiến thuật của nó. Chúng tôi biết rõ hướng tấn công; biết tất cả những điều này trước đó hàng tháng trời, dù không biết đích xác thời điểm Chiến dịch Crimp được phát động.

Bởi “Anh cả đỏ” đã chuyển đến ở Long Bình, bởi rất nhiều hàng quân nhu được chuyển đến căn cứ này, và bởi máy bay do thám liên tục quần trên đầu chúng tôi nên có thể dự đoán rằng một chiến dịch sắp sửa diễn ra.

Người Mỹ là những chiến binh cừ khôi với vũ khí vượt trội về công nghệ, nên trong quá trình chuẩn bị đối phó, chúng tôi nỗ lực tìm hiểu chiến thuật tấn công mà họ sẽ áp dụng. Nhiều nhóm trinh sát được cử đi làm nhiệm vụ này”.

Trong Chiến dịch Crimp, một nhóm lính mới có biệt danh “chuột chũi” đã được triển khai khi quân Mỹ tìm cách đánh bật du kích ra khỏi hầm ngầm. Cửa vào hầm thường rất nhỏ - quá nhỏ sơ với cơ thể trung bình của người Mỹ. Vì thế, những bính sĩ nhỏ con xung phong bò vào hầm để thám xét. Nếu may mắn thì lính chuột chũi có thể gặp hầm trống không; nhưng sẽ là thảm họa nếu sa vào bẫy hoặc đối mặt với du kích quân – những tình huống thường có lợi cho phía phòng thủ.

Trại lính Mỹ bị du kích Củ Chi tấn công
Trại lính Mỹ bị du kích Củ Chi tấn công

Đại tá Quân Giải phóng Châu Lâm được điều tới Củ Chi vào năm 1962 và ở đó suốt cuộc chiến tranh. Vào thời điểm Chiến dịch Crimp nổ ra, ông đang là trung úy. Ông nhận xét về kết cục của Chiến dịch Crimp:

“Trong Chiến dịch Crimp, người Mỹ không định đánh nhau với chúng tôi dưới địa đạo. Họ chỉ muốn đánh bẫy chúng tôi và phá hủy căn cứ tiếp viện ở đó. Đây là lần đầu tiên địch biết được chúng tôi có hệ thống địa đạo ở Củ Chi. Đối với họ, và xét ở góc độ mục tiêu của Chiến dịch Crimp, có thể nói đây là một chiến dịch thất bại”.

Một nguyên tắc chiến tranh được các tư lệnh quân đội quán triệt qua hàng thế kỷ đó là, nếu điều kiện cho phép, phải huy động càng nhiều quân càng tốt. Nhưng du kích quân ở Củ Chi lại không nghĩ như thế. Bên dưới hầm ngầm, lực lượng càng nhỏ thì khả năng thành công càng cao – bởi lẽ càng ít người thì di chuyển càng dễ.

Ông Lâm giải thích: “Chúng tôi có ít người và luôn triển khai cách đánh đem lại lợi thế cho lực lượng nhỏ”.

Nguyên tắc càng ít càng tốt được Quân Giải phóng áp dụng trong suốt Chiến dịch Crimp. Trong khi hơn 8.000 quân Mỹ và Đồng minh càn quét về hướng sông Sài Gòn, vài trăm du kích quân – thường được tổ chức theo nhóm ba, bốn người – liên tục gieo rắc nỗi kinh hoàng cho đối phương.

“Chúng tôi chia quân ra thành từng nhóm nhỏ và sẵn sàng chiến đấu ngay khi quân Mỹ vừa đổ bộ xuống”, ông Lâm cho biết. “Họ không biết chúng tôi ở đâu. Chúng tôi nổ súng khi họ tiến lên, sau đó lại chui xuống hố rồi chuyển qua vị trí khác và tiếp tục đánh bất thần.

Chúng tôi bắn trúng nhiều người, và khi họ dừng lại để cứu thương hoặc quy tập người chết, chúng tôi tiếp tục tràn lên đánh. Khi họ đuổi theo thì chúng tôi biến mất. Họ bị bất ngờ trước chiến thuật này, và lúc đầu thì họ chẳng biết các cuộc tấn công được triển khai từ hướng nào”.

Ông Lâm chỉ rõ tính hiệu quả trong chiến thuật của Quân Giải phóng: “Với lực lượng nhỏ hơn nhiều, chúng tôi vẫn có thể đánh lui được một đội quân rất lớn”. Ông nói tiếp: “Tuy nhiên, phải nói là chiến thuật mà người Mỹ áp dụng để đối phó với địa đạo cũng rất ghê gớm”.

(Mời xem tiếp kỳ sau)

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.