Độc đáo nghề điêu khắc than đá

Anh Nguyễn Tuấn Quyết tỉ mỉ sáng tạo ra những sản phẩm độc đáo từ than đá.
Anh Nguyễn Tuấn Quyết tỉ mỉ sáng tạo ra những sản phẩm độc đáo từ than đá.
(PLVN) - Điêu khắc than đá mỹ nghệ là nghề chỉ có riêng ở Quảng Ninh, được truyền qua nhiều thế hệ, đến nay đã gần 100 năm. Những hòn than đá đen nhánh dưới bàn tay khéo léo của người thợ có thể mang những vẻ đẹp ấn tượng riêng biệt. Thế nhưng, điều đáng buồn là nghề này đang đứng trước nguy cơ thất truyền vì không còn mấy ai giữ được “lửa” nghề.

Nghề của sự tỉ mỉ, kiên trì

Tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Tuấn Quyết, chị Nguyễn Thị Thanh Bình vào một buổi chiều tháng 6. Vào sâu trong ngõ nhỏ dưới chân núi Hạm, phường Hồng Hà (TP Hạ Long, Quảng Ninh), càng đến gần, tôi càng nghe thấy rõ âm thanh đục đẽo, mài than đều đều giữa tiết trời nắng gắt. Hai vợ chồng anh Quyết, chị Bình đã gắn bó với nghề hơn 20 năm. Tiếng mài đục than đá vẫn xen lẫn với tiếng cười nói của người thợ qua bao năm tháng thăng trầm.

Bước vào nhà anh Quyết, đi về phía sau là khu xưởng rộng chừng 30m2 bao phủ bởi bụi than, chỉ có vợ chồng anh Quyết và một người thợ đang cần mẫn làm việc. Xung quanh là các dụng cụ đơn sơ như cưa tay, đục, máy mài, dao gọt… và những hòn than đá đen nhánh với đủ kích thước khác nhau nằm chất đống ngổn ngang.

Những hòn than lớn mua về được đôi bàn tay khéo léo của người thợ cắt ra, đo đạc, mài giũa, trải qua nhiều công đoạn để cho ra sản phẩm hoàn thiện cuối cùng. “Nghề này đòi hỏi sự tỉ mỉ với từng chi tiết và tính kiên trì với từng sản phẩm. Người có năng khiếu thì học nhanh hơn nhưng chúng tôi vẫn có thể đào tạo cho những người không có năng khiếu, đi lên từ con số 0. Chỉ cần yêu nghề thì đều có thể làm được”, anh Quyết chia sẻ.

Chia sẻ về các công đoạn làm ra một sản phẩm than đá mỹ nghệ, anh Quyết cho biết: “Sản phẩm có đa dạng mẫu mã, mẫu mã càng phức tạp thì thời gian điêu khắc càng lâu và giá thành càng cao. Để làm ra một sản phẩm hoàn thiện thì cần trải qua khá nhiều công đoạn.

Đá thô mua về đem cưa thủ công ra từng kích thước đã tính toán trước, sau đó bắt đầu điêu khắc thành hình thù sản phẩm rồi đem đi đánh ráp, đánh mịn rồi chuyển qua đánh bóng để được sản phẩm mỹ nghệ hoàn thiện”. 

Từ những hòn than xù xì, thô ráp, để làm ra một sản phẩm có hồn là cả một quá trình sáng tạo tỉ mỉ, khéo léo, làm thủ công gần như 100% của người thợ. Không giống như các sản phẩm mỹ nghệ khác, than đá có đặc tính cứng và giòn, nếu làm hỏng thì phải bỏ luôn. 

Cha truyền con nối giữ nghề

Theo những người làm nghề, chỉ có 3 mỏ than tại Quảng Ninh là Đèo Nai, Cọc Sáu và Thống Nhất mới có than đủ chất lượng về độ mịn, độ bóng và có ánh kim để tạo hình, tạo khối. Chính vì vậy, mỹ nghệ than đá giống như một “đặc sản” riêng của mảnh đất Quảng Ninh.

Mỗi sản phẩm mỹ nghệ làm ra không đơn giản chỉ là vì mục đích thương mại mà nó còn là tiếng nói của người con đất mỏ, niềm tự hào với nghề truyền thống của gia đình. Hơn 20 năm lăn lộn với nghề, vợ chồng anh Quyết duy trì 32 mẫu mã sản phẩm, có thể kể đến như: Vịnh Hạ Long, Hòn Trống – Mái, điêu khắc tượng các con vật, thuyền buồm… Đặc biệt, tác phẩm Vịnh Hạ Long trên than đá được công nhận là sản phẩm Tinh hoa làng nghề Việt Nam năm 2008.

Anh Quyết là đời thứ ba trong gia đình có truyền thống làm nghề điêu khắc than đá. Cụ Nguyễn Đức Thuận - ông nội anh Quyết từng làm nghề này cho chủ mỏ người Pháp. Bố anh Quyết là ông Nguyễn Tuấn Lợi – nhà điêu khắc có nhiều tác phẩm than đá nổi tiếng như tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh, Lênin,… được tỉnh Quảng Ninh dùng làm quà tặng cho quan khách trong nước và quốc tế. Đến đời anh Quyết, vợ chồng anh vẫn cố gắng giữ “lửa” nghề dù trải qua rất nhiều khó khăn. 

Tượng bằng than đá là “đặc sản” của vùng đất mỏ.
 Tượng bằng than đá là “đặc sản” của vùng đất mỏ.

Với khuôn mặt lấm lem bụi than, chị Bình xúc động kể: “Trước đây, vào những năm 70, Quảng Ninh có xưởng mỹ nghệ với các lớp đào tạo nghề thủ công mỹ nghệ, trong đó có điêu khắc than đá. Lúc đó bố chồng tôi là xưởng trưởng, đào tạo ra khoảng 20 người thợ lành nghề. Sau đó, xưởng bị giải thể, có khoảng 7 hộ gia đình tiếp tục theo nghề điêu khắc than đá rồi rơi rụng dần.

Vợ chồng tôi quyết tâm theo nghề vì đây là nghề truyền thống, từ đời cha ông truyền lại. Thế nhưng, chúng tôi cố gắng lắm thì cũng chỉ làm thêm được 10 năm nữa rồi dừng lại. Chúng tôi kêu gọi các bạn trẻ đến học nghề, không mất học phí, hỗ trợ thêm chỗ ăn ở và mỗi tháng 2 - 3 triệu đồng nhưng vẫn không tìm được người”.

Hơn 20 năm về nhà chồng là hơn 20 năm chị Bình say mê với những hòn than đen nhánh. Tôi thấy được nỗi trăn trở hiện rõ trong ánh mắt của chị khi nghe chị kể về những năm tháng khó khăn, thậm chí là mất hết cả nhà cửa để bám nghề, hy vọng nó có thể phát triển hơn. Chị kể, thời điểm đông nhất cũng có khoảng 8 – 10 thợ làm việc tại xưởng nhưng hiện nay tính cả vợ chồng chị cũng chỉ có 4 người. 

Vợ chồng chị Bình chính là những người thợ điêu khắc than đá trẻ nhất và cũng là những người thợ cuối cùng vì các cụ lớn tuổi đều đã nghỉ hết, không mấy ai còn mặn mà với nghề. Giới trẻ thường không thích làm nghề này vì suốt ngày bao phủ trong bụi than nhem nhuốc.

Dù kêu gọi khắp nơi, mong muốn có người trẻ đến học nghề nhưng vợ chồng anh Quyết, chị Bình vẫn chưa tìm được người nối nghiệp. Hai cô con gái của anh chị cũng quyết định không theo nghề. Có thể thấy, nghề “đặc sản” của mảnh đất Quảng Ninh này đang đứng trước nguy cơ thất truyền.

Trong mấy chục năm làm nghề, vợ chồng anh Quyết luôn đau đáu, mong muốn mở được xưởng sản xuất, có máy móc hiện đại và có khu trưng bày để khách có thể đến tham quan. Tuy nhiên, điều kiện không cho phép vì chi phí mở xưởng quá cao cũng như không có quỹ đất nên chỉ có thể duy trì trong không gian vỏn vẹn 30m2 với máy móc thô sơ.

Hai vợ chồng đã nhiều năm đi đi về về kêu gọi, nhờ cậy các cấp chính quyền hỗ trợ để phát triển nghề nhưng vẫn không nhận được sự trợ giúp. Việc sản xuất tại xưởng của anh chị cũng gặp nhiều khó khăn, từ khâu mua nguyên liệu than đá, các doanh nghiệp không bán số lượng nhỏ lẻ nên anh chị phải mua than trôi nổi trên thị trường với giá thành cao hơn nhiều lần.

Nỗi lo nghề thất truyền

Trò chuyện một lúc, chị Bình nghỉ tay, mở điện thoại giới thiệu với tôi về tài khoản Facebook, thông qua mạng xã hội, anh chị mong muốn tìm được những người trẻ yêu nghề để có thể truyền lại nghề này cho đời sau. Bao nhiêu năm mòn mỏi tìm kiếm, hỗ trợ tốt nhất có thể nhưng vẫn chưa có ai bám trụ với nghề.

Từ khi sử dụng mạng xã hội, nhiều người biết đến và thậm chí tìm đến tận nơi để xem và mua hàng. Không chỉ khách nội địa mà nhiều đoàn khách nước ngoài từ Trung Quốc, Nhật Bản và các nước châu Âu cũng về đây vì yêu thích sản phẩm mỹ nghệ than đá. Trước đây, các sản phẩm bán khá chạy nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, không có khách du lịch nên chỉ sản xuất để cầm chừng.

Nghe chị Bình kể lại, đã từng có đoàn thương nhân Trung Quốc đến tận nhà ngỏ ý hợp tác, đầu tư máy móc hiện đại và hỗ trợ khoản chi phí lớn để anh chị mở rộng sản xuất với điều kiện dạy nghề cho công nhân của họ. Mặc dù đang ở giai đoạn khó khăn nhưng vợ chồng chị đã từ chối vì nghĩ rằng nếu truyền nghề này ra nước ngoài thì nó không còn là nghề truyền thống của riêng mình nữa. 

“Vợ chồng tôi cố gắng lắm thì cũng chỉ duy trì được khoảng chục năm nữa thôi. Nếu không có người nối nghiệp thì chắc nó sẽ dừng lại ở đây, sau này thứ còn lại chỉ là tàn dư. Chúng tôi hy vọng tỉnh nhà có sự quan tâm hơn, hỗ trợ cho vay vốn, thuê quỹ đất để có thể mở xưởng, có điều kiện tốt hơn thì cũng dễ thu hút và đào tạo nhân công hơn. Vợ chồng chúng tôi luôn sẵn sàng truyền nghề cho những người thực sự tâm huyết vì đây là nghề truyền thống của gia đình, là nghề chỉ có ở Quảng Ninh, nếu mất đi thì thật sự đáng buồn”, chị Bình bộc bạch.

Đó chính là nỗi trăn trở của vợ chồng anh Quyết, chị Bình nói riêng và những đứa con đất mỏ nói chung, luôn mong muốn giữ được hồn quê hương qua chất liệu đặc trưng của quê hương mình.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.