Diễn biến “nghẹt thở” một phiên xử giành giật quyền nuôi con

5 năm sau ngày ly hôn, đôi vợ chồng cũ gặp lại nhau trong phiên xử giành con
5 năm sau ngày ly hôn, đôi vợ chồng cũ gặp lại nhau trong phiên xử giành con
(PLO) -Người con trai ngồi bên dưới, hết nhìn sang ba, lại nhìn sang mẹ. Sau đó lại chán nản gục đầu nằm dài trên bàn, như thể không muốn chứng kiến ba mẹ đang giành giật mình. Nhìn đứa trẻ ấy, nhiều người tỏ ra ái ngại, xót xa. “Làm cha làm mẹ, ai cũng thương, cũng muốn nuôi con. Nhưng mà…”.
 

Có người chép miệng. Nhưng mà dẫn nhau ra tòa giành giật nhau quyền nuôi con như thế, dù được ai nuôi, thì phiên tòa vẫn là một vết thương cắt vào lòng đứa trẻ.

Giành giật

Năm năm trước, vợ chồng anh chị ly hôn. Lúc đó chị không có việc làm, không nhà cửa, nên giao đứa con trai 7 tuổi cho anh nuôi. Anh ở chung với bố mẹ. Đứa con chung của họ, đều do một tay ông bà nội chăm sóc. Một thời gian sau, anh tái hôn với người khác, rồi có thêm hai đứa con. 

Chị giờ đã có việc làm ổn định, nên gửi đơn yêu cầu thay đổi quyền nuôi con. Tòa sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị, quyết định giao đứa bé cho chị nuôi. Anh kháng cáo.VKS cũng kháng nghị theo hướng không chấp nhận đơn khởi kiện của chị. Một ngày giữa tháng 3, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế mở phiên tòa phúc thẩm “tranh chấp thay đổi nuôi con sau ly hôn”.

Chị đến tòa cùng đứa con trai 12 tuổi. Anh đến tòa cùng người bố. Anh ngồi góc bên này, chị ngồi góc bên kia. Tít phía cuối phòng, hai ông cháu đang thì thầm trò chuyện. Nhiều năm trước, họ từng có một gia đình hạnh phúc. Nhưng rồi những mâu thuẫn trong cuộc sống ngày một nhiều, khiến họ ra tòa giải quyết bằng một cuộc ly hôn.

Năm năm sau, họ lại lần nữa gặp nhau ở tòa án, để tranh chấp việc nuôi dưỡng đứa con chung. Đứa con trai lần này, bất đắc dĩ cũng phải theo người lớn đến dự khán. Mặt em cứ rầu rĩ. Có lẽ, em nghĩ, mình đâu phải món hàng.

Phiên tòa bắt đầu bằng lời “tuyên chiến” của chị - nguyên đơn trong vụ án. Chị nói anh chăm sóc con không tốt. Giờ anh đã có vợ mới, và hai con mới. Tình cảm cũng bị san sẻ đi nhiều. Anh chăm sóc con không tốt, khiến thằng bé học hành ngày càng sa sút, là học sinh cá biệt trong lớp. Cháu mâu thuẫn với cô giáo, rồi mâu thuẫn cả với mẹ kế. Con trai chị không có mẹ chăm sóc cũng thiệt thòi. Chị muốn giành lại quyền nuôi con.

Nụ cười nhàn nhạt, anh nói: “Trước đây cô vứt con cho tôi nuôi. Tôi nuôi cháu học đến lớp 5. Giờ cô khởi kiện tôi chăm sóc con không tốt, còn nói con tôi là học sinh cá biệt. Nhưng năm năm qua, con tôi đều là học sinh giỏi”. Anh cầm trong tay một xấp hồ sơ dày, rồi đặt mạnh lên bàn. Đó là bằng chứng anh muốn thể hiện mình đã chăm con thật tốt. Học bạ, giấy khen, giấy xác nhận của hiệu trưởng, tiền đóng các khoản học phí, giấy tiêm phòng cho con… đủ cả.

Chị “phản pháo”, bảo con trai từng nói ba có hai con mới, không còn thương mình. Mẹ kế và cháu cũng có xích mích. Lần cuối qua đón cháu, cháu nhất quyết muốn ở lại với mẹ mà không chịu về bên nội.

“Vợ tôi chưa từng la mắng cháu. Trước khi lấy tôi, cô ấy đã biết hoàn cảnh của tôi. Cô ấy cũng rất thương con trai tôi”. Rồi anh quay sang vợ cũ, “tố”: “Cô ấy nói trước tòa là thường xuyên đến đón con. Nhưng năm thì mười họa mới đến đón một lần, còn lại toàn nhờ người thân bên ngoại và cả những sinh viên thuê trọ ở đó đến đón. Nhiều lần con trai tôi không muốn về bên ngoại”.

Người con trai ngồi bên dưới, hết nhìn sang ba, lại nhìn sang mẹ. Sau đó lại chán nản gục đầu nằm dài trên bàn, như thể không muốn chứng kiến ba mẹ đang giành giật mình. Nhìn đứa trẻ ấy, nhiều người tỏ ra ái ngại, xót xa.

“Làm cha làm mẹ, ai cũng thương, cũng muốn nuôi con. Nhưng mà…”. Có người chép miệng. Nhưng mà dẫn nhau ra tòa giành giật nhau quyền nuôi con như thế, dù được ai nuôi, thì phiên tòa vẫn là một vết thương cắt vào lòng đứa trẻ.

“Lời qua tiếng lại”

Tòa hỏi bị đơn: “Ở nhà có ai đánh đập cháu không?”. Anh nói không hề có. “Cháu không được mẹ quan tâm, nên tôi bù đắp cho cháu rất nhiều cả về vật chất lẫn tình cảm, để cháu đỡ tủi”. Tòa: “Vậy anh có biết bên nhà chị có ai đánh đập cháu không?”.

“Dạ có. Cô ấy đang sống chung với mẹ và anh trai. Cháu từng bị cậu mình đánh”. Chị đứng bật dậy, bảo nhà mình không hề đánh đập cháu. Có chăng là chị chỉ ép con học. 

Anh chia sẻ, mình là giáo viên, mẹ anh cũng giáo viên. Trong khi bên ngoại làm nghề… thầy cúng. Anh nói môi trường bên ngoại không tốt để con anh phát triển. Chưa kể, sau phiên tòa sơ thẩm, chị giữ rịt con bên mình, không chịu cho con về bên nội. Đến ngày giỗ cố nội của cháu, chị cũng không cho con về.

“Con người phải biết nguồn cội, tổ tông mình. Cô ấy dạy con như vậy là không được”. Tòa hỏi anh, nếu chị thay đổi, thường xuyên cho con về thăm nội, anh có đồng ý để chị nuôi con? Anh bảo, nếu như vậy, anh có thể đồng ý để chị nuôi con.

Tòa nhắc nhở chị: “Chị làm mẹ. Lễ, tết, kỵ, giỗ hay những việc gì liên quan bên nội, chị nên tạo điều kiện để cháu sang. Cháu đang mang họ của anh. Đó cũng là trách nhiệm, quyền lợi của cháu khi qua lại bên nội”. Chị dạ nho nhỏ.

Ông nội của cháu bé xin tòa được đưa ra ý kiến. Ông bảo từ ngày con trai và con dâu ly hôn, đứa cháu này, đều do một tay hai ông bà chăm sóc, lo lắng. “Con người không thể thiếu cha mẹ hay nội ngoại. Nhưng tôi thấy rất đau lòng, khi cháu ở bên nội, nhà ngoại tự do qua lại chở cháu. Nhưng khi cháu ở bên ngoại, thì mỗi lần về bên nội rất khó khăn, như tết vừa rồi…”. 

Chị nhìn ông, rồi từ tốn giải thích: “Tôi không hề ngăn cản cháu về bên nội. Ngày 28 tết, ông nội có qua đón cháu, nhưng cháu nhất quyết không chịu về. Tôi khuyên mãi, nhưng cháu không chịu. Tôi hỏi lý do. Cháu không nói. Trong nhà, cháu rất sợ cậu. Nên cậu ra lệnh, bắt cháu leo lên xe, để chở sang nội. Cháu khóc. Lúc này cháu mới chịu nói: “Mỗi lần về bên nội, ba cứ nói xấu mẹ, nên con chịu không nổi”. Chị cúi đầu, giọng dường như cũng nhỏ lại.  

Tâm sự của đứa trẻ

Tòa hỏi lại anh: “Nếu chị tạo điều kiện cho cháu qua lại thăm nội. Chị cũng đã hứa trước tòa từ đây sẽ tạo điều kiện để con về bên nội, anh có đồng ý để chị nuôi con không?”. Anh bỗng nhiên đổi ý:

“Tôi không đồng ý. Tôi nghĩ cô ấy không có khả năng dạy con. Cô ấy nói con về nội, nhưng cháu không về. Đó là bằng chứng, chứng minh cô ấy dạy con không được. Nếu sau này cô ấy nói con đừng hút chích, con không nghe thì làm thế nào?”.

Tòa giải thích: “Cháu nghe hay không nghe là do tình cảm, sự cảm hóa của cháu. Còn nguyên nhân vì sao cháu không chịu về nội, thì anh phải suy nghĩ và tìm hiểu”.

Tòa hỏi đứa con chung của hai đương sự: “Tại phiên tòa hôm nay, cháu phải trả lời thật lòng, phải trung thực với tình cảm của mình. Cháu thích ở với ai?”. “Dạ cháu thích ở với mẹ”. “Vì sao?”. “Dạ vì ba có hai con rồi”. “Ở bên nội, có ai nói xấu mẹ không?”. “Dạ có. Ba nói mẹ bỏ con”. “Mẹ kế có nói xấu mẹ cháu không?”. “Dạ không”. 

Những câu hỏi đáp giữa đứa bé với HĐXX cứ thế kéo dài ra. Không gian phòng xử dường như cũng lắng lại. Như thể ý thức được tầm quan trọng trong câu trả lời của mình, mặt đứa trẻ nghiêm nghị, lưng dựng thẳng, lời nói cũng gãy gọn, súc tích.

Vị hội thẩm khuyên đứa trẻ: “Cháu là do cha mẹ sinh ra. Nếu một trong hai người nuôi cháu, cháu phải qua lại, thăm nom người còn lại, để họ đỡ buồn. Cháu phải cố gắng làm tròn bổn phận của một người con.Cháu làm được không?”. Em cúi đầu, tiếng dạ nghẹn lại trong cổ.

Khác với dự đoán của nhiều người dự khán, tòa phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của bị đơn, chấp nhận kháng nghị của VKS. Tòa quyết định giao đứa con cho người cha tiếp tục được nuôi dưỡng.

Ở bên này, hai cha con bị đơn như vừa trút được nỗi lo trong lòng. Bên kia, người mẹ trẻ và cậu con trai nhìn nhau ngơ ngác. Tòa tan, họ lần lượt ra về. Bóng người già, người trẻ cứ thế mà chồng lên nhau. Nhưng rồi nhanh chóng tản ra, đi về hai phía.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.