Đàn bà đi biển

Đàn bà đi biển
(PLO) - Đối với đàn ông, chuyện đi biển với họ như là một điều gì đó quá đỗi đơn giản nhưng với những phụ nữ chân yếu, tay mềm thì đó quả là một thử thách. 
Thế nhưng, vì cuộc sống khó khăn, vì mưu sinh mà buộc họ phải cùng chồng vươn khơi bám biển. Hình ảnh những nữ ngư phủ vật lộn với con sóng đã quá đỗi thân quen với nhiều người dân ở xã Bình Thuận, (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi).
Khi những bà nội trợ… ra khơi
“Chưa thử sức sao biết dễ với khó, nhưng khi đã thử sức thì nghề nó lại bu bám lấy mình. Lúc nào mệt thì nghỉ, mạnh khỏe thì lại lao ra làm tiếp. Đi miết rồi quen nên bây giờ cũng không biết mệt là gì”- chị Nguyễn Thị Ri (53 tuổi), thôn Tuyết Diêm 1, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) dân biển chính gốc, đã có gần 30 năm vươn khơi bám biển mở đầu câu chuyện như thế.
Những ngày đầu tháng 11, khi tiết trời đã bắt đầu chuyển gió, biển đã vồn vập những cơn sóng dữ, ngư dân ở đây cũng đã neo theo thuyền để nghỉ ngơi, chờ trời yên, biển lặng mới tiếp tục công việc. Nhà chị Ri nằm sâu trong con hẻm nhỏ ở cuối thôn, căn nhà cấp 4 chật chội trong đó lỉnh kỉnh lưới, cần câu… dụng cụ phục cho việc đánh bắt cá. 
Những ngày này biển động, không thể đi biển chị ở nhà vá lại những chiếc lưới đã bị rách để rồi biển lặng lại ra khơi. Thấy khách lạ đến, chị lởi xởi: “Chú ngồi chơi đợi tôi tí, vá cho xong cái chỗ rách này rồi muốn hỏi chi tôi nói cho”.
Cũng như bao nhiêu người dân miền biển khác, chị Ri dáng người nhỏ thó, nước da ngăm đen, chắc nịch. Năm 20 tuổi chị lấy chồng, rồi từ đó nghề đi biển cũng bám riết lấy chị cho đến tận bây giờ. 30 năm đi biển, những ngày đầu là những ngày ác mộng với chị, chị bị say sóng nhiều lúc tưởng như không vượt qua được. Thế nhưng, vì cuộc sống chị lại đứng lên, đi mãi rồi bây giờ không có cơn sóng nào có thể quật ngã được chị.
Vừa rót nước mời khách, chị vừa tiếp chuyện: “Những ngày đầu, chú biết không đó là một ác mộng, lần đầu đi biển thì lại gặp biển động, tàu thuyền rung lắc, say sóng gần chết. Lần đó tôi nghĩ, nếu chuyến ni về được nhà chắc tôi không bao giờ đi lại. Khổ lắm, đi xe mà say xe thì còn đỡ, chứ đi tàu thuyền thì cực trăm lần”.
Khi đi biển, những người phụ nữ không còn dáng vẻ chân yếu tay mềm. Họ có thể làm tất cả mọi công việc chẳng thua kém cánh nam giới
Khi đi biển, những người phụ nữ không còn dáng vẻ chân yếu tay mềm. Họ có thể làm tất cả mọi công việc chẳng thua kém cánh nam giới 
Cũng giống như Chị Ri, chị Nguyễn Thị Liên (43 tuổi) ở cùng thôn cũng đã có  20 năm làm ngư phủ. Những ngày đầu, con thuyền cứ tròng trành như trêu đùa chị,  những cơn say sóng ập đến rồi quật ngã ngay chính trên con thuyền của chị. Biển làm khổ chị, nhưng cái tính “lỳ lợm” của dân miền biển đã giúp chị thắng lại những cơn “thịnh nộ” của biển. 
“Đứng trong thuyền mà cứ tưởng như mình đang bay, lúc thì tàu nghiêng bên này, lúc thì nghiêng bên kia. Lắc lư theo nó một hồi là nằm vật ra giữa sàn lúc nào không hay, rồi nôn ói tứ tung như say rượu. Nhưng tôi được cái lỳ, càng làm khó tôi là tôi cứ bám lấy, đi miết rồi sóng biển cũng chịu thua tôi, giờ thì khỏe rồi không như những lúc đầu” -chị Liên nhớ lại.
Lớn tuổi hơn chị Ri, chị Liên- nhưng thâm niên trong nghề đi biển lại có phần nhỏ hơn. Đó là bà Hoàng Thị Cảnh, năm nay đã 60 tuổi, bước đi đã lắc lư, lưng còng ra dáng của một bà già, thế nhưng đến mùa đi biển bà cũng theo chồng vươn khơi. Hỏi chuyện sao bà đã tuổi cao không ở nhà nghỉ, đi biển chi cho cực? 
Bà món mém nhai trầu rồi trả lời: “60 tuổi nhưng vẫn còn khỏe lắm, tôi mới đi biển cũng chỉ có 15 năm. Đi mà phụ giúp chồng chứ ở nhà chi. Đi miết rồi cũng quen nên có sợ chi tuổi già với tuổi trẻ”.
Thân gái dặm trường
Khi nhắc đến phụ nữ, hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những người chân yếu, tay mềm, quanh năm quẩn quanh trong nhà làm những việc nội chợ. Thế nhưng, ít ai biết rằng nhiều phụ nữ ở miền biển đã vượt qua cái định kiến con gái chân yếu, tay mềm đó để vượt sóng ra khơi, lênh đênh trên biển nhiều ngày, thậm chí là cả tháng trời để đánh bắt cá. Cuộc mưu sinh của họ cứ bám riết lấy biển, chỉ lúc nào đau ốm, biển động họ mới ở nhà nghỉ ngơi.
Chị Ri có 5 người con, bây giờ mỗi đứa đi mỗi nơi để lập nghiệp, không có đứa nào theo nghề làm biển cùng vợ chồng anh chị. Thế nhưng, trong cả 5 đứa con, lúc đang còn nằm trong bụng mẹ đứa nào cũng đã được chị… cho ra khơi. Phụ nữ chân yếu, tay mềm, bình thường đi biển đã khó, nhưng đằng này chị lại có bầu mà vẫn bám lấy thuyền, lấy biển mà mưu sinh. 
“Biết rằng có bầu đi biển là khổ và nguy hiểm nhưng không đi thì không có cái ăn, tôi có 5 đứa con tất cả, đứa nào lúc mang bầu tôi cũng đi biển, đi mãi cho đến lúc 7-8 tháng, lúc đó sắp sinh mới ở nhà, chứ cả 9 tháng mà ở nhà thì lấy chi mà ăn. Cũng may trời thương nên đứa nào cũng an toàn”- chị Ri tâm sự.
Rồi đứa đầu mới đầy 1 tuổi, chị lại gợi cho bà nội để ra khơi cùng chồng. Chuyến đi nào cũng vậy, lênh đênh trên biển cho đến cả nửa tháng trời mới được về thăm con. Rồi những chuyến biển sau, chị vác dụng cụ đi trước thì đứa con lại chạy theo sau gọi mẹ, nó cứ bám lấy chị không muốn xa. Nhưng  chị lại gạt nước mắt mà gửi con lại để ra biển. Cứ thế, những đứa sau ra đời, khi đã đủ tháng, đủ ngày, chị lại gửi hoặc bên nội hoặc bên ngoại ít bữa để vượt biển mưu sinh.
Vì biển động không thể ra khơi, chị Ri đành ở nhà vá lại những chiếc lưới đã bị rách chờ biển lặng sóng lại vươn khơi
Vì biển động không thể ra khơi, chị Ri đành ở nhà vá lại những chiếc lưới đã bị rách chờ biển lặng sóng lại vươn khơi
Đa phần ngư dân ở đây đều đánh bắt gần bờ, mỗi chuyến đi của họ chỉ trong vòng 10 đến 15 ngày là lại vào bờ. Thuyền nhỏ, đánh bắt gần bờ nên mỗi chuyến ra khơi của ngư dân ở đây chỉ có hai người, hoặc là anh em, hoặc là vợ chồng. Cứ mỗi chuyến ra khơi, sau khi trừ chi phí thì họ cũng được từ 5 đến 10 triệu, vậy nhưng nhiều lúc thất bát, không có đồng nào cũng là chuyện cơm bữa.
Tôi hỏi chị Ri, thường thường những phụ nữ theo chồng ra khơi họ sẽ làm những việc gì? Chị nhìn tôi với ánh mắt hoài nghi rồi trả lời: “Chú đừng nghĩ phụ nữ chúng tôi đi theo chồng là chỉ để cơm nước, làm việc nhẹ. Không phải đâu. Thế này nhé, chuyện gì đàn ông làm được trên biển chúng tôi đều làm được hết, chồng mệt nghỉ ngơi thì tôi lái tàu. Chồng lái tàu thì tôi kéo lưới, nhưng bữa nay có sức máy rồi nên cũng đỡ cực, chứ như lúc trước thì kéo đến rã rời chân tay. Trên thuyền chỉ có hai người nên thay phiên nhau làm, người làm việc này, người làm việc kia. Nặng nhọc giống nhau cả”. Nói rồi chị chìa bàn tay ra cho tôi xem, bàn tay nổi đầy những vết chai sần, sạm đen đi vì nắng gió, vì vị mặn của nước biển.
Chiều về trên biển, những người phụ nữ vẫn miệt mài làm cho xong công việc của mình để kịp về chuẩn bị bữa tối cho chồng con. Con thuyền neo ngoài khơi cứ tròng trành theo con sóng, những phụ nữ miền biển ở đây họ cũng thường ví von mình như những con thuyền, luôn lắc lư, tròng trành trên sóng biển không một phút được lặng yên. 

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.