Cụ bà chấp nhận cuộc sống lam lũ để quên đi người chồng bạc ác

Hàng ngày cụ bà vác bó chổi nặng khoảng 30kg, đi hàng chục km.
Hàng ngày cụ bà vác bó chổi nặng khoảng 30kg, đi hàng chục km.
(PLO) - Những người dân sinh sống ở vùng ven TP HCM, chẳng còn xa lạ với hình ảnh một cụ bà, ngày nào cũng vác một bó chổi lớn, rong ruổi khắp phố phường chật hẹp. Cụ bà bảo, nó chữa lành vết thương lòng về cuộc hôn nhân đổ vỡ và ký ức về người chồng bạc ác.

Hơn 40 năm vẫn chưa hết buồn chuyện quá khứ

Lần đầu gặp cụ Phạm Thị Ngày (71 tuổi, quê huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi), ở giữa Sài thành, chúng tôi có hỏi về gia đình, chồng con của cụ. Cụ bảo, con cái ở quê hết. Còn nhắc đến ông nhà, cụ Ngày nói ngay: “Ông ấy chết rồi”. Mãi một lúc sau cụ mới rỉ rả: “Ông ấy chưa chết đâu, mà đang sống với vợ bé ở Tây Ninh”. 

Vậy mới biết, trong mắt cụ Ngày thì người chồng ấy đã chết từ lâu. Nghe kể, thời điểm trước những năm giải phóng, không ít lần người chồng bạc ác này đuổi vợ và các con thơ ra khỏi nhà ngay giữa đêm khuya để đến đón nhân tình về chung sống.

“Chồng cũ của tôi người ở Tây Ninh. Lần ấy, quê tôi gặp thiên tai. Đói khổ, dân làng kéo nhau bỏ đi tứ xứ. Tôi theo một số người làng ngược vào Nam. Số phận đưa đẩy, tôi về Tây Ninh sống với người dì. Tại đây, gặp ông Đ. (người chồng cũ – PV), lúc đó đang làm công nhân mủ cao su, sau đó thương nhau. Cả hai bên gia đình đều khó khăn, nên đám cưới diễn ra đơn giản” - cụ Ngày ngậm ngùi nhớ lại.

Ông Đ. được cha mẹ cho mảnh đất, vợ chồng này dựng căn nhà nhỏ ở riêng. Cuộc sống hôn nhân những ngày đầu của đôi vợ chồng trẻ cũng rất hạnh phúc. Sau đó, lần lượt ba đứa con ra đời. Dù gặp nhiều khó khăn, túng thiếu về vật chất, tuy nhiên trong ngôi nhà nhỏ luôn đầy ắp tiếng cười. Bi kịch bắt đầu ập đến, khi ông Đ. vướng vào án và phải ngồi tù một thời gian trong nhà ngục của chế độ cũ.

Những ngày người chồng ngồi khám, là quãng thời gian cơ cực nhất của cụ Ngày. Lúc đó, cụ mới sinh con nhỏ được vài tháng. Không có chồng ở bên đỡ đần, cụ Ngày phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh và hàng tháng đi cấp dưỡng thăm nuôi chồng trong trại.

Cụ Ngày còn nhớ: “Khi ấy, con thơ mới được 7 tháng tuổi nhưng chỗ làm mướn họ không cho mang theo. Do vậy, tôi đã bỏ con ở nhà một mình. Trong khi đó, hai người con bên trên vẫn còn nhỏ và chưa thể chăm em. Con đói sữa khóc ngặt nghẽo, có bữa bé út còn bị kiến bu đầy người. Nhưng hoàn cảnh mình như vậy, thương con lắm nên tôi cũng chẳng còn lựa chọn nào khác”. 

Cái ngày ông Đ. trả án cũng hết, những tưởng gia đình trùng phùng sống vui vẻ hạnh phúc, bù lại khoảng thời gian xa cách trước đó. Thế nhưng, mọi sự lại diễn ra trái ngược. Cụ Ngày kể, từ lúc đi tù về, tính nết ông Đ. cũng thay đổi nhiều.

Trước đây, ông Đ vốn là người điềm đạm, hiền lành, có trách nhiệm và thương vợ con. Tuy nhiên, lần này ông “lột xác” thành kẻ cục súc, côn đồ. Nếu vợ mà làm điều gì đó khiến bản thân không vừa ý, thì y như rằng sẽ bị ông chửi bới, đánh đập. Không những vậy, ông Đ. chẳng phụ giúp vợ, đoái hoài gì đến các con. Sau này, ông Đ còn thêm thói nghiện rượu. 

Tâm sự với người viết, cụ Ngày cho biết, khi ấy cụ vẫn hy vọng một ngày nào đó, ông Đ. nghĩ đến những hy sinh, cơ cực của vợ mà thay đổi tâm tính. Nhưng rồi, cụ Ngày như bị dội gáo nước lạnh, khi hay tin chồng công khai cặp bồ bên ngoài. Cụ Ngày suy sụp, oán trách người chồng đã phản bội lại lời nguyện ước trăm năm. Lúc đó, cụ Ngày đã định cắt đứt với người đàn ông một dạ hai lòng ấy, nhưng rồi nghĩ đến con thơ, cụ không đủ can đản làm vậy.

Cụ cố gắng níu kéo tình cảm, kéo chồng về với gia đình. Nhưng ngược lại những cố gắng của người vợ, thì ông Đ. lại càng mù quáng lún sâu vào mối tình tội lỗi. Ông quay sang đánh đập hắt hủi vợ con. Như lời kể của cụ Ngày, ông Đ. cố tình làm vậy, để mong “tống cổ” được vợ con ra khỏi nhà, sau đó danh chính ngôn thuận đón người tình về chung sống. Cuối cùng người chồng ấy cũng đoạt được ý định, với cụ Ngày tình với người chồng ấy đã cạn, nhưng chỉ thương cho ba đứa con vô tội khi bị người cha tàn nhẫn ruồng rẫy.

Bán chổi làm thú vui sống qua ngày

Có lẽ, cụ Ngày là người có thâm niên lâu nhất trong nghề bán chổi ở TP.HCM. Cụ nhẩm tính, đến nay, cụ đã sống với nghề này được 40 năm. Cụ bán từ lúc còn xuân xanh, tóc dài đen nhánh, cho đến tận bây giờ, khi đã ở tuổi xế bóng chiều tà. 

Tâm sự với người viết, cụ bảo cái nghề bình dân này đã cứu cuộc đời mình, cũng nhờ thế mà cụ Ngày nuôi những đứa con thơ lên người. Nghề bán chổi có ý nghĩa đặc biệt với cụ, nó không đơn giản chỉ là mưu sinh, mà còn giúp cụ quên đi những vết thương đang âm ỉ trong lòng. 

Lần ấy, sau khi bị gã chồng bạc ác đuổi ra khỏi nhà, ba mẹ con cụ bơ vơ lạc lõng. Tâm lý cụ Ngày suy sụp hoàn toàn, sau một đêm ngủ ở ngoài đường, sớm hôm sau cụ dắt con lên chuyến xe khách về Sài Gòn. Như lời tâm sự của cụ, khi đó trong đầu không hề xác định được phương hướng bến đỗ. Cụ đi như vô thức, chỉ muốn rời xa mảnh đất chất chứa nhiều ký ức đau thương này. Đến Sài Gòn, mấy đồng bạc lẻ trên người cũng đã hết, bốn mẹ con cụ đói khát, dần lả đi trước một xóm trọ nghèo ở khu vực cầu Bình Lợi (Q. Bình Thạnh). 

“Tôi được mấy người tốt bụng cưu mang. Họ cho cơm ăn, áo mặc, rồi chỗ ngủ”, cụ Ngày nhớ lại. Ân nhân của mấy mẹ con cụ Ngày cũng là người quê Quảng Ngãi, họ làm nghề bán chổi. Cũng chính những người ấy đã dẫn cụ vào nghề này. “Lần ấy, thấy tôi buồn phiền chuyện tình cảm, cô Tư (ân nhân của cụ - PV), bảo lấy chổi của tôi đi bán, lao động sẽ khiến bản thân quên đi hết mọi ưu tư. Hơn nữa, tôi cũng phải kiếm tiền nuôi con. Do vậy, hôm sau tôi theo cô Tư đi bán chổi” - cụ tâm sự.

Mấy đứa con nhỏ, cụ Ngày lần lượt gửi về quê, còn mình lưu lại Sài thành, vật lộn với miếng cơm manh áo. “Đi làm về mệt, tôi cũng chẳng thời gian đâu mà nghĩ đến chuyện quá khứ. Hơn nữa, đi ra ngoài, gặp nhiều mảnh đời, tôi thấy số mình cũng may mắn hơn nhiều”, cụ Ngày tâm sự nếu bản thân cứ cam chịu sống với một người chồng như thế, thì sẽ khổ cả đời. Cụ Ngày luôn bảo, giữa mình và ông Đ. chẳng còn một chút tình cảm gì nữa cả, có chăng đó là những hối tiếc mà thôi. 

“Khoảng thời gian đầu, tôi vẫn hy vọng và chờ đợi một ngày nào đó ông ấy nghĩ lại, sau đó xuống xóm trọ đón mẹ con tôi về nhà. Đó là lý do tôi cố gắng bám trụ ở Sài Gòn và không đi bước nữa, dù có rất nhiều người để ý. Nhưng năm tháng qua đi, ngày đoàn tụ mà tôi mong ngóng, mường tượng đã không xảy ra”, cụ kể. Điều khiến cho cụ Ngày cay đắng và bẽ bàng, đó là dù vợ chồng hết tình nghĩa đã đành, nhưng ông Đ. cũng không buồn đoái hoài đến con cái. Có lẽ vì thế, mà vết thương trong lòng cụ Ngày càng thêm nhức nhối, chưa bao giờ nguôi ngoai.

Con cháu cụ Ngày đều sinh sống ở Quảng Ngãi, lâu lâu cụ mới về thăm nhà. Nhưng về vài bữa cụ lại bắt xe đò vào TP.HCM. Hoàn cảnh của gia đình cụ cũng không quá khó khăn. Thấy cụ tuổi đã cao, con cháu giữ ở nhà phụng dưỡng, không cho đi nữa. Nhưng ý cụ đã quyết, thì chẳng ai ngăn cản được. Cụ Ngày nói rằng mình không muốn làm liên lụy, phiền hà đến con cháu, giờ cụ vẫn khỏe vẫn tự lo, chăm sóc cho bản thân mình được. Nhà cao cửa rộng ở quê cụ Ngày không ở, cụ bảo mình quen với ngõ nhỏ, nhà trọ chật hẹp, cả những tiếng ồn ào chốn thị thành. 

Thương mẹ, các con cụ cũng chỉ biết ngậm ngùi nhìn theo bóng cụ đổ xuống đường xa tít tắp. Có mấy ai hiểu được nỗi niềm riêng của người mẹ già, cuộc sống mưu sinh hằng ngày khiến mình được vui vẻ, khỏe mạnh. Người khác nhìn vào bảo cụ lam lũ, cơ cực, thậm chí có người hiểu nhầm còn bảo cụ bị con cái bạc đãi. Nhưng họ đâu biết rằng, làm như vậy cụ thấy thanh thản, bình yên trong cõi lòng… 

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.