Chuyện vị sứ giả tài đối đáp với hoàng đế Quang Trung

Trần Công Xán ung dung đi sứ dù biết việc khó thành (Hình minh hoạ)
Trần Công Xán ung dung đi sứ dù biết việc khó thành (Hình minh hoạ)
(PLO) - Trần Công Xán là người duy nhất trong số bá quan nhà Lê có thể đường hoàng đối đáp, không chút e sợ trước chủ soái quân Tây Sơn. Có khi Nguyễn Huệ cố ý hỏi vặn, Trần Công Xán vẫn trả lời trôi chảy, ra sức biện bạch không hề chịu thua kém. Điều này càng khiến Nguyễn Huệ trọng và phục ông.

Vào cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX, nhóm tác giả của Ngô gia văn phái - nhờ là người đương thời và có trong tay nhiều nguồn tư liệu xác thực - nên đã trước thuật được một áng tiểu thuyết lịch sử chương hồi sống động – Hoàng Lê nhất thống chí. Trong đó, câu chuyện về vị Tiến sĩ Trần Công Xán triều Lê, người làm Chánh sứ đi gặp Hoàng đế Quang Trung, không chỉ cho thấy khẩu khí của một con người mà còn là minh chứng điển hình về khả năng hùng biện của kẻ sĩ nước Việt thuở trước.

Trần Công Xán (hay còn gọi Trần Công Thước) là người thôn Trung, xã An Vĩ, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Ông thi đỗ Tiến sĩ năm 42 tuổi, nhằm khoa Nhâm Thìn niên hiệu Cảnh Hưng 33 (1772) đời vua Lê Hiển Tông. Trong sự nghiệp làm quan, Trần Công Xán từng trải qua các chức vụ quan trọng của triều đình như Bồi tụng (1784), Đồng Bình chương sự (1787). Ông nổi tiếng là người cương trực, gan dạ và giỏi ứng biến. 

Đi sứ trong thế khó

Còn nhớ, mùa thu năm 1786, khi quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy tiến ra Bắc lật đổ cơ đồ chúa Trịnh rồi tỏ nghĩa tôn phò vua Lê, Trần Công Xán là người duy nhất trong số bá quan nhà Lê có thể đường hoàng đối đáp, không chút e sợ trước chủ soái quân Tây Sơn. Có khi Nguyễn Huệ cố ý hỏi vặn, Trần Công Xán vẫn trả lời trôi chảy, ra sức biện bạch không hề chịu thua kém. Điều này càng khiến Nguyễn Huệ trọng và phục ông.

Sau khi quân Tây Sơn rút về và đóng giữ vùng đất từ Nghệ An trở vào Nam, ở ngoài Bắc Hà, tình hình có nhiều biến động. Nguyễn Hữu Chỉnh vốn theo anh em Tây Sơn nhưng vì xảo trá nên không được tin dùng, liền tìm cách từ Nghệ An quay về kinh đô Thăng Long. Nguyễn Hữu Chỉnh kể cũng có tài, đã từng bước chiêu tập lực lượng, lấy cớ cần vương để đánh đuổi các thế lực chống đối, sau cùng làm chủ hoàn toàn đất Bắc, cầm nắm việc nước, buộc vua Lê Chiêu Thống phải nhượng bộ mà phong cho tước Bằng Công. Nguyễn Hữu Chỉnh vốn là học trò của Trần Công Xán, liền xin nhà vua phong cho ông thầy chức Đồng Bình chương sự, địa vị như Tể tướng triều đình.

Lấy cớ đất Nghệ An vốn là đất “thang mộc” của nhà Lê, nay đang bị Tây Sơn chiếm giữ, Nguyễn Hữu Chỉnh bàn với Lê Chiêu Thống cử Trần Công Xán dẫn đầu đoàn sứ bộ vào Nam đòi lại. Trần Công Xán tuy khẳng khái nhận lời nhưng cho rằng với tình thế hiện tại, việc thuyết phục Nguyễn Huệ là rất khó, nên không mấy tự tin về kết quả của chuyến đi. 

Hoàng đế Quang Trung (Tranh dân gian Đông Hồ)
Hoàng đế Quang Trung (Tranh dân gian Đông Hồ)

Ung dung trình quốc thư

Suy tư là vậy nhưng ông vẫn khởi hành đúng hẹn. Khi đến Phú Xuân yết kiến Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ, Trần Công Xán trình lên bức quốc thư do Nguyễn Hữu Chỉnh mượn lời Lê Chiêu Thống viết. Lời lẽ bức thư tuy mềm mỏng lí luận về việc xin lại đất cũ nhưng thật ra là có ý cho rằng Nguyễn Huệ đã miệng nói “không” tay với lấy để cướp đất Nghệ An của nhà Lê. Đọc thư xong, Nguyễn Huệ hầm hầm tức giận quát lớn: “Thư này ai làm? Nói ra toàn điều vô nghĩa lí. Người Bắc quen dùng lời lẽ để dử người. Ta không phải trẻ con mà lừa dối được đâu!”.

Trần Công Xán mặt không đổi sắc, bình tĩnh đáp: “Xin Đại vương hãy bớt giận, để tôi nói rõ. Nếu muốn giết tôi, tôi cũng xin nói một lời rồi chết”. Nguyễn Huệ vốn trọng Trần Công Xán, bèn dịu giọng mà rằng: “Ngày xưa ta vượt biển ra Bắc, phá Thăng Long, diệt họ Trịnh, cả nước khiếp sợ, trong triều ngoài nội đều chịu bó tay, không ai dám làm gì. Lúc bấy giờ nếu ta chiếm giữ đất nước, xưng đế, xưng vương, gì mà chả được? Nhưng vì ta xa mến đức của tiên đế, nên đem cả cõi đất nguyên vẹn trả lại ngài. Cơ đồ thống nhất đều do tay ta gây dựng lại, Bắc triều lại dùng chế sách “Thượng Công” để đền đáp ta. Chẳng biết “Thượng Công” là danh hiệu gì? Đối với ta có thêm được cái gì không? 

Kịp đến khi tiên đế chầu trời, lễ cả sơn lăng, ta giúp đỡ cho: tự vương nối ngôi, lễ lớn sách lập, ta chủ trương cho. Nay không cảm ơn những việc của ta làm, lại chứa chấp kẻ phản ta, chống cự với ta, mưu đồ dành lại đất Nghệ An. Xử sự như thế, nhân tình có ai nín nhịn được không? Ta đã phái ra hai vạn binh mã, sai tả quân Vũ Văn Nhậm thống lĩnh, thẳng tới Thăng Long, chặt đầu cha con giặc Chỉnh về dâng. Chắc rằng khi Chỉnh nghe tin quân ta kéo ra, thế nào cũng kèm tự tôn bỏ chạy. Bấy giờ ở dưới gươm đao, ngọc đá lẫn lộn, không biết tự tôn có giữ được yên lành hay không? Nếu có làm sao, người trong nước lại quy oán về ta thì thật phiền”.

Nhà thờ Tiến sĩ Trần Công Xán
Nhà thờ Tiến sĩ Trần Công Xán

Biện bác không sợ hãi

Với vẻ trấn tĩnh và khẳng khái, Trần Công Xán biện bác từng khoản một: “Xưa đức Lê Thái Tổ dẹp yên quân Ngô, mở mang nước nhà, công đức như trời. Vua Thánh Tông tự mình làm nên thái bình, rạng danh đời trước, mở rộng về sau. Từ núi Thạch Bi ra Bắc, từ dãy Đại Lĩnh vào Nam, đều làm tôi làm dân, ai ai cũng phải tôn kính, trải qua hàng trăm năm. 

Họ Mạc tiếm ngôi, cả nước đều giận. Đấng tiên vương hội họp những người đồng chí, dựng lại họ Lê. Họ Trịnh nối theo cũng vì có công phò Lê, cho nên mới sai bảo được bốn phương, và được mọi người hưởng ứng. Từ mấy đời nay, chúa Trịnh tuy là hiếp chế vua Lê, nhưng chính sóc không đổi thay, chuông khánh vẫn ở đấy, thiên hạ vẫn là thiên hạ của nhà Lê. 

Đại vương ruổi xe một mạch, thẳng đến kinh thành, tuy rằng oai danh đã vang dậy khắp nơi, nhưng cũng do lấy nghĩa cả tôn phò, khiến người ta tin phục mới được như vậy. Nếu không, việc vào nước người ta, đâu có dễ dàng như thế. 

Tiên đế thoạt thấy Đại vương, tiếp đãi rất là long trọng. Trước ban sách mệnh làm tước công, rồi sau sẽ phong vương, đó là điển cũ của bản triều, không phải trả ơn không hậu, chớ nên thấy như thế mà cho là bạc. 

Một nước đã trải hơn ba trăm năm, trời cao chứng giám, lòng người tôn sùng. Đại vương đem cả cõi đất trả lại nguyên vẹn, là thể thuận ý trời, chiều lòng dân, chưa có thể lấy đấy làm ơn. 

Tiên đế mất đi, Hoàng thượng nối ngôi, mọi việc đều bẩm trước với Đại vương. Đại vương không làm chủ thì ai làm chủ nữa. Lí đã đến thế, đừng cũng chẳng được. Tôi không dám khen ngợi để dâng lời ton hót”.

Vẫn giọng trôi chảy và mạnh dạn ấy, Trần Công Xán cãi lí: “Đại quân về Nam, Nguyễn Hữu Chỉnh đuổi theo, Đại vương để hắn ở lại Nghệ An, sao lại bảo hắn làm phản? Nghệ An vốn là đất cũ của bản triều, bản triều phải giữ lấy bờ cõi, sao lại nói là tranh giành? Đại vương phái binh mã ra, nếu là để thăm hỏi, bản triều đã có lễ nghênh tiếp. Bằng không, thì như người xưa đã nói: “Nước lớn có quân đánh dẹp, nước nhỏ có cách chống giữ”. Tôi nay đã ra khỏi cõi, việc ấy không còn dám biết đến. Tự hoàng của nước tôi, trời đã sai làm vua, đế vương có chân mệnh, gươm đao cũng phải lựa chọn, Đại vương chớ có lo. 

Nếu như Đại vương cứ thuận lẽ trời mà làm, gây lại nước đã suy, nối lại họ đã dứt, để cho nước của nhà họ Lê được yên ổn, thì những người làm tôi làm dân trong cả nước ai chẳng cảm đội công đức, còn có oán gì? Nhược bằng làm trái lại, thì sự thế thay đổi khác thường, tôi đây ngu dại, không thể nào mà thấy trước được”.

Trần Công Xán cứ cãi đi cãi lại mãi, không chịu khuất phục một lời nào. Đến lúc trời sắp tối, Nguyễn Huệ nói: “Hãy ra nhà trọ mà nghĩ đi nghĩ lại cho kĩ” thì Công Xán đáp ngay: “Nghĩ lắm luẩn quẩn lại dễ lầm lẫn, một chết là xong”. Trước sự cương ngạnh ấy, Nguyễn Huệ nổi giận, sai giam Trần Công Xán vào ngục. Nhưng vốn mến tài người này nên Nguyễn Huệ muốn thu phục, ông sai hai viên cận thần là Trần Văn Kỉ và Vũ Văn Trụ đến thuyết phục, nhưng họ nói sao Trần Công Xán cũng không nghe. Bởi vậy, Nguyễn Huệ phải thả Trần Công Xán và đoàn sứ giả về. Khi đến hải phận Nghệ An, thuyền bị bão nhấn chìm, Trần Công Xán và đoàn tuỳ tùng đều thiệt mạng.

Chuyến đi sứ của Trần Công Xán đã thất bại, nhưng điều đó không làm giảm sút thanh danh của ông trước lịch sử. Câu chuyện ứng đối cứng cỏi, có đầu có cuối, không khuất phục của ông trước nhân vật được xem là đối nghịch với triều Lê khi đó vẫn mãi được lưu truyền như một bài học về thái độ kiên quyết và lập trường vững vàng của giới sĩ phu nước Việt trước các biến động và thử thách của thời cuộc…

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.