Chuyện để đời của bà chúa đa đoan

Tượng Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc.
Tượng Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc.
(PLO) - Nhìn bức ảnh bên, bạn đọc hiểu biết hẳn sẽ có sự phân vân khi bức tượng người phụ nữ xếp bằng kiểu kiết già, tay giơ ngang ngực kết ấn Vô Úy, nhưng trên đầu lại đội vương miện và trang phục là triều phục thế kỷ XVII. Bà là Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (1595 - 1660), còn gọi là bà chúa Kim Cương.  

Cũng như nhiều bậc mẫu nghi thiên hạ khác, thân là hoàng hậu thì làm chủ nơi hậu cung là chính, và họ cũng đa phần là những mỹ nhân con nhà quyền quý, được nạp vào cung và lọt mắt xanh của hoàng đế để được sánh bước cùng vua với phận chính thất. 

Ấy nhưng với bà Trịnh Thị Ngọc Trúc, bước đường vào vai trò mẫu nghi thiên hạ không êm nhẹ như đa phần những người khác. Hẳn thế chăng mà trong các vị hoàng hậu thời Lê Trung hưng (1533 - 1789), bà là một trong những phụ nữ được hậu thế biết đến nhiều hơn. 

Phận gái long đong

Xuất thân của Trịnh Thị Ngọc Trúc, rõ là không phải bậc “kim chi ngọc diệp” (lá ngọc cành vàng) con vua, thì cũng dòng dõi tôn quý khi bà là con gái của chúa Thanh Đô vương Trịnh Tráng, danh phận ở hàng quận chúa chứ kém chi ai.

Theo Kim tỏa thực lục chép về gia phả chúa Trịnh, Trịnh Tráng có 12 người con trai, ngoài ra trong danh sách thống kê hai người con gái của chúa, là Quận chúa Hoàng hậu và Đoan Phương công chúa. Quận chúa Hoàng hậu chính là Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc. 

Vốn ban đầu, bà Ngọc Trúc chưa lên ngôi chính cung ngay đâu, mà như Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên cho hay, bà được cha gả cho một vị quan, dòng dõi tôn thất nhà Lê. Chồng bà, Cường quận công Lê Trụ, tước vị kể ra là tột bậc trong hệ thống phẩm tước và xét về ngôi thứ, Lê Trụ là bác họ vua Lê Thần Tông (ở ngôi hai lần 1619-1643; 1649-1662). 

Ăn ở với nhau, đôi vợ chồng thuộc dòng vua Lê, chúa Trịnh có được bốn mặt con trai. Buổi ấy đương thời vua Lê – chúa Trịnh, cái chế độ chính trị “lưỡng đầu chế” đặc biệt ấy trong sử Việt thời Lê Trung hưng khác với thời của anh em Thiên Sách vương Ngô Xương Ngập và Nam Tấn vương Ngô Xương Văn thời Hậu Ngô, hay thời Trần với mô hình vua – thái thượng hoàng.

Lúc này, chúa Trịnh dù không chính danh, nhưng toàn quyền định đoạt việc nước, bởi thế mới có cái cảnh như Quốc sử ngâm than:

Vua Lê tượng gỗ đồ chơi,

Còn chi danh phận chúa tôi đâu nào. 

Tôn thất nhà Lê lấy làm bất mãn lắm, nhiều phen muốn làm chính biến hòng lấy lại danh vị thực cho dòng họ. Còn riêng Lê Trụ, từng dự phần vào việc muốn ngồi ngai vàng nhà Lê.

Tục biên cho hay năm Kỷ Mùi (1619), khi vua Lê Kính Tông băng thì “Cường quận công Lê Trụ, tư cách là con của Bản quốc công Lê Bách, là cháu đích tôn của vua Anh Tông, lại lấy con gái của vương tử Thanh quận công, nên cũng có ý ngấp nghé”.

Tuy nhiên sau đó thì ngai vàng dành chỗ cho Thần Tông Lê Duy Kỳ chứ không có phần Lê Trụ. Theo Việt sử cương mục tiết yếu chép, thì sau đó “Trụ mưu phản nghịch bị hạ ngục”.

Hành động cụ thể của vị tôn thất chồng bà Trúc, là “can tội bắc thang vào điện mưu việc phản nghịch, bị hạ ngục mà chết” (Trích Tục biên). Vậy là bà Trúc trở thành quả phụ. 

Bìa Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa
Bìa Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa

Được cha gả cho... cháu chồng

Lúc này, Thanh Đô vương Trịnh Tráng (1577 – 1657) cha bà đang dần thâu tóm, củng cố quyền lực về tay mình, tự xưng vương và xử lý việc nước, đặt vua Lê ở vị trí làm vì mà thôi. Đương thời trị vì của vua Lê Thần Tông, vị vua này được sử nhận định là “ung dung rủ áo chắp tay mà hưởng lộc trời”:

Thanh đô quyền trọng hơn xưa,

Nhà Lê cũng một giải thừa mà thôi!

(Trích Đại Nam quốc sử diễn ca)

Ở phận kẻ làm tôi, tiếng là đứng dưới một người, đứng trên ức vạn người, nhưng thực tế, chúa Trịnh nắm giữ cả quyền phế lập, sinh sát đối với vua Lê chứ chẳng chơi. Năm Canh Ngọ (1630), lúc này vua Lê Thần Tông trị vì lần thứ nhất, tính ra đã hơn 10 năm.

Theo Lê triều ngọc phả chép “vua sinh giờ Tỵ, ngày 19 tháng 11 năm Đinh Mùi, niên hiệu Hoàng Định thứ 8 (1607)”. Lúc này, vua được 24 tuổi ta, thật là tuổi đương xuân.

Còn Trịnh Thị Ngọc Trúc thì đã góa chồng, trải qua 4 lần sinh nở, hương sắc không còn mặn mà nữa. Tuổi bà lúc ấy đã 36, cách vua cả giáp. Xét về quan hệ, bà là bác dâu của vua, đang là góa phụ ở nhà cha đẻ. 

Quyền chúa Trịnh Tráng cao hơn tất thảy, tự mình định đoạt mọi việc triều chính, nên mới có thực tế mà Việt Nam phong sử ghi “Vua yếu, tôi mạnh, việc chính đều thuộc về Phủ chúa… Vua Lê rủ áo, ngồi không, vô sự chỉ lấy sơn thủy làm vui”, hay Việt sử diễn nghĩa miêu tả:

Triều đình quyền thế ai phen,

Mặc dù ngang dọc trắng đen một mình. 

Nghĩ con gái giữa đường đứt dây tơ hồng, lại những mong kiềm tỏa, giám sát vua trẻ tuổi Thần Tông, thế là tháng 5 năm Canh Ngọ (1630), chúa Trịnh bèn “đem bà ta (chỉ Ngọc Trúc – Người dẫn chú) gả cho vua. Nhà vua nhận” (Trích Tục biên).

Vua không nhận sao được khi chúa Trịnh Tráng chính là người đồng ý cho ông lên ngôi được, thì ngai vàng kia ngài ngồi lâu hay chóng, đều do tay chúa mà ra cả. 

Thấy vua đường đường là đấng kim thượng mà phải hạ mình lấy gái nạ dòng, chẳng những đã có một đời chồng, 4 đứa con mà về mặt ngôi thứ lại là bác dâu của mình, thế thì nhân luân còn để vào đâu.

Bởi vậy, bề tôi của vua như Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho hay là Nguyễn Thực, Nguyễn Danh Thế không đành lòng, nhiều lần dâng sớ can ngăn vua đừng có nạp Trịnh Thị Ngọc Trúc vào cung. Vua dù biết là không nên đấy, nhưng cũng đành tặc lưỡi mà rằng: “Trót đã lấy rồi”.

Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa dịch ra tiếng Việt
Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa dịch ra tiếng Việt

Dấu ấn Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa

Kể ra, lên ngôi chính cung như Trịnh Thị Ngọc Trúc, chẳng cần theo lẽ thường của việc dự phần hương phấn để được vua để ý, mà bởi uy thế của cha nên được tác thành.

Nhưng, ít ai biết rằng, vị hoàng hậu về sau được dân gọi là “bà chúa Kim Cương” này, không chỉ được hậu thế nhớ đến bởi cái ngôi chính cung nhiều phần không hợp phận kia, mà còn bởi bà là một tác giả ngôn ngữ Hán Nôm “có hạng” với bộ từ điển Hán Nôm Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa. 

Như lời nhà nghiên cứu Trần Văn Giáp trong Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, tập II, thì “sách trình bày chữ Hán xen lẫn với nghĩa ghi bằng chữ Nôm, chữ nào dễ thì không chua cách đọc, chữ nào khó, lạ thì có chua âm đọc”.

Điểm đặc biệt ở đây, là sách được sắp xếp để khi đọc thì cả chữ Hán hợp với chữ Nôm thành vần điệu theo thể lục bát. 

Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa được Trịnh Thị Ngọc Trúc sửa, bổ sung trên cơ sở sách Chỉ nam phẩm vựng. Khi là chính cung của vua Lê Thần Tông, rõ là bao việc chốn hậu cung cần phải chu toàn, phải đến khi đi tu tại chùa Bút Tháp với đạo hiệu Pháp Tính, bà mới có thời gian để thực hiện tác phẩm này.

Lý do của vị hoàng hậu một thời khi soạn sách, được bà ghi rõ trong bài tựa của mình: “Nay, tôi là nhà sư xin lựa chọn từng tiếng, chua âm đọc, giải nghĩa đen từng chữ, tay viết thành sách, để làm tỏ những điều cốt yếu, khiến cho độc giả dễ xuôi, xuôi vần thuận miệng”. 

Quả thật khi đọc qua tác phẩm này (đã được NXB KHXH ấn hành năm 1985), với dung lượng 40 chương, dài trên 3.000 câu, tổng số cả Hán lẫn Nôm là 24.000 chữ, đã đề cập đến nhiều lĩnh vực, chứa đựng nhiều tri thức về xã hội, thiên nhiên như: nông canh, hôn nhân, nhân luân, thiên văn, nhạc khí… Tỉ như một đoạn về “tạng phủ bộ đệ ngũ”:

Tâm Tạng hiệu là quả tim,

Nặng mười hai lạng chẳng hiềm có lông.

Phế Tạng là phổi trắng mòng,

Phủ che ngũ tạng ở trong hung đường.

Tỳ Tạng lá lách thức vàng,

Kể ba cân (cân ta – người dẫn) nặng mùi càng ngọt thơm. 

Rõ là nơi hồng trần, bà phải theo sự sắp đặt chính trị của cha mình; còn khi quy y thoát tục, hoàng hậu một thời đã tạo dấu ấn riêng của bản thân, tỏ ra là một nữ tác gia có trình độ. Hậu thế nay phải xem lại công lao của bà với thơ văn, ngôn ngữ dân tộc thế kỷ XVII mới xứng đó chăng...

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.