Chuyện của gia đình có 4 người con câm điếc

(PLO) - Trong ngôi nhà ấy, 4 người con sinh ra dù chịu sự thiệt thòi vì đều câm điếc nhưng vẫn lớn lên trong sự yêu thương, đùm bọc của cha mẹ, tự nuôi sống mình, không phụ thuộc, trở thành gánh nặng của gia đình hay xã hội. 
Bức ảnh chụp vợ chồng bà Thanh bên 4 người con câm điếc.
Bức ảnh chụp vợ chồng bà Thanh bên 4 người con câm điếc. 
Sinh 4 đứa con vẫn chưa một lần được nghe tiếng gọi “mẹ”
Một ngày cuối tháng 11/2014, chúng tôi tìm về thôn Công Chánh, thị trấn Tuy Phước (Bình Định) để tìm hiểu về gia đình ông Hàn Văn A (50 tuổi) và bà Hồ Thị Ngọc Thanh (49 tuổi). Trong ngôi nhà nhỏ này đã lần lượt ra đời 4 người con, đều bị bệnh câm điếc bẩm sinh. Gặp một thanh niên đang đứng ven đường trước Trường Trung học phổ thông Xuân Diệu, chúng tôi hỏi thăm, thì chỉ nhận được nụ cười. Linh tính cho biết chàng thanh niên ấy chính là một trong những nhân vật chúng tôi đang đi tìm. Sau một hồi ra hiệu vất vả, cậu thanh niên chầm chậm rảo bước đi trước, chờ chúng tôi theo sau.
Người mẹ Hồ Thị Ngọc Thanh tiếp khách lạ với khuôn mặt hiền lành và nụ cười xởi lởi. Chỉ cậu thanh niên dẫn đường, bà cho biết: “Nó là đứa con thứ hai của vợ chồng  tui. Bữa nay cúp điện ở chỗ làm nên hai mẹ con vừa về nhà nghỉ xả hơi, ông xã thì ở lại lán trại với anh em thợ hồ”. Rồi bà Thanh bảo con trai lấy cho khách xem tấm hình mà vợ chồng họ chụp đã hơn mười năm trước. Theo đó, ngoài chàng trai chúng tôi gặp ngoài đường là Hàn Văn Thuận (SN 1993), còn 3 người trong ảnh là Hàn Văn Long (SN 1989, con trai đầu), Hàn Văn Điệp (SN 1996) và Hàn Thị Như Quỳnh (SN 1997, cô con gái út).
Bà Thanh cho biết, chỉ có Thuận theo bố mẹ làm nghề thợ hồ, ba người con còn lại đang đi làm may cho Công ty May Hiệp Thành tại dốc Ông Phật, TP.Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), cuối tuần mới về thăm gia đình. Bà Thanh tâm sự, sau hơn 20 năm từ ngày lấy chồng, vợ chồng bà sinh được cả thảy 4 người con, khi mới sinh ra đều xinh xắn, mạnh khỏe. Vậy mà oái oăm thay, trời không thương nên tất cả đều không nói, không nghe được. 
Bà kể, đứa con đầu lòng mới sinh ra vẫn khóc oang oang. Cả nhà mừng lắm, không hề nghĩ đến chuyện chẳng lành. Vả lại, cả hai bên họ hàng nội, ngoại có ai bị câm điếc bẩm sinh như vậy đâu. Nhưng sau đó, đứa con cả chẳng nói được gì, ngày nào cũng lặng như tờ.
Cảnh buồn như vậy cứ tái diễn cho đến lần sinh con thứ tư. Nhiều đêm hy vọng đời mình rồi cũng sinh được đứa con lành lặn, nhưng càng hy vọng, vợ chồng bà Thanh lại càng não nề hơn sau mỗi lần mang nặng đẻ đau. Những ngày ấy, ông A thấy vợ buồn nên vỗ về an ủi: “Đừng buồn phiền nữa, con nào cũng là con. Con khôn thương ít, con dại thương nhiều. Vợ chồng mình ráng bươn chải làm ăn, bù đắp cho các con”. 
Bà Thanh chỉ còn biết mỉm cười bên người chồng hiền như cục đất của mình. Có sự ủng hộ của ông, bà dần rời bỏ những sầu não và suy nghĩ tiêu cực, cùng chồng chăm sóc các con nên người. “Số kiếp đã vậy rồi, thôi cũng xin gánh chịu, đều là máu thịt của mình đứt ruột sinh ra”, bà Thanh trải lòng mình.
Tình yêu thương hóa giải bất hạnh
Cuộc sống mỗi ngày của gia đình này trôi qua quả thật không dễ dàng chút nào. Một góc căn nhà nằm ven con lộ của gia đình bà Thanh được ngăn ra làm chuồng heo. Bà vừa nuôi heo vỗ béo vừa chăm các con thơ dại. Ông A ngày ngày đi làm thợ hồ mãi tận TP.Quy Nhơn, tối mịt mới về. Đối diện nhà là ngôi trường hàng ngày học sinh tung tăng nhảy chân sáo đến trường lớp. Thấy các bạn được tung tăng tới trường, những đứa con tật nguyền của bà cũng háo hức đòi đi học. 
Thương con, hai vợ chồng chỉ biết ôm con vào lòng buồn nẫu ruột mà chẳng giúp được gì cho con. Nhưng rồi, ông bà cũng cố gắng cho các con đi học để lấy cái chữ. Bởi họ hiểu cuộc sống mà một chữ bẻ đôi không biết sẽ rất khó khăn sau này.
Tuy nhiên, việc học của những đứa trẻ tật nguyền cũng không hề dễ dàng. Khó khăn nhất là cậu con cả Hàn Văn Long. Bà Thanh nhớ lại, tròn 10 tuổi, Long vẫn chưa nhận diện được mặt chữ, ông bà phải rất vất vả mới giúp con có thể làm quen với cây bút, nắn nót viết được những chữ đầu tiên. Ba người con sau thì khá hơn đôi chút. Những gian nan trong hành trình học chữ này, vợ chồng bà đều phải đồng hành bên các con, hỗ trợ, động viên khi cần thiết.
“Vợ chồng tui dù gian khó đến mức nào đi nữa cũng phải cho con mình học được cái chữ, để sau này các cháu ra đời tự lập, chứ đã không nói được rồi mà viết cũng không biết thì tội lắm”, bà Thanh chia sẻ. 
Bà Thanh và người con trai thứ.
Bà Thanh và người con trai thứ. 
Sau việc học chữ là đến kiếm việc làm mưu sinh. Các con của ông bà không ai muốn trở thành người phải sống phụ thuộc vào cha mẹ. Họ đều muốn đi làm để tự nuôi sống bản thân và giao tiếp với mọi người trong xã hội. Tháng ngày trôi qua bên nỗi nhọc nhằn của bố mẹ, 3 người con lớn dần “đủ lông, đủ cánh”. Vợ chồng bà Thanh xin được và đưa con vào Trung tâm Nguyễn Nga tại thành  phố biển Quy Nhơn học tập. Cô con gái út Như Quỳnh sau đó cũng theo các anh đi học để có cái chữ. Hiện 4 anh em đều xài điện thoại cầm tay và lướt trên bàn phím với những tin nhắn “biết nói” về cha mẹ và bạn bè cùng trang lứa rất thành thạo.
Hàng chục năm nay, bà Thanh theo chồng làm phụ hồ mưu sinh. Người con thứ hai Hàn Văn Thuận bám trụ cùng cha mẹ. Bà Thanh cho hay, cậu rất siêng năng, chịu khó trong nghề mình đã chọn. Ba người con kia của ông bà lại chọn nghề may để mưu sinh. Những chiếc áo mà cô con gái út cùng hai anh trai may rất đẹp bởi bàn tay tài hoa, khéo léo của mình. Vợ chồng bà Thanh khoe với chúng tôi về thu nhập của các con: “Long và Điệp mỗi tháng thu nhập khoảng 2 triệu đồng. Như Quỳnh vào nghề may sau hai anh nên thu nhập hơn 1 triệu đồng mỗi tháng”. 
Chia tay gia đình bà Thanh, chúng tôi dẫu sao cũng mừng cho những con người kém may mắn này, nhất là khi mường tượng đến cảnh mỗi dịp cuối tuần, 3 đứa con làm trên thành phố lại lặng lẽ nắm tay nhau rời công ty may đón xe buýt về thăm nhà. Gia đình 6 người ấy sẽ quây quần bên mâm cơm dù còn đạm bạc, để thấy rằng tình yêu thương thực sự có thể xóa nhòa đi nỗi bất hạnh trong cuộc sống này. 

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.