Chợ quê bên dòng Thu Bồn

Rồi ngày mai ra Bắc, trở lại nơi phố thị đông đúc, đặt gói bánh nổ, bánh in lên bàn thờ để tưởng nhớ về ba, để nói với ba là tôi đã về thăm quê nội, tôi sẽ lại nhớ tới những câu chuyện ngày xưa ba kể về một chợ quê đơn sơ mà gần gũi, về những món ăn chế biến từ mít non, cá chuồn, cá thính… Để năm sau tôi sẽ lại trở về, rồi đi dạo chợ quê.

…Rồi ngày mai ra Bắc, trở lại nơi phố thị đông đúc, đặt gói bánh nổ, bánh in lên bàn thờ để tưởng nhớ về ba, để nói với ba là tôi đã về thăm quê nội, tôi sẽ lại nhớ tới những câu chuyện ngày xưa ba kể về một chợ quê đơn sơ mà gần gũi, về những món ăn chế biến từ mít non, cá chuồn, cá thính… Để năm sau tôi sẽ lại trở về, rồi đi dạo chợ quê. Bởi như ai đó đã từng nói: có thể bứt con người ra khỏi quê hương, nhưng không thể bứt quê hương ra khỏi con người.

Nơi ba tôi sinh ra là một vùng quê yên tĩnh, có dòng sông Thu Bồn xanh ngắt, uốn lượn ngoằn ngoèo, rồi đổ ra biển. Thuở nhỏ, ba được ông bà cho ăn học, rồi ba theo cách mạng, sau đó tập kết ra Bắc. Mặc dù sống xa quê, nhưng những lúc rỗi rãi trò chuyện cùng con cái, ba vẫn kể cho chúng tôi nghe về một miền quê xa lắc, về nơi ba đã sinh ra, đã lớn lên và đi học…

Chợ quê
Chợ quê

Giống như bất kỳ làng quê nào trên dải đất hình chữ S, người dân quê ven sông Thu Bồn cũng sống theo kiểu tự cung tự cấp: thóc gạo ăn ở ruộng nhà, rau quả hái ở ruộng nhà, gà lợn nuôi ở chuồng nhà, còn tôm cá thì tự đặt đơm đó để kiếm. Vậy nên, những lúc đi chợ quê là rất ít, không giống như người ở phố phải đến chợ mỗi ngày, nên hồi ấy, mỗi lần được ưu tiên theo bà nội đi chợ (vì ba là con út) với ba là cả một sự háo hức và niềm vui lớn…

Tôi cứ lớn dần lên theo những câu chuyện kể của ba, và nóng dần lên trong tim ước mong cùng ba được trở về nơi ấy. Thế rồi nước nhà thống nhất, ước mong của ba, và cả của tôi nữa, đã được thực hiện, ba đã dẫn mẹ và chị em tôi về thăm quê hương sau hai mươi năm xa cách.

Khi chiếc xe chở chúng tôi dừng lại ở ven đường, ba đưa cả nhà xuống bến, lên đò để qua con sông Thu Bồn xanh ngắt. Tôi lớn lên ở Hà Nội, đã quen nhìn dòng sông Hồng nước đỏ phù sa, nên khi nhìn dòng sông quê nội xanh trong, tôi rất ngạc nhiên và thích thú.

Đò cập bến, ba đặt đứa em út mới ba tuổi của tôi ngồi lên cổ mình, rồi dẫn cả nhà vượt qua bãi cát rộng, đi qua những ruộng dưa hấu rồi vào làng. Lúc đặt những bước chân đầu tiên trên đường làng, ba tôi nói: “Quê mình đây rồi!” và giọng của ba lạ lắm, vì nó khác hẳn thường ngày, nó trầm đục lại, rưng rưng, như phát ra từ đáy sâu tâm khảm.

Sau chiến tranh, quê nội tôi bị tàn phá nặng nề, căn nhà xưa của ông bà – nơi ba tôi đã sinh ra và lớn lên qua thời thơ ấu, chỉ còn là một đống gạch vụn ngổn ngang. Ba dẫn chúng tôi tới thắp hương mộ ông bà được chôn ngay trong vườn nhà. Sau khi đã thắp hương và đứng im lặng hồi lâu trước những ngôi mộ, ba lại dẫn chúng tôi đi một vòng quanh làng và tới một cái chợ.

Chợ quê nội tôi họp trên một dải đất rộng, nằm gọn giữa khúc quanh của con sông, từ xa đã thấy những quán lá mọc lên dọc lối đi, người mua kẻ bán đứng ngồi lô nhô, tiếng người nói ồn ào, lao xao, làm xáo động cả một vùng quê yên tĩnh. Vào chợ, qua mấy hàng mắm muối, gia vị, tôi thấy chợ bán toàn những thứ nhà quê như mớ rau tập tàng, buồng chuối, mớ tôm cá bắt ở dưới sông lên, còn quẫy hay nhảy lao xao trong thau, trong rổ, và cả những mẹt nhỏ bày từng chục cá biển tươi xanh, trong đó có một loại cá có vây hai bên to dài như đôi cánh, mà ba bảo là cá chuồn, là lần đầu tiên tôi được thấy.

Chợ quê ba tôi nhỏ như mọi cái chợ ở những vùng quê khác, đi một vòng là đã qua hết các hàng rau, cá, còn người bán, người mua hầu như quen hết mặt nhau, nên không có sự bon chen, giành giật. Họ mua bán cũng thân tình, không có kiểu nói thách với mức giá trên trời như nơi phố thị. Người đi chợ gặp nhau là chào hỏi, người bán trò chuyện, hỏi han người mua, nên dù gọi là chợ nhưng hình như ai cũng biết nhau, biết cả tên họ, tuổi tác, hoàn cảnh, và dường như họ gặp nhau để thăm hỏi chứ không quan tâm đến lời lỗ. Ba tôi bảo: Chợ quê là thế!.

Chợ quê tuy nhỏ nhưng có nhiều thứ rất lạ đối với lũ trẻ con lớn lên ở Hà Nội như chúng tôi hồi ấy, bởi có những thứ rất “quê”, từ mớ lá chuối, dây khoai lang, đến các loại cây thuốc Nam như rau má, lá sả, rễ cỏ tranh, đến những bắp chuối, củ khoai, củ sắn…

Tại một góc chợ còn có những cụ già ngồi nhai trầu bỏm bẻm, bán mấy buồng cau, vài mớ lá trầu xanh mướt, hay những bác trung niên bán những tệp lá khô, mà ba bảo là lá thuốc lá, còn trên một góc môi họ là một điếu thuốc lá tự quấn to đùng, bằng ngón tay cái, cháy đỏ, thế rồi thỉnh thoảng họ lại dùng lưỡi lia nhẹ đưa điếu thuốc sang góc môi kia một cách điệu nghệ. Tôi còn thấy có mấy bà cụ đi bán một vài mớ rau nhỏ, vài bát đường nâu, mấy quả ớt chín, xanh lẫn lộn, và vài trái mít non…

Trong lúc dạo chợ, ba luôn phải giảng giải những thắc mắc của chúng tôi trong niềm vui của một người được trở về nơi kỷ niệm, và ba lại càng vui hơn khi thỉnh thoảng lại gặp một vài người quen cũ để chào hỏi, tự giới thiệu mình là con cái nhà ai, rồi cả hai cùng tíu tít hỏi han nhau và trò chuyện.

 Đến mấy dãy hàng quà được dựng đơn sơ tại một góc chợ, ba lại chỉ cho chúng tôi thấy món mỳ Quảng, bún mắm, thạch xoa xoa…những món ăn chỉ có ở xứ quê ba, mà tôi đã được nghe kể nhiều lần từ hồi thơ bé. Trên đường về, khi đi qua một lò nấu đường gần chợ, ba dừng lại mua vài cái bánh tráng (bánh đa) rồi đưa cho chủ lò nhúng nhanh vào chảo đường đang sôi, và thế là lần đầu tiên và duy nhất trong đời tại quê nội, tôi đã được ăn món bánh tráng nhúng mật đường giòn tan, ngọt lịm.

Những năm sau đó, tôi cũng đã cùng ba mẹ về quê nội nhiều lần, rồi cũng quen ăn món mỳ Quảng, bún mắm, và cũng đã biết tự làm khá thành thạo những món ăn đó, thế nhưng, không biết tự lúc nào, cái không khí của chợ quê đã làm tôi thích thú, bởi nó có cái gì đó vừa mộc mạc dân dã, vừa gần gũi, những người dân quê chất phác đi chợ như tụ họp trong một khung cảnh êm đềm, trong một không khí ấm áp, và đó cũng là một nét độc đáo của chợ quê, mà người ta không thể tìm thấy nơi phố thị.

Nhiều năm trôi qua, tôi đã lớn lên và ba không còn nữa, nhưng những lần đi công tác hay nghỉ phép vào phương Nam, tôi vẫn trở về quê nội. Sau khi đã viếng thăm và thắp hương trên những ngôi mộ của tổ tiên, tôi lại về thăm chợ xưa, nơi ba đã dẫn tôi đi sau ngày giải phóng.

Chợ vẫn họp ở bãi đất ven sông, nhưng đường đi lối lại thì ngày càng được mở mang rộng rãi, rồi những gian hàng trong chợ không còn làm sơ sài bằng những cây tre và lợp rơm rạ nữa, mà đã được dựng kiên cố hơn bằng xi măng và lợp tôn.

Tuy chợ đã đông vui, hàng hóa đã đa dạng hơn rất nhiều, nhưng chợ vẫn chỉ tụ họp từ sáng sớm đến gần trưa, còn người bán thì cũng vẫn những cụ bà móm mém, những chị hàng xén lôi thôi, những người nông dân hiền lành, đen đúa. Họ vẫn đến chợ để bán mớ rau, con cá, rổ ổi, quả đu đủ, nắm hành… rồi mua lại vài thứ khác. Bởi người đi chợ vừa bán vừa mua, thành ra mang tính đổi chác nhiều hơn là bán…

 …Tôi vẫn nhớ lời ba: Chợ quê là thế, mua rẻ, bán rẻ. Mua rẻ nhưng không ai giàu, bán rẻ nhưng chẳng nhà nào thiếu. Bởi có lẽ vì nếp sống trọng tình đã có từ thủa sơ khai của cư dân trồng lúa nước, vẫn còn được lưu giữ và bộc lộ ngay trong văn hóa chợ quê.    

Xuân Thủy

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.