Chắt chiu về Tết

Chắt chiu về Tết
(PLO) - Những ngày cuối năm âm lịch, trong các khu công nghiệp lớn ở TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng… luôn có một không khí đặc biệt: Công nhân vẫn làm việc luôn tay nhưng đã chộn rộn khắp công xưởng câu chuyện về tàu xe, sum họp gia đình. 
Những món quà đặc biệt
Theo chân một số công nhân ở Khu công nghiệp Sóng Thần 1 (Bình Dương) về nhà trọ, trước mắt chúng tôi là những người công nhân vui vẻ, tất bật chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Tạt qua những hàng bán rau cải ven đường, chị Vân, 27 tuổi, quê ở Nghệ An mua vội mớ rau muống về luộc. 
Chị cười bảo với người bán hàng: “Nhà còn 2 quả trứng, thêm mớ rau này nữa là đủ bữa tối rồi”. 
Chỉ cách đấy chưa đầy nửa giờ đồng hồ, dãy trọ gần 20 phòng này còn khóa cửa im lìm vì không có ai ở nhà, nhưng đến giờ tan ca, công nhân về cả khu lại sáng đèn, rôm rả tiếng trò chuyện, giọng Bắc, Nam, Trung pha lẫn râm ran. 
Trong căn phòng trọ rộng chưa đầy 10m2, vừa loay hoay ngắt bó rau muống, chị Vân vừa tâm sự về những trăn trở: “Tôi vào Nam Tết này nữa là được 3 năm rồi. Ở ngoài quê làm lúa không đủ ăn, tôi mới vào đây kiếm sống, bỏ chồng con ở nhà, một năm về được 2 lần thăm gia đình thôi cậu ạ”. 
Vừa nói, chị vừa lôi trong góc phòng ra 1 bịch đồ chơi trẻ em gồm nhiều loại: xe tăng, máy bay, xe hơi... 
Chị nói, đây là quà chị mua cho đứa con trai 5 tuổi, mỗi tháng nhận lương chị lại bỏ ra một ít mua quà cho con, lâu ngày mới được nhiều như vậy. Chị mân mê từng món đồ chơi, cười tươi như tưởng tượng ra khuôn mặt của bé khi nhận quà từ tay mẹ. 
Nói rồi, chị lại khoe với chúng tôi mấy cái áo sơ mi chị mới mua hôm qua. “Mấy cái áo này mua cho nhà tôi. Tội nghiệp anh ấy, quanh năm quần quật với ruộng đồng không có được mấy cái áo lành lặn mà mặc”. Nói đến đây, chị lại ngậm ngùi, đôi mắt hoe. Nhưng rồi chị nhanh chóng lấy lại sự lạc quan khi được hỏi về những dự định trong năm mới. 
Chị nói giọng phấn khởi: “Qua Tết chồng tôi cũng tính vô đây kiếm việc làm, để coi một thời gian nữa ra sao rồi mới đón con vô. Gia đình mà sống xa nhau vầy, khổ lắm, nhiều lúc nhớ con, nhớ chồng không cầm được nước mắt”.
Ngoài những món quà vật chất như chị Vân mang về cho gia đình, với nhiều công nhân khác lại có những món quà bất ngờ khác lạ vô cùng. Anh Lê Hồng Lãm, 30 tuổi, quê ở Quảng Bình đang làm việc tại Khu công nghiệp Linh Trung (quận Thủ Đức) tỏ vẻ ngại ngùng khi được hỏi quà Tết cho gia đình. 
Anh cười ngượng nói: “Năm nay tôi có món quà đặc biệt lắm, ba mẹ tôi chắc chắn sẽ rất vui khi nhận được quà. Ba mẹ tôi chỉ mong tôi có vợ để ông bà sớm có cháu nội mà bế bồng. Tết năm nay tôi sẽ dắt bạn gái về ra mắt, đó là món quà đặc biệt tôi dành cho gia đình mình”.
Những món quà Tết không đơn giản là gói bánh, gói kẹo mà trong đó còn là bao tình cảm, trăn trở, nghĩ suy dành cho người thân trong gia đình. Mỗi dịp Tết đến, xuân về thì nỗi háo hức, mong chờ tới ngày lên xe, lên tàu trở về quê đoàn tụ lại dấy lên trong lòng mỗi người như từng con sóng. 
Con sóng này vỗ lên con sóng kia, như một đại dương dạt dào trong khu công nghiệp. Dù là kẻ ở lại hay người ra về đều chất chứa trong đó là cả một niềm hạnh phúc lớn lao không gì sánh được.
Những món quà đổi bằng mồ hôi, nước mắt
Tìm đến một công trình đang xây dựng sắp được hoàn tất ở quận 12, TP.Hồ Chí Minh, trong giờ nghỉ trưa của cánh thợ hồ, chúng tôi gặp ông Phạm Thành Tài, 45 tuổi, quê ở Ninh Thuận. Ông hớn hở tiếp chuyện: “Tết năm nay nhất định tôi phải mua cho con bé ở nhà một chiếc xe đạp mới, Martin hẳn hoi. Nó học lớp 10 rồi mà vẫn đi chiếc xe đạp cà tàng mua lại từ đời nào. Tôi biết nó thích có một chiếc xe mới lắm mà không dám xin ba mẹ”. 
Ông Tài vào thành phố phụ hồ mới được gần một năm nay, ông cho biết đồng lương phụ hồ được trả cao hơn một số công việc làm thuê khác vì nặng nhọc và vất vả nên ông chọn làm. Mỗi tháng ông đều gom góp hơn nửa số lương làm được gửi về cho vợ con. Suốt mấy tháng nay ông còn để riêng một ít để dành mua quà cho vợ con ngày Tết. 
Ông ngậm ngùi chia sẻ: “Ở nhà khó kiếm sống quá, làm quần quật quanh năm không đủ ăn, đủ mặc, nghe nhiều người rủ vào Sài Gòn kiếm việc tôi cũng đánh bạo đi một phen xem sao. Tôi chẳng mong dư dả gì, chỉ mong đủ sống, đủ để lo cho hai đứa con ở nhà”.
Anh Phan Ngọc Phú, sinh viên năm 2 Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM thì lại mang một tâm sự khác: “Quê mình ở tận Thanh Hóa, đậu được đại học cả nhà mừng lắm, đi học xa trong hoàn cảnh gia đình khó khăn nên mình phải tranh thủ đi làm thêm để đỡ đần cho gia đình. Tết này về quê, mình sẽ mua một cái tivi mới làm quà cho ba mẹ. Cái tivi nhà mình cũ lắm rồi. Ba mình lại thích coi chương trình thời sự, mẹ thì thích nghe dân ca. Có một cái tivi đàng hoàng ba mẹ coi cho sướng mắt. Mình để dành sắp đủ rồi, nhận thêm lương tháng này nữa là đủ, nghĩ tới cảnh cả nhà quây quần vừa ăn cơm vừa xem tivi là mình vui lắm”. 
Không cần phải đợi đến ngày đó, ngay hiện tại, ánh mắt của anh tràn đầy niềm hạnh phúc khi nghĩ về gia đình thân yêu của mình. 
Chị Lý Thị Hạnh, 30 tuổi, quê ở Cà Mau, cùng chồng lên TP.HCM mưu sinh được 2 năm nay. Chị Hạnh chọn cho mình nghề bán trái cây dạo trước những cổng trường đại học. 
Chị tâm sự : “Tôi có một đứa con gái 6 tuổi, nó mới vào lớp 1 năm nay, vì miếng cơm manh áo, hai vợ chồng lên Sài Gòn kiếm tiền phải để con lại cho ông bà nội chăm sóc. Tết năm nay về nhà tôi sẽ mua cho nó mấy bộ áo quần mới, một chiếc cặp mới nữa, cho nó đi học bằng bạn, bằng bè. Chồng tôi đi làm phụ hồ, hai vợ chồng cũng để dành được chút đỉnh, năm nay chúng tôi còn tính sửa lại cái nhà bếp cho ông bà nội nữa, căn nhà rách nát lắm rồi chú ạ”. 
Niềm hạnh phúc của vợ chồng chị Hạnh trong những ngày đầu năm mới là được nhìn thấy con của mình xúng xính trong bộ quần áo mới vui đùa cùng bạn bè. Niềm hạnh phúc ấy nhỏ nhoi nhưng phải đánh đổi bằng những tháng ngày cơ cực mưu sinh trên đất khách quê người. Cân vội mấy trái ổi cho khách, chị Hạnh tạm biệt chúng tôi và hòa vào dòng người trên đường phố, tiếp tục hành trình mưu sinh của mình.
Tết đến, nếu niềm vui của những em nhỏ là áo mới, phong bì lì xì, là bánh mứt, còn đối với người lớn, đó là niềm hạnh phúc của gia đình sum họp, quây quần bên mâm cơm trong những ngày đầu năm mới. Nhìn lại những người lao động xa quê, bất giác chúng tôi nhận ra mình cũng đang đứng trên đất khách quê người. Năm nay chúng tôi cũng sẽ chọn cho gia đình mình một món quà thật ý nghĩa để niềm vui năm mới được thêm phần trọn vẹn.
Song song với việc chỉ đạo kiểm tra về giá cước vận tải, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có văn bản yêu cầu các Sở GTVT kiểm tra và rà soát việc giảm giá cước, niêm yết giá cước  vận tải hành khách theo tuyến cố định tại tất cả các bến xe trên địa bàn; cử lực lượng Thanh tra thường trực xử lý nghiêm các vi phạm về kê khai và niêm yết giá vé. 
Đối với trường hợp doanh nghiệp vận tải chưa giảm giá vé qua rà soát tại bến xe thuộc địa phương mình, Bộ đã yêu cầu Sở GTVT phải thông báo danh sách đến Sở GTVT nơi quản lý doanh nghiệp và phương tiện để kiểm tra kê khai và thực hiện giá cước của đơn vị này, đảm bảo giá cước phải giảm phù hợp với giá thành. Yêu cầu tất cả các Sở công khai danh sách các đơn vị chưa giảm giá cước trên trang web của Sở và tại Bến xe.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.