Cảnh báo thủ đoạn mới xâm hại trẻ em

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
(PLVN) - Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em của UNICEF cảnh báo về tình trạng xâm hại qua mạng xã hội: Ngồi trong gia đình nhưng các em giao tiếp ảo, có nhiều chat room tán gẫu, chat sex… ngay khi các em ngồi gần cha mẹ của mình

Như đã phản ánh, mới đây Đoàn giám sát Quốc hội phối hợp Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN)  Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em trong trong gia đình”. Trong Hội thảo này, nhiều ý kiến xác đáng đã được đưa ra nhằm tìm giải pháp phòng chống vấn nạn xảy ra nhức nhối bấy lâu nay.

Có nơi còn thờ ơ  

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPNVN nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia thứ hai trên thế giới và là quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á phê duyệt Công ước quốc tế về Quyền Trẻ em. Trong 30 năm qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến bảo vệ, phát triển trẻ em nói chung. Quốc hội cũng lựa chọn chuyên đề về phòng chống xâm hại trẻ em để giám sát tối cao trong năm 2020.

Tuy nhiên, tình trạng xâm hại trẻ em vẫn diễn biến gia tăng, phức tạp. Đau lòng hơn, ngày càng nhiều trường hợp trẻ bị xâm hại ngay tại gia đình, do người thân quen, ruột thịt gây ra. “Qua thực tế giám sát, chúng tôi thấy hầu hết các địa phương đều có tình trạng này, có những địa phương, tỷ lệ trẻ bị xâm hại bởi người thân quen, ruột thịt lên đến hơn 90%, tỷ lệ trung bình phổ biến là 60-70%”, bà Hà nhận định.

Nói về nạn xâm hại trẻ em trong gia đình, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nhìn nhận, còn nhiều vấn đề liên quan đến quan niệm, văn hóa trong gia đình, trong đó có quan niệm rất truyền thống là “yêu cho roi, cho vọt” được sử dụng phổ biến, xã hội chấp nhận. 

“Lấy lý do người lớn đánh và quát mắng trẻ con là nóng giận, bực tức nhưng không thể vin vào điều này đến mức giết cả con như những vụ việc thương tâm xảy ra ở Đà Nẵng và Phú Thọ”, bà Hòa nói.

Theo bà Hòa, hiểu biết của trẻ em và người lớn về quyền được bảo vệ; một trong sáu quyền cơ bản của trẻ em, vẫn còn thấp. Trong đó, trách nhiệm của gia đình, nhận thức cha mẹ còn nhiều hạn chế. 

“Cha mẹ đi làm ăn xa cũng để lo cho con ăn học đàng hoàng, nhưng dành ít thời gian trò chuyện với con, đi xa về cũng chỉ quan tâm đến việc học. Nhiều gia đình lơ là mất cảnh giác. Có gia đình đi ăn đám giỗ đông đủ, người này tưởng người kia trông cháu; nhưng đến lúc phát hiện cháu có nguy cơ xâm hại mới nháo nhào lên đi tìm. Hoặc khi phát hiện cũng không ngăn chặn kịp thời vụ việc”, bà Hòa nêu thực tế.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội chỉ ra, trẻ em không bảo vệ được mình mà chính gia đình có khi cũng không bảo vệ được trẻ. Điều này xuất phát từ các vấn đề về đạo đức, nhận thức của các thành viên trong gia đình, sự thờ ơ của chính quyền địa phương. “Cán bộ địa phương khi biết chuyện liền khua tay “Chuyện nhà người ta, kệ họ!”. Tôi khẳng định có thực trạng chính quyền địa phương biết nhưng lên án thì không làm. Chưa kể xử lý vi phạm hành chính, chúng ta thu được bao nhiêu tiền về xử lý hành chính bạo lực gia đình?”, ông Bộ đặt vấn đề.

Một điều nữa, theo ông Bộ, chính là đặc tính cam chịu bao lâu nay của người phụ nữ. “Phải có cách nào đó để khắc phục tính cam chịu; vấn đề cố hữu, đặc biệt với phụ nữ vùng nông thôn. Khi bị bạo lực hành hạ thì gần như phụ nữ chỉ cam chịu, cho đó là số phận của mình”, ông Bộ nói.

Cảnh báo thủ đoạn mới

Dẫn chứng một số vụ việc đau lòng về xâm hại tình dục trẻ xảy ra gần đây, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM, cho biết, có thực tế là nhiều bà mẹ dù cảnh giác, quan tâm con không dám đi buôn bán xa để bảo vệ con, nhưng vẫn không hiểu tại sao con mình lại bị hàng xóm xâm hại, thậm chí bé còn bị ép uống thuốc kích dục. 

“Vừa qua ở quận Thủ Đức, Hội LHPN TP HCM phát hiện vụ việc cha đánh mẹ và bắt con ngồi xem. Khi ngồi trước phiên tòa, bà mẹ đã nói: “Bé này chém bạn nó y chang ngày xưa cha nó chém tôi”. Điều chúng tôi quan tâm chính là những đứa trẻ bị ảnh hưởng đến mức đáng báo động, đau lòng. Bạo lực gia đình dẫn đến việc trẻ em đứng trước phiên tòa phạm tội”, Luật sư Nữ nói. 

Cũng liên quan đến thực trạng về xâm hại trẻ trong gia đình, bà Lê Hồng Loan, Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em của UNICEF còn cảnh báo về tình trạng xâm hại qua mạng xã hội. “Ngồi trong gia đình nhưng các em giao tiếp ảo, có nhiều chat room tán gẫu, chat sex… ngay khi các em ngồi gần cha mẹ của mình”, bà Loan nêu thực trạng.

Cũng theo bà Loan, các nghiên cứu quốc tế liên quan đến tâm thần, thần kinh của trẻ em đã đưa ra nhiều thông tin làm rung chuyển cách tiếp cận về vấn nạn xâm hại trẻ. Đó là trẻ bị xâm hại ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của não bộ, từ đó ảnh hưởng đến nguồn nhân lực của quốc gia.

Một nghiên cứu của UNICEF cũng chỉ ra những tổn hại xã hội về chi phí tài chính với con số giật mình. Điển hình là khu vực Thái Bình Dương có 14 nước, trong đó có Việt Nam mỗi năm tổn hại khoảng 2% GDP từ việc khắc phục hậu quả các hành vi xâm hại trẻ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, cần đánh giá đúng mức độ thực trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại trẻ em trong gia đình và đánh giá đúng đặc điểm của những gia đình xảy ra tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em nhằm có biện pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em phù hợp với thực tiễn. “Hiện pháp luật về bảo vệ quyền trẻ em và phòng chống bạo lực gia đình tương đối tốt, do đó không thể đổ lỗi cho thể chế, pháp luật mà cần xem lại khâu tổ chức thực hiện”, bà Nga nói.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.