Cảm hóa người điên bằng tình người

Cảm hóa người điên bằng tình người
(PLO) - Lẫn trong những con người “tạm quên cái sự đời” ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương I là bóng blouse lặng lẽ, lặng lẽ như công việc đòi hỏi nhiều hy sinh của họ vậy...
Cái nhìn kỳ thị
Theo Giám đốc La Đức Cương, hiện nay Bệnh viện Tâm thần Trung ương I rất khan hiếm nhân viên y tế, trong khi các thông báo tuyển người của cơ sở này nhận được rất ít hồi âm. 5 năm vừa qua, bệnh viện mới chỉ tuyển được 1 bác sĩ tâm thần. Thậm chí, nhiều y bác sĩ thừa nhận: “Chuột chạy cùng sào mới vào bệnh viện tâm thần làm” vì đây công việc vất vả lại rất nguy hiểm.
Phần đông người nhà bệnh nhân quan niệm người thân của họ bị mắc điên là do động mồ động mả, do “ma làm” nên thường nhờ đến các “giải pháp tâm linh”. Và nhiều năm sau, đến lúc người bệnh đập phá, hành hung, thậm chí giết người, họ mới được đưa đến bệnh viện, khi đó việc chữa bệnh đã trở nên rất khó khăn.
Làm việc nhiều năm với những bệnh nhân tâm thần, không ít bác sĩ cũng mắc “bệnh nghề nghiệp”. Có người giọng nói “sang sảng” như quát, người đôi khi đờ đẫn bất bình thường, có người bị tiếng gào khóc len lỏi, ám ảnh trong những giấc mơ... Không ít y bác sĩ bị mất ngủ kinh niên hoặc bị loạn thần vì công việc quá căng thẳng, thường xuyên bị đánh thức giữa đêm. Điều này khiến nhiều người hiểu nhầm rằng bệnh tâm thần cũng có thể “lây” và càng kỳ thị.
Thực tế cho thấy, không phải ai cũng hiểu và thông cảm cho những người mà nghề nghiệp và cuộc đời của họ gắn với 2 chữ “tâm thần”, ngay cả đối với những người cùng làm trong nghề y. Như trường hợp của bác sĩ Đinh T.H, Khoa Cấp tính nam, lấy chồng làm bác sĩ tại Bệnh viện E, nhưng suốt ba chục năm chung sống, anh giấu bặt không dám chia sẻ với ai chuyện chị là bác sĩ tâm thần.
Chăm bệnh nhân hơn chăm... con mọn
Với điều dưỡng viên bệnh viện tâm thần, việc phục vụ các sinh hoạt cá nhân luôn tiêu tốn rất nhiều năng lượng. “Có khi đang ngồi cười nói bỗng họ ngã vật ra, quay đơ, sùi bọt mép; lúc đang ăn thì bỏ đi tắm, đang tắm thì chạy đi chơi... Chuyện họ hất cả bát cơm, tô cháo vào mặt chúng tôi là chuyện nhỏ, ai cũng gặp”, anh Trương Vĩnh Hà, điều dưỡng viên Khoa Cấp tính nam nói.
Nhiều khi, không thể thuyết phục người bệnh ăn, các nhân viên y tế phải cố định họ vào giường để nuôi qua ống xông bởi thuốc an thần làm hạ huyết áp nên nếu không ăn, người bệnh sẽ suy kiệt và nguy hiểm đến tính mạng. Để thay đồ cho một người bệnh, có khi phải huy động 2-3 điều dưỡng, giữ chặt tay mới mặc được cái quần, sau đó lại giữ chân để thay cái áo.
Điều dưỡng viên kiêm thợ hớt tóc.

Điều dưỡng viên kiêm thợ hớt tóc. 

Khó nhọc nhất là chuyện tắm, đặc biệt là trong những hôm trời rét, việc thuyết phục bệnh nhân tự tắm cực kỳ khó khăn. Thế là người giữ, người dội nước, kỳ cọ, trong khi bệnh nhân vẫy vùng tìm cách chống lại, thậm chí hành hung. Điều dưỡng viên ở đây phần lớn là nữ nên các chị cũng phải đảm nhận công việc “nhạy cảm” này, ngay cả những người chưa có chồng hoặc người yêu. 
“Lúc đầu cũng ngại và sợ lắm. Con gái trẻ mà phải tắm rửa cho bệnh nhân nam từ A đến Z, nào cởi quần áo, nào kỳ cọ, làm không kỹ là họ dễ mắc bệnh ngoài da. Khi tắm cho họ, lúc phải mềm mỏng, khi thì cứng rắn, lúc nựng, lúc chiều... Chăm người bệnh còn hơn chăm con mọn cô ạ. Trong khi đó, họ có thể dùng mọi lời nói ngoa ngoắt, xúc phạm mình một cách thậm tệ”, điều dưỡng viên Đỗ Thị Thu Thương cho hay.
Khi người điên yêu
Chị Thương cho biết, chuyện bệnh nhân “theo” các nhân viên y tế để “xin một chút tình” rất dễ xảy ra, chuyện “quấy rối” cũng khó tránh khỏi. Nhiều người bệnh sau thời gian dài được các nữ điều dưỡng chăm sóc đã quay ra tán tỉnh, chọc ghẹo, tấn công bất ngờ với những tình huống “dở khóc, dở mếu”. Trong lần tổ chức hội thao công đoàn, một nữ điều dưỡng đã bị một bệnh nhân nam bóp ngực ngay trước mặt mọi người.  
Hay như chuyện một bệnh nhân nữ nói “yêu” một bác sĩ nam ở Khoa Cấp tính nữ. Một lần thấy “người yêu” đứng nói chuyện với nữ bác sĩ cùng khoa, bệnh nhân này nổi khùng xông đến gây sự rồi khóc lóc vật vã. Từ đó, mỗi lần uống thuốc, ăn cơm, cô gái nhất định không chịu làm theo nếu không có anh bác sĩ kia ở bên cạnh. Lo lắng người bệnh làm liều, anh bác sĩ này không dám trò chuyện với đồng nghiệp nữ ở khu vực có bệnh nhân.
Có đêm trực ở khoa, vừa chợp mắt được một lúc, chị Thương đã phát hiện có người đang ngồi bên cạnh mình. Hóa ra, đó là một bệnh nhân nam mà chị mới chăm sóc ban chiều. Cũng có hôm ngủ dậy, chị thấy một anh chàng ngồi bên giường quạt cho mình. Có anh ngỏ lời yêu, tặng cả... thơ, không được thì đòi đánh. Bị khống chế, bệnh nhân ấy vừa giãy giụa, vừa gào khóc, chửi rủa, làm ầm ĩ cả một góc bệnh viện. Về sau Thương mới biết, anh vốn là một kỹ sư xây dựng phát bệnh sau một cú sốc tình cảm. Vào viện, thấy Thương có nhiều nét giống “tình cũ”, anh đã lại để cảm xúc điều khiển hành vi...
Sau nhiều “sự cố”, các nữ điều dưỡng viên đã rút kinh nghiệm mà đúc kết: Nếu bị nam bệnh nhân yêu thầm thì nên khéo léo né tránh. Khi họ bày tỏ tình cảm, cần dùng lời lẽ dỗ ngọt để tháo gỡ. Nếu phản ứng gay gắt, bệnh nhân sẽ hiểu là họ bị từ chối, lúc đó nữ điều dưỡng se rơi vào tình thế nguy hiểm khôn lường.
Những bác sĩ có thần kinh “thép”
Có trường hợp một bệnh nhân tại khu điều trị nam khiến các bác sĩ luôn phải đeo khẩu trang. Số là anh ta mắc chứng bệnh siêu tưởng, cứ thấy miệng bác sĩ mấp máy là trợn mắt, nghiến răng tưởng đang nói xấu mình và giơ tay... vả vào miệng bác sĩ! Có bệnh nhân thì cứ thích trèo lên nóc nhà để... gào thét và đòi nhảy xuống đất. Những lúc ấy, chị em y tá nữ phải thuyết phục, nịnh cho thật khéo để kéo dài thời gian, còn đội ngũ y bác sĩ nam giới thì vội vàng tính phương án đỡ khi bệnh nhân nhảy, thậm chí phải khống chế bằng sức mạnh để tiêm thuốc bình ổn.
Lặn lội đi tìm bệnh nhân trốn viện bất kể mưa gió sáng tối cũng là chuyện “như cơm bữa” ở đây. Có lần bác sĩ Cao Văn Tuân (hiện là Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp) đã phải đội mũ bảo hiểm để... bắt bệnh nhân. Lần ấy, trong ca trực của anh, một bệnh nhân nam bị kích động mạnh đã leo lên mái nhà đứng ngay phía dưới dây điện cao thế rồi dỡ ngói của Khoa Điều trị. Vậy là, anh Tuân đội mũ bảo hiểm, leo lên mái. Nhác thấy bóng anh, bệnh nhân nọ đã “lia” thẳng miếng ngói vào đầu anh. Cũng may, viên ngói chỉ trúng vào mũ bảo hiểm. Sau 4 tiếng đồng hồ, anh Tuân mới đưa được bệnh nhân xuống đất.
Bác sĩ Cao Văn Tuân
Bác sĩ Cao Văn Tuân 
Các y bác sĩ trong bệnh viện phải trực chiến 24/24 giờ để chăm sóc, điều trị và sẵn sàng cấp cứu cho bệnh nhân. Thậm chí, phải cấp cứu cho cả người nhà bệnh nhân hoặc y, bác sĩ vì bị... đánh. “Nghề bác sĩ tâm thần có đặc thù riêng. Không yêu nghề, không dũng cảm, không chịu hi sinh... thì không làm được. Cứ 10 người trong chúng tôi thì đến 7, 8 người đã từng bị bệnh  nhân hành hung. Có bệnh nhân đập vỡ đèn tuýp, lấy mảnh vỡ làm hung khí, có trường hợp mài nhọn thìa ăn cơm, bàn chải đánh răng để đe dọa chúng tôi...”, bác sĩ Tuân nói.
Theo bác sĩ Tuân, khi bệnh nhân mới nhập viện, tinh thần còn hoảng loạn, dễ bị kích động nên thường “hung hăng”. Thời điểm ban đêm họ càng bị kích động về tâm lý nên thường có những hành động vô cùng nguy hiểm như đập phá, đánh người, tự sát. Cũng chính vì thế mà đối với các y, bác sĩ ở đây, đêm xuống cũng là lúc họ vất vả hơn trong việc điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Nếu không khéo léo là bị “ăn đòn như chơi”. 
Cảm hóa bằng tình người
Việc phát hiện và điều trị kịp các bệnh kèm theo ở người tâm thần là việc khó khăn, bởi họ không biết phản ánh những bất ổn mình đang gặp phải. Bác sĩ chỉ có thể dựa vào sự tận tâm, kỹ càng khi thăm khám mới không bỏ sót bệnh. 
“Một bác sĩ tâm thần phải hội tụ thêm các yếu tố của một nhà Tâm thần học, Xã hội học và Tâm lý học. Bệnh tâm thần đôi lúc làm chính những người xung quanh bị “nhiễm từ” chút ít. Bởi vậy, mới cần đặt chữ Nhẫn lên hàng đầu. Hơn 20 năm trong nghề, tôi đã gặp nhiều khó khăn bởi những người bệnh khó chữa, dai dẳng nhưng tôi cũng tìm thấy niềm vui từ những bệnh nhân được hồi phục hoàn toàn. Họ thường xuyên hỏi thăm, động viên; vì thế, tôi cũng trở nên gắn bó với nghề hơn”, bác sĩ Lê Thị Tố Uyên, trưởng Khoa cấp tính nam tâm sự.
Không thể nghe hết chuyện của những người bệnh tâm thần, vì như lời bác sĩ Uyên, mỗi ngày họ có thể nghĩ ra hàng chục câu chuyện, hàng chục hoàn cảnh khác nhau, chuyện nào nghe cũng hấp dẫn và “như thật” cả. Nhưng có một điều họ không bao giờ nói sai, đó là nỗi nhớ gia đình, tên người thân, địa chỉ nhà họ. Cứ có người lạ xuất hiện là họ lại quây lấy nhờ gửi lời nhắn về gia đình.
Bác sĩ Uyên chép miệng: “Tội nghiệp lắm, trong 40 bệnh nhân ở đây, mới có 1-2 người được người thân để ý, thăm nom, còn lại đa phần bị người thân bỏ rơi, 3-4 năm mới tới thăm một lần”. Bác sĩ Uyên bảo, cũng vì thế mà mỗi sự quan tâm chăm sóc của nhân viên y tế đối với bệnh nhân tâm thần không chỉ là nghĩa vụ mà còn ẩn chứa cả sự thương cảm với những mảnh đời bất hạnh. 
Câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng bởi tiếng kẻng báo cơm chiều. Bữa cơm kết thúc cũng là lúc bóng tối bao trùm, thi thoảng sự yên tĩnh của bệnh viện lại bị “phá bĩnh” bởi những tiếng chửi rủa, gào thét, gầm rú, liền sau đó là tiếng bước chân dồn dập của y bác sĩ. Vài phút sau, đêm bình yên trở lại, bệnh nhân đã ngủ và những người thầy thuốc lại thêm một đêm thức trắng...

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.