Bỏ đại học theo đuổi đam mê huấn luyện… lợn rừng

Tùng biểu diễn khả năng chế ngự đàn lợn rừng. Hình: Ngọc Thành
Tùng biểu diễn khả năng chế ngự đàn lợn rừng. Hình: Ngọc Thành
(PLO) - Chưa thể nói đã thành công, nhưng với quyết định bỏ đại học về quê theo nghề thuần phục lợn rừng, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Tùng (SN 1995, ngụ thôn Đồng Rằng, xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) đã dám vượt lên chính mình, theo đuổi đam mê.

“Trang trại” chàng nông dân trẻ là mảnh vườn rộng 2000m2 lổn nhổn những đất đá, chủ nhà giải thích cố ý làm vậy tạo địa hình gồ ghề giống với tự nhiên để đàn lợn tự do đi lại. Khu vườn càng thêm phần hoang dã với những cỏ voi, mía, ráy, chuối, trồng làm thức ăn cho lợn.

Dẫn khách “thám hiểm”, chàng trai nhẹ nhàng lẻn vào giữa đàn lợn đang kiếm ăn, bất thình lình túm chân một con dốc ngược đầu. Nghe tiếng “éc éc”, đàn lợn xô tới tấn công. Tùng bình tĩnh đứng dang chân, một tay giữ con lợn, tay còn lại giơ về phía trước. Đàn lợn chùn chân, lát sau tự len lén rã bầy. Chủ nhà giải thích: “Nếu chạy thụt lùi, đàn lợn sẽ lao vào tấn công. Chỉ cần nhìn chằm chằm vào mắt con đầu đàn và giơ tay sẽ chế ngự được chúng”. 

Theo đuổi đam mê… nuôi lợn

Một ngày của Tùng là lu bu những việc cắt cỏ, nấu cám, đầu bù tóc rối, quần ống thấp ống cao. Nếu Tùng không tự kể, ít ai nghĩ chàng trai này từng là sinh viên đại học. 

Vốn là vận động viên điền kinh của trung tâm thể thao huyện, Tùng từng có những ước mơ khác, nộp hồ sơ thi ĐH Thể dục Thể thao, nhưng không thành vì chiều cao hạn chế. Sau đó Tùng thi đậu Khoa Công nghệ Thông tin một trường ĐH. Nhập học được 3 tháng, nam sinh viên cảm thấy không có hứng thú giảng đường, chỉ nhớ công việc… chăn nuôi lợn vẫn làm từ nhỏ. 

Tùng băn khoăn hỏi ý kiến một thầy giáo. Thầy không trả lời thẳng câu hỏi, mà đặt ngược vấn đề: “Mục đích của em học xong để làm gì?”. Sau một tháng suy nghĩ, nhận thấy theo ĐH nhưng không có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, Tùng xin bố mẹ thôi học, “tiếp quản” đàn lợn gia đình đang nuôi, sống đúng với đam mê, sở trường.

Không làm theo phong trào, Tùng chọn hướng đi riêng nuôi lợn rừng. Bị lợn rừng bất thình lao tới cắn là chuyện thường, Tùng bắt tay vào “huấn luyện”. Học hỏi và tự rút kinh nghiệm, nhận thấy những con lợn đầu đàn là lợn cái, Tùng tìm cách “làm quen”. Đợi khi lợn “thủ lĩnh” đẻ con nằm tách đàn, Tùng thường xuyên đến cho ăn, vuốt ve lợn con tạo cảm giác thân thiện.  

Khi đã thân thiết với lợn đầu đàn, Tùng bắt đầu bài tập đứng dang chân, đưa tay về phía trước ra hiệu “bình tĩnh lại”, mắt nhìn nghiêm vào mắt lợn đầu đàn. Lặp đi lặp lại bài tập trong một tháng, Tùng tạo được phản xạ cho vật nuôi.

Để tránh mất trộm, Tùng huấn luyện cho lợn cách tự vệ và bảo vệ nhau. Hình: Ngọc Thành
Để tránh mất trộm, Tùng huấn luyện cho lợn cách tự vệ và bảo vệ nhau. Hình: Ngọc Thành

Nhà một nơi, trang trại một nơi, phải chở thức ăn ra tận nơi cho lợn, mỗi ngày cầm gậy đi quanh vườn xua đàn tập trung rất mất công. Đã hơn 20 tuổi nhưng vẫn còn nét tinh nghịch, Tùng nhiều lúc vừa đứng nhìn lợn ăn, vừa ngồi trên xe máy bấm còi cho... vui tai. Đàn lợn quen với tiếng còi xe lúc nào không hay. Nhận ra điều này, mỗi lần cho lợn ăn, Tùng chỉ việc bấm còi xe “tập hợp lực lượng”.

Tùng tự tin chưa bao giờ mất trộm vật nuôi dù trang trại nằm gần đường, rào chắn đơn sơ: “Đố các anh bắt được con nào, em tặng về ăn Tết luôn. Chỉ cần đến gần, đàn lợn sẽ tụ lại, gọi nhau cắn”. 

Đàn lợn biết “tự bảo vệ” như vậy, một phần bởi bản tính bảo vệ bầy đàn rất cao, một phần vì được ông chủ huấn luyện. Một lần chứng kiến con chó béc giê nhảy vào vườn bị mấy chục con lợn vây quanh hằm hè, Tùng nảy ra suy nghĩ rèn đàn lợn tự bảo vệ nhau. Chàng trai cứ đôi ngày nhảy vào “chọc tức”, hoặc thả chó “khiêu chiến”. Được tập luyện, nay cứ thấy vật nuôi khác hay người lạ vào, đàn lợn lại “dàn trận” thay phiên nhau tấn công bài bản, hết con này lao vào cắn lại đến lượt con khác, tới khi “đối phương” phải bỏ chạy.

Không ân hận

Trở lại những ngày đầu “lập nghiệp”, ngoài đàn lợn và mảnh vườn cha mẹ cho, không có tiền đầu tư, Tùng làm theo phương án “tự lợn nuôi lợn”. 

Mỗi lần cho lợn ăn, Tùng bấm còi xe máy gọi đàn tập trung. Hình: Ngọc Thành
Mỗi lần cho lợn ăn, Tùng bấm còi xe máy gọi đàn tập trung. Hình: Ngọc Thành

Từ kinh nghiệm giữ nguyên bản tính hoang dã giúp đàn lợn nâng cao bản năng sinh tồn, Tùng trồng cỏ voi cho lợn ăn, đổ đất cho lợn ủi làm hang giữ ấm, nhưng vẫn tạo ra những khoảng không gian để lúc nào lợn không vào hang, cả đàn khi ngủ sẽ quây thành vòng tròn, thân nhiệt sưởi ấm cho nhau. 

Trang trại thường xuyên có 7 con lợn nái, mỗi năm đẻ khoảng 50 lợn con. Tùng chăm sóc lợn con đủ 40 ngày rồi tách mẹ, xuất chuồng 25 con giá 1 triệu đồng/con. Số tiền thu được đem đặt cọc mua ngô người trong xã. Số lợn con còn lại nuôi đến cuối năm xuất chuồng.

Những khi lợn bệnh, anh nông dân không lạm dụng thuốc, mà ưu tiên chữa trị kiểu “cây nhà lá vườn”, vừa đỡ tốn tiền, lại đảm bảo lợn sạch. Lợn tiêu chảy, Tùng hái búp non cây sim và cỏ hôi giã nhuyễn lấy nước cho uống. Hay như “bí quyết” khử trùng đường ruột bằng cây cau vua. Chàng trai thường kiếm vài cây loại này ném vào vườn cho đàn lợn xúm lại gặm. Thế nên ở nơi khác vật nuôi ăn nhiều đất có thể bị giun sán, riêng đàn lợn rừng thả vườn quanh năm, không hề dùng thuốc, khi mổ không hề có giun sán.

Gần 10 năm theo dõi tập tính, Tùng nắm được bí quyết điều khiển lợn rừng. Hình: Ngọc Thành
Gần 10 năm theo dõi tập tính, Tùng nắm được bí quyết điều khiển lợn rừng. Hình: Ngọc Thành

Chia sẻ kinh nghiệm để có thịt lợn rừng ngon. Tùng kể ngoài môi trường sống, còn phụ thuộc chế độ ăn, có khẩu phần riêng với từng nhóm: Lợn nuôi thịt sẽ ăn 90% thức ăn tinh (ngô) và 10% cám mì, không cho ăn cám gạo vì sẽ kích béo, tăng lượng mỡ. Lợn đang nuôi con, chế độ ăn giảm tinh bột, bổ sung cám gạo, một ít cám công nghiệp có tác dụng kích thích sữa. 

Tùng cho biết trung bình mỗi năm xuất chuồng từ 1,5-2 tấn lợn, lợi nhuận trên dưới 100 triệu đồng, giá trung bình 120 ngàn đồng/kg. Không tự nhận mình là triệu phú hay tỷ phú, anh nông dân trẻ chỉ cười hiền cho biết không ân hận gì với quyết định bỏ đại học về quê nuôi lợn năm xưa.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.