Bi kịch của người điên sống trong cũi và nỗi đắng đót của người tỉnh

Bà É bên chiếc cũi nhốt con trai bị bệnh tâm thần
Bà É bên chiếc cũi nhốt con trai bị bệnh tâm thần
(PLO) -Nằm tách biệt giữa những khu vườn mía, vườn sắn của một số hộ gia đình tại xã Yên Nghiệp, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình xuất hiện một chiếc cũi bằng gỗ nằm trơ trọi. Nếu ai không để ý, có lẽ chẳng thể nào biết được đó là nơi trú ngụ của một con người... 

Chỉ có điều, họ là những người bị bệnh tâm thần, cuộc sống hoàn toàn tách biệt với người thân và cộng đồng. Không có tiền lo thuốc thang cho người bệnh, những người thân yêu ruột thịt của họ không còn cách nào khác ngoài việc "tạo" dựng chỗ ăn ở riêng cho họ, bởi nếu ở chung với mọi người, những câu chuyện buồn hay bi kịch có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Sống trong cũi...30 năm

Chúng tôi theo chân y sỹ Bùi Thị Hoài (cán bộ chuyên trách Chương trình sức khỏe tâm thần cộng đồng - Trung tâm y tế dự phòng (TTYTDP) huyện Lạc Sơn) về xóm Lục, xã Yên Nghiệp để tận mắt chứng kiến việc người dân ở đây nhốt riêng...người tâm thần vào cũi. 

Dù đã được cung cấp thông tin trước nhưng chúng tôi vẫn khó có thể mường tượng ra cảnh một con người còn sống đàng hoàng nhưng lại có cuộc sống như vậy.

Khi tấm bạt nilon nhàu nát, cũ kỹ che nắng mưa tạm bợ quanh cái cũi gỗ được vén sang một bên, chúng tôi ai nấy đều giật mình vì có tiếng khò khè của người trong cũi phát ra. 

Ông Bùi Văn Hoan (anh trai ruột của Bùi Văn Khoan, ngụ xóm Lục, xã Yên Nghiệp) nói mà như khóc: “Cho đến tận bây giờ, chúng tôi cũng chẳng biết nguyên nhân tại sao chú ấy lại bị mắc bệnh tâm thần. Chúng tôi chỉ biết là năm 1985, trong thời gian chú ấy đi bộ đội, thấy có biểu hiện của bệnh tâm thần thì người ta trả về địa phương. Về nhà, chú ấy càng phát bệnh nặng hơn”. 

Theo lời người anh, lúc lên cơn, anh Khoan chạy khắp xóm gặp ai cũng đánh, thậm chí còn đốt cả nhà người ta nữa. Sợ đi ra ngoài gây hại cho người ta nên gia đình đã đóng cái cũi để nhốt chú ấy vào không cho đi đâu nữa. “Từ đó đến nay, cũng chưa một lần gia đình dám cho chú ấy ra ngoài. Tính đến nay chú ấy sống trong cũi đã 30 năm", ông Hoan cho hay. 

Ở xóm Lục, Bùi Văn Khoan không phải là bệnh nhân tâm thần duy nhất bị nuôi nhốt trong cũi. Có mặt trong đoàn đưa chúng tôi đi thăm các bệnh nhân còn có Y sỹ Bùi Thị Sơm (cán bộ trạm y tế xã Yên Nghiệp). Khi chúng tôi đến nhà bà Bùi Thị É lúc này đã xế chiều. Quanh nếp nhà sàn cũ vắng người có vài ba chiếc cũi gỗ được bưng bít cẩn thận. Chị Sơm cho biết, một trong những chiếc cũi đó có người nhà của bà É bị tâm thần và nuôi nhốt trong đó. 

Thấy Y sỹ Sơm, bà É bớt sự nghi ngại dành cho chúng tôi bởi sự xuất hiện đột ngột. Chị Hoài nói nhỏ với chúng tôi: "Con trai bà É bị bệnh tâm thần". Khác với cái nhìn dửng dưng, hoang dại của Bùi Văn Khoan, trong cũi là một nụ cười hiền lành của một chàng trai vẫn còn trẻ tuổi, quần áo chỉnh tề, sạch sẽ. Nếu không có thông tin từ chị Sơm, chúng tôi chẳng thể nào tin đây là một bệnh nhân bị tâm thần.

Theo lời kể của bà É, nguyên nhân để gia đình nhốt Bùi Văn Dồi vào cũi là bởi cách đây hơn chục năm bỗng dưng Dồi có những biểu hiện thần kinh bất thường. Khi lên cơn, Dồi thường xuyên đập phá đồ đạc, đánh người. Đỉnh điểm là trong một lần lên cơn, Dồi đã bế đứa con chỉ mới vài tháng tuổi... ném thẳng qua cửa voóng. 

Quá sợ hãi với bệnh tình ngày càng nặng của Dồi, gia đình đã đóng cũi nhốt anh này lại. Kể từ đó, đến nay Dồi cũng có cả chục năm sống trong cũi mà chưa một lần được ra ngoài. 

Chị Hoài nói: "Mỗi người một hoàn cảnh, thế nhưng trong số những bệnh nhân tâm thần bị xích, nhốt ở Yên Nghiệp thì không có ai khổ như gia đình chị Bùi Thị Kim ở xóm Riềng". 

Chị Kim sinh được 4 đứa con thì 2 đứa bị bệnh tâm thần. Trong đó, đứa lớn là Bùi Văn Bình (20 tuổi) bị nặng nhất, mỗi khi lên cơn là đập phá đồ đạc, tự xé quần áo, bỏ nhà đi lang thang, ra đường gặp ai cũng gây sự, đánh người vô cớ. 

Lo sợ con mình gây nguy hiểm cho người khác, gia đình chị Kim đã xích Bình ở nhà từ nhiều năm nay. Trong khi đó, đứa em gái của Bình là Bùi Thị Ánh dù bệnh không nặng như anh nhưng suốt ngày lang thang ngoài đường một cách vô thức, ai cho gì ăn nấy, hỏi chỉ biết nói cười. 

Chưa dừng lại ở đó, cách đây 3 năm, không chịu được áp lực về cuộc sống nghèo khó với những đứa con mắc bệnh tâm thần, anh Bùi Văn Lung (chồng chị Kim) cũng phát bệnh tâm thần, suốt ngày bỏ nhà đi lang thang, có khi cũng chẳng biết đâu mà tìm. Đôi vai gầy của người vợ, người mẹ cứ thế nặng trĩu những lo toan khi nhà có 5 người thì 3 người mắc bệnh tâm thần. Đã lâu rồi, chẳng ai thấy trên môi người đàn bà có khuôn mặt khắc khổ, góc cạnh ấy nở một nụ cười... 

Để hạn chế Bùi Văn Bình phá phách, gây sự với mọi người, gia đình đành xích thanh niên này lại.
Để hạn chế Bùi Văn Bình phá phách, gây sự với mọi người, gia đình đành xích thanh niên này lại.

Trao đổi với chúng tôi, y sỹ Bùi Văn Chiên (Trạm trưởng trạm y tế xã Yên Nghiệp) cho biết: Hiện nay xã Yên Nghiệp có 23 người bị mắc bệnh tâm thần phân liệt, 8 người bị động kinh. So với các nơi khác trong huyện thì số người mắc bệnh tâm thần ở Yên Nghiệp không phải nhiều nhất nhưng ở đây lại có những trường hợp đặc biệt nhất. Trong số 23 người mắc bệnh có 4 bệnh nhân tâm thần bị xích và nhốt trong cũi.

Có một điểm chung giữa các bệnh nhân tâm thần là hầu hết đều ở những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện quan tâm chăm lo đến người tâm thần, đặc biệt là chi phí khám chữa bệnh.

Bác sỹ Bùi Văn Hồng (Phó Giám đốc TTYTDP huyện Lạc Sơn) cho biết: "Do trình độ nhận thức còn hạn chế nên một bộ phận người dân vẫn cho rằng việc xích, nhốt người tâm thần lại thì có thể giải quyết được vấn đề.

Dù anh em chúng tôi đã tuyên truyền, vận động nhiều về việc đưa người bệnh đi khám và điều trị tại các bệnh viện tâm thần nhưng người dân đều không tiếp thu. Vì thế mới có những trường hợp người tâm thần bị nuôi nhốt trong cũi hàng chục năm trời mà không có sự quan tâm, chăm sóc từ chính những người thân trong gia đình". 

Những bi kịch đầy nước mắt

Cho đến tận bây giờ, khi kể lại nhiều người dân xóm Tưa (xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn) vẫn còn nguyên cái cảm giác hãi hùng khi thấy Bùi Văn Mạnh dùng gậy đánh chết rồi kéo xác chị dâu là Bùi Thị S. (SN 1983) ra ngoài đường. 

Theo những người chứng kiến vụ việc đau lòng trên thì vào khoảng 16h15’ ngày 25/4/2014, sau khi đi chăn trâu về, vào nhà thấy chị Bùi Thị Sinh đang nằm ở trên giường, Mạnh nghĩ rằng đó là... trăn tinh nên đã chạy ra ngoài cầm chày gỗ vào đánh liên tiếp vào đầu chị Sinh. Sau khi gây án, Mạnh coi như không có chuyện gì xảy ra, thậm chí còn khoe khoang với mọi người về việc mình vừa giết... trăn tinh trừ hậu họa.

Theo chị Hoài, Bùi Văn Mạnh là đối tượng bị mắc bệnh tâm thần phân liệt hoang tưởng trong nhiều năm, mỗi khi lên cơn đều có hành vi gây nguy hiểm cho người khác. Do vậy, tháng 5/2013 gia đình, chính quyền địa phương đã đưa Mạnh đi chữa trị tại Bệnh viện tâm thần Trung ương (Thường Tín - Hà Nội) ngày 19/8/2013 về địa phương. Đến ngày 25/4/2014 thì xảy ra vụ việc đáng tiếc trên.

Trước đó, ngày 21/7/2013 tại xóm Mu, xã Yên Nghiệp cũng đã xảy ra vụ án đau lòng khi ông Bùi Văn Khởi (SN 1956) bị chính con trai là Bùi Văn Xiền (SN 1989) gây ra. 

Theo những người thân trong gia đình thì sau khi ăn cơm xong ông Khởi đang ngồi ở cầu thang nhà sàn thì bất ngờ Bùi Văn Xiền cầm dao chém nhiều nhát từ phía sau vào phần lưng, gáy vì tưởng ông Khởi là... cọp dữ. 

Nhớ lại vụ án năm nào, ông , Bùi Văn Tiệp (Trưởng Công an xã Yên Nghiệp) cho biết: "Bùi Văn Xiền là đối tượng bị mắc bệnh tâm thần nhiều lúc không làm chủ được bản thân hay bỏ đi lang thang rồi gây sự đánh nhau nhiều lần, bất kể ai thân quen hay xa lạ.

Trước tình hình đó, Bùi Văn Xiền bị gia đình dùng xích để xích tại nhà không cho đi ra ngoài gây ảnh hưởng đến xã hội. Trước hôm xảy ra vụ việc, thấy bệnh tình của con có dấu hiệu ổn định, gia đình đã tháo bỏ xích cho Bùi Văn Xiền. Tuy vậy, khi lên cơn, Bùi Văn Xiền đã gây ra vụ việc đau lòng trên". 

Gần đây nhất, TAND tỉnh đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử đối với Bùi Văn Khoa (SN 1971, trú tại xóm Minh Sơn, xã Yên Trị, huyện Yên Thủy) về tội “Giết người”. 

Một trong những chiếc cũi dành để "nhốt" người tâm thần tại xã Yên Nghiệp
Một trong những chiếc cũi dành để "nhốt" người tâm thần tại xã Yên Nghiệp

Theo nội dung vụ án, vào khoảng 21h30 ngày 04/7/2013 khi đang ngồi ăn cơm một mình ở nhà thì ông Bùi Văn Hòa (bố đẻ) sang chơi. Sau một hồi lời qua tiếng lại, Bùi Văn Khoa đã cầm dao chém ông Hòa. Bị con chém bất ngờ, ông Hòa  bỏ chạy nhưng vẫn bị Khoa đuổi theo để truy sát. Tiếp đó, Bùi Văn Khoa đã nhặt chiếc bồ cào dùng để cào lúa bổ liên tiếp vào đầu ông Hòa. Làm ông Hòa bị tử vong tại chỗ. 

Trong quá trình điều tra, thấy Bùi Văn Khoa có biểu hiện về tâm thần không bình thường. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã đưa đi giám định pháp y tâm thần. 

Tại bản giám định pháp y số 122/GĐPYTT của Viện giám định tâm thần trung ương đã kết luận: “Trước, trong và sau khi phạm tội, Bùi Văn Khoa có bị bệnh tâm thần... Bị can hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi”. Khoa phải đi chữa bệnh một thời gian, đến khi hồi phục mới được đưa ra xét xử.

Mỗi khi nhắc lại những vụ án này, người thân của các bệnh nhân tâm thần đều vừa khóc vừa chua chát vì không ai có thể ngờ chuyện đau lòng lại xảy đến từ chính người thân trong gia đình nhưng không may mắc bệnh tâm thần.

Làm sao để quản lý cho tốt?

Trên thực tế, vấn đề người tâm thần phạm tội và việc quản lý người tâm thần ngoài cộng đồng đang là một trong những vấn đề khá phức tạp và vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Bác sỹ Vũ Trung Thành chia sẻ: "Nguyên nhân dẫn đến tình trạng người bệnh tâm thần chưa có điều kiện chăm sóc, quản lý là do hệ thống bệnh viện của nhiều tỉnh thành chứ không riêng tại tỉnh Hòa Bình vẫn còn chưa có giường điều trị cho bệnh nhân tâm thần. Cùng với đó, chúng ta vẫn còn rất thiếu cán bộ chuyên ngành tâm thần"

Theo vị bác sĩ này, toàn tỉnh Hòa Bình mới chỉ có 12 cán bộ chuyên trách về tâm thần ở các huyện, thành phố và Trung tâm bảo trợ xã hội cấp tỉnh được đào tạo chuyên khoa định hướng về tâm thần tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương. Trong khi đó, số bệnh nhân tâm thần không giảm mà ngày càng tăng. 

Thống kê tính đến hết tháng 2/2016 toàn tỉnh Hòa Bình có 3.223 bệnh nhân tâm thần các dạng, trong đó có 2.035 bệnh nhân tâm thần, 1.016 bệnh nhân động kinh 116 bệnh nhân trầm cảm đang quản lý và điều trị. Đáng chú ý trong đó số bệnh nhân bỏ không sử dụng thuốc điều trị là 826 bệnh nhân, chiếm 25,6%, bệnh nhân sử dụng thuốc không đều là 287 bệnh nhân, chiếm 8,9%. 

Trước những khó khăn về con người, cơ sở, vật chất thì việc giám sát hành vi của người tâm thần hiện chỉ trông cậy vào gia đình người bệnh. Tuy vậy, có không ít những người bệnh tâm thần tuy có biểu hiện bên ngoài không nặng nhưng lúc lên cơn hoặc bị tác động mạnh, hoang tưởng ảo giác chi phối thì người bệnh có thể gây ra những hành vi phạm pháp.

Theo số liệu thống kê, mỗi năm toàn tỉnh xảy ra hàng chục vụ án hình sự do người tâm thần gây ra. Riêng năm 2015 toàn tỉnh Hòa Bình đã xảy ra 5 vụ án giết người do người tâm thần gây ra. 

Thẩm phán Nguyễn Thị Dụ (Phó Chánh tòa Hình sự - TAND tỉnh Hòa Bình) chia sẻ: "Tính từ đầu năm đến hết tháng 3/2016, TAND tỉnh đã mở nhiều phiên tòa xét xử các bị cáo là người từng có biểu hiện tâm thần, hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi khi phạm tội. Đáng chú ý là người tâm thần phạm tội đang có xu hướng ngày càng gia tăng".

Theo Bác sĩ Vũ Trung Thành, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng người mắc bệnh tâm thần trên địa bàn tỉnh Hòa Bình tăng lên. Nhưng trong đó nguyên trực tiếp dẫn do sự quản lý của gia đình đối với người thân. 

Bệnh nhân tâm thần Bùi Văn Khoa có tới 30 năm sống trong cũi
Bệnh nhân tâm thần Bùi Văn Khoa có tới 30 năm sống trong cũi

"Hiện nay, đã xuất hiện nhiều bệnh nhân tâm thần, loạn thần do rượu và do sử dụng ma túy đã gây nên những tác động, ảo giác hoang tưởng cho người bệnh. Khi đã xuất hiện những tác động, ảo giác thì không ai có thể biết trước được hành vi của người ta. Bên cạnh đó, việc ngày càng có nhiều người tâm thần có biểu hiện rối loạn hành vi, gây nguy hiểm cho người khác cũng một phần là do chúng ta đang thiếu nguồn thuốc điều trị". 

Trên thực tế, do kính phí từ chương trình mục tiêu quốc gia và sự hỗ trợ của địa phương của nhiều tỉnh thành còn hạn chế nên hiện nay hầu hết các tỉnh đều thiếu thuốc để cấp cho người bệnh chứ không riêng gì ở Hòa Bình. Chính vì thiếu thuốc điều trị nên số bệnh nhân rối loạn hành vi gây nguy hiểm cho người khác vẫn còn cao. 

Có thể nói, để giải quyết vấn đề người tâm thần trong cộng đồng vẫn luôn được xem là một trong những vấn đề khá phức tạp và vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Tuy vậy, trước hết điều quan trọng nhất đó chính là sự quan tâm quản lý của gia đình, cộng đồng xã hội, không có sự kỳ thị, xa lánh người tâm thần. 

Bên cạnh đó, việc đảm bảo duy trì cho người bệnh sử dụng thuốc đầy đủ, ổn định cũng là một trong những giải pháp tích cực để góp phần phòng ngừa có hiệu quả tình trạng người tâm thần gây mất trật tự an toàn xã hội, hạn chế thấp nhất những bi kịch đau lòng do người tâm thần gây ra cho người thân và cộng đồng. 

Theo thống kê của TTYTDP huyện Lạc Sơn, tính đến ngày 7/10/2015, toàn huyện có 363 bệnh nhân tâm thần gồm 234 bệnh nhân tâm thần phân liệt, 126 bệnh nhân động kinh, 3 bệnh nhân trầm cảm. Trong đó có 12 bệnh nhân tâm thần phân liệt không ổn định.

Chủ yếu là do các bệnh nhân mới dùng thuốc, uống thuốc không đều và một số bệnh nhân tự ý bỏ uống thuốc. Ngoài 4 bệnh nhân tâm thần hiện đang bị xích, nhốt trong cũi ở xã Yên Nghiệp, theo Y sỹ Bùi Thị Hoài, trên địa bàn huyện còn có 4 bệnh nhân tâm thần phải xích ở nhà. 

Các bệnh nhân này gồm  Bùi Văn Mạnh (SN 1982, trú tại xóm Tưa, xã Ân Nghĩa); bệnh nhân Nguyễn Duy Mậu (SN 1959, ngụ xóm Tân Thành, xã Nhân Nghĩa); Bùi Văn Mạnh (SN 1987, ngụ xóm Chiềng, xã Liên Vũ); Bùi Văn Tài (SN 1981, ngụ xóm Bợ, xã Yên Phú) mỗi khi lên cơn thì đều có hành vi đập phá, gây nguy hiểm, thậm chí thương tích cho người khác nên gia đình các bệnh nhân này đều phải xích nhốt lại để quản lý. 

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.